Công tác tổ chức quản lý khoa học tài liệu Mộc bản triều Nguyễn (P3) – Phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

1. Giới thiệu, quảng bá và làm thay đổi nhận thức về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

Đẩy mạnh việc đưa giá trị tài liệu vào phục vụ công cuộc xây dựng đất nước và phục vụ các nhu cầu khác của xã hội, trong những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, Trung tâm IV chủ động thực hiện công bố, giới thiệu tài liệu, coi đó là những hoạt động thường niên. Kết quả, Trung tâm IV đã đưa nhiều tài liệu ra công bố rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả trong và ngoài nước tiếp cận các nguồn tài liệu vốn được coi là tài liệu mật, trước đây hạn chế việc khai thác, sử dụng. Đặc biệt, từ năm 2007, Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị 05/2007/CT-TTg về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đẩy mạnh việc tổ chức công bố, giới thiệu, đưa tài liệu Mộc bản vào phục vụ các nhu cầu của xã hội.

Trong điều kiện, công chúng còn có những nhận thức rất hạn chế về tài liệu lưu trữ – đối với tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, đến trước năm 2006, hầu như rất ít cá nhân, trong đó có cả giới học giả, các nhà khoa học, biết đến sự tồn tại cũng như giá trị của tài liệu này, Trung tâm đẩy mạnh việc “quảng bá”, giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đến công chúng và bạn bè quốc tế, thông qua nhiều hình thức: làm phim lưu trữ, tổ chức trưng bày và lập hồ sơ đăng ký chương trình ký ức thế giới,….

1.1. Thực hiện làm phim và phối hợp với các Đài truyền hình làm phim giới thiệu và quảng bá về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

Đến nay, Trung tâm đã có khoảng 30 phim có nội dung về Mộc bản triều Nguyễn, được thực hiện ở nhiều kênh trung ương và địa phương trong cả nước. Riêng phim Mộc bản triều Nguyễn với dấu ấn Thăng Long – Hà Nội đã đoạt được Huy chương Bạc trong Liên hoan phim toàn quốc năm 2010; phim Mộc bản “Chiếu dời đô” – Một phát hiện bất ngờ đã đoạt giải C – Giải Báo chí quốc gia lần thứ V năm 2010.

1.2. Trưng bày tài liệu Mộc bản triều Nguyễn với hình thức phiên bản composite và trưng bày ngoài trời

Năm 2007, sau khi tham quan và nghiên cứu nhiều hình thức quảng bá tài liệu Mộc bản tại đất nước Hàn Quốc, Trung tâm đã thực hiện thành công mô hình bản sao nguyên mẫu composite từ bản gốc tài liệu Mộc bản. Nhờ đó, du khách đến tham quan có thể được tận tay chiêm ngưỡng được tài liệu Mộc bản qua đôi tay. Tuy không phải là bản gốc nhưng với phiên bản này, du khách có thể hình dung được rõ ràng và chính xác hơn bản gốc Mộc bản.

Năm 2008, trung tâm cũng tổ chức thành công Khu trưng bày tài liệu Mộc bản triều Nguyễn ngoài trời độc. Để thu hút đông đảo công chúng đế thăm quan, Trung tâm xây dựng khu trung bày kết hợp yếu tố lịch sử với tham qua du lịch. Ngoài khu trưng bày tài liệu Mộc bản ngoài trời, Trung tâm tổ chức các phòng trưng bày chuyên đề liên quan đến lịch sử khu biệt điện Trần Lệ Xuân và các nhân vật của chế độ cũ đã từng sinh sống ở đó. Ngoài ra còn một phòng trưng bày về lịch sử đấu tranh cách mạng của cộng đồng các dân tộc vùng miền Trung – Tây Nguyên.

Sự kết hợp hài hòa giá trị của tài liệu lưu trữ – di sản của quốc gia dân tộc với sự tráng lệ của khu biệt điện mà công chúng mới chỉ được nghe tới đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước, cũng như nhiều nhà nghiên cứu đến tham quan. Tính đến năm 2010, có khoảng 39.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Tài khu trưng bày, Trung tâm cho mở một phòng lưu niệm, bán các sách và đồ lưu niệm về Mộc bản triều Nguyễn và tài liệu lưu trữ nói chung, như áo thun, ly uống nước có in hình Mộc bản Chiếu dời đô hoặc bài thơ thần Nam quốc sơn hà.

Để du khách đến thành phố Đà Lạt có thể nắm bắt thông tin về khu trưng bày, Trung tâm cho thiết kết panô, bảng hiểu tại nhiều nơi trong thành phố.

Ngoài ra, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV còn tham gia đưa tài liệu Mộc bản tham dự các cuộc trưng bày, triển lãm quốc tế, như lựa chọn tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tiêu biểu đưa đi trưng bày tại Triển lãm Văn hóa Lưu trữ quốc tế IACE 2010 tại Seoul (Hàn Quốc).

Trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm kịp thời làm phiên bản Mộc bản Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, làm lễ vật cho đại lễ cũng như trao tặng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

1.3. Đưa Mộc bản triều Nguyễn vào “Chương trình ký ức thế giới”

Cũng nằm trong hoạt động quảng bá tài liệu Mộc bản, năm 2007, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ để Cục trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đăng ký Mộc bản triều Nguyễn vào “Chương trình ký ức thế giới”. Đây là một việc rất mới và rất khó đối với Trung tâm vì số lượng Mộc bản rất lớn, lại khắc chữ Hán Nôm ngược trên gỗ, rất khó giải mã để thuyết minh về giá trị về mặt nội dung của Mộc bản triều Nguyễn. Tuy vậy, với sự cần cù và lòng nhiệt huyết của các cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, ngày 30/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, được đưa vào “Chương trình ký ức thế giới”. Đây là lần đầu tiên, tài liệu lưu trữ của Việt Nam nhận được sự vinh danh của UNESCO.

Ngày 3-1-2010, Trung tâm tổ chức long trọng Lễ đón nhận Bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho tài liệu Mộc bản triều Nguyễn vào đúng dịp kỷ niệm ngày Lưu trữ Việt Nam. Mục đích của buổi lễ là giới thiệu và quảng bá rộng rãi tới các nhà nghiên cứu, tới công chúng trong nước và quốc tế về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Tham dự buổi lễ có 13 đại sứ của các nước tới dự và tham quan bản gốc Mộc bản triều Nguyễn. Tại buổi lễ, đại sứ Hàn Quốc đã phát biểu: Việc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đã khẳng định Việt Nam là một nước có nền văn hóa và lịch sử rất lâu. Đây cũng là dịp Mộc bản triều Nguyễn được đánh giá cao và quảng bá rộng rãi không phải chỉ trong nước mà ra toàn thế giới.

Nhìn chung, bằng những hoạt động sáng tạo, mang tính tiên phong trong công tác quản lý tài liệu lưu trữ, Trung tâm đã từng bước làm thay đổi quan niệm không chỉ của công chung, mà ngay cả những cá nhân đang làm công tác lưu trữ về giá trị của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, cũng như giá trị của tài liệu lưu trữ và vai trò của công tác lưu trữ nói chung. Từ việc chỉ tập trung giữ gìn, bảo quản an toàn  không để hư hỏng mất mát tài liệu và chỉ đưa tài liệu ra phục vụ công tác quản lý, công tác lãnh đạo và phục vụ các nhu cầu khai thác của nhà nước,…. khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn  – di sản dân tộc, di sản ký ức thế giới, được tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng tiếp cận, sử dụng có hiệu quả tài liệu, phát huy tốt giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Phát huy giá trị tài liệu mộc bản triều Nguyễn vào phục vụ các nhu cầu của xã hội

Đẩy mạnh việc đưa giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn vào phục vụ các nhu cầu của xã hội, bên cạnh việc hiện đại hóa phòng Đọc, nhằm nâng cao chất lược phục vụ độc giả tại chổ, Trung tâm đẩy mạng việc công bố tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2.1.  Công tác phục vụ độc giả

Công tác phục vụ độc giả đến nghiên cứu, khai thác sử dụng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn cũng được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV thực hiện rất cẩn thận. Nâng cao chất lược phục vụ, Trung tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khai thác sử dụng tài liệu. Hiện nay, phòng Đọc tại Trung tâm có phòng vi tính, đã được gắn kết phần mềm và cơ sở dữ liệu tài liệu Mộc bản, sẵn sàng phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng của độc giả.

Ngay sau khi ổn định được tổ chức, từ năm 2008 đến tháng 6 năm 2011, trung tâm đã phục vụ được 1.889 lượt độc giả; 789 phiếu yêu cầu; số lượng tài liệu đưa ra phục vụ là 3.031 đơn vị, 90 đĩa CD, 4.386 tấm tài liệu Mộc bản.

2.2. Biên soạn ấn phẩm lưu trữ và viết bài đăng trên các tạp chí

Biên soạn ấn phẩm lưu trữ và viết bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành và khoa học là hai hình thức công bố tài liệu được thực hiện đầu tiên trong công tác công bố giới thiệu tài liệu lưu trữ trữ. Ngay từ năm 2004, nhằm cung cấp đến độc giả những thông tin tổng quan nhất về tại liệu Mộc bản triều Nguyễn, cơ quan lưu trữ đã cho xuất bản cuốn Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan. Đến năm 2009, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của độc giả, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã tái bản và hoàn chỉnh cuốn sách trên để giới thiệu với bạn đọc toàn bộ những thông tin cần thiết của từng bộ sách trong toàn bộ khối tài liệu Mộc bản.

Từ năm 2007, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, nhân dịp các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, của ngành và đơn vị, Trung tâm xuất bản nhiều ấn phẩm lưu trữ có giá trị.

Trong đó có thể kể đến ấn phẩm “Chiếu rời đô và những kiệt tác” xuất bản năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh việc công bố bản khắc cổ nhất (tính đến nay) Chiếu rời đô của Lý Công Uẩn, cuốn sách đã cung cấp cho độc giả các “kiệt tác” của các thế hệ cha ông đi trước, như: bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt; Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi,… đã có tác dụng to lớn, góp phần vào sự thành công của đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng như góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ Việt Nam.

Ngoài ra còn có các ấn phẩm Khoa bảng triều Nguyễn  tại Thanh Hóa, Bắc Ninh,… đã cung cấp cho công chúng, các nhà nghiên cứu gia phả những thông tin chính xác về những người đã đỗ đạt, thành danh dưới triều Nguyễn tại các địa phương, qua đó nhiều người đã tìm thấy và tự hào về cha ông mình.

Cùng với xuất bản ấn phẩm lưu trữ, Trung tâm đã tổ chức công bố tài liệu trên các tạp chí chuyên ngành và khoa học, biến đó thành hoạt động mang tính thường niên. Từ năm 2007 – 2010, Trung tâm đã công bố hàng trăm bài viết trên các tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, tạp chí Xưa và Nay,… Trong đó, có những bài viết có giá trị, phục vụ trực tiếp cho công tác bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Hoàng Sa – Trường Sa và biên giới hải đảo. Đặc biệt, Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã xây dựng các bài viết thành các chuyên đề đăng trên tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, tạo điều kiện cho độc giả dễ dàng theo dõi và tra tìm những thông tin cần quan tâm, như chuyên đề: Các nhà Khoa bảng triều Nguyễn ở Bắc bộ, Khoa bảng triều Nguyễn ở Bắc Ninh,….

Nhìn chung, hoạt động công bố tài liệu của Trung tâm những năm qua thực sự đã gây được những ấn tượng, nhận thức mới với nhiều cảm tình tốt đẹp của công chúng đối với tài liệu lưu trữ quốc gia nói chung, ngành Lưu trữ và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV nói riêng. Trung tâm đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, nhà nước và các cấp bộ, ngành và các nhà khoa học, của công chúng về giá trị của tài liệu công bố, về cách thức tổ chức độc đáo, sinh động. Đến nay, Trung tâm thực sự trở thành thành điểm đến, nơi hội tụ của giới nghiên cứu khoa học, của công chúng và bạn bè quốc tế.

Minh Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *