Trang chủ / Công bố tài liệu / Chế độ Việt Nam Cộng hòa: 30 ngày trước giờ sụp đổ – “Níu kéo”

Chế độ Việt Nam Cộng hòa: 30 ngày trước giờ sụp đổ – “Níu kéo”

Ngày 21-4-1975, Xuân Lộc thất thủ, Tổng thống Ford ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức, khiến dư luận lầm tưởng về sự từ bỏ can thiệp vào Việt Nam trong chính sách của Hoa Kỳ và giải pháp thương lượng để đi đến hoà bình ở miền Nam Việt Nam là điều có thể trông thấy ở trước mắt. Nhưng thực tế, những ngày cuối tháng 4-1975, Tổng thống Ford và VNCH vẫn cố “níu kéo” một giải pháp tối ưu nhất cho hiện trạng Việt Nam.

Ngày 18-4-1975, hai ngày trước khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Toà đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore tiết lộ thông tin: Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Hancock đêm thứ sáu đã rời khỏi hải phận Xingapo, để đến một nơi chưa được tiết lộ[1], khiến người ta suy đoán hàng không mẫu hạm này đi đến hải phận Việt Nam. Qua ngày 20-4-1975, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chính thức loan báo việc di chuyển không phải của một mà là 5 hàng không mẫu hạm. Thông báo được “Reuter”[2] tường thuật:

Năm hàng không mẫu hạm Mỹ lên đường tới các địa điểm không được tiết lộ trong vùng tây bộ Thái Bình Dương hôm nay.

Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo là hàng không mẫu hạm “Midway” và mẫu hạm trực thăng “Ôkinaoa” đã rời vịnh Subic ở Philippin. Hàng không mẫu hạm “Hancock” đã rời Xingapo tối qua và hai hàng không mẫu hạm khác là “Enterprise” và “Coral Sea” cũng đã ra khơi trước đó”[3].

Đồng thời ngày 21-4-1975, báo chí cũng đồng loạt đưa tin chỉ trong hai tuần chính phủ Mỹ đã viện trợ cho chính quyền Sài Gòn hàng trăm tấn vũ khí. “Tính từ ngày 04-4-1975 đến nay đã có trên 100 phi vụ bằng vận tải cơ khổng lồ của không lực Mỹ chuyển vận tới Việt Nam các quân tiếp liệu chính yếu gồm vũ khí cá nhân, trọng pháo, thiết giáp, vũ khí chống chiến xa và các trang bị khác. Nguồn tin từ tổng cục chiến tranh chính trị cho hay, cũng trong khoảng thời gian nói trên song song với những phi vụ tiếp tế kể trên, còn có nhiều chuyến tàu thuỷ chuyển vận số lượng đạn dược quan trọng từ Mỹ đến Việt Nam Cộng hoà”.[4]

Thậm chí, mượn chiêu bài di tản, Tổng thống Ford yêu cầu và được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn cho phép đưa quân trở lại Việt Nam khi cần thiết. Ngày 22-4-1975, qua hệ thống thông tin, Tổng thống Ford không úp mở tuyên bố: “một lực lượng quân sự có thể được đưa trở lại Việt Nam để giúp di tản những người Việt Nam có liên hệ tới Mỹ…” và xác nhận “một số lớn binh sĩ thuỷ quân lục chiến sẵn sàng tác chiến đã được đưa ra khỏi Hạ Uy Di[5][6].

Cùng thời điểm, tại Quốc hội Hoa Kỳ, Mỹ tướng Weyand và Ngoại trưởng Kssinger không ngừng kêu gọi viện trợ quân viện cho chính quyền Sài Gòn với lập luận: “Tư thế quân sự tại Nam Việt hiện nay hầu như tuyệt vọng. Một số quân viện bổ túc cho Nam Việt … sẽ khiến cho giới lãnh đạo tại Nam Việt đạt được một cuộc dàn xếp qua đường lối thương thuyết thay vì phải đương đầu với một sự chiếm đóng bất thần”[7]. Để rồi được “Hạ viện đã chấp thuận thêm 165 triệu Mỹ kim quân viện và một số ngân khoản tương đương để viện trợ kinh tế cho Nam Việt”2.

Ngày 22-4-1975, Hạ viện Hoa Kỳ chấp thuận viện trợ khẩn cấp 330 triệu USD cho chính quyền Sài Gòn. Cùng ngày, 12 phản lực cơ C141 Mỹ cũng chở đầy vũ khí và đạn dược tới phi trường Tân Sơn Nhất.

Nằm trong kế hoạch, Hoa Kỳ dựng Trần Văn Hương – một nhân vật đã 72 tuổi, bị đánh giá là háo danh và bù nhìn, lên làm tổng thống chính quyền Sài Gòn để làm bình phong che mắt dư luận.

Nhưng nhận định rõ âm mưu của Mỹ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên tiếng tố cáo chính sách hai mặt của Tổng thống Ford và tuyên bố chỉ có thể thương lượng với hai điều kiện. Một là, phải thay thế hoàn toàn chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Hai là, Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn việc dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam. Đồng thời, ngày 22-4-1975, Đài Giải phóng chính thức phát lệnh tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.

Không đạt được mục đích, người Hoa Kỳ quay ra tìm kiểm cơ hội trong việc dựng lên ở miền Nam Việt Nam chính phủ bao gồm các nhân vật của cái gọi là “thực thể chính trị thứ ba”. Vì vậy, ngày 25-4-1975, Trần Văn Hương phải nhường ghế Tổng thống chính quyền Sài Gòn cho Dương Văn Minh – một nhân vật thân Pháp, người tự coi là đứng đầu “thực thể chính trị thứ ba”, làm người thương thuyết với phía bên kia.

Ngay sau đó, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh thực hiện đúng lời yêu cầu của phía bên kia, thay đổi toàn bộ nội các của Thiệu bằng một nội các gồm những nhân vật đứng trong hàng ngũ của lực lượng tự xưng là “thành phần thứ ba” do Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng chính quyền Sài Gòn.

Ngày 29-4-1975, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu trình lên Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh thành phần nội các mới. Nhưng những “níu kéo” cuối cùng của Mỹ – chính quyền Sài Gòn đều trở thành quá muộn.

17 giờ ngày 26-4-1975 cuộc tổng công kích, tiến công giải phóng Sài Gòn của Quân giải phóng bắt đầu. Hoa Kỳ lập tức mở chiến dịch di tản. Binh lính sĩ quan chính quyền Sài Gòn nhốn nháo bỏ chạy. Đến 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập – trung tâm đầu não cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, bắt tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ Nội các Vũ Văn Mẫu vào trình diện tổng thống. Đến đây, sau hai tháng tần tốc, Quân Giải phóng tiến hành toàn thắng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, đánh bại hoàn toàn quân đội Sài Gòn với sự chi viện của Hoa Kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mang lại hoà bình thống nhất cho dân tộc Việt Nam.

HN

[1]. Tin viễn ấn ngoại quốc số 8787 ngày 20-4-1975, phông PTTg, hồ sơ 3791.

[2]. Hãng thông tấn lớn có trụ sở tại nước Anh.

[3]. Tin viễn ấn ngoại quốc ngày 21-4-1975, phông PTTg, hồ sơ 3791.

[4]. Báo Dân chủ, Sài Gòn ngày 22-4-1975, phông ĐIICH, hồ sơ 5255.

[5]. Tức là quần đảo Haoai bang thứ 50 của Hoa Kỳ.

[6] Tin viễn ấn ngoại quốc ngày 23-4-1975.

[7] Bản kiểm thính đài phát thanh ngày 22-4-1975 của Phủ Đặc uỷ trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn, hông PTTg, 18716.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *