Trang trại – một loại hình sản xuất nông nghiệp xuất hiện sớm trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, kinh tế trang trại cũng được hình thành và trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng kinh tế trang trại chỉ thật sự trở thành loại hình sản xuất chủ chốt và có vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là từ khi Đảng ta chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đất nước.
Kinh tế trang trại có vai trò rất quan trọng trong khai thác có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời tạo thêm việc làm tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân công lại lao động ở nông thôn, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực tế đó khẳng định tính ưu việt vượt trội của kinh tế trang trại – một hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu của nền nông nghiệp hàng hóa nước ta.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, nhà nước nói chung, Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại và Đề án Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2012 của UBND tỉnh Đồng Nai) nói riêng, kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai đã có bước phát triển đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai phát triển còn mang tính tự phát, chưa bền vững, những kết quả đạt được trong phát triển KTTT chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế trang trại đến việc nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn làm căn cứ cho việc xác định và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế trang trại của tỉnh Đồng Nai cũng còn tồn tại những hạn chế, bất cập.
Bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, luận giải làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại làm căn cứ để xác định các quan điểm và giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu đặt ra là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Với lý do đó, tác giải lựa chọn vấn đề “Phát triển kinh tế trạng trại tỉnh Đồng Nai” làm đề tài luận văn thạc sĩ.
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Kinh tế trang trại và phát triển kinh tế trang trại có ý nghĩa quan trọng trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng theo hướng sản xuất hàng hóa. Bởi vậy, đã có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu đề cập đến kinh tế trang trại và phát triển kinh tế trang trại ở các khía cạnh khác nhau. Trong đó, đáng chú ý một số tài liệu, công trình tiêu biểu sau:
Trước hết phải kể đến các công trình nghiên cứu chung về nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam từ thời kỳ đổi mới, bao gồm: Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986 – 2002) của tác giải Nguyễn Sinh Cúc; Về chính sách đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay của tác Trần Thị Minh Châu, xuất bản năm 2007; Nông dân làm giàu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xuất bản năm 2010; Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay của tác giả Đoàn Xuân Thủy, xuất bản năm 2011; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới giai đoạn 2011 – 2020 của tác giả Nguyễn Thị Tố Quyên xuất bản năm 2012… Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận, phân tích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khảo sát đánh giá thực trạng bằng phương pháp khoa học kết hợp định lượng và định tính, các tác giả đã luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có kinh tế trang trại, từ đó đề ra những định hướng và giải pháp cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung, kinh tế trang trại ở Việt Nam nói riêng.
Tiếp đến là các công trình nghiên cứu có tính chất chuyên khảo về kinh tế trang trại và phát triển kinh tế trang trại ở Việt Nam như:
Tư liệu về kinh tế trang trại do Trần Văn Các chủ biên, năm 2000. Đây được coi là tác phẩm chuyên khảo đầu tiên đề cập một cách tương đối hoàn chỉnh về kinh tế trang trại Việt Nam. Tác phẩm được trình bày dưới dạng kỷ yếu, trong đó tổng hợp có hệ thống các chủ trương, chính sách định hướng của Đảng, Nhà nước qua 141 bài nghiên cứu, báo cáo của các nhà nghiên cứu và quản lý kinh tế về phát triển kinh tế trang trại ở nước ta.
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Đình Hương, Nxb CTQG, Hà Nội. 2000. Trong đó, tác giả đã phân tích và đánh giá những thành tựu, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế trang trại ở Việt Nam dưới góc độ kinh tế ngành, đồng thời đưa ra những giải pháp mang tầm vĩ mô nhằm chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại nước ta trong thời gian tới.
Làm giàu bằng kinh tế trang trại – mô hình kinh tế trang trại trẻ của Trần Kiên và Phúc Kỳ, Nxb Thanh niên, năm 200l. Trong công trình nghiên cứu của mình, các tác giả đã đưa ra quan điểm riêng về kinh tế trang trại cùng con đường, cách thức, biện pháp để làm giàu bằng kinh tế trang trại và phát triển kinh tế trang trại trong tình hình mới.
Kinh tế trang trại với xóa đói giảm nghèo của tác giả Ngô Đức Cát, ấn hành năm 2004. Thông qua khảo sát thực trạng, quy mô của kinh tế trang trại và tìm hiểu các nguyên nhân khách quan về kinh tế – xã hội, năng lực và điều kiện chủ quan của các hộ nông dân, tác giả đã phân tích mối quan hệ qua lại giữa tình trạng đói nghèo với sự phát triển kinh tế trang trại và đi đến khẳng định: vai trò của kinh tế trang trại không chỉ tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn mà còn có vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Kinh tế trang trại ở Việt Nam phân tích từ góc độ địa lý kinh tế và sinh thái, năm 2009 của tác giả Nguyễn Viết Thịnh. Với phương pháp tiếp cận mới, phân tích sự phát triển kinh tế trang trại trên cơ sở so sánh với nguồn lực về đất đai, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, sinh thái của Việt Nam, tác giả đã đưa ra những số liệu, luận chứng về thành tựu và những tồn tại trong phát triển kinh tế trang trại ở Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất một giải pháp một số chính sách, giải pháp về kinh tế – xã hội nhằm thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, do sản xuất nông nghiệp nói chung, kinh tế trang trại nói riêng ở mỗi vùng, tiểu vùng, các địa phương có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội, nên cũng có những đặc điểm riêng biệt. Vì vậy, ngoài các công trình với không gian nghiên cứu chung trên phạm vi cả nước, còn có các đề tài, bài viết nghiên cứu về kinh tế trang trại và phát triển kinh tế trang trại trong phạm vi vùng hoặc địa phương, như:
Kỷ yếu đề tài khoa học cấp bộ Kinh tế trang trại miền Đông Nam bộ – thực trang và xu hướng phát triển đến năm 2005 của Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh công bố năm 1999. Kỷ yếu tập hợp 16 bài viết của các học giả trong nước liên quan đến vấn đề lý luận, quá trình hình thành và thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở miền Đông Nam bộ. Trên cơ sở đánh giá các nguyên nhân khách quan, chủ quan, những yếu tố tác động về kinh tế – xã hội, các tác giả đề cập xu hướng phát triển kinh tế trang trại ở miền Đông Nam bộ trong giai đoạn 2000-2005.
Đáng lưu ý, với ý nghĩa khoa học và thời sự của kinh tế trang trại nên đã có khá nhiều luận văn, khóa luận tốt nghiệp các chuyên ngành kinh tế chính trị, kinh tế nông nghiệp, địa lý học, lịch sử,… chọn phát triển kinh tế trang trại của một địa phương làm đề tài nghiên cứu. Trong đó, phải kể đến số lượng đáng kể các luận văn nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trạng trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Gia Lai, Bình Thuận, Hưng Yên,…Trong đó, nghiên cứu về kinh tế trang trại Đồng Nai có:
Ngô Thị Bích Thuận Phân tích kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai từ góc độ địa lý kinh tế – xã hội, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Địa lý học, năm 2010. Trong luận văn, cùng với việc phân tích thực trạng trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu của ngành Địa lý học, tác giả đã đánh giá các nhân tố (chủ yếu là các nhân tố kinh tế – xã hội liên quan đến đất đai, điều kiện tự nhiên) tác động đến hiệu quả sản xuất của một số loại hình trang trại chủ yếu tại tỉnh Đồng Nai. Qua đó, đề xuất một số kiến nghị trong việc hoạch định các chính sách nhằm phát huy tốt các nguồn lực về địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại ở Đồng Nai.
Ngoài ra, còn một số bài báo viết về sự phát triển, kết quả kinh doanh, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất của các loại hình trang trại trồng cây ăn quả, trang trại chăn nuôi… ở Đồng Nai, tiêu biểu như: Đồng Nai – kinh tế trang trại đang khởi sắc của Trung tâm tin học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đăng trên báo Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp, số tháng 2 năm 2008; Vấn đề tích tụ đất làm trang trại của tác giả Nguyễn Thương trên Báo Đồng Nai năm 2008; Kinh tế trang trại: Mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp ở Xuân Lộc (2014) trên trang web điện tử tỉnh Đồng Nai v.v…
Qua các thống kê trên cho thấy, các công trình nghiên cứu về kinh tế trang trại Việt Nam khá phong phú với các cấp độ và hướng tiếp cận khác nhau. Các công trình đã nêu ra và đều mong muốn làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của kinh tế trang trại để tìm ra hướng đi, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để phát huy vai trò của kinh tế trang trại trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của đất nước nói chung trên phạm vi từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, kinh tế trang trại ở Đồng Nai – một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, giàu tiềm năng cho phát triển kinh tế trang trại và thực tế đã, đang là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh của kinh tế trang trại, nhưng cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu về phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai dưới góc độ kinh tế chính trị.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
* Mục đích:
Trên cơ sở luận giải cơ sở lý luận, thực tiễn phát triển kinh tế trang trại, luận văn đề xuất một số quan điểm cơ bản và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.
* Nhiệm vụ
– Làm rõ quan niệm, nội dung và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trang trại.
– Phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai thời gian qua.
– Đề xuất một số quan điểm cơ bản và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài
* Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là phát triển kinh tế trang trại.
* Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu là tỉnh Đồng Nai.
Các số liệu điều tra, khảo sát phục vụ cho đánh giá thực trạng được thực hiện chủ yếu từ năm 2000 đến nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài
* Cơ sở lý luận:
Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp; đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học về kinh tế trang trại và phát triển kinh tế trang trại là cơ sở lý luận của đề tài.
* Phương pháp nghiên cứu:
Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, luận văn sử dụng phương pháp đặc thù của kinh tế chính trị Mác – Lênin (trừu tượng hóa khoa học) và các phương pháp khác như: kết hợp lôgíc và lịch sử, phân tích và tổng hợp, thống kê, so sánh và phương pháp chuyên gia.
Góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại nói chung, kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai nói riêng. Qua đó, góp phần cung cấp thêm cứ liệu khoa học có ý nghĩa tham khảo và khuyến nghị với Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành tỉnh Đồng Nai trong xác định chủ trương, chính sách và các giải pháp phát triển kinh tế trang trại .
Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn kinh tế chính trị ở các trường đại học, cao đẳng.
MỞ ĐẦU | |
Chương 1. |
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH ĐỒNG NAI
|
1.1. |
Cơ sở lý luận về phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai |
1.2. |
Thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai trong những năm qua
|
Chương 2. |
QUAN ĐIỂM CƠ BẢN VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TỈNH ĐỒNG NAI TRONG THỜI GIAN TỚI
|
2.1. |
Những quan điểm cơ bản phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới |
2.2. |
Một số giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Đồng Nai trong những năm tới |
KẾT LUẬN | |
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO | |
PHỤ LỤC |