Tháng 4 năm 1975, cả thế giới hướng về vùng đất nhỏ trong khu vực Đông Nam á để dõi theo cuộc tổng tiến công “thần tốc” giải phóng quê hương của quân dân ba nước Đông Dương, nhất là sự “nóng bỏng” trên chiến trường và chính trường miền Nam Việt Nam.
Về những ngày tháng 4 lịch sử đó đã có hàng nghìn công trình, ấn phẩm, hồi ký, bài viết của các sử gia, cựu tướng lĩnh quân đội, cựu chính trị gia của các bên tham chiến được xuất bản, phơi bày các góc cạnh, bí mật của cuộc chiến. Tuy nhiên, với nhận thức xác định hai bên chính trong cuộc chiến là Hoa Kỳ và quân dân Việt Nam, các tác giả tập trung tìm hiểu sâu về diễn biến cuộc tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và các quyết sách của chính quyền Hoa Kỳ mà đặt một chiều cạch khác của lịch sử – chính thể Việt Nam cộng hòa (VNCH), là đối tượng thứ yếu trong nghiên cứu lịch sử.
Vậy, chính thể VNCH đã như thế nào trước giờ sụp đổ?
Tìm câu trả lời từ hàng nghìn trang tài liệu được sản sinh từ quá trình hoạt động của chính quyền VNCH trong chính những ngày tháng 4 năm 1975, bài viết “chế độ VNCH: 30 ngày trước giờ sụp đổ” mong muốn cung cấp thêm dữ liệu nhằm làm rõ hơn lịch sử những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975).
*
* *
72 ngày đêm không chiến trên bầu trời Hà Nội thất bại, chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973. Thời kỳ sau đó, “lỗ hổng” từ việc quân đội Mỹ rút về nước và việc người Mỹ phải áp dụng chính sách can thiệp có giới ở miền Nam Việt Nam, đẩy chính quyền Sài Gòn rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, khiến Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam cộng hoà phải “chạy vạy” khắp nơi cầu xin viện trợ, nhằm giữ cho chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thẳng thắn: “Việt Nam Cộng hòa chỉ còn đủ đạn không quá cuối tháng 5 sắp tới, và ông cũng nói rằng không có sự thông qua viện trợ của quốc hội Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa thì Việt Nam Cộng hòa sẽ suy sụp[1]”1 . Dư luận thế giới thời điểm này đã đưa ra con số hơn 7 tỉ đô la – một cái giá rất đắt mà Hoa Kỳ phải trả cho cho việc duy trì “sự sống” của Việt Nam cộng hòa trong ba năm 1973-1975.
Về mặt quân sự, sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn “đã huy động các lực lượng hải, lục, không quân mở mỗi ngày trung bình trên 100”2 cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng ở hầu hết các tỉnh duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ. Tuy nhiên, các cuộc hành quân đã không ngăn được đà suy sụp của chính quyền Sài Gòn.
Tháng 1-1975, sự kiện Phước Long – mà như nhận định của một ký giả phương Tây: “Điều khiến mọi người ngạc nhiên là sự sụp đổ mau lẹ và bất ngờ của Việt Nam Cộng hòa trước sự tiến công của Cộng sản. Quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày nay không còn khả năng và ý chí kháng cự nữa”[2], chính thức đánh dấu quá trình sụp đổ mang tính dây chuyền của chính quyền Sài Gòn.
Thực trạng bị đát, đẩy Nguyễn Văn Thiệu đi đến quyết định đề ra chiến thuật quân sự: “Quân đội quốc gia từ nay chỉ giữ lại những pháo đài cố thủ được, có nghĩa là phải bỏ những gì phụ thuộc để cứu vãn những gì thiết yếu”[3]. Quyết định của Nguyễn Văn Thiệu dẫn đến một cuộc “tháo chạy tán loạn” và sự hoảng loạn
Sự “hoảng loạn” của chính quyền Sài Gòn với cuộc rút lui “chiến lược” của Nguyễn Văn Thiệu mà hậu quả của nó đưa đến sự tan rã gần như hoàn toàn hệ thống chính quyền và lực lượng quân đội Sài Gòn ở khu vực miền Trung Tây Nguyên. Đồng thời, tạo ra một làn sóng di tản “khổng lồ” những người có dính líu đến chính quyền Sài Gòn mà con số ước tính theo thông báo của chính quyền Thiệu lên đến 1 triệu người. Trong khi, chính quyền Sài Gòn ra sức “phô diễn” con số khổng lồ người dân chạy nạn khỏi cộng sản, ngày 10-4-1975, báo Trắng Đen đã liệt kê thành phần tị nạn “ghi nhận lời đề nghị của nhiều độc giả nói về vấn đề dân bị kẹt trong các tỉnh vừa bị chiếm đóng. Hầu hết là vợ con quân, công, cán, cảnh không chạy theo kịp với chồng con hoặc chính những quân công cán cảnh ấy đang còn bị kẹt, để xin chính phủ VNCH vận động với các Hội Hồng thập tự quốc tế, Ủy ban bảo vệ NNCC và LHQ chẳng hạn, can thiệp cho những người này được ra đi khỏi nơi họ đang bị kẹt”[4].
Tiếp đó, thông tin về cuộc các cuộc tháo chạy ở miền Trung Tây Nguyên và Sài Gòn bùng phát như “đổ thêm dầu vào lửa”.
Ngày 1-4, Lâm Quang Thọ – Trung tướng, Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt và Chỉ huy trưởng Trường Đại học Chiến tranh chính trị dẫn đầu đoàn di tản dài hơn 1 cây số gồm các sinh viên sĩ quan và các quân dân cán chính thị xã Đà Lạt tỉnh Tuyên Đức dời bỏ thành phố trước khi thành phố này bị bỏ ngỏ. Sau 18 giờ đi bộ, đoàn người đã về tới Bình Tuy và đang chờ phương tiện để di tản về Sài Gòn. Ngày 1-4 cũng là ngày cuối cùng mà Hàng không Việt Nam còn thực hiện được những chuyến bay Đà Lạt – Sài Gòn[5].
Ngày 5-4, Báo Trắng Đen mô tả “thảm trạng miền Trung”: “một số người thân từ miền Trung chạy vào Sài Gòn, thuật chuyện chạy loạn, tìm đất sống nghe thiệt thê thảm! Họ kể với tôi trong nước mắt xót thương, trong uất hận nghẹn ngào”[6]. Báo Độc Lập: “Tất cả những người đã ra đi đều tin tưởng ở một sự bảo vệ. Nhà cầm quyền cần phải làm hết mọi cách để đáp ứng lại sự tin tưởng đó… Kẻ có súng trong tay mà bỏ chạy trước khi đối phương đến đã là cả một chuyện buồn tủi rồi… lùi bước ở mặt trận mà đem võ khí về uy hiệp người dân vô tội, không có tấc sắt trong tay để tự vệ lại đang lâm cảnh hoạn nạn hoảng hốt thì đó là một hành động vô luân không thể nào tha thứ được”[7].
Hệ thống truyền thanh của chính quyền Sài Gòn liên tục phát đi thông tin xuyên tạc về hoàn cảnh bi thảm của những người tị nạn. Tuy nhiên, ngày 11-4-1975, báo Độc Lập đăng bài tường thuật về cuộc “chạy loạn” của dân biểu Sài Gòn đơn vị Ninh Thuận – Trương Xuân Bảo, dưới tựa đề “Đại tá đầu tỉnh Ninh Thuận chạy trước khiến dân chúng hốt hoảng ùa theo” đã đưa ra ánh sáng nguyên do của “thảm trạng lịch sử”. Mở đầu, bài báo tường thuật lại bước đường “chạy loạn” của vị dân biểu: “mắc kẹt tại Phan Rang trong những ngày vừa qua mới chạy bộ vào tới Sài Gòn sáng 9-2 cho biết: “Tháp Chàm còn đứng sửng nhưng thị trấn Phan Rang thật điêu tàn. Gia đình vợ con tôi thất lạc hết, tìm không ra. Riêng tôi, giấy tờ tùy thân, căn cước và thẻ dân biểu đều mất, đói khát suốt 2 ngày vì chạy lạc trong rừng, được những em mục đồng cho ăn cơm. Theo làn sáng người tỵ nạn đi ghe máy vào Phước Tuy. Tới ngã ba Tân Vạn thì nghe tin Dinh Độc Lập bị ném bom, đường sá bị rào cản ngăn chặn, phải bỏ xe, chạy bộ vòng ngã khu đại học Thủ Đức, men dọc theo xa lộ Đại Hàn, qua cầu Bình Phước về Xóm mới, lội qua sông, lọt vô Sài Gòn thì hết giới nghiêm 24/24”[8]. Tiếp đó, bài báo tường thuật lại cuộc di tản ở Phan Rang: “Đêm 1-4-1975, đoàn xe dài bất tận từ Nha Trang vô tới đây. Trời vừa hửng sáng thì Tòa hành chánh và các cơ quan tỉnh bắt đầu di tản theo ngã Phan Thiết dẫn đầu là xe của Đại tá Trần Văn Tư, Tỉnh trưởng Ninh Thuận. Thấy ông đầu tỉnh ra đi, dân chúng trong thành phố hoảng hồn, như rắn mất đầu, mạnh ai nấy chạy. Một số theo QL 1 nối đuôi theo đoàn xe Đại tá Tư, một số khác đi theo đường biển do ngã Tân Thành và Ninh Chử. 9 giờ sáng ngày 2-4-1975, Phan Rang bị đập phá tan tành. Những cây xăng trong thành phố bốc lửa. Nhiều nhà cửa nguy nga, đồ sộ bị đốt. Đường Thống Nhất, con đường chính của Phan Rang lửa đỏ ngập trời. Cướp bóc hoành hành. Những tiệm buôn lớn, gia chủ lạy lục, van xin mới khỏi bị giết. QL 1 từ Nha Trang vô Cà Ná, QL 11 từ Sông Pha đến Phan Rang và con đường từ Phan Rang ra bãi biển Ninh Chử, xác các loại xe cộ cũng như xác người chết không sao đếm xuể. Chỉ trong 3 ngày loạn lạc, thành phố Phan Rang bị hỏa thiêu chỉ còn trơ mái và vách, Ty Ngân khố bị cướp. Ngôi nhà mát của TT Thiệu trên bãi biên Ninh Chử – quê hương của ông – cũng bị cướp đập phá không còn 1 miếng gạch vụn”[9].
Báo Chính Luận cũng đăng lời tường thuật của một nghị viên miền Trung dưới tựa đề “Thuật lại cảnh nha trang bị chính ta bỏ rời – Nghị viên miền Trung đòi truy tố các đầu tỉnh bỏ chạy, gây loạn”[10]. Trên các tàu quân sự Hoa Kỳ: “ông Gerald Scott, một người Mỹ đi cùng dân tỵ nạn trên chiếc hải vận Colorado mô tả cuộc đi tỵ nạn này với danh từ “khủng khiếp”. Thực phẩm, nước uốc, thuốc men đều thiếu thốn. Cả một gia đình 16 người… bị chết khi chiếc thuyền chở người tị nạn đầy nhóc bị vỡ. Trong khi số người tị nạn bước từ tàu lên bờ, người ta thấy một tử thi nằm sóng sượt trên tàu. Nhiều người tị nạn cho biết đã có nhiều người bị chết hay bị thương nhưng chẳng ai biết rõ con số là bao nhiêu… Lúc tàu Colorado đến Vũng Tàu, trên bờ chưa có một tổ chức nào đón nhận họ[11].
Ở Sài Gòn, ngày 3-4, Tòa Đại sứ Tây Đức ở Sài Gòn ra lệnh di tản gia đình các nhân viên ngoại giao khỏi Việt Nam. Người dân ồ ạt kéo nhau đến tòa đại sứ các nước phương Tây để “dọ hỏi” thể lệ xuất ngoại. Như ngày 3-4, nhiều “gia đình giàu có ở Sài Gòn vội vã kéo nhau đến Tòa đại sứ Tây Đức số 217 Võ Tánh Sài Gòn, dọ hỏi thể lệ xuất ngoại báo hại sự lưu thông trên đoạn đường này ứ đọng”[12].
Ngày 4-4, một nhật báo Hoa ngữ Đài Loan đăng tin: “6 thân nhân trong gia đình Đại sứ Nguyễn Văn Kiều, bào huynh của Tổng thống Thiệu, đã tới Đài Loan hôm thứ Năm”[13]. 4 sĩ quan quân đội Sài Gòn đánh cắp phi cơ Hercules (C130) của không quân VNCH chở 52 người chạy trốn đến Tân Gia Ba (Singapore)[14].
Hoảng loạn, Thiệu điều động quân đội VNCH ra Nha Trang – Phan Thiết để tái kiểm soát những nơi này. Đồng thời, từ ngày 31-3 đến 2-4, chính quyền Sài Gòn huy động lực lượng của các xã thuộc hai quận Tân Bình và Gò Vấp tỉnh Gia Định thực tập báo động[15]…
Trong khi, ngày 2-4, Thượng viện Quốc hội VNCH ra quyết nghị yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu phải thay đổi nội các Trần Thiện Khiêm[16].
Ngày 3-4, Linh mục Nguyễn Văn Bình – Tổng Giám mục địa phận Sài Gòn, ra tuyên ngôn kêu gọi Nguyễn Văn Thiệu “thay đổi lãnh đạo trong cấp bách và trong trật tự… một điều “mọi giới đồng bào đều tha thiết mong ước” trong “hoàn cảnh hiện tại của đất nước, nhân tâm vô cùng xao xuyến”[17]. Cùng bản tuyên ngôn, Linh mục Nguyễn Văn Bình chỉ đạo giáo dân các giáo xứ Bùi Phát, Phát Diệm, Lộc Hưng, Nghĩa Hòa, Thành Tâm, Tân Việt, Tân Hòa, Tân Sa Châu, Tân Chí Linh, Xóm Mới tổ chức biểu tình rầm rộ kéo dài từ 15 giờ cho đến sau giờ giới nghiêm ngày 3-4. Đặc biệt, tại khu vực giáo xứ Bùi Phát, Tân Việt, Tân Sa Châu cuộc biểu tình đã bùng nổ thành cuộc bạo động. Giáo dân trang bị gậy gộc, đá, giáo mác cô lập hoàn toàn đường phố từ ngã tư Trương Minh Giang – Trương Minh Ký đến nhà thờ Tân Sa Châu. Tại đây, nhiều cuộc đụng độ giữa giáo dân với nhân viên công lực chính quyền Sài Gòn[18]. 16 giờ cùng ngày, tại trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, một vụ nổ lớn, kèm theo truyền đơn rải khắp sân trường trong giờ của Giáo sư Vũ Quốc Thúc.
Đáp lại, chính quyền Sài Gòn tiến hành bắt giữ, đàn áp cuộc biểu tình và đưa lực lượng cảnh sát kiểm soát chặt đường lộ từ ngã ba Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng tới Lăng Cha Cả và canh gác cần mật các nhà thờ ở khu vực này. Bào chữa cho hành động đàn áp giáo dân, ngày 4-4, Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn phát đi thông báo về một “âm mưu đảo chánh quân sự” với nội dung: “Lợi dụng tình thế khẩn trương hiện tại… một vài phần tử thiển cận đã khai thác tâm trạng hoang mang của đồng bào để xách động gây nên tình trạng hỗn loạn ở hậu phương nhằm hỗ trợ cho một âm mưu đảo chánh quân sự… Những phần tử mưu đồ nói trên đã bị cơ quan an ninh bắt dữ và cuộc điều tra đang được tiến hành”[19].
Ngày 3-4, 50 dân biểu VNCH thuộc hai khối Cộng hòa và Độc lập tiến hành họp và ra quyết nghị đòi Nguyễn Văn Thiệu phải truy tố các tướng tá đã rút bỏ khỏi miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, dân biểu Hồ Ngọc Cứ tiếp lộ cho báo chí nguồn tìn: “Thiếu tướng Phạm Văn Phú sẽ bị truy tố ra tòa án quân sự đặc biệt về các trọng tội: Bỏ nhiều căn cứ quan trọng khi chưa có một cuộc đụng độ nào như Phú Bổn, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang sau cuộc rút lui bất ngờ ở Pleiku – Kontum làm cho dân chúng hoang mang, tinh thần quân đội suy sụp, tạo nên những hỗn loạn, thiệt hai quan trọng về nhân mạng, tài sản quốc gia khi quân đội và dân chúng các tỉnh thuộc quân khu II ùn ùn di tản”[20]. Ngày 5-4, bốn tôn giáo tại miền Nam Việt Nam công bố tuyên ngôn yêu cầu ngừng bắn, mở lại hiệp thương các bên tại Việt Nam để thành lập ngay Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc[21].
Trong lúc đó, chính quyền Thiệu bất ngờ thay thế chức Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi nhằm tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền. Việc bàn giao chức vụ Tổng trưởng giữa Hồ Văn Châm và Phan Hòa Hiệp[22] đã diễn ra “lặng lẽ” trong phòng kìn không có sự hiện diện của bất cứ nhân viên nào vào 20 giờ cùng ngày.
Tại Washington, ngày 2-4, Phó tổng thống Rockefeller tuyên bố: “thực sự là đã quá trễ để làm một cái gì”[23]. Ngày 4-4, trong cuộc họp báo, Tổng thống Ford: “cuộc chạy nạn của dân Việt Nam từ miền Trung vào miền Nam là một thảm nạn lịch sử”[24], “kế hoạch kém và không cần thiết”[25]. Trong khi, cố bào chữa cho Thiệu, ngày 5-4, Tướng Weyand – – Đại tướng, Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ, đánh giá “hành động chiến lược vững chắc”. Riêng TS. Kissinger phát biểu: “triệt thối chiến lược của Tổng thống Thiệu rất có ý nghĩa nhưng rắc rối là cách thức thực hiện cuộc triệt thối đó”.
Giải quyết tình trạng hỗn loạn, một mặt chính quyền Sài Gòn cho thành lập các khu định cư tại các tỉnh miền Tây, Vũng Tàu và đảo Phú Quốc. Úc hỗ trợ di tản xuống các tỉnh miền Tây, quân đội Hoa Kỳ hỗ trợ di tản bằng đường thủy tới Vũng Tàu và Phú Quốc. Tổng thống Ford ra lệnh cho máy bay sang Sài Gòn để chở 2000 cô nhi Việt Nam sang Hoa Kỳ cho các gia đình người Mỹ làm con nuôi[26].
Chiều ngày 4-4, một vận tải cơ quân sự Mỹ loại C5A Galaxy chở 243 cô nhi tuổi từ 6 tháng đến 12 tuổi và 43 nhân viên cứu trợ Mỹ – Úc rơi khi vừa cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhất. Đây là chuyến bay đầu tiên mở màn cuộc không vận 2.000 trẻ em Việt Nam sang Mỹ theo lệnh của Tổng thống Ford. Phi cơ rơi cách Sài Gòn gần 6 dặm khi cố đáp khẩn cấp xuống phía Bắc cầu Bình Lợi (Gò Vấp – Gia Định). Theo thông tin báo chí tiết lộ, có 178 người mà đa số là cô nhi đã tử vong[27]. Theo thông báo của bệnh viện Cơ Đốc, nơi chăm sóc các em cô nhi bị nạn, chỉ có 100 em thoát nạn[28].
Ngày 5-4, cầu không vận của Mỹ đã đưa 1.200 cô nhi Việt Nam rời Sài Gòn để đến Hoa Kỳ, Úc và Canada. Đây là những cô nhi cuối cùng thuộc chương trình nhận con nuôi của tổ chức từ thiện Hotl[29]. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận đặt ra lúc này là “nhiều người thở dài khi nghĩ đến những đứa trẻ thơ ngay Việt Nam sống trên đất người, không hiểu mai sau, các cháu có nghĩ rằng, minh là người Việt, có nhớ đến quy hương đất củ, nơi đã sanh ra các háu không… Nhiều người đang mong được làm cô nhi, muốn thu mình lại nhỏ như đứa trẻ con… Có lẽ người ngoại quốc thích trẻ em thơ ngay hơn là thích người lớn quá khôn nên cứu trợ trẻ em, đưa trẻ em đi… vấn đề đưa cô nhi đi đúng hay sai và những ai chịu trách nhiệm nếu có sai lầm”[30].
Ngày 3-4, Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế kiêm Tổng trưởng Canh nông và Kỹ nghệ kêu gọi nhân dân bình tĩnh và tuyên bố VNCH đảm bảo, Sài Gòn sẽ “dư gạo ăn từ sáu đến tám tháng… tất cả các nhu yếu phẩm đã được cho tồn kho bảo đảm đầy đủ… khuyến cáo đồng bào không nên đổ xô mua sản phẩm nào khi thị trường không dồi dào… kêu gọi đồng bào đến ngân hàng rút tiền trong vòng trật tự”[31].
Ngày 3-4, Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định phát đi thông cáo:
“1. Cấm mọi tu tập đông đảo ngoài đường phố;
- Cấm biểu tình;
- Cấm mang vũ khi di chuyển lẻ tẻ hoặc nhóm đông mà không có giấy phép;
- Cấm cư ngụ bất hợp pháp;
…
Nhân viên công lực đã được nghiêm lịnh bắn hạ tại chỗ trong trường hợp những người vi phạm chống cự hoặc bỏ chạy… giờ giới nghiêm được ấn định lại từ 21 giờ đến 6 giờ sáng”[32].
Ngày 4-4, Chính quyền VNCH ra lệnh cấm xích lô lưu thông khiến 10.000 người đạp xích lô và gia đình rơi vào cảnh nheo nhóc không khác dân tị nạn bao nhiêu[33].
Ngày 4-4, Bộ Thương mại và tiếp tế VNCH ban hành nghị định quyết định đặt dưới chế độ định giá các loại đường nhập cảng và tạm cấm kể từ 1-4-1975 việc dùng sữa đặc có đường tại các cao lâu, tửu quán[34].
Ngân hàng quốc gia VNCH kêu gọi nhân dân không mua đô là Mỹ dự trữ. Lời kêu gọi được đưa ra do mỗi đô la chợ đen lên đến 1.800 đồng, trong khi tỉ giá chính thức chỉ có 750 đồng[35].
Ngày 3-4, phát ngôn viên của phái đoàn VNCH tại La Celle Saint Cloud: “bác bỏ lời tuyên bố của VC nói rằng có thể có sự tái tục hòa đàm”[36]. Nguyễn Hữu Chí – Trường đoàn Quan sát viên VNCH tại Liên hiệp quốc phân phát bản tuyên bố: “Hoa Kỳ không thể nào làm ngơ đối với những tổn thất về quân sự của VNCH mà phải nghĩ đến một trách nhiệm chung và nhìn thẳng vào thực tế đang xảy ra tại VNCH”[37]. Tuy nhiên, ngày 3-4, trả lời yêu cầu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Scali, đòi các bên liên hệ không nên can thiệp vào việc di tản dân tỵ nạn ở Nam Việt Nam, Tổng thư ký Waldheim: “Liên hiệp quốc không có ý định làm bất cứ một điều gì”[38].
Ngày 6-4-1975, tình trạng “hoảng loạn” của chính quyền Sài Gòn mới tạm lắng, sau khi Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho quân đội và các cấp hành chính phải quay trở lại kiểm soát bằng mọi giá khu vực duyên hải miền Trung từ Nha Trang trở vào.
HN
[1] Bản tin số 8786 Thứ Bảy của Việt Nam Thông Tấn Xã, Phông Phủ Thủ tướng VNCH, hồ sơ số 3791
[2] Những bài báo ngoại quốc đáng lưu ý tháng từ ngày 30-3 đến 5-4-1975, hồ sơ 3810, Phông Phủ Thủ tướng VNCH
[3] Những bài báo ngoại quốc đáng lưu ý tháng từ ngày 30-3 đến 5-4-1975, hồ sơ 3810, Phông Phủ Thủ tướng VNCH
[4] Trắng Đen số ngày 10-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.
[5] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[6] Viết bằng nước mắt, báo Trắng Đen số ngày 5-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.
[7] Cần trừng trị năng các phần tử vô kỷ luật, Độc Lập số ngày 5-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.
[8] Báo Độc Lập ngày 11-4-1975.
[9] Báo Độc Lập ngày 11-4-1975.
[10] Báo Chính Luận ngày 11-4-1975.
[11] Báo Chính Luận số ngày 5-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.
[12] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[13] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[14] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[15] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[16] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[17] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[18] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[19] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[20] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[21] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[22] Phan Hòa Hiệp nguyên là sĩ quan thiết giáp, từng giữ các chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, Chỉ huy trưởng Thiết giáp và thay thế Dư Quốc Đống làm Trưởng phái đoàn quân sự VNCH tại Ban Liên hiệp quân sự 2 bên.
[23] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[24] Trăng Đen số ngày 5-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.
[25] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[26] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[27] Chính Luận số ngày 7-4-1975.
[28] Báo Chính Luận số ngày 7-4-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.
[29] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[30] Trăng Đen số ngày 10-4-1975.
[31] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[32] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[33] Trắng Đen số ngày 6-5-1975, hồ sơ 5252, ĐIICH.
[34] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[35] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[36] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[37] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
[38] Hồ sơ 5252, ĐIICH.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch