Bộ Tư lệnh miền tại Căn cứ Tà Thiết trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975

Học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác – Lê nin cho rằng vấn đề căn cứ địa cách mạng, vấn đề hậu phương cách mạng là một trong những nhân tố thường xuyên có tác dụng quyết định vận mệnh của cuộc chiến tranh. Kế thừa truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông, Đảng ta, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã chú trọng lãnh đạo xây dựng căn cứ địa, coi đó là một bộ phận quan trọng trong đường lối chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Căn cứ địa là những vùng độc lập hoặc vùng vừa được giải phóng “xuất hiện trong vòng vây của địch, cách mạng dựa vào đó để tích lũy và phát triển lực lượng của mình về mọi mặt, tạo thành những trận địa vững chắc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, lấy đó làm nơi xuất phát để mở rộng dần ra, cuối cùng tiến lên đánh bại kẻ thù lớn mạnh, giải phóng hoàn toàn đất nước. Căn cứ địa là chỗ đứng chân của cách mạng, đồng thời là chỗ dựa để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang cách mạng; trên ý nghĩa đó, nó cũng là hậu phương của chiến tranh cách mạng”[1].

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên (gọi tắt là B2)[2] giữ một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Chỉ huy trực tiếp các lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn này là Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, gọi tắt là Bộ Chỉ huy Miền, (từ 18-3-1971 gọi là Bộ Tư lệnh Miền). “Bộ Chỉ huy Miền là cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh ở một chiến trường lớn tại miền Nam, bao gồm các quân khu 6, 7, 8, 9, thành phố Sài Gòn-Gia Định và một số tỉnh trực thuộc” (Võ Nguyên Giáp)[3]. Ra đời từ năm 1961, Bộ Chỉ huy Miền là cơ quan chỉ huy cao nhất của các lực lượng vũ trang giải phóng trên chiến trường B2, thực hiện các chức năng cơ bản: làm tham mưu cho Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trên toàn chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.

Để thực hiện các chức năng cơ bản nói trên, cùng với việc kiện toàn nhân sự Bộ Chỉ huy và các cơ quan giúp việc (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật), hệ thống tình báo quân báo nắm địch, hệ thống thông tin chỉ huy…). Bộ Chỉ huy Miền tập trung xây dựng căn cứ đứng chân. “Việc chọn căn cứ đầu não B2 nói chung và Bộ Chỉ huy miền nói riêng hướng vào yêu cầu an toàn, có các điều kiện thiên thời, địa lợi nhân hòa, đủ thuận lợi không chỉ tồn tại mà còn để hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy một cách hiệu quả nhất”[4]. Ngay sau ngày thành lập, Bộ Chỉ huy Miền đặt căn cứ tại khu vực Trảng Chiên – Xa Mát – Lò Gò (bắc Tây Ninh, giáp biên giới Việt nam – Campuchia). Từ năm 1965, khi Mỹ trực tiếp đưa quân chiến đấu Mỹ và đồng minh vào chiến trường miền Nam, đẩy cường độ cuộc chiến tranh lên cao chưa từng thấy, căn cứ Bộ Chỉ huy Miền chuyển dần sang hướng đông, khu vực Bà Chiêm – Sóc Con Trăng (vẫn thuộc tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Việt nam – Campuchia). Tại các căn cứ này, Bộ chỉ huy Miền đã làm tham mưu cho Trung ương Cục miền Nam, chỉ đạo lực lượng vũ trang B2 chiến đấu và công tác, góp phần đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “chiến tranh cục bộ” và giai đoạn đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

       Thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 trong đó có chiến dịch Nguyễn Huệ đã làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam. Thế và lực cách mạng phục hồi và có một bước phát triển mới. Tại miền Đông Nam bộ, Quân giải phóng đã đập tan tuyến phòng thủ của địch vùng biên giới phía bắc – tây bắc Sài Gòn và vành đai các đồn điền cao su. Vùng giải phóng được mở rộng ở phía bắc tỉnh Bình Phước (gồm các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập), nối liền với căn cứ Khu B (huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh), tạo thành một khu vực do cách mạng kiểm soát rộng lớn giáp với biên giới Việt Nam – Campuchia trong thế chiến lược Đông Dương là một chiến trường và kết nối trực tiếp với đường vận tải chiến lược 559 từ hậu phương lớn miền Bắc vào đến chiến trường Đông Nam bộ. Tiếp đó, tháng 1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Bộ Tư lệnh Miền quyết định di chuyển căn cứ đứng chân nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới. Địa điểm được chọn là khu vực sóc Tà Thiết.

Tà Thiết nằm trong khu vực rừng già giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, có diện tích chừng 20 km2, thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc ninh (tỉnh Bình Phước). Từ tháng 5-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch (cũng là Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Miền, mật danh Đoàn 301) đã đặt căn cứ tại đây để chỉ huy các lực lượng vũ trang tiến hành đợt 2 chiến dịch nguyễn Huệ, củng cố vùng giải phóng Lộc Ninh – Bù Đốp và bao vây An Lộc, đánh địch phản kích tăng viện.

So với các căn cứ cũ của Bộ Tư lệnh Miền ở bắc Tây Ninh, căn cứ ở Tà Thiết có thế rừng rộng lớn hơn, đáp ứng yêu cầu bố trí toàn bộ cơ quan (tham mưu, chính trị, hậu cần-kỹ thuật) tại đây và các đơn vị trực thuộc ở các vị trí Lộc Thành, Lộc Tấn, Sông Măng, Cầu Trắng, Bù Đốp… Tại đây có cơ sở hạ tầng giao thông cơ giới thuận tiện, đấu nối với đường Hồ Chí Minh trên bộ để tiếp nhận vật chất hậu cần chiến lược từ hậu phương miền Bắc tại Bù Đốp (quốc lộ14), và các đầu cầu khác tại Lộc Tấn (quốc lộ13), Đồng Tâm (tỉnh lộ 17), kéo dài qua Cà Tum (tỉnh lộ 4), Thiện Ngôn (quốc lộ 22). Đây cũng là vùng giải phóng có dân, đã được Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, vùng giải phóng kháng chiến từ trước, có làng – xã chiến đấu, có vành đai vững chắc vòng ngoài; gần sát với “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt nam, nơi tiếp đón và làm việc với các phái đoàn thuộc Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát, phái đoàn Ban Liên hiệp quân sự 4 bên tại thị trấn Lộc Ninh.

Từ căn cứ Tà Thiết, Bộ Tư lệnh Miền[5] có điều kiện thuận lợi nắm bắt sự chỉ đạo của Trung ương và mọi diễn biến về chính trị, quân sự trên chiến trường Nam bộ, cực nam Trung bộ, để từ đó chỉ huy các lực lượng vũ trang B2 thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới một cách nhanh chóng, kịp thời.

Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mặc dù buộc phải ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, nhưng vẫn ra sức phá hoại Hiệp định, đẩy mạnh bình định lấn chiếm một cách quyết liệt, uy hiếp, sẵn sàng gây lại chiến tranh lớn. Thực hiện Nghị quyết ngày 9-1-1973 của Quân uỷ Trung ương về việc “nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Paris” và “nhất thiết lực lượng vũ trang ta phải mạnh và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu”, tại căn cứ Tà Thiết, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các lực lượng vũ trang B2: 1. Đấu tranh thực hiện ngừng bắn; 2. Nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, kiên quyết trừng trị bọn địch lấn chiếm; 3. Xác định rõ tính chất vùng (giải phóng, tranh chấp mạnh, tranh chấp yếu, yếu) và chủ trương, phương châm, phương thức đấu tranh cụ thể phù hợp với từng địa bàn; 4. Tích cực xây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự, chuẩn bị hậu cần, kỹ thuật và xây dựng khu giải phóng. Thực hiện điều khoản của Hiệp định, Bộ Tư lệnh Miền cử 100 cán bộ, chiến sĩ thành lập phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (lấy mật danh là Đoàn 315B)[6]. Tại trại Davis (sân bay Tân Sơn Nhất – Sài Gòn), Đoàn đã kiên quyết đấu tranh pháp lý với Mỹ-ngụy nhằm thực hiện việc chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, rút hết quân, triệt tiêu các căn cứ quân sự; giữ vững lập trường nước Việt Nam là một, thực tế miền Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 3 vùng; bảo đảm ngừng bắn, ngăn chặn địch khiêu khích lấn chiếm.

Trước hành động “tràn ngập lãnh thổ” của quân đội Sài Gòn, tại căn cứ Tà Thiết, Bộ Tư lệnh Miền đã xây dựng kế hoạch “thời cơ”, chỉ đạo các lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công nhằm cải thiện thêm một bước về thế trận. Đến trước thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực (8h ngày 28-1-1973), toàn B2 đã giành quyền làm chủ thêm 541 ấp, 5 xã với 28 vạn dân. Kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” bị phá sản, Thiệu bất chấp quy định ngừng bắn, dốc toàn lực phản kích trên toàn chiến trường. Đến cuối tháng 2-1973, chúng đã chiếm lại gần như toàn bộ vùng cách mạng mới mở ra trong đợt “thời cơ”[7]. Trước hành động ngang ngược của địch và thái độ bị động lúng túng của một số đơn vị địa phương của ta, từ kinh nghiệm của Quân khu 9 (do Lê Đức Anh làm Tư lệnh, Võ Văn Kiệt làm Chính uỷ) trong việc giữ nguyên thế đứng chân của lực lượng chủ lực để hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương chống địch lấn chiếm bình định, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các quân khu: không phân tuyến chia vùng, giữ vững thế da báo, đưa các đơn vị chủ lực Miền xuống áp sát vùng trung tuyến phối hợp với địa phương chủ động tiến công địch. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, huấn luyện cán bộ và bộ đội, bảo đảm hậu cần, xây dựng hậu phương quân đội, xây dựng khu giải phóng và căn cứ địa. Bộ đội chủ lực xây dựng các đơn vị đặc công. Lực lượng vũ trang địa phương phát triển dân quân du kích. Các đoàn hậu cần được sắp xếp lại, chuyển hệ thống kho tàng, địa bàn thu mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ Campuchia về nước, lập thêm nhiều cung trạm mới sẵn sàng tiếp nhận chi viện lớn trên tuyến 559 đông Trường Sơn. Các căn cứ địa ở bắc Tây Ninh, bắc Bình Phước, tây Quảng Đức, chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười được củng cố và mở rộng.

Quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10-1973) “bất kể trong tình huống nào cũng phải giữ vững chiến lược tiến công, tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”[8], tại căn cứ Tà Thiết, Bộ Tư lệnh Miền hạ lệnh cho các lực lượng vũ trang cách mạng được phép trừng trị quân ngụy lấn chiếm ở bất kỳ đâu, bằng các hình thức và lực lượng thích đáng. Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Miền đã trực tiếp gỡ bỏ những lúng túng của lực lượng vũ trang các cấp trong thời đoạn lịch sử đầy tế nhị phức tạp sau Hiệp định Paris, mở ra những thắng lợi quân sự vang dội ở Chương Thiện (Khu 9), Rừng Sác (Khu 7) và nhiều chiến trường khác tại Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Tháng 11-1973, Bộ Tư lệnh Miền đề ra kế hoạch quân sự mùa khô 1973-1974 và toàn năm 1974 với nội dung: Đẩy mạnh đánh địch bình định lấn chiếm, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, tiêu diệt địch ở vùng rừng núi, mở rộng hành lang tiếp nhận chi viện từ miền Bắc vào và hành lang thông nối đến các chiến trường. Mở rộng và hoàn chỉnh vùng; đưa lực lượng vũ trang áp sát đô thị buộc địch phải bị động tập trung phòng thủ ở Đông Nam Bộ và thành phố Sài Gòn. Trong đợt 1 kế hoạch mùa khô 1973-1974, Bộ Tư lệnh Miền đã chỉ đạo các đơn vị chủ lực chuyển hoạt động ra phía trước, tiến công liên tục, phá lấn chiếm của quân đội Sài Gòn, mở rộng vùng làm chủ của cách mạng, phát triển phong trào du kích chiến tranh đến vùng tranh chấp, tạo điều kiện tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở ở vùng địch kìm kẹp, vận động nhân dân bung về vùng giải phóng. Trong đợt 2, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo Sư đoàn 5 từ Đông Nam Bộ hành quân xuống đồng bằng Khu 8 hoạt động mở hành lang từ vùng biên giới Long An xuống Vàm Cỏ Tây. Sư đoàn 9 tiến đánh xuống Bến Cát, mở thông hành lang từ căn cứ địa Lộc Ninh đến các căn cứ kháng chiến ở phía bắc Sài Gòn như Bời Lời, Long Nguyên, Củ Chi; Sư đoàn 7 đánh bức rút đồn bót địch, giải phóng khu vực đường 14 từ Chơn Thành đến Đồng Xoài[9].

Để tạo lực sẵn sàng đón lấy thời cơ mới, tại căn cứ Tà Thiết, Bộ Tư lệnh Miền liên tục tổ chức các hội nghị chuyên đề về xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị hậu cần kỹ thuật. Cục Hậu cần Miền thành lập thêm các phòng quản lý xăng xe, phòng kiến thiết cơ bản, các trạm sửa chữa xe, xưởng quân giới, xây dựng con đường cơ giới nối đường cơ giới Đông Trường Sơn từ Sêrêpok qua Bù Gia Mập đến Lộc Ninh, hỗ trợ các tiểu đoàn xăng dầu 559 lắp đặt đường ống dẫn dầu từ miền Bắc vào. Các đơn vị thông tin xây dựng hệ thống đường dây thông tin hữu tuyến. Hàng loạt hành lang mới được mở từ bắc Tây Ninh xuống Quân khu 8, Quân khu 9; từ Lộc Ninh xuống Bến Cát, Củ Chi; từ chiến khu Đ xuống Long Phước, Xuyên Mộc; tổ chức tiếp nhận chi viện từ miền Bắc vào, tăng cường nguồn thu tại chỗ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất[10]. Cùng với hoạt động chuẩn bị hậu cần kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo Cục Tham mưu khẩn trương điều chỉnh phát triển lực lượng. Nhiều cơ quan chức năng được củng cố lại. Từ các phòng binh chủng và Đoàn 75, Bộ chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thông tin (Đoàn 23), Bộ Tư lệnh Công binh (Đoàn 25), Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp (Đoàn 26), Bộ Tư lệnh Đặc công (Đoàn 27), Bộ Tư lệnh Pháo binh (Đoàn 75), Bộ Tư lệnh Phòng không (Đoàn 77). Dựa vào chi viện của Trung ương cộng với thực lực hiện có, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo thành lập mới hàng loạt đơn vị vũ trang cấp quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn. Ngày 20-7-1974, Quân đoàn 4 thành lập gồm 3 sư đoàn bộ binh (5, 7, 9), 5 trung đoàn binh chủng. Cùng thời gian, Lữ đoàn đặc công biệt động 316, Sư đoàn bộ binh 3 ra đời. Các quân khu thành lập các sư đoàn nhẹ. Lực lượng vũ trang thành đội Sài Gòn Gia Định tổ chức thành 6 mũi tiến công[11]: Bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Đến tháng 12-1974, toàn B2, dân quân du kích tăng lên 96.000 người, bộ đội địa phương có gần 87.000 cán bộ, chiến sĩ[12].

Từ giữa năm 1974, khi quân đội và chính quyền Sài Gòn bắt đầu bộc lộ sự suy yếu toàn diện, tại căn cứ Tà Thiết, Bộ Tư lệnh Miền đã gửi nhiều báo cáo với các số liệu tỉ mỉ, phân tích tình hình, nhận định đánh giá và đề đạt ý kiến với Trung ương Cục, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Tháng 9-1974, Bộ Tư lệnh Miền tiếp tục gửi báo cáo đóng góp ý kiến vào phác thảo kế hoạch giải phóng miền Nam trong vòng 2 hai năm 1975-1976, đề xuất các bước đi, cách đánh, phân chia các khu vực cần giải phóng theo thứ tự ưu tiên. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị ra dự thảo Nghị quyết với nội dung cơ bản trong thời gian 1975-1976 hoàn thành mọi công tác chuẩn bị tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa đánh đổ ngụy quyền, giải phóng miền Nam. Trên cơ sở ý định của Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền xây dựng kế hoạch mùa khô 1974-1975 với những mục tiêu cơ bản: Tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch; phá cơ bản kế hoạch bình định của chúng trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn chỉnh căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, giải phóng đường 14 Phước Long nối liền với Tây Ninh, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ hướng bắc, giải phóng lộ 20, Tánh Linh, Võ Đắc, Xuân Lộc, tạo bàn đạp bao vây cô lập Sài Gòn từ hướng đông; giải phóng Dầu Tiếng, Bàu Đồn, Truông Mít, uy hiếp lộ 22, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ phía tây bắc; giải phóng khu vực Bến Cát, Quéo Ba, phân tuyến Vàm Cỏ Đông, mở hành lang xuống đồng bằng, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ hướng tây, tây nam; đưa lực lượng đặc công biệt động bám vào Sài Gòn – Gia Định, tạo thế tại chỗ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ngày 6-1-1975, tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng. Thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam đã bắt đầu lộ diện. Tháng 1-1975, Bộ Chính trị họp Hội nghị thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam. Bộ Tư lệnh Miền điều chỉnh kế hoạch đợt 2 mùa khô 1974-1975 và thành lập Đoàn bộ binh 232 (tương đương quân đoàn)[13]. Ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Ngày 7-4-1975, phương án đánh vào Sài Gòn do Bộ Tư lệnh Miền soạn thảo được Trung ương Cục miền Nam thông qua. Sau đó, Bộ Chính trị chỉ đạo điều chỉnh, chủ trương tổ chức một chiến dịch quy mô lớn tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo gồm 15 sư đoàn đánh thẳng vào Sài Gòn. Ngày 8-4, Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định (ngày 14-4 được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh) được thành lập.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, tại căn cứ Tà Thiết, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo sắp xếp lại các đơn vị chủ lực, thành lập mới Sư đoàn đặc công 2, điều chuyển các đoàn hậu cần khu vực từ nhiệm vụ phục vụ cho các chiến dịch của Miền và các quân khu chuyển sang phục vụ cho 5 quân đoàn chủ lực của chiến dịch; chỉ huy lực lượng vũ trang B2 bắt đầu thực hiện các đòn chia cắt chiến lược. Quân đoàn 4 tiến công căn cứ Sư đoàn 18 ngụy tại Xuân Lộc. Lực lượng vũ trang đồng bằng sông Cửu Long tiến sát lộ 4, thành phố Cần Thơ, thị xã Vĩnh Long, các tỉnh lỵ, huyện lỵ. Toàn bộ lực lượng vũ trang thành đội Sài Gòn – Gia Định chiếm lĩnh các vị trí bàn đạp sát nội đô chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy tại Sài Gòn. Phương án thực hành chiến dịch Hồ Chí Minh cơ bản như Bộ Tư lệnh Miền đã đề nghị trước đó nhưng được Bộ chỉ huy Chiến dịch hoàn chỉnh hơn về nghệ thuật chiến dịch với việc sử dụng lực lượng áp đảo và các mũi đột kích thọc sâu. 5 cánh quân tiến từ 4 hướng vào Sài Gòn hình thành[14]. Riêng hướng tây và tây nam, hướng tiến công hiểm yếu, địa hình sông nước phức tạp do Binh đoàn cánh Tây Nam đảm nhiệm, Bộ Tư lệnh Miền cử các phó tư lệnh và phó chính ủy Miền trực tiếp chỉ huy. Ngoài một số cán bộ trong Bộ Tư lệnh Miền và các cơ quan tham gia Bộ Tư lệnh và các cơ quan chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ phận còn lại chủ yếu là ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của Bộ Tư lệnh Miền tập trung vào mặt trận đồng bằng sông Cửu Long. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Tư lệnh Miền đã góp một phần công sức vào thắng lợi chung, từ việc nhận định tình hình, đề đạt phương án tác chiến, tạo thế tạo lực, tham gia chỉ đạo chỉ huy trong chiến dịch Hồ Chí Minh và tổng tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long.

Vài suy nghĩ thay lời kết

Chỉ tồn tại trong vòng 26 tháng (2-1973 – 4-1975), nhưng căn cứ Tà Thiết có một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Căn cứ Tà Thiết là nơi Bộ Tư lệnh Miền tiếp nhận sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Quân ủy và Bộ Quốc phòng, thu nhận thông tin từ các chiến trường gửi báo về để từ đó phân tích, nhận định chính xác âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định Paris của địch; chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang B2 đánh địch lấn chiếm, giành đất, giành dân, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, mở rộng hành lang vận tải và giao thông liên lạc nối liền với hậu phương miền Bắc, đấy mạnh công tác giáo dục chính trị cho cán bộ chiến sĩ, khắc phục một số nhận thức chưa đúng, giữ vững tư tưởng tiếp tục tiến công địch. Trong thời gian rất ngắn, Bộ Tư lệnh Miền đã chỉ đạo khẩn trương kiện toàn các sư đoàn chủ lực, thành lập Quân đoàn 4, thành lập các sư đoàn thuộc các quân khu, tổ chức các đoàn đặc công mạnh và đơn vị biệt động xung quanh Sài Gòn, củng cố hệ thống chỉ huy, đẩy mạnh công tác huấn luyện nhằm tăng cường sức chiến đấu và khả năng chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn cho bộ đội, tăng cường trang bị binh khí kỹ thuật, bảo đảm hậu cần và dự trữ cơ sở vật chất trên tất cả các hướng, các chiến trường; chủ động, táo bạo tổ chức thắng lợi chiến dịch đường 14 – Phước Long, thực hiện đòn trinh sát chiến lược cho trận quyết chiến cuối cùng. Cũng tại đây, Bộ Tư lệnh Miền đã chỉ đạo lực lượng vũ trang ba thứ quân tổ chức hàng loạt trận đánh, chiến dịch, hỗ trợ nhân dân địa phương thực hiện tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã; đồng thời tích cực chuẩn bị chiến trường, chia cắt và chiếm giữ các trục đường, các đầu cầu, phối hợp với các binh đoàn của Bộ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn, đánh chiếm các địa phương còn lại trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long.

Căn cứ Tà Thiết cũng là nơi làm việc của một số ủy viên Bộ Chính trị (Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) và Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh trong thời khắc hệ trọng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Từ đây, các chủ trương và kế hoạch lớn được hình thành và phát đi, chỉ dẫn cho toàn quân, toàn dân tiến lên thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước!

[1] Võ Nguyên Giáp: Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta, Nxb. Sự thật, 1970, tr. 90.

[2] Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến trường miền Nam (từ nam vĩ truyến 17 trở vào, gọi là chiến trường B) được tổ chức thành 4 khu vực với các mật danh B1, B2, B3, B4. B1 gồm khu vực duyên hải trung Trung bộ (các tỉnh từ Đà Nẵng vào đến Khánh Hòa). B2 gồm khu vưc Nam bộ và cực nam Trung bộ (các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng vào đến Cà Mau). B3 gồm khu vực Tây Nguyên (các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk). B4 gồm khu vực nam vĩ tuyến 17 đến bắc đèo Hải Vân (các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế).

[3] Quân khu 7: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1961-1976), Nxb. CTQG, 2004, tr. 7.

[4] Trần Văn Trà: Căn cứ Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trong chiến tranh chống Mỹ (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, 1996, tr. 15.

[5] Bộ Tư lệnh gồm Phạm Hùng (Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân uỷ Miền, Chính uỷ); Hoàng Văn Thái (Tư lệnh), Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Hữu Xuyến và Hoàng Cầm (Phó Tư lệnh); Trần Độ và Lê Văn Tưởng (Phó Chính ủy); Nguyễn Minh Châu (Tham mưu trưởng); Trần Văn Phác (Chủ nhiệm Chính trị); Bùi Phùng (Chủ nhiệm Hậu cần).

[6] Đoàn 315b do Trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và các đại tá Đoàn Huyên, Võ Đông Giang, Bùi Thanh Khiết, Trần Văn Danh, Nguyễn Văn Sĩ, Lương Văn Nho làm phó đoàn.

[7] Trong tháng 2 và 3 năm 1973, quân đội Sài gòn tổ chức 12.000 cuộc hành quân lấn chiếm càn quét ở địa bàn Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Theo Đề cương tỷ mỷ báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Nam bộ và cực nam Trung bộ, Ban Tổng kết chiến tranh B2, 1979, tr. 8/GDV.

[8] ĐCSVN, Văn kiện Đảng về chống Mỹ cứu nước, tập II (1966-1975), Nxb. CTQG, 2012, tr. 714.

[9] Chỉ trong 6 tháng mùa khô 1973-1974, , lực lượng vũ tr. B2 đã loại khỏi vòng chiến đấu 10.000 tên địch, gỡ hơn 1.400 đồn, giải phóng 16 xã, 582 ấp với hơn 360.000 dân. Theo Đề cương tỷ mỷ báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Nam bộ và cực nam Trung bộ, đã dẫn, tr. 13/GDV.

[10] Tổng cộng từ tháng 1-1973 đến tháng 11-1974, các đoàn hậu cần Miền đã tiếp nhận chi viện được 37.000 tấn binh khí kỹ thuật hiện đại, thu mua và tự sản xuất được 80.000 vật chất, không kể 28.000 tấn dự trữ từ trước. Theo Đề cương tỷ mỷ báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Nam bộ và cực nam Trung bộ, đã dẫn, tr. 16/GDV.

[11] Đoàn 196 (hướng Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp), Đoàn 197 (hướng Tân Bình, Bình Chánh), Đoàn 198 (hướng Nam Bình Chánh, Nhà Bè), Đoàn 199 (hướng Nam Thủ Đức), Đoàn 195 (trong nội đô). Lực lượng đặc công được bố trí sẵn sàng tấn công các mục tiêu. Lực lượng biệt động thành tổ chức thành 3 tiểu đoàn, 11 đại đội, bố trí 2 bên Đông và Tây thành phố Sài Gòn. Theo Lịch sử Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb. tp Hồ Chí Minh, 1994, tr. 622.

[12] Đề cương tỷ mỷ báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Nam bộ và cực nam Trung bộ, Ban Tổng kết chiến tranh B2, đã dẫn, tr. 17/GDV.

[13] Đoàn 232 gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16, do Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh, Lê Văn Tưởng làm Chính ủy.

[14] Hướng tây bắc, mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất do Quân đoàn 3 (Tư lệnh: Vũ Lăng, Chính ủy: Đặng Vũ Hiệp) đảm nhiệm. Hướng bắc và đông bắc, mục tiêu Bộ tổng Tham mưu do Quân đoàn 1 (Tư lệnh: Nguyễn Hoà, Chính ủy: Hoàng Minh Thi) đảm nhiệm. Hướng đông và đông nam, mục tiêu Dinh Độc Lập do Quân đoàn 4 (Tư lệnh: Hoàng Cầm, Chính ủy: Hoàng Thế Thiện) và Quân đoàn 2 (Tư lệnh: Nguyễn Hữu An, Chính ủy: Lê Linh) đảm nhiệm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *