- Đấu tranh chống ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập dân tộc, hoà bình và thống nhất đất nước là một trong những nét nổi bật của dân tộc Việt Nam. Nguời tiêu biểu nhất cho khát vọng độc lập, hoà bình và thống nhất đất nước trong thế kỉ XX và biến khát vọng này thành hiện thực – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ở tất cả các thời kì lịch sử cho đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, vấn đề độc lập dân tộc, tự do, hoà bình và và thống nhất đất nước luôn là nét nổi bật trong tư tưởng và hành động của Người. Điều này thể hiện trong thời kì lịch sử 1954-1975.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn có quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kì, nhưng các nhà cầm quyền Mĩ luôn theo đuổi âm mưu xâm lược nước ta. Theo Hiệp định Genève 1954, nước Việt Nam sẽ được thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do nhưng các Chính phủ Mĩ từ Tổng thống Aixenhao đến Pho đều âm mưu chia cắt lâu dài, dựng lên các chính quyền theo Mĩ, không tổ chức tổng tuyển cử tự do, từng bước leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam với nhiều chiến lược chiến tranh khác nhau. Âm mưu và hành động của Mĩ trên đây đồng nghĩa với việc phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, tứơc đoạt quyền độc lập và tự do, hoà bình của nhân dân Việt Nam … Một yêu cầu bức thiết đặt ra cho dân tộc Việt Nam là phải đấu tranh cho độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất nước nhà và toàn vẹn lãnh thổ. Trong bối cảnh lịch sử đó, khát vọng độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ. Vì thế Hồ Chí Minh nói: “Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của dân nhân Việt Nam”[1]. George C. Hering – giáo sư Sử học ở Trường Đại học Kentucky (Mĩ) khẳng định: “Đối với Việt Nam, thống nhất đất nước là khát khao của cả dân tộc”[2]. Vì vậy từ năm 1954 đến 1975, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ vì mục tiêu độc lập, hoà bình, thống nhất đất nước. James G. Zumwalt – trung tá thuộc lực lượng Thuỷ quân lục chiến (Mỹ), từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Miền Nam Việt Nam, viết trong tác phẩm “Chân trần chí thép” rằng: “Một số ý kiến của chính quyền Mĩ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lí, không có áp lực chính trị, thì người Mĩ có thể chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi đã nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi….Đó chính là ý chí sắt thép đặc trưng và rất đặc biệt của người Việt Nam, vốn đã thôi thúc họ tiến lên để giành chiến thắng trong cuộc chiến trước người Mĩ – cuộc chiến mà nước Mỹ thiếu một quyết tâm tương xứng”[3].
Trước mưu đồ xâm lược của đế quốc Mĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ rằng: chủ nghĩa đế quốc không dễ dàng từ bỏ âm mưu xâm lược, nô dịch các nước thuộc địa, chúng chỉ muốn “giải quyết hoà bình” trên thế mạnh. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn nêu cao chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập và thống nhất Tổ quốc, hoà bình cho nhân dân Việt Nam, nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương, tố cáo âm mưu xâm lược và những tội ác của đế quốc Mĩ gây ra cho nhân dân ta ở hai miền Nam, Bắc, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hoà bình trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam trong mối quan hệ với các nước. Trong buổi tiếp đầu tiên Uỷ ban quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam, gồm đại biểu ba nước Ấn Độ, Ba Lan và Canada, ngày 12-8-1954, tại Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi vốn yêu chuộng hoà bình, cho nên chúng tôi rất phấn khởi đón tiếp cuộc đình chiến. Chúng tôi sẽ đưa hết lực lượng và sẽ cố gắng không ngừng để giữ gìn hoà bình và thi hành đúng đắn tất cả những điều khoản đã ghi trong Hiệp định đình chiến”[4].
Theo chủ trương này, trong thời gian đầu sau khi kí Hiệp định Genève 1954, nhân dân Việt Nam kiên trì đấu tranh thi hành đúng các các nội dung của hiệp định đình chiến nhằm gìn giữ và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất đất nước. Nhưng theo âm mưu của Mĩ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành chính sách cai trị có tính chất độc tài phát xít, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử, phá hoại Hiệp định Genève 1954, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, do đó, nhân dân Việt Nam hiểu rằng chỉ có thể giành độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất đất nước và tiến bộ xã hội chỉ khi nào làm thất bại các âm mưu chính trị – quân sự của các thế lực xâm lược, sẽ không giành được thắng lợi trên bàn đàm phán bằng phương pháp hòa bình nếu không có thắng lợi trên chiến trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ”[5] nhưng “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” [6].
Đến đầu năm 1959, khả năng thực hiện thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình không còn nữa. Vấn đề chiến tranh và hoà bình đặt ra cho dân tộc Việt Nam. Tình thế lịch sử yêu cầu cách mạng Việt Nam phảỉ tiến hành bằng con đường cách mạng bạo lực mới có thể giành lấy hoà bình và các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành TW đảng (khoá II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì tiến hành vào tháng 01/1959, đã quyết định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Hội nghị xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam thoát khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh. Tại Hội nghị này, để đạt được mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mấy điểm chủ yếu:
– Cứu nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân.
– Không phải một lúc đánh đổ ngay chế độ Mĩ – Diệm. Vì vậy, cần phải đánh lùi địch từng bước, tranh thắng lợi từng bước về phía mình. Chuẩn bị lực lượng khi thời cơ đến.
– Cách mạng miền Nam nhất định thắng lợi, vì Đảng ta và nhân dân ta có đủ sức khắc phục khó khăn…. [7]
Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ 15 và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi sâu vào cán bộ, quần chúng nhân dân và biến thánh sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ và tay sai, được mở đầu bằng phong trào Đồng khởi 1959-1960. Cuối 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và các nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mĩ và tập đoàn Ngô Đình Diệm – tay sai của Mĩ, thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hoà bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Đây là sự thể hiện tính chất đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc và phát huy bài học về Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam.
Từ 1961, Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam mở đầu bằng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965). Nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng để giành các mục tiêu: giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Tại Hội nghị chính trị đặc biệt (từ 27 đến 28-3-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ âm mưu và hành động chiến tranh của Mĩ, nêu lên quyết tâm đánh thắng quân Mĩ nếu chúng liều lĩnh đụng đến miền Bắc Việt Nam và kêu gọi quân dân miền Bắc: “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”, phát động phong trào kết nghĩa Bắc – Nam.
Khi Chiến tranh đặc biệt đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và mong muốn thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình: “Đế quốc Mĩ chỉ có thể chọn một trong hai con đường: hoặc là chuẩn bị chào đón một trận Điện Biên Phủ, hoặc là thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ 1954… Nếu đế quốc Mĩ khôn hồn theo con đường thứ hai, nhân dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hoan tống họ một cách lịch sự…”[8].
Ngày 10-4-1965, trong bối cảnh Mĩ tiến hành leo thang chiến tranh với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), từ diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ thiện chí hoà bình của nhân dân Việt Nam song đồng thời cũng kiên quyết chiến đấu cho mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người nói: “Chúng ta yêu chuộng hoà bình nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta quyết đánh đuổi giặc Mĩ xâm lược để bảo vệ tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.”[9].
Hồ Chủ tịch cũng khẳng định lập trường kiên quyết của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong công cuộc “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta”. Đây là lập trường kiên định của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ và là nguyên tắc trong quá trình đàm phán với đối phương sau này.
Trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục khẳng định quyết tâm chiến đấu đến cùng của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu độc lập, tự do, hoà bình và thống nhất của dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập tự do…Vì độc lập tự do của Tổ quốc….Toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hi sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”[10].
Lập trường kiên quyết trên đây của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực to lớn để nhân dân ta đánh bại Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ. Tuy vậy, chúng vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969-1975).
Trước tình hình đó, để củng cố tinh thần quyết tâm chống Mĩ cứu nước của quân và dân ta nhằm thực hiện những mục tiêu của dân tộc, ngày 11-01-1969, trong “Thư chúc mừng năm mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mĩ cút, đánh cho Nguỵ nhào.
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào,
Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn” [11].
Tuy chủ trương kiên quyết đấu tranh bằng bạo lực, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng con đường hoà bình. Trong “Thư trả lời Tổng thống Mĩ R. Nixon”, ngày 25-8-1969, Người đã căm phẫn trước tội ác của quân đội Mĩ gây ra cho nhân dân và đất nước Việt Nam và “cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mĩ chết vô ích ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mĩ”, Người mong muốn với thiện chí của cả hai bên, “có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam” trên cơ sở “Mĩ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài” [12].
Thực hiện Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, đế quốc Mĩ nhất định sẽ thất bại”[13], nhân dân Việt Nam đã biến đau thương thành sức mạnh quyết đánh thắng giặc Mĩ xâm lược. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã tạo ra bước chuyển cơ bản cùng trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, đánh bại ý chí xâm lược của Mĩ về mặt quân sự buộc Mĩ và Chính quyền Sài Gòn phải kí Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam, thừa nhận một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho Nguỵ nhào” hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và lập lại hoà bình trên đất nước ta.
- Có thể khẳng định rằng mỗi thắng lợi của nhân dân Việt Nam ở hai miền Nam – Bắc đã ghi đậm dấu ấn tư tường Hồ Chí Minh được thể hiện ở đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước hoạch định và chỉ đạo cùng những lời dạy của Người. Trong suốt thời gian từ năm 1954 đến 1969, Đảng và Chính phủ ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ độc lập, dân chủ, hoà bình, thống nhất, đề cao chính nghĩa, thế tất thắng của ta, khoét sâu chỗ yếu của địch về chính trị, nhằm đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần độc lập dân tộc và cơ sở văn hoá nghìn năm của dân tộc trong thời đại mới để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Người nêu rõ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề thống nhất hai miền Nam – Bắc Việt Nam bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập và dân chủ như Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 đã qui định.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh sẽ diễn ra lâu dài gian khổ, bằng nhiều phương thức và phải biết giành thắng lợi từng bước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì chủ trương thương lượng hoà bình để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam do Mĩ gây ra. Đây là tư tưởng nhất quán của Người bằng cách lấy đối thoại thay cho đối đầu, thương lượng hoà bình thay cho chiến tranh. Đây là sự tiếp tục chủ trương đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Có thể khẳng định rằng trong lịch sử ngoại giao của các quốc gia trong thời kì hiện đại (tứ sau năm 1945), Hồ Chí Minh là một trong những người đề ra việc đối thoại và tiến hành đối thoại. Giáo sư W. Luylây (Đức) đã nhận xét rằng; “Quan điểm của Hồ Chí Minh rất phù hợp với quan điểm ngày nay trong việc giải quyết các xung đột quốc tế… Sau chiến tranh thế giới thứ hai, xu hướng giành hoà bình bằng các giải pháp phi bạo lực còn nhiều. Chính Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam, luôn luôn mong muốn hoà bình đàm phán với Pháp. Hoà bình, hạnh phúc cho nhân dân, đó chính là ý nguyện suốt đời của Người”[14].
Tuy luôn đề cao biện pháp hoà bình, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương kiên quyết đấu tranh bằng bạo lực khi khả năng hoà bình không còn nữa và kẻ thù ngoan cố muốn giải quyết vấn đề bằng chiến tranh. Đây là qui luật có tính yếu của cách mạng Việt Nam nhằm giành thế mạnh trên chiến trường buộc kẻ địch phải ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn cuộc đấu tranh vì độc lập, hoà bình và thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội và sự lớn mạnh của của phe xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc thực hiện hiệp định đình chiến ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa đem lại hoà bình cho đất nước mà cũng góp phần xây dựng nền hoà bình trên thế giới, chấm dứt chiến tranh…”[15]. Trong Họi nghị chính trị đặc biệt (1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em; kiên quyết đấu tranh chống chính sách xâm lược và gây chiến của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mĩ…; kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc; ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”[16]. Do đó, cách mạng Việt Nam tranh thủ được sự giúp đỡ của các lực lượng cách mạng tiến bộ, hình thành Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ rộng rãi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta. Đây là một trong những nhân tố tạo nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975) với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975.
PGS. TS. Trương Công Huỳnh Kỳ
Trường Đại học Sư phạm Huế
[1] Hồ Chí Minh (1976), Thống nhất nước nhà con đường sống của nhân dân ta, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, tr. 134.
[2] George C. Hering, Cuộc chiến tranh dài ngày nhất nước Mĩ… tr. 10 .
[3] James G. Zumwalt, Chân trần, chí thép, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr. 37-38..
[4] Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội; tr. 329.
[5] Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội; tr. 322-323.
[6] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[7] Hội đồng TWchỉ đạo giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo trình lịch sử ĐCSVN, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 215-216.
[8] Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 11, Nxb. CTQG; tr. 405.
[9] Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, tập I, Nxb. Công an nhân dân, H. 1996, tr. 252-253
[10] Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, tập I, Nxb. Công an nhân dân, H. 1996, tr. 252-253
[11] Hồ Chí Minh (2000) toàn tập, t 12, tr. 246.
[12] Hồ Chí Minh (2000) toàn tập, t 12, tr. 231-232, 488-489.
[13] Hồ Chí Minh (2000) toàn tập, t 12, tr. 511.
[14] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), Nxb. Khoa học xã hội, H. tr. 57.
[15] Hồ Chí Minh (1996) toàn tập, t 7, tr. 330.
[16] Hồ Chí Minh (1996) toàn tập, t 11, tr. 231..
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch