Chế độ Việt Nam Cộng hòa: 30 ngày trước giờ sụp đổ – Cuộc chiến viện trợ

Ngày 3-4, tại Dinh Độc Lập, Nguyễn Văn Thiệu có cuộc tiếp kiến thứ ba với Frederick Weyand, trước khi ông này trở về Hoa Kỳ sau chuyến thị sát chiến trường miền Nam Việt Nam. Nội dung cuộc gặp không được tiết lộ, nhưng dư luận đều đánh giá, đây là cuộc tiếp kiến để xác nhận cho chính quyền Sài Gòn về những báo cáo và khuyến nghị sau chuyến thị sát của Tướng Weyand với Tổng thống Ford. Trả lời báo chí trước khi rời Việt Nam, Tướng Weyand tuyên bố: “Tổng thống Ford cực lực ủng hộ và quyết tâm giúp VNCH tự vệ… Quân lực VNCH vẫn còn mạnh, có đủ tinh thần và khả năng để thắng Bắc Việt…”[1]. Trong khi, “lực lượng Hoa Kỳ đóng tại đảo Okinawa đã được đặt trong tình trạng báo động… một đơn vị pháp binh đóng tại căn cứ Hague đã được sẵn sàng với đầy đủ vũ khí để được điều động bất cứ lúc nào… những đơn vị bộ binh Hoa Kỳ đóng tại các căn cứ Hansen và Schwab cũng đã được báo động mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ kể từ đầu tháng này và thường xuyên tập dượt tác chiến”[2].

Cùng ngày, Tổng thống Ford vẫn tỏ ra lạc quan và bày tỏ quyết tâm của chính quyền Hoa Kỳ khi tuyên bố: “Tôi là một người lạc quan mặc dầu có những biến cố đau buồn và bi đát tại Đông Dương… Tôi vẫn còn nghĩ là còn có một cơ hội để cữu vãn tình thế tại VNCH… Tôi sẽ thực hiện tối đa về những gì mà tôi đã từng làm trong quá khứ để tránh hậu quả đó (Chủ nghĩa cộng sản tràn xuống khu vực Đông Nam á – tg)… Chúng ta sẵn sàng bảo vệ các đồng minh của chúng ta như chúng ta đã thường làm. Trong những thời gian đau xót và rắc rối đó, những gì cần thiết lúc này là chúng ta phải giữ vững tinh thần và duy trì sự đoàn kết cần thiết với tư cách là một đại cường”[3]. Nhưng ông khẳng định: “Hoa Kỳ không có kế hoạch liên hệ quân sự tại Việt Nam”[4]. Phó tổng thống Nelson Rockfeler cũng tỏ ra lạc quan: “bây giờ vẫn là lúc chưa lấy gì làm muộn để cho VNCH cứu vãn được tình hình đang suy sụp… nếu Đông Nam á và VNCH có thể đứng vững đến khi quốc hội Mỹ tái nhóm thì chắc chắn sẽ có nhiều hy vọng được thông qua các ngân khoản viện trợ bổ túc đã được Tổng thống Ford đề nghị”[5]. Cứng rắn hơn, Jesse Helm – Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của tiểu bang Carolina lên tiếng kêu gọi Tổng thống Ford điều ngay Hạm đội 7 Hoa Kỳ tới Đông Nam á để thực hiện di tản.

Nhưng những phát biểu của các quan chức cao cấp “không át” được tiếng nói của phần đông chính trị gia và dư luận Hoa Kỳ, yêu cầu Tổng thống Ford chấm dứt sự liên hệ với cuộc chiến ở Việt Nam và Đông Dương. Đặc biệt là phát biểu của Nghị sĩ Đảng Dân chủ Edward Kennedy ngày 3-4, kêu gọi một cuộc ngừng bắn tại Việt Nam và khuyến cáo Tổng thống Ford gửi sứ giả tìm cách thương thuyết cho một giải pháp[6].Điều đó đã đưa đến một cuộc “khủng hoảng niềm tin” trầm trọng trong chính quyền Sài Gòn về những cam kết đối với VNCH mà Hoa Kỳ dưới thời Nixon đã đưa ra trước khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973.

Ngày 4-4, trong cuộc nói chuyện trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố tuyên bố: “không chấp nhận liên hiệp với cộng sản”[7]. Đồng thời, tuyên bố giải tán chính phủ Trần Thiện Khiêm và mời Nguyễn Bá Cẩn – Chủ tịch Hạ nghị viện, làm thủ tướng, lập nội các chiến đấu. Cũng trong bài phát biểu, giải thích về thảm trạng của VNCH, Nguyễn Văn Thiệu lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ: “Trước đây, khi ký Hiệp định Ba Lê, chánh phủ Mỹ đã hứa… Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ, đồng thời sẽ cung cấp đầy đủ viện trợ kinh tế và quân sự cho VNCH… Nhưng từ đó đến nay, những lời cam kết đó không được thực hiện… Tinh thần quân dân miền Nam bị giao động từ hai năm nay khi thấy Hoa Kỳ không giữ đúng lời cam kết kể cả việc cắt giảm viện trợ quân sự đã giảm thiểu tinh thần chiến đấu của quân đội ta 60%, đã đưa đến thực trạng hiện nay”[8]. Ông ta nhấn mạnh: “nhân dân và Quốc hội Mỹ phải làm một cái gì để khỏi mang tiếng là Mỹ đã phản bội nhân dân VNCH”[9].

Ngày 5-4, 6 dân biểu Hạ nghị viện VNCH viết “huyết thư” gửi Tổng thống Hoa Kỳ: “Là một đồng minh lớn mạnh lãnh đạo thế giới tự do, nhân dân VNCH chúng tôi đang trông chờ nơi Tổng thống và nhân dân Hoa Kỳ một biện pháp cứng rắn và hữu hiệu”[10]. Biện pháp cứng rắn và hữu hiệu được 6 dân biểu này đề nghị là “bỏ bom nguyên tử xuống Việt Nam”[11].

Đánh giá về hành động của 6 vị dân biểu, báo Độc Lập ngày 12-4-1975 có bài châm biếm với tựa đề “Sáu vị anh hùng”, viết: “Sau vị anh hùng đây là sáu vị dân biểu, vừa tuyên bố một cách rấng hung hăng. Rằng thì là nếu mà đồng minh khả kính của chúng ta là nước Mẽo không phản ứng mạnh mẽ bằng cách dội bom miền Bắc, thì sáu vị sẽ biểu diễn ngay một đường tự sát. Nghe nói thì địa điểm mà sáu vị định biểu diễn tự sát sẽ là thủ đô… Hoa Thịnh Đốn… Sái vị mang cái chết ra để thách đố thời cuộc. Cao cả thay và đáng kính thay!… Chỉ tiếc rằng, các vị không mời thêm một vị nữa để thành bảy vị. Bảy là thất hiền… Hay là bỏ bớt đi một, còn năm vị, thì vẫn được gọi là Ngũ Long, có nghĩa là năm con rồng. Có thể bỏ bớt đi hai để thành tứ quý. Bỏ bớt đi ba, được tiếng tam đa, cũng vẫn quý lắm. Nhưng quý vị lại quây quần với nhau sáu vị. Sáu vị anh hùng. Con số sáu vô duyên. Người ta có cảm tưởng rằng, sáu vị cứ muốn… tranh công”[12].

Sau đó, trên báo chí Sài Gòn, những bài viết, bản tin thể hiện thái độ “hờn dỗi” của VNCH đối với Hoa Kỳ, kiểu như “nhận được rất nhiều thơ của độc giả oán trách người Mỹ cho rằng, dân Mỹ không thể tin được, lãnh đạo của Mỹ thường nuốt lời, giá trị của Mỹ sẽ tiêu tan trên thế giới nếu Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam Việt Nam, nhưng hậu hết những bức thư này đều tin tưởng vào một phép lạ huyền bí nào đó sẽ cứu nhân dân miền Nam Việt Nam”[13].

Ngày 4-4, đáp lại sự chỉ trích của Nguyễn Văn Thiệu, ngày 4-4, Carl Albert – Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ và John Rhodes – lãnh tụ Cộng hòa thực hiện chuyến công du 10 ngày Trung Quốc và có cuộc thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh về vấn đề Việt Nam và Campuchia[14]. Trong khi, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được điều đến ngoài khơi Việt Nam và Campuchia để chuẩn bị cho kế hoạch di tản Mỹ kiều khỏi Phnompenh và Việt Nam[15]. 5 tàu Hoa Kỳ: Miller, Victory, Challenger, Contender và Grenn Port cũng đã bốc được 36 ngàn người rời khỏi Cam Ranh đến Phú Quốc. Nửa đêm, Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger mở cuộc hội đàm khẩn cấp về vấn đề Vniệt Nam tại Palm Spring. Cùng ngày, Lầu Năm Ngóc loan báo, các tàu chiến của Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã sẵn sàng ngoài khơi biển Nam Hải để tham dự cuộc di tản tại VNCH.

 Ngày 5-4, tại Palm Springs – nơi nghỉ hè của Tổng thống Ford, Tổng thống Ford họp khẩn với Ngoại trưởng Kissinger và Tướng Weyand. Nội dung cuộc họp không được tiết lộ, nhưng sự kiện “sau cuộc họp 90 phút, Tổng thống Ford đi chơi golf” khiến dư luận chú ý. Tham dự cuộc họp, nhiếp ảnh riêng của Tổng thống Ford tháp tùng Tương Weyand sang Nam Việt Nam thông tin cho báo chí: “tình hình Nam Việt Nam không được tốt đẹp, đúng hơn là tệ hại nhứt từ trước đến nay và nhiều thân hữu Việt Nam ở Sài Gòn yêu cầu ông đưa giùm con cái họ ra khỏi nước”[16]. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Kissinger: “Tổng thống Ford đã quyết định họp Hội đồng An ninh quốc gia vào thứ Ba hoặc thứ Tư để chuẩn bị một loạt khuyến nghị giúp Nam Việt Nam, dựa trên báo cáo của Tướng Weyand và sau đó Tổng thống Ford sẽ ngỏ lời tại Quốc hội vào tối thứ Năm”. Về cam kết của Hoa Kỳ với VNCH, Kissinger tuyên bố “Khi Hiệp định Ba Lê được ký vào năm 1973, Hoa Kỳ không hứa hẹn một mức độ viện trợ nào cả nhưng dành cho Nam Việt Nam mọi lý do để tin tưởng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chương trình “Việt Nam hóa” khi quân Mỹ triệt thối”[17]. Về tuyên bố của Nguyễn Văn Thiệu ngày 4-4, Kissinger cho rằng “Tổng thống Thiệu có lý vài phần dù ngôn từ có vẻ như sốt ruột”[18]. Về khả năng cố thủ của VNCH: “VNCH có thể ổn định được tình hình và thiết lập một phòng tuyến có thể cố thu được nhưng vấn đề là bao lâu mới thực hiện được việc đó”[19]Kissinger cũng thông tin về hành động của Tổng thống Ford trong những ngày tiếp theo “tìm xem tình hình cực kỳ nghiêm trọng có thể được ổn định bằng các phối hợp việc thiết lập phòng tuyến thâu hẹp lại với việc tăng quân viện Mỹ cho VNCH”[20].

Sự “hờn dỗi” của chính quyền Thiệu và thái độ “nhùng nhằng” của chính quyền Ford làm nảy sinh cuộc tranh luận rầm rộ về các cam kết bí mật mà Hoa Kỳ đã dành cho VNCH để chính quyền Thiệu ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Mở đầu là lời cáo buộc của Nghị sĩ Jackson, ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ tranh chức tổng thống Hoa Kỳ. Ông cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ đã có những thỏa hiệp bí mật giữa Hoa Kỳ và VNCH. Ông cho rằng, những thỏa hiệp này được Ngoại trường Kissinger thương thuyết từ ngày có hội nghị Ba Lê (Hội nghị Paris) và chưa từng được chính thức tiết lộ, đã có những quyết định mang lại hậu quả nặng nề cho Hoa Kỳ.

Ngày 6-4, Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger trong một cuộc phỏng vấn truyền hình hôm Chủ Nhật, phải thú nhận có những thỏa hiệp mật giữa Mỹ và VNCH mà ông không được biệt rõ các chi tiết. Trong khi, ngày 8-4, Ronald Nessen – phát ngôn viên Nhà Trắng, từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến những thỏa hiệp mật giữa Hoa Kỳ và VNCH.

Ngày 8-4, dinh Độc Lập bị ném bom, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập khẩn cấp phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia, với sự tham dự của Phó Tổng thống, Thủ tướng chính phủ, Tổng trưởng ngoại giao, Tổng trưởng Nội vụ, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, Tư lệnh không quân, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia. Đồng thời, lực lượng dù được điều động đến Thảo Cầm viên, lậ phòng tuyến nhằm ngăn ngừa đảo chính.

Cuộc ném bom lại khiến dư luận đặt dấu hỏi về đảo chính. Vì vậy, ngay sau cuộc ném bom, các tướng tá, chính trị gia cao cấp của chính quyền Sài Gòn “đồng loạt lên ti vi” để thanh minh, đặc biệt là Nguyễn Cao Kỳ và Dương Văn Minh. Ngay ngày 8-4, Nguyễn Cao Kỳ gửi thông báo khẩn đến các hãng thông tấn “đảo chính trong giai đoạn hiện nay của đất nước chỉ có lợi cho cộng sản”[21]. Bản thông cáo cũng nêu rõ “Thiếu tướng Kỳ không hay biết gì về hành động cá nhân”[22]. Đồng thời, tin tức các báo cũng cho biết “Tướng Dương Văn Minh và Linh mục Trần Hữu Thanh… cũng không hay biết gì”[23].

Ở Hoa Kỳ, ngày 8-4, điều trần trước Thượng viện. Tướng Weyand nói rằng”VNCH nếu không được thêm quân viện sẽ không thể tồn tại được”[24]. Trong khi, Phụ tá Ngoại trường Hoa Kỳ đặc trách Đông á, Philip Habib “quân đội VNCH có cơ may bảo vệ được Sài Gòn và khu vực đồng bằng sông Cửu Long với số quân viện được tăng thêm”[25]. Trả lời báo chí sau phiên điều trần trước Thượng Viện, Tướng Weyand thẳng thắn đánh giá“Nam Việt Nam rất cần tới một cảm tưởng là vẫn được Hoa Kỳ ủng hộ trong lúc có cuộc khủng hoảng rộng lớn về sự tin tưởng và tinh thần”[26].

Tình hình trên, khiến chính giới Hoa Kỳ bị chia rẽ sâu sắc. Ngày 8-4, các nghị sĩ Dân chủ Hoa Kỳ quyết định hoãn cuộc tranh luận về lời yêu cầu của chính quyền Ford xin thêm viện trợ quân sự cho VNCH và Campuchia cho đến sau khi Tổng thống Ford đọc diễn văn về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trước Quốc hội vào tối thứ Năm (10-4).

Thượng nghị sĩ Mansfield tuyên bố tại thượng viện rằng quốc hội và tổng thống phải cố gắng hơn nữa để hợp tác với nhau về chính sách đối ngoại và ông kêu gọi các ngành trong chính phủ Hoa Kỳ không nên đổ lỗi cho nhau về những thất bại của các lực lượng chính phủ tại VNCH và Campuchia. Nghị sĩ John Tower thuộc tiểu bang Texas, Chủ tịch Ủy ban chính sách Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, “Quốc hội đáng trách vì đã chấp thuận một cuộc chiến tranh hao mòn tại Việt Nam mà rồi sau đó lại không giữ đúng các cam kết ngầm nhằm cung cấp quân viện cho VNCH”[27].

Nghị sĩ Barry Goldwater thuộc Đảng Cộng hòa, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình: “Trong lịch sử nước Mỹ, lẽ ra không bao giờ có một cuộc chiến tranh như thế… Quý vị nên nhớ rằng quân nhân được đặt dưới sự chỉ huy của tổng thống và tổng thống lãnh đạo nhân dân trong chiến tranh. Thế mà các tổng thống Kennedy và Johnson đã ra lệnh cho họ không được chiến thắng, cả hai ông phải chịu sự thống trách về sự thất bại hiện nay… Cuộc chiến tranh đó đáng lẽ phải kết thúc nhiều nhất là trong vòng một tháng,… nếu là tôi làm tổng thống thì tôi đã dùng các vũ khí mà chúng ta có. Tôi nghị rằng chúng ta đã phải ném bom Bắc Việt như Tổng thống Nixon đã làm… chiến tranh đã có thể chấm dứt ngày hôm sau và lúc đó chúng ta có thể đem quân đội hồi hương… Tôi nghĩ rằng cuộc chiến tranh đó trở nên không giới hạn khi Tổng thống Kennedy gửi quân Mỹ sang Việt Nam và vô phước hơn nữa Tổng thống Kennedy đã dùng ông MacNamara làm Bộ trưởng Quốc phòng, một người không biết gì về phòng thủ hay chiến tranh và không cho phép quân đội chúng ta chiến thắng. Mac Namara chắc chắn là Bộ trưởng Quốc phòng tồi tệ nhất mà chúng ta chưa bao giờ thấy và chúng ta vẫn chưa hết chuyện về những việc của ông làm”[28].

Ngày 9-4, Tổng thống Ford triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia và gặp gỡ các lãnh tụ Quốc hội để bản về “các thỏa hiệp mật” với VNCH. Theo dân biểu Anderson, tại cuộc họp, Tổng thống Ford đã khẳng định “sự trao đổi này (Thỏa hiệp mật – Tg) tuyệt đối phù hợp với những gì đã được công khai tuyên bố”. Ông Anderson còn nhấn mạnh: “tất cả đều đã nói trước công chúng và không còn điều gì dấu diếm cần phải được tiết lộ nữa”.[29]

Tuy nhiên, cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Nessen – phát ngôn viên Nhà Trắng, cho thấy rõ sự lúng túng của chính quyền Hoa Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin ở Sài Gòn với dư luận yêu chuộng hòa bình thế giới, cũng như Quốc hội Mỹ. Phát biểu của Nessen một mặt khẳng định: “chính sách đã được phát biểu công khai và ý định của chánh phủ Mỹ muốn tiếp tục cung cấp đầy đủ viện trợ quân sự và kinh tế … đã phản ánh những sự trao đổi giữa chánh quyền Nixon và TT Thiệu vào lúc đó”[30]. Nhưng khi được hỏi Quốc hội có được thông báo về sự trao đổi giữa cựu Tổng thống Nixon và Thiệu không? Nessen đáp: “Nó xảy ra trước khi tôi có mặt ở Tòa Bạch Cung” và với câu hỏi những cuộc trao đổi đó có trù liệu việc Mỹ có thể tái can thiệp bằng quân sự không? Nessen trả lời: “thực tình tôi không có ý niệm gì về mục đích của các cuộc trao đổi đó”[31].

Ở Sài Gòn, ngày 10-4, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập cuộc họp với các tướng lĩnh tại một địa điểm bí mật ngoài dinh Độc Lập. Nguyễn Bá Cẩn – Thủ tướng được Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thay Trần Thiện Khiêm, tuyên bố: “chính phủ dân sự do tôi lãnh đạo quyết tâm bảo về phần đất còn lại của miền Nam tự do”.

9 giờ tối ngày 10-4 (9 giờ sáng giờ Sài Gòn), Tổng thống Ford đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bài diễn văn của Tổng thống Ford được đài VOA tường thuật trực tiếp như sau: “Một tấm thảm kịch vĩ đại đang xảy ra cho các bạn chúng ta ở VN và KPC. Tới nay tôi không chỉ nói đến những nghĩa vụ của chúng ta do những văn kiện pháp lý đưa tới. Ai có thể quyên được những sự kiện, xương máu và sự hy sinh của chúng ta tại VN. Dưới 5 thời tổng thống HK đã dính líu vào Đông Dương. Hàng triệu người Mỹ đã phụng sự, hàng ngàn người đã chết và một số lớn hơn nữa bị thương, cầm tu hay mất tích. Hơn 150 tỷ Mỹ kim đã được quốc hội cấp để chi tiêu. Sau nhiều năm cố gắng, chúng ta thương lượng được, trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, một thỏa hiệp đã giúp chúng ta rút hết lực lượng quân sự và mang về nước một cách kiêu hãnh những tù binh Hoa Kỳ. Bản thỏa hiệp đó, nếu những điều khoản được tôn trọng, sẽ giúp đồng minh của chúng ta ở miền Nam Việt Nam duy trì được an ninh của họ và tái thiết sau 20 năm chiến tranh với sự trợ lực về vật chất với tinh thần của Hoa Kỳ…. Trước tình thế đó, Hoa Kỳ vì bị chia rẽ bởi những súc cảm sau 10 năm chiến tranh đã không thể nào phản ứng… Chúng ta lại còn bày tỏ rằng mỗi ngày, chúng ta lại không muốn trợ giúp cho miền Nam VN tranh đấu để được tồn tại… Chính phủ miền NVN vì không tin chắc ở viện trợ thêm của HK đã ra lệnh vội vã triệt thoái chiến thuật về những vị trí dễ phòng thủ hơn. Việc triệt thoái rất khó khăn đó đã được quyết định không có sự tham khảo chúng ta, đã thi hành một cách không được hoàn mỹ… gây ra sự hỗn loạn… Trong lời bình luận đầu tiên của tôi về tấn thảm kịch đó, tôi đã kêu gọi phải có một ý niệm mới về đoạn kết quốc gia và mục tiêu của Hoa Kỳ. Tôi đã nói là tôi không đi vào những việc thẩm định trách nhiệm… Vậy chúng ta bắt đầu làm việc trên tinh thần mới. Tôi đến đây để làm việc với quốc hội. Trong sự điều khiển của tổng thống, khả năng hành động mau chóng của tổng thống trong trường hợp khẩn trương tối cần cho quyền lợi của chúng ta… Tình hình miền Nam VN và Kampuchia đã đi tới một giai đoạn gay cấn đòi hỏi những quyết định cụ thể và tực khắc của chính phủ Hoa Kỳ… Tôi có thể yêu cầu quốc hội cho tôi quyền … dùng quân đội, xe tăng, phi cơ và trọng pháo của chúng ta để đưa chiến tranh tới lãnh thổ của kẻ thù. Đây là sự lựa chọn rất hẹp của chúng ta. Xin quý vị xét lời yêu cầu của tôi vào tháng giêng chấp thuận 300 triệu Mỹ kim quân viện cho NVN và xin cung cấp thêm ngân khoản cho những mục tiêu kinh tế và nhân đạo hoặc tăng thêm lời yêu cầu của tôi, gia tăng viện trợ quân sự và nhân đạo tới múc có thể giúp người Nam Việt Nam có thể đứng vững… ổn định tình hình quân sự và giúp cho một cơ hội có một giải pháp chánh trị giữa miền Bắc và miền Nam… Tôi xin phép đưa ra nhận xét và kết luận của tôi: Tôi đã nhận được bản phúc trình đầy đủ của Tướng Wetand mà tôi đã gởi sang VN để thẩm định tình hình… Tướng Weyand cho rằng để giúp MNVN thành công trong chương trình tự vệ của họ, NVN cần cấp tốc thêm 722 triệu Mỹ kim đồ tiếp tế cụ thể của Hoa Kỳ”[32]. Đồng thời, Tổng thống Ford đặt hạn định cho Quốc hội Mỹ đến ngày 19-4-1975.

Để tăng thêm khả năng xin viện trợ của Tổng thống Ford, ở miền Nam, Nguyên Văn Thiệu ra lệnh tử thủ tại Xuân Lộc.

Ngày 13-4, Trần Văn Lắm cựu ngoại trường VNCH, tiết lộ với báo giới, “VNCH bằng lòng ký Hiệp định hòa bình Ba Lê 1973 sau khi Tổng thống Nixon đính thân cam kết Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ và tức khắc đối với mọi cuộc tấn công quy mô của quân BV. Sau đó Tổng thống Nixon lại tái cam kết bằng một loạt thơ gởi TT Thiệu bắt đầu từ tháng 11-1972”[33]

10 giờ ngày 14-4, tại Dinh Độc Lập, Nguyễn Bá Cẩn trình diện tân nội các “đoàn kết chiến đấu” bao gồm: 1 thủ tướng, 3 phó thủ tướng, 4 quốc vụ khanh, 15 tổng trưởng, 1 bộ trưởng và 6 thứ trưởng cùng với 6 cố vấn. Trong bài diễn văn trình diện, Nguyễn Bá Cần đề ra 3 hành động khẩn cấp: “thứ nhất, củng cố tiềm năng chiến đấu của quân dân để bảo vệ miền Nam Việt Nam; thứ hai, cứu trợ và định cư đồng bào chiến nạn; thứ ba, tăng gia sản xuất để hỗ trợ công cuộc chiến đâu”[34]. Chủ tọa lễ trình diện, Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố khẳng định không liên hiệp với cộng sản.

7 giờ ngày 14-4, 1 sĩ quan quân đội Sài Gòn mổ bụng tự sát tại tượng Thủy quân lục chiến trước Hạ viện Sài Gòn, yêu cầu ngừng bắn, đi đến hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Ngày 17-4, quận đội Sài Gòn được lệnh di tản khỏi thị xã Phan Rang. Ủy ban Quân vụ Hoa Kỳ chấp thuận khoảng viện trợ 515 triệu đô la cho VNCH.

HN

[1] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[2] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[3] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[4] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[5] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[6] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[7] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[8] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[9] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[10] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[11] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[12] Độc Lập ngày 12-4-1975.

[13] Trắng Đen ngày 10-4-1975.

[14] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[15] Trăng Đen số ngày 5-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.

[16]Báo Độc Lập số ngày 7-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.

[17] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[18] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[19] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[20] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[21] Báo Độc Lập ngày 10-4-1975.

[22] Chính Luận ngày 10-4-1975.

[23] Trắng Đen ngày 10-4-1975.

[24] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[25] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[26] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[27] Hồ sơ 5252, ĐIICH.

[28] Năm 1964, Goldwater từng ra tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ với khẩu hiệu “ứng cử viên chiến tranh” và tuyên bố dùng bất cứ vũ khí nào cần thiết để mang lại chiến thắng mau lẹ, hồ sơ 5252, ĐIICH.

[29] Báo Chính Luận số ngày 11-4-1975.

[30] Báo Chính Luận số ngày 11-4-1975.

[31] Báo Chính Luận số ngày 11-4-1975, hồ sơ 5253, phông ĐIICH.

[32] Báo Trắng Đen ngày 12-4-1975, hồ sơ 5253, ĐIICH.

[33] Báo Độc Lập ngày 15-4-1975.

[34] Hồ sơ 5254, ĐIICH.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *