Ngày 18-12-1972, thực hiện âm mưu định sẵn, Nixon ra lệnh cho máy bay B52 ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam, âm mưu hủy diệt nguồn nhân vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng ngày, khi máy bay Mỹ đang gầm rú trên bầo trời Hà Nội, Hải Phòng, tại Washington, Ronald Ziegler – phát ngôn viên Nhà Trắng chính thức thông báo lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon “tái oanh tạc các mục tiêu quân sự trên toàn lãnh thổ Bắc Việt và nhấn mạnh rằng hành động này sẽ được tiếp diễn cho tới khi đạt được một thỏa hiệp chấm dứt chiến cuộc Việt Nam” [1]. Mục đích của cuộc tấn công cũng được Ziegler nói rõ rằng: “Tổng thống Nixon sẽ cho tiến hành các biện pháp không và hải quân cần thiết để đối phó với sự tăng cường quân sự của đối phương và ngăn chặn những cuộc tấn công mới của Cộng sản tại Nam Việt Nam”[2].
Song trái với ý muốn của Nixon, cuộc ném bom không chỉ gây công phẫn trong dư luận yêu chuộng hòa bình thế giới mà thực sự đã tạo ra cuộc chiến mới tại Hoa Kỳ kể từ sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968.
Ngày 19-12-1972, một ngày sau cuộc ném bom, quyết định của Tổng thống Nixon đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ phía các nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ Mc. Govern “chỉ trích việc Hoa Kỳ tái oanh tạc Bắc Việt và tố cáo Tổng thống Nixon đã làm tan vỡ hy vọng dàn xếp hòa bình Việt Nam” [3]. Thượng nghị sĩ Stuart Symington tuyên bố rằng: “dân chúng Hoa Kỳ đang bị chính phủ Nixon hướng dẫn sai lạc về diễn tiến của cuộc hòa đàm” và yêu cầu cố vấn Kissinger ra điều trần trước Quốc hội để giải thích nguyên do của sự bế tắc hòa đàm[4]. Tại Thượng viện, quyết định của Tổng thống Nixon cũng vấp phải sự trỉ chích mạnh mẽ của Thượng nghị sĩ Mike Mansfied – lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện[5].
Những ngày kế tiếp của cuộc ném bom, Tổng thống Nixon tiếp tục đối diện với cuộc chiến ngày càng trở nên gay gắt trên chính trường Hoa Kỳ. Ngày 20-12-1972, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Kenedy và Muskie cũng lên tiếng kêu gọi “Quốc hội Hoa Kỳ hãy dành lấy quyền lập pháp để kết thúc chiến tranh Việt Nam” [6]. Tiếp đó, ngày 22-12-1972, các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Alan Cranston và Kennedy thông báo trước dự luận việc sẽ đệ trình Quốc hội dự thảo Luật cắt bỏ chi phí chiến tranh tại Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ[7].
Cố gắng xoa dịu tình tình, liên tiếp trong hai ngày (ngày 22 và 23-12-1972), Phát ngôn viên Nhà Trắng Ronald Ziegler lên tiếng xác định lập trường giải quyết cuộc chiến tranh bằng giải pháp thương lượng của Tổng thống Nixon và cố cho thấy cuộc Hội đàm ở Paris vẫn đang được tiếp diễn. Ngày 22-12-1972, Ronald Ziegler “tái xác định rằng Hoa Kỳ vẫn mong muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng đường lối thương thuyết và sẵn sàng thành đạt một giải pháp từng được thỏa thuận trước đây tại Ba Lê”[8]. Ngày 23-12-1972, ông ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tổng thống Nixon nhất quyết chấm dứt chiến tranh Việt Nam và trong giai đoạn sắp tới, hòa bình sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào Bắc Việt…. Nếu Hà Nội hành động thích đáng, chiến cuộc sẽ chấm dứt nhanh chóng”[9].
Tuy nhiên, ngày 23-12-1972, Nixon tiếp tục đón nhận tin xấu từ Paris. Tại phiên họp mật giữa các chuyên viên kỹ thuật của hai phái đoàn, đại diện phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa sau khi đưa kháng thư tố cáo các cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ ở miền Bắc Việt Nam, đã rời bỏ phòng họp trước khi phái đoàn Hoa Kỳ kịp trình bày quan điểm. Như vậy, sau cuộc đàm phán công khai, cuộc thương thuyết mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa bị đình hoãn vỗ thời hạn.
Đòn ngoại giao của Việt Nam dân chủ cộng hòa như dập tắt những hy vọng cuối cùng của nhân dân Hoa Kỳ về một giải pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng thương lượng, khiến cuộc chiến ở nước Mỹ càng thêm gay gắt.
Ngày 25-12-1972, tại Washington, cuộc thăm dò lấy ý kiến của 73 thượng nghị sĩ về việc Hoa Kỳ về cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam đã cho kết quả không mấy khả quan đối với Tổng thống Nixon. Theo kết quả được công bố, trong 73 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ chỉ có 19 người tán thành cuộc ném bom, trong khi có tới 45 thượng nghị sĩ chống đối và 9 thượng nghị sĩ không đưa ra ý kiến. Kết quả cuộc thăm do cũng cho thấy khoảng 45 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ ủng hộ việc đệ trình Quốc hội Hoa Kỳ dự luật nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam[10].
Cùng ngày, các lãnh tụ tôn giáo ở Hoa Kỳ cũng vừa ký tên vào giác thư tố cáo Tổng thống Nixon trốn tránh việc ký kết thỏa hiệp hòa bình về Việt Nam bằng cách ra lệnh tái oanh tạc toàn diện miền Bắc Việt[11].
Tiếp đó, ngày 26-12-1972, Viện Louis Harris công bố kết quả cuộc điều tra dư luận trong toàn nước Mỹ liên quan đến vấn đề Việt Nam. Theo đó, đa số dân số Hoa Kỳ ủng hộ những điều khoản chính yếu trong bản thỏa hiệp về Việt Nam được công bố tháng 10 năm 1972, với kết quả cụ thể như sau:
“Tỷ lệ 2/1 ủng hộ đề nghị ngưng bắn tại chỗ, trao đổi tù binh, triệt thoái binh sĩ Hoa Kỳ trong vòng 60 ngày. Đồng thời tán thành việc chấm dứt oanh tạc và phong tỏa các hải cảng Bắc Việt. Tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử dưới sự giám sát Quốc tế.
50% phản đối sự tiếp tục hiện diện của quân Bắc Việt tại Nam Việt Nam. Nhưng tán thành để lực lượng Bắc Việt ở lại khu vực họ chiếm đóng cho đến khi có tuyển cử tại Nam Việt Nam”[12].
Cùng ngày, Carl Albert – Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ tuyên bố: “Quốc hội cần phải có một phúc trình đầy đủ về vấn đề tái oanh tạc quy mô Bắc Việt, trước khi quyết định thông qua việc kết thúc chiến tranh Việt Nam” và yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ phải giải thích về lý do thất bại của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và về việc Tổng thống Việt Nam cộng hòa có ngăn trở thỏa hiệp hòa bình không[13].
Sau đó, ngày 29-12-1972, Thượng nghị sĩ Willliam Felbright – Chủ tịch Ủy ban ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ, lên tiếng yêu cầu Cố vấn Kissinger và Ngoại trưởng William Rogers ra điều trần về cuộc oanh tạc miền Bắc Việt Nam. Cùng thời điểm, hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, Clifford Case và William Saxbe phát biểu trước dự luận, ngoài việc lên án cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam, đã bày tỏ quan điểm mong muốn Quốc hội Hoa Kỳ (họp vào ngày 3-1-1973) sẽ cắt đứt các ngân khoản dành cho chiến tranh Việt Nam. Còn tại Hạ viện, hai dân biểu Đảng Dân chủ đã yêu cầu đảng tổ chức một cuộc vận động nhân dân Hoa Kỳ nhằm chống đối việc oanh tạc miền Bắc Việt Nam[14].
7 giờ sáng, ngày 30-12-1972, sau 12 ngày đêm ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam, phải trả một cái giá quá đắt với hơn 30 máy bay B52 bị bắn hạ, đồng thời phải đương đầu với cuộc chiến gay gắt tại chính trường Hoa Kỳ, nhưng không đạt được kết quả như mong muốn, Tổng thống Nixon tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20, để tiếp tục nối lại các cuộc đàm phán tại Paris.
Cũng như đối với quyết định tương tực của người tiền nhiệm (Tổng thống Jonhson) cuối năm 1968, quyết định ngưng oanh tạc miền Bắc Việt Nam của Tổng thống Nixon cuối năm 1972 là quyết định duy nhất của ông ta liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam giành được sự ủng hộ của đông đảo dư luận ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Nhất là chính phủ Thụy Điển – nơi từng lên án “cuộc ném bom là một tội ác chống lại loài người trên qui mô đạo đức”, đã nhiệt liệt hoan nghênh quyết định của Tổng thống Nixon[15]. Ngay các nước phương Tây vốn ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ cũng tỏ ra hoan nghênh quyết định của Tổng thống Nixon. Ngày 30-12-1972, tại Luân Đôn, Thủ tướng Anh Edward Heath đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi tất cả mọi người phải cầu nguyện cho cuộc hội đàm thành công. Tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Maurice Schumann tuyên bố “lại có hi vọng và cho rằng nỗ lực của Pháp không phải là vô ích” [16].
Ngay sau quyết định của Tổng thống Nixon, ngày 2-1-1973, tiến trình đàm phán về Việt Nam được nối lại bằng phiên họp bí mật mang tính kỹ thuật giữa Đại sứ Hoa Kỳ W. Sullivan và đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Cơ Thạch. Ngày 4-1-1972, Hội nghị bốn bên về Việt Nam tại Paris khai mạc phiên họp thứ 172 sau hai tuần đình hoãn. Và chỉ trong thời gian ngắn, đến ngày 20-1-1973, các bên tham gia đàm phán đa đi đến thống nhất dự thảo và lịch trình ký kết Hiệp định. Đến 11 giờ (giờ Paris), ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Đại lộ Kleber, Paris, đại diện bốn bên tham gia Hội nghị Paris cùng ký kết vào Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trước sự đón chào của hàng vạn người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
TS. Nguyễn Xuân Hoài
[1] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3125/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 19-12-1972.
[2] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3125/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 19-12-1972.
[3] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3136/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 20-12-1972.
[4] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3136/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 20-12-1972.
[5] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3136/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 20-12-1972.
[6] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3147/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 21-12-1972.
[7] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3170/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 23-12-1972.
[8] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3153/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 22-12-1972.
[9] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3170/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 23-12-1972.
[10] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3175/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 24-12-1972.
[11] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3175/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 24-12-1972.
[12] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3184/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 26-12-1972.
[13] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3202/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 28-12-1972.
[14] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3230/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 30-12-1972.
[15] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3234/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 31-12-1972.
[16] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ 17533: Tài liệu số 3234/PTUTB/R/M của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo về Bản Tổng hợp tin tức ngày chủ nhật 31-12-1972.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch