5 bài học quan trọng nhà khởi nghiệp cần biết

Đây là những bài học quan trọng mà Robert Li – Nhà sáng lập của RET.asia (một trang web kết nối cộng đồng đầu tư bất động sản) rút ra được sau khi tham gia chương trình Hội trại khởi nghiệp Ventures Alpha Startups Bootcamp tại Philippines, được đăng tải trên trang Tech in Asia.

1. Đừng là người đầu tiên mà hãy là người cuối cùng

Trở thành người cuối cùng không có nghĩa bạn thiếu khả năng sáng tạo hay dở hơn người khác.

Trước năm 2000, khi “quả bóng” dotcom bùng nổ đã có hơn 70 công cụ tìm kiếm, trong đó có W3Catalog, ra đời nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm của con người trên internet. Đa phần trong số chúng giờ không còn tồn tại, đặc biệt khi 68% thị trường công cụ tìm kiếm toàn cầu hiện đã về tay “gã khổng lồ” Google và tất nhiên, cũng chẳng ai còn nhớ W3Catalog như công cụ tìm kiếm đầu tiên xuất hiện trên internet.

Bài học rút ra ở đây là người tiên phong chưa hẳn là người tạo bước đột phá, và cho dù làm được điều đó cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ đánh bật các đối thủ trong tương lai. Do đó, đừng quá lo lắng về xuất phát điểm của bản thân, bởi mà trong kinh doanh, người “trụ” lại sau cùng mới là người chiến thắng.

2. Học cách lắng nghe

Hầu như ai bắt đầu khởi nghiệp cũng đều tràn đầy nhiệt huyết và tin rằng mình có thể tạo ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề hiện tại. Suy nghĩ này là điều cần thiết nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi nếu bạn là người chưa biết cách lắng nghe người khác.

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với nhà khởi nghiệp là học lắng nghe một cách chân thành.

Hãy coi trọng bài học từ những người từng khởi nghiệp thất bại, xem những chia sẻ của họ như cơ hội học hỏi kinh nghiệm và lắng nghe lời khuyên từ tất cả mọi người kể cả khi bạn chưa cần đến chúng.

3. Kiên trì tới cùng

Theo Robert, mọi phương pháp về khởi nghiệp đều chỉ tóm gọn trong 3 bước đơn giản. Đó là: Sáng tạo, thử nghiệm, và lặp lại. Về bản chất, kinh doanh là quá trình phát triển bằng việc thử nghiệm những cái mới và liên tục học hỏi từ những cái cũ. Do đó, hãy kiên trì tới cùng và đừng bỏ cuộc giữa chừng.

4. Đừng ảo tưởng về tiền đầu tư

Số tiền đầu tư sẽ không làm cho bạn trông có vẻ giàu hơn hay giúp công ty đạt doanh thu cao hơn mà thực chất, đó là khoản nợ bạn phải trả trong tương lai. Tuy nhiên không phải nhà khởi nghiệp nào cũng ý thức được điều này.

Dù đó là tiền của cha mẹ đầu tư cho bạn thì ít nhất họ cũng hy vọng bạn biết cách sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Cho nên nếu số tiền đó đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm thì chắc chắn sự mong đợi còn cao hơn thế. Bởi họ đầu tư tiền cho bạn không phải để bạn làm những điều mình muốn, và cũng chưa chắc đó là tiền của họ.

Nhà đầu tư mạo hiểm quản lý các quỹ đầu tư mạo hiểm, nơi nhà khởi nghiệp được xem như một thương vụ đầu tư nên họ luôn mong đợi công ty sẽ có khả năng sinh lời như dự kiến.

Vì vậy, bạn nên xác định rằng càng nhiều nhà đầu tư mạo hiểm quyết định đầu tư vào công ty thì bạn càng phải làm việc chăm chỉ. Bạn càng kiếm được nhiều tiền thì những mong đợi từ họ sẽ càng cao. Do đó, hãy biết lượng sức mình!

5. Học cách làm việc thông minh

Khi khởi nghiệp, bạn phải chấp nhận việc sẵn sàng làm thêm giờ và dồn hết tâm trí phát triển ý tưởng bởi không ai trên thế giới này hiểu và quan tâm đến chúng bằng bạn.

Tuy nhiên đây vốn là một công việc vất vả và diễn ra đều đặn trong thời gian dài do đó, nếu chỉ chăm chỉ thôi sẽ chưa đủ mà bạn cần biết làm việc một cách thông minh.

Ngoài ra, để thành công trong kinh doanh, nhà khởi nghiệp phải có tầm nhìn, biết tính toán rủi ro, khéo léo và thêm một chút may mắn nữa.

Nguồn: sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *