Công tác phát huy giá trị tài liệu phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa (1954-1975) tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

CÔNG TÁC PHÁT HUY GIÁ TRỊ SỬ LIỆU

PHÔNG PHỦ THỦ TƯỚNG VIỆT NAM CỘNG HÒA (1954-1975)

TẠI TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA II

Bùi Thượng Hải – Lương Thị Vân

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết giữa chính phủ Pháp và chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định quy định hai bên tham gia chiến tranh (Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) thực hiện đình chỉ chiến sự, tiến hành tập kết chuyển quân. Đồng thời, một cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam sẽ được tổ chức vào hai năm sau kể từ ngày ký kết Hiệp định. Nhưng, với âm mưu thiết lập con đê “ngăn chặn làn sóng đỏ” tràn xuống khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ gây áp lực, đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn làm thủ tướng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam – thực thể do Pháp dựng lên ở Việt Nam từ năm 1949. Về nắm quyền ở miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm tiến hành hàng loạt các biện pháp: tiêu diệt giáo phái Bình Xuyên, Hòa Hảo; chuyển tỷ giá hối đoái từ đồng France sang đồng Dollar; truất phế Bảo Đại (ngày 23-10-1955)… nhằm “hất cẳng” Pháp khỏi miền Nam Việt Nam. Hoàn thành độc chiếm miền Nam Việt Nam, ngày 26-10-1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố cho ra đời chính thể cộng hòa ở miền Nam Việt Nam (còn gọi là chính quyền Sài Gòn).

Qua 20 năm (1955-1975) tồn tại, thực hiện kiểm soát miền Nam theo quy đạo chủ nghĩa thực dân mới, chính quyền Sài Gòn từng bước củng cố bộ máy kìm kẹp theo mô hình cộng hòa đại nghị Hoa Kỳ. Hoạt động của bộ máy chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tạo ra khối lượng lớn (với gần 10.000 mét giá tài liệu) tài liệu của các cơ quan trung ương Việt Nam cộng hòa và các cơ quan của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Nội dung tài liệu phản ánh đầy đủ quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Hoa Kỳ; chính sách kìm kẹp, đàn áp phong trào cách mạng và nhân dân miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn; cùng nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội của miền Nam Việt Nam trong hơn 20 năm dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.

Sau ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), khối tài liệu trên được Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thu thập, đưa vào bảo quản trong kho lưu trữ quốc gia và tiến hành phân loại, chỉnh lý hình thành hơn 70 phông tài liệu lưu trữ trong phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Trong đó, có nhiều phông tài liệu có giá trị, nguồn sử liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử vùng đất phía Nam Việt Nam, đặc biệt là về 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc. Mà một trong những phông tài liệu lưu trữ quan trọng bậc nhất và có thời gian tài liệu xuyên suốt trong 21 năm tồn tại của chế độ Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam cần phải được biết đến là phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa (1954-1975).

Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa bao gồm hơn 1.000 mét giá tài liệu được sản sinh trong quá trình hoạt động của Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn từ năm 1954-1975[1]. Phần lớn tài liệu trong phông là bản gốc, bản chính các văn bản của Phủ Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Ủy ban hành pháp quốc gia, Phủ Thủ tướng,… và các bộ, cơ quan ngang bộ của chính quyền Sài Gòn. Trong đó, có nhiều tài liệu được chính quyền Sài Gòn đánh giá là “mật”, “mật – khẩn”, “tối mật”,….

Trong giai đoạn 1954-1975, toàn bộ khối tài liệu sản sinh trong quá trình hoạt động của Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn được lưu giữ Văn phòng Phủ Thủ tướng và Sở Lưu trữ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa ở số 44 Chu Mạnh Trinh, Đô thành Sài Gòn (nay là 44 Chu Mạnh Trinh, Phường Bến Nghé, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau ngày giải phóng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã thu thập, đưa về quản lý, bảo quản trong tình trạng “bó gói”, chưa được xử lý khoa học kỹ thuật, gây rất nhiều khó khăn cho công tác khai thác, sử dụng tài liệu. Tiếp đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ngành, cán bộ viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã cần mẫn thực hiện phân loại từng “bó gói”, chỉnh lý, sắp xếp từng tờ tài liệu để hình thành nên phông tài liệu lưu trữ Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa (1954-1975) với 32.894 hồ sơ, 4059 hộp tương đương 579,8 mét.

Phủ Thủ tướng là cơ quan hành pháp của chính quyền Việt Nam cộng hòa, do đó đã sản sinh ra những tài liệu đặc biệt quan trọng, không những phản ánh đầy đủ, toàn diện về đường lối, chính sách của chính quyền Sài Gòn trong hơn 20 năm mà còn phản ánh các hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội từ trung ương đến địa phương tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Nội dung khái quát của tài liệu trong phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa bao gồm những vấn đề chính yếu sau:

– Hoạch định đường lối, chính sách: Tài liệu về các phiên họp Hội đồng Nội các, Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Quân chánh; chương trình, kế hoạch và báo cáo hoạt động của Phủ, Bộ và các tỉnh; tài liệu về công tác bình định xây dựng, phát triển, ấp chiến lược; tài liệu về viện trợ của Hoa Kỳ và các nước cho các chương trình phát triển…

– Tổ chức – hành chính: Tài liệu về phân ranh địa giới; về hoạt động của Quốc hội; về bầu cử Thủ tướng, Phó Thủ tướng; về cải tổ hành chính và công vụ.

 – Chính trị – an ninh – quân sự – ngọai giao: Chương trình, kế hoạch quân sự, an ninh, tình báo; báo cáo hoạt động của Bộ Quốc phòng, các quân khu, đơn vị; tài liệu về Hội nghị Genève 1954, Hiệp định Paris năm 1973; các hiệp ước, thỏa ước quân sự với nước ngoài; các cuộc hành quân, chiến dịch; các hoạt động của Việt Minh, Việt Cộng và các lực lượng đảng phái đối lập; tài liệu về vấn đề di cư, tị nạn; về các cuộc đảo chính và biến cố chính trị; về hoạt động của quân đội Hoa Kỳ và các nước tại VNCH; tài liệu về các cuộc thương thuyết, thỏa ước, giữa VNCH với các nước; về chính sách đối ngoại của Việt Nam Cộng hòa và về ngoại giao của Việt Cộng…

– Kinh tế – tài chánh: Các văn bản pháp qui về kinh tế – tài chánh; kế hoạch và báo cáo của các bộ, ngành; tài liệu về việc đàm phán, ký kết các hiệp ước kinh tế – tài chánh với nước ngoài ; về Hội nghị kế hoạch Colombo; về ngân sách, tài chính và viện trợ….

Văn hóa – xã hội: văn bản pháp qui về  lãnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; báo cáo hoạt động của các bộ, nha, sở; tài liệu về các vấn đề xã hội, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, giáo dục và thể dục thể thao….

Trong những năm vừa qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là từ năm 2007 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02/3/2007 về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã tiến hành nhiều hoạt động nghiệp vụ để tổ chức khai thác và sử dụng nguồn tài liệu này như: Phục vụ nghiên cứu tài liệu tại phòng Đọc; tổ chức trưng bày, triển lãm tài liệu; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lưu trữ và viết bài giới thiệu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Theo số liệu thống kê tại Phòng Đọc của Trung tâm, tính từ năm 2000 đến năm 2010 đã có hơn 1.500 độc giả đến nghiên cứu các tài liệu phông Phủ Thủ tướng VNCH với số lượng hồ sơ phục vụ lên đến 12.536 hồ sơ bao gồm nhiều đề tài phong phú về các lĩnh vực như: lịch sử, văn hóa – xã hội, môi trường, kinh tế, xây dựng,… Độc giả đến nghiên cứu tài liệu phông Phủ Thủ tướng VNCH có cả sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, các nhà khoa học thuộc các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.

Nhưng trên thực tế, số lượng hồ sơ tài liệu được đưa ra phục vụ mới chiếm khoảng 38% tổng số hồ sơ tài liệu của phông Phủ Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa. Điều này chứng tỏ còn một khối lượng lớn tài liệu trong phông vẫn chưa được khai thác, sử dụng. Nguồn tài liệu này nếu được đưa ra khai thác, sử dụng hiệu quả hơn,  chắc chắn sẽ là nguồn cung cấp những thông tin có giá trị cho các công trình nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh công tác phục vụ độc giả tại phòng Đọc, cán bộ, viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia II còn đẩy mạnh các hoạt động công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ phông Phủ Thủ tướng đến với đông đảo công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau, như:

Tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ. Năm 2007, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã phối hợp với Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập”. Đến năm 2008, Trung tâm II tiếp tục tổ chức cuộc triển lãm tài liệu lưu trữ với chuyên đề: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và Mũi đánh chiếm Dinh Độc Lập”. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, từ năm 2009-2010, cuộc triển lãm “Đường Hồ Chí Minh qua tài liệu lưu trữ” năm 2009 và “Từ Hiệp định Paris đến mùa xuân đại thắng” năm 2010 đã đều đạt được những thành công nhất định, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Xuất bản ấn phẩm lưu trữ với các sách: “Sách chỉ dẫn các phông tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II”, “Cuộc Tổng tiến công của quân giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1968 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn”, “Về Đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn”, “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” và “Từ xuân hè 1972 đến Điện Biên Phủ trên không qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn”. Trong quá trình biên soạn, hàng ngàn trang tài liệu có giá trị thuộc phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, trong đó có nhiều trang tài liệu lần đầu tiên được công bố, đã góp phần làm tăng giá trị khoa học của xuất bản phẩm.

Nhìn chung, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã góp phần quan trọng trong việc đưa nguồn tài liệu phông Phủ Thủ Tướng Việt Nam cộng hòa, cũng như tài liệu lưu trữ do Trung tâm quản lý đến gần hơn với độc giả trong và ngoài nước, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử. Trong tương lai, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát huy giá trị nguồn tài liệu lưu trữ nói chung và khối tài liệu phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa nói riêng, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[1] Việc phân phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa lấy mốc từ năm 1954, trong khi, Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa chỉ thực sự hình thành từ sau năm 1955  – thời điểm chính thể cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ra đời, là dựa vào phân kỳ lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, sự phân phông như trên dựa theo thực tế tài liệu có trong Phông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *