Trang chủ / Công bố tài liệu / Tài liệu lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II – Nguồn sử liệu giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu phong trào kháng chiến ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Tài liệu lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II – Nguồn sử liệu giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu phong trào kháng chiến ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại Thành phố Hồ Chí Minh là một đơn vị trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, có nhiệm vụ thu thập, chỉnh lý, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng tài liệu, tư liệu lưu trữ thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc; tài liệu của các cơ quan, tổ chức trung ương của chế độ Việt Nam Cộng hòa, các cơ quan, tổ chức của Mỹ có trụ sở đóng tại miền Nam Việt Nam; các cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975; các cơ quan, tổ chức trung ương của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…. Hiện nay, tại Trung tâm đang lưu trữ một khối lượng lớn tài liệu có giá trị cao đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam và phục vụ các nhu cầu xã hội.

Về mặt ngôn ngữ, tài liệu ở Trung tâm II chủ yếu gồm 3 khối:  khối tài liệu chữ Hán Nôm, khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp và khối tài liệu lưu trữ tiếng Việt.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập, giới thiệu khái quát về tài liệu của chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954-1975).

Tài liệu của các cơ quan, tổ chức của chế độ Việt Nam cộng hòa và các cơ quan, tổ chức của Mỹ có trụ sở tại miền Nam Việt Nam còn lại khoảng 5.000m tài liệu, được hình thành cùng với quá trình hình thành, hoạt động và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam 1954-1975. Là nguồn sử liệu có giá trị cao cho việc nghiên cứu phong trào kháng chiến ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Trong đó, có thể kể đến một số phông tài liệu tiêu biểu như: Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa, Hội đồng Quân nhân cách mạng, Uy ban Lãnh đạo Quốc gia, Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa, Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, Hội đồng An ninh Phát triển, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ,.

  1. Phông Phủ Tổng thống đệ nhất cộng hòa: gồm 460m tài liệu có thời gian từ 1954 – 01/11/1963.

Ngày 16/6/1954, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về nước làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam, và sau đó tổ chức truất phế Bảo Đại (ngày 8/5/1955), tổ chức bầu cử Quốc hội, ban hành Hiến pháp lập nền đệ nhất cộng hòa ở miền Nam Việt Nam và tự phong mình làm tổng thống nắm mọi quyền hành về đối nội và đối ngoại.

Về đối ngoại: Tổng thống có quyền ký kết và phê chuẩn các điều ước và hiệp định quốc tế; bổ nhiệm các Đại sứ; có quyền tuyên chiến và ký hòa ước với sự thỏa thuận của Quốc hội.

Về đối nội: Tổng thống điều khiển tất cả các cơ quan hành pháp trong nước; được quyền ân xá, ân giảm, hoán cải hình phạt; lập dự án ngân sách chuyển sang Quốc hội và là Tư lệnh tối cao của các lực lượng quân sự.

Giúp việc cho Tổng thống có:

– Văn phòng Phủ Tổng thống gồm: Văn phòng Đặc biệt, Nha Báo chí, Nha Nghi lễ, Nha Giao tế, Sở Nội dịch, Nha Nhân viên và Kế toán, Sơ Mật mã và Bí thư, Tham Mưu Biệt bộ, Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống, Sơ Văn thư và Lưu trữ công văn, Sở Hộp thư Dân ý.

– Toà Tổng thư ký Phủ Tổng thống: phụ trách các vấn đề hành chính và chính trị cần được nghiên cứu kỹ, nhất là các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nhiều bộ.

– Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống: có nhiệm vụ giúp Tổng thống về các vấn đề Tổng thống giao phó, ngoài ra còn có nhiệm vụ phối hợp các công việc và kiểm soát các cơ quan trực thuộc Phủ Tổng thống như: Nha Ngân sách, Nha Tổng Giám đốc Công vụ, Nha Tổng Giám đốc Kế hoạch …

Các Nha, Sở trong Dinh đều làm việc dưới sự phối hợp của Bộ trưởng, cũng như dưới quyền điều động trực tiếp cuả Đổng lý Văn phòng và Tổng Thư ký.

Ngoài các Nha, Sở trực thuộc còn có các Hội đồng do Tổng thống hoặc  Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống thừa lệnh chủ tọa như:

– Hội đồng Quốc gia Ngoại viện;

– Hội đồng Ủy ban Thống kê;

– Hội đồng Quản trị Quốc gia Doanh tế cục;

– Hội đồng Du học.

Ngoài ra, Phủ Tổng thống còn có các cơ quan chuyên môn sau:

– Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội có nhiệm vụ: Theo dõi tổng hợp báo cáo lên Tổng thống tình hình về phương diện chính trị, quân sự, hành chính, kinh tế, xã hội và đệ trình những đề nghị cần thiết về các ngành hoạt động.

– Nha Đặc uỷ Trung Hoa Sự vụ, có nhiệm vụ: “Theo dõi các hoạt động, dưới mọi hình thức của người Hoa kiều trong toàn quốc, nhất là tại Sài Gòn – Chợ Lớn”.

– Ban Chuyên viên Kỹ thuật, Các Tham vụ và Phụ tá Chuyên môn,…

  1. Phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa: gồm 158m có thời gian từ 1967 – 30/4/1975.

Ngày 03/9/1967, sau một loạt các cuộc đảo chính, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Sài Gòn mới tổ chức được cuộc bầu cử đưa Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, lập nền đệ nhị cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Theo Hiến định, Nguyễn Văn Thiệu trải qua 2 nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ I từ ngày 3/9/1967-3/10/1971 và nhiệm kỳ II từ 3/10/1971-31/10/1975. Tuy nhiên, trước sức mạnh của phong trào kháng chiến nên ngày 21/4/1975 Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức giao quyền lại cho Trần Văn Hương (21-27/4/1975), rồi Dương Văn Minh (27-30/4/1975), và đến ngày 30/4/1975, chế độ Việt Nam cộng hòa hoàn toàn sụp đổ.

Giúp việc cho Tổng thống tại Phủ Tổng thống gồm có: Cơ quan riêng biệt và Tòa Tổng thư ký. Đến tháng 10/1969, cơ cấu Phủ Tổng thống thay đổi gồm: Thành phần cố vấn, thành phần riêng biệt, thành phần phụ trách các lĩnh vực quốc gia, thành phần quản trị hành chính và các cơ quan trực thuộc như: Phủ Đặc ủy TW tình báo, Tổng nha Ngân sách và Ngoại viện, Tổng nha Kế hoạch.

Các thành phần và cơ quan trên là bộ máy giúp việc Tổng thống về các vấn đề liên quan đến việc ấn định các chính sách và kế hoạch quốc gia; theo dõi, nhật tu các phúc trình và các vấn đề liên quan tới quân lực VNCH như: kế hoạch phòng thủ lãnh thổ, theo dõi các hoạt động của đồng minh, thu thập các tin tức, tài liệu trong phạm vi trách nhiệm, thu thập các tin tức trên báo chí; các vấn đề chỉ đạo đường lối, chính sách thuộc các lĩnh vực quốc gia, phối hợp hoạt động khi công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau có nhận định chung và trình lên Tổng thống; liên lạc với các cơ quan Hành pháp, Lập pháp, Đoàn thể để thu thập tài liệu, nhận định tình hình, làm sáng tỏ đường lối, chính sách do Tổng thống đề ra; quản trị và yểm trợ tất cã các cơ quan thuộc phủ trên phương diện nhân viên, ngân sách, công ốc, vật liệu, công xa, bảo đảm an ninh cho Tổng  thống và gia đình.

Về nội dung tài liệu của hai phông trên bao gồm về lập pháp, tư pháp, an ninh – chính trị, quân sự – quốc phòng, kinh tế – văn hóa, xã hội và tài liệu về hoạt động riêng biệt của tổng thống. Trong đó, ngoài các tài liệu về tổ chức hành chính, ngoại giao tài liệu về an ninh, chính trị , quân sự gồm:

Về an ninh, chính trị  – quân sự:

– Phúc trình hàng ngày của các tỉnh về tình hình an ninh, chính trị.

– Bản tin tức của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về tình hình các nước Á châu, Việt Nam;

– Phúc trình hoạt động và chương trình công tác hàng tháng, năm của Bộ Quốc phòng, Tham mưu Biệt bộ, Tiểu đoàn An ninh Phủ Tổng thống, tài liệu của Phòng Nhì – Bộ Tổng Tham mưu.

– Bản tin tức của Tham mưu Biệt bộ về hoạt động của Việt cộng và các lực lượng;

– Tờ trình, công văn của Nha An ninh Quân đội, Tiểu đoàn an ninh Phủ Tổng thống về tình hình an ninh.

– Báo  cáo hoạt động tháng, năm của Nha Tổng Giám đốc Bảo an, phúc trình của Hiến binh Quốc gia về tình hình an ninh hàng ngày tại các tỉnh.

– Tài liệu về kết qủa các cuộc hành quân;

– Tài liệu về trận liệt Việt Cộng;

– Tài liệu về tổ chức và hoạt động của UB 202: phá hủy ruộng rẫy và diệt trừ mùa màng Việt cộng  bằng hoá chất 2R, khai quang đồn bốt, các yếu điểm và cơ cấu tiếp vận của Việt cộng bằng hoá chất 2op, khai quang các trục lộ giao thông bằng hoá chất 2ot;

– Tài liệu của Văn phòng Tổng thống, Nha Tổng Giám đốc Bảo an, các tỉnh về các hoạt động chống phá Chính phủ.

– Tài liệu v/v kiểm soát lưu thông vùng biên giới Việt – Miên – Lào;

– Tài liệu về tình hình chính trị tại các tỉnh;

– Tài liệu chỉ đạo, kế hoạch, báo cáo chung vế tình hình quân sự, an ninh, chính trị.

– Bản tổng hợp tin tức hàng tuần của Phủ Tổng thống về quân sự, chính trị trong nước và ngoài nước.

– Phiếu trình, phiếu tin tức của UB phối hợp Tình báo Quốc gia về tình hình quân sự, chính trị.

– Kế hoạch, báo cáo của Bộ Quốc phòng.

– Tài liệu của Phủ Tổng thống, Cố vấn Hoa Kỳ (MAV)

– Tài liệu của Bộ Quốc phòng về các kế hoạch và chiến dịch.

– Tài liệu của Bộ Quốc phòng về lực lượng quân sự Bắc Việt.

– Báo cáo đặc biệt của Cục An ninh Quân đội VNCH.

– Tài liệu của Bộ Quốc phòng về tổn thất nhân mạng, vũ khí của quân đồng minh, quân lực VNCH và Việt cộng.

– Bản sao bản tổng hợp tin tức quân sự, Biên bản phiên họp của Uỷ hội Quốc tế về chiến tranh tại Việt Nam;

  1. Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa: gồm hơn 700m tài liệu có thời gian từ 1954-1975.

Ngày 23/10/1955, sau cuộc trưng cầu dân ý, chính thể cộng hòa được thành lập, Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa cũng theo đó ra đời. Từ năm 1954-1975, trải qua 12 đời Thủ tướng, về cơ bản tổ chức Phủ Thủ tướng được chia làm 2 giai đoạn (từ 1954-1965 và từ 1965-1975).

Với cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và hoạt động thực tế, Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa đã sản sinh một khối lượng lớn tài liệu liên quan đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của chế độ Việt Nam cộng hòa từ 1954-1975, gồm các nội dung sau:

  1. Tài liệu chung:

– Tài liệu về các phiên họp Hội đồng Nội các, Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Quân chánh, Hội đồng Dân quân …

– Chương trình, kế hoạch và báo cáo hoạt động của Phủ, Bộ và các tỉnh.

– Các Quyết định, Nghị định, Biên bản họp Hội đồng Nội các.

– Các Công văn, công điện,  sự vụ lệnh.

– Tài liệu về công tác bình định xây dựng,  phát triển, ấp chiến lược.

– Tài liệu về viện trợ của Hoa Kỳ cho chương trình phát triển.

– Tài liệu về hoạt động của Trung tâm Điện toán.

– Ngoài các tài liệu về hành chính tổ chức, tài liệu riêng biệt, về thanh tra ngoại vụ, kinh tế tài chính còn có tài liệu về an ninh, chính trị, quân sự.

  1. Tài liệu về an ninh – chính trị – quân sự gồm có:

– Chương trình, kế hoạch quân sự, an ninh, tình báo …

– Báo cáo hoạt động của Bộ Quốc phòng, các  quân khu, đơn vị.

– Tài liệu về các hiệp ước, thỏa ước quân sự với nước ngoài.

– Các bản tin, công văn, công điện về tình hình an ninh, quân sự và chính trị trong và ngoài nước.

– Tài liệu v/v tuyển dụng đào tạo sĩ quan, huấn luyện và công tác quân dịch.

– Bản đồ hành chính, quân sự, không ảnh.

– Hồ sơ các cuộc hành quân, chiến dịch.

– Hồ sơ các hoạt động của Việt Minh, Việt Cộng và các lực lượng đảng phái đối lập.

– Tài liệu v/v kiểm soát hoạt động của các hiệp hội, nghiệp đoàn.

– Tài liệu về vấn đề di cư, tị nạn.

– Hồ sơ v/v quản lý, sử dụng và cấp phát quân trang, quân dụng, và khí tài quân sự.

– Tài liệu v/v kiểm soát, xuất, nhập cảnh.

– Tài liệu v/v bảo đảm an ninh cho Thủ tướng và nguyên thủ quốc gia.

– Hồ sơ về các cuộc đảo chính và biến cố chính trị.

– Tài liệu v/v kiểm tra tài nguyên quốc gia trong thời kỳ bình định lãnh thổ.

– Hồ sơ về các cuộc công du, thăm viếng các quân khu, tỉnh của các nguyên thủ quốc gia.

– Tài liệu về hoạt động của quân đội Hoa Kỳ và các nước tại VNCH.

– Hồ sơ các phiên họp của Ủy ban An ninh.

– Tài liệu về hoạt động của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam : Hội đồng Thập tự, Ủy hội Quốc tế, Uỷ Ban Liên hợp Quân sự 4 bên.

  1. Tài liệu về ngoại vụ:

– Tài liệu về các cuộc thăm viếng của các phái đoàn, chính khách VNCH và các nước, các tổ chức tôn giáo.

– Tài liệu về các cuộc thương thuyết, thỏa ước, giữa VNCH với các nước.

– Hoạt động của Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại các nước.

– Tài liệu về chính sách đối ngoại của Việt Nam Cộng hòa.

– Tài liệu v/v tham dự các hội nghị quốc tế.

– Tài liệu về ngoại giao của Việt Cộng.

– Tài liệu về hoạt động của quân đội Bắc Việt.

– Tài liệu về tình hình Việt kiều ở các nước.

  1. Phông Hội đồng an ninh và phát triển: gồm 85m, có thời gian từ 1965-1975.

Ngày 5/4/1965, chính quyền Sài Gòn cho thành lập Hội đồng Tái thiết Nông thôn với nhiệm vụ vạch kế hoạch và thực hiện bình định nông thôn. Qua từng giai đoạn, với các nhiệm vụ khác nhau, Hội đồng này thường xuyên được nâng cấp và củng cố tổ chức. Từ Hội đồng Tái thiết Nông thôn đến Hội đồng Xây dựng Nông thôn, Hội đồng Bình định và Xây dựng nông thôn, rồi Hội đồng Bình định và Phát triển. Cuối cùng vào ngày 22/2/1974, nó chính thức được nâng cấp thành Hội đồng An ninh và Phát triển.

Với thành phần Hội đồng bao gồm:

– Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch;

– Các Phó Thủ tướng, Tổng trưởng các Bộ, ngành – Hội viên;

– Trung tâm Trưởng Trung tâm Điều hợp An ninh và Phát triển TW – Tổng Thư ký.

Có nhiệm vụ:

– Ấn định các nguyên tắc căn bản cho toàn bộ các vấn đề an ninh và phát triển;

– Thiết lập và ban hành kế hoạch cộng đồng an ninh và cộng đồng phát triển địa phương hàng năm;

– Cứu xét và duyệt y các kế hoạch, chương trình an  ninh phát triển  do Hội đồng An ninh Phát triển Quân khu, Đô, Tỉnh, Thị đệ trình;

– Hướng dẫn và kiểm soát thực thi các kế hoạch, chương trình an  ninh và phát triển tại các địa phương.

Với quyền hạn và hoạt động, Hội đồng An ninh và Phát triển đã sản sinh ra một khối tài liệu liên quan đến vấn đề bình định và kiểm soát quần chúng nhân dân, cụ thê(:

– Chương trình, kế hoạch, báo cáo công tác.

– Tài liệu về các hội nghị an ninh quân sự, các hoạt động quân sự.

– Tài liệu về các vấn đề về an  ninh, tình  báo, nhân dân tự vệ, và các hoạt động về chiêu hồi, ngưng bắn, thiết lập ngoại giao.

– Phát triển nông nghiệp, nông thôn.

– Tài liệu về ngân sách, tín dụng và viện trợ Mỹ.

*

*          *

Trên đây là một số phông tài liệu tiêu biểu trong khối tài liệu tiếng Việt đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, đây là nguồn sử liệu giá giúp các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có cứ liệu để nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách toàn diện, khách quan và chính xác về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam nói chung và phong trào kháng chiến ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 -1975 nói riêng.

TS. Nguyễn Xuân Hoài

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *