Ths. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt
Hình thành trong quá trình hoạt động của Phủ thống đốc Nam kỳ (1858 – 1945), Tài liệu Phông Thống đốc Nam Kỳ phản ảnh tất cả các hoạt động của Phủ thống đốc Nam kỳ nói chung, các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Nam kỳ thời cận đại nói riêng. Thông qua nguồn tài liệu này, các nhà nghiên cứu ngày nay có được góc nhìn đầy đủ và chân thực trong việc tái hiện những vấn đề về lịch sử, chính trị, kinh tế – văn hóa, xã hội của Việt Nam cũng như những chính sách và hoạt động của các tổ chức chính quyền Pháp ở thuộc địa. Chúng tôi xin nêu đóng góp của nguồn tài liệu lưu Phông Thống đốc Nam Kỳ trong việc nghiên cứu một vấn đề cụ thể đó là quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức, quản lý nhân sự của Công xưởng Hải quân Sài Gòn giai đoạn 1863 – 1900.
Công xưởng Hải quân Sài Gòn do Pháp xây dựng vừa giữ vai trò là một căn cứ Hải quấn chiến lược của Pháp ở vùng Viễn Đông, vừa nhằm phục vụ cho các tàu thuyền quốc tế và của Pháp vào buôn bán ở Sài Gòn, đồng thời đây cũng là công cụ phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của tư bản Pháp. Tuy nhiên trong một chừng mực nhất định Công xưởng Hải quân Sài Gòn lại có những đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế cũng như các phong trào đấu tranh giai cấp của Việt Nam. Thông qua các Chỉ thị, Quyết định, Nghị định của Chính phủ Pháp và Phủ thống đốc Nam Kỳ được lưu trong tài liệu phông thống đốc Nam kỳ chúng ta biết được mục đích xây dựng cũng như cơ cấu tổ chức, quản lý nhân sự của công xưởng Hải quân Sài Gòn.
Mục đích việc Pháp xây dựng công xưởng Hải quân Sài Gòn
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Nha phiến (1839 – 1842), năm 1943 Chính phủ Pháp Chỉ thị cho viên Đặc mệnh toàn quyền đang hoạt động tại Trung Quốc phải tìm cho được một vị trí thuận tiện để thiết lập một căn cứ hải quân, làm điểm tựa cho lực lượng hải quân và thương thuyền Pháp tại Viễn Đông với những yêu cầu: Phải gần với đế quốc Trung Hoa; Có cảng rộng và kín để tránh những cơn báo dữ dội thường có ở vùng Đông Nam Á; Ở một vị trí biệt lập để bảo vệ trước sự tiến công của đối phương; có khí hậu tốt để binh lính, thủy thủ dưỡng sức sau các hoạt động dài ngày trên biển; Có nguồn nước ngọt đồi dào để cung cấp cho nhu cầu của hạm đội[1]. Những vị trí có điều kiện như trên ở vùng Viễn Đông có nhiều song phần lớn đã bị các nước phương tây như Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Tây Ba Nha.v.v chiếm đóng, lúc này chỉ còn Việt Nam là nơi hội đủ các điều kiện trên mà các nước tư bản thực dân khác cũng đang nhòm ngó.
Ý tưởng của Pháp được cụ thể hóa 19 năm sau đó, sau khi Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Sơn[2]. Ngày 28/4/1863 quyết định của Chính Phủ Pháp về việc xây dựng một xưởng đóng tàu hoàn chỉnh theo dự án thiết kế của kỹ sư Antoine được ban hành[3]. Xưởng được mang tên Arsenal de Saigon[4] với mục đích sửa chữa các tàu dùng vào việc bảo vệ thuộc địa và những tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Thái Bình Dương, chủ yếu là Biển Đông. Thống đốc Nam kỳ De La Grandière đã chỉ đạo cho kỹ sư Antoine triển khai thực hiện, vừa xây dựng các công xưởng vừa bắt tay vào sản xuất, công việc xây dựng kéo dài đến năm 1899 thì về cơ bản hoàn thành[5].
Công xưởng Hải quân Sài Gòn đã trở thành một xưởng đóng tàu lớn, một công xưởng hiện đại của Hải quân Pháp tại vùng Viễn Đông, vừa đảm bảo được nhiệm vụ sửa chữa và đóng mới các tàu thuyền cho hạm đội hải quân và lược lượng hàng hải thương thuyền Pháp, vừa phục vụ được cho các hoạt động của nền kỹ nghệ tư nhân và của chính quyền thuôc địa mà lúc này đang được Pháp cho phát triển, đồng thời cũng giữ vai trò là một căn cứ hải quân chiến lược của Pháp tại vùng Viễn Đông phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp.
2.Tổ chức của công xưởng hải quân Sài Gòn
Hệ thống tổ chức chỉ huy của công xưởng hải quân Sài Gòn qua mỗi thời kỳ có sự thay đổi tùy theo sự phát triển của công xưởng cũng như lực lượng hải quân Pháp tại Việt Nam.:
* Tổ chức nhân sự của Công xưởng hải quân Sài Gòn:
Theo Nghị định ngày 8/4/1875 của Bộ Hải quân Pháp, Công xưởng Hải quân Sài Gòn trực thuộc Bộ Hải quân Pháp, được quản lý bởi một Hội đồng quản trị do một sĩ quan chỉ huy cao cấp của Hải quân Pháp tại Việt Nam chủ trì. Tham gia hội đồng quản trị gồm những sĩ quan và viên chức hải quân đứng đầu các sở, ty khác nhau trong công xưởng .
– Chỉ huy chung công xưởng gồm có: 1 kỹ sư hải quân; 1 phó ủy viên hải quân và 1 đại úy sĩ quan chỉ huy tàu; các sĩ quan giúp việc dưới quyền có 3 trợ tá tham biện, 1 nhân viên kế toán, 1 nhân viên hành chính. Nhân viên của các xưởng và kho gồm có 9 tham tá quản lý, kế toán hoặc văn phòng; 12 nhân viên tiếp liệu, 2 thủ kho, 2 nhân viên cấp phát và 6 nhân viên ghi chép.
– Trông coi giám sát công trình gồm có: 2 hướng dẫn viên của Ty công trình thủy; 2 chủ sự ở sở đóng tàu và 2 chủ sự trông coi các công việc ở hạm đội[6].
*Tổ chức công xưởng gồm:
– Sở đóng tàu và công trình thủy: do một kỹ sư bậc hai hải quân chức vụ giám đốc điều hành đảm nhiệm. Dưới quyền có một phó kỹ sư (sous ingénieur), các đốc công hoặc chủ sự, một viên chức hành chính, một viên chức kế toán, các tham tá, thư ký và những nhân viên quản kho.
– Ty cảng vụ: do một thiếu tá sĩ quan chỉ huy tàu (lieutenant de vaisseau) làm giám đốc; dưới quyền có các sĩ quan hải quân và một số lính thủy.
– Văn phòng công xưởng: do một Phó ủy viên hải quân phụ trách với chức danh ủy viên của công xưởng; dưới quyền có ba sĩ quan của văn phòng, các tham biện và thư ký[7].
Ngày 31/10/1981 Chính phủ Pháp ký điện văn về việc thay đổi tổ chức quản lý của Công xưởng hải quân Sài Gòn[8], theo đó tháng 1/1882, xưởng đóng tàu được tách ra khỏi sự quản lý của chỉ huy trưởng hải quân, quyền lãnh đạo công xưởng lúc này giao cho một kỹ sư ngành đóng tàu cả về phương diện hành chính và kỹ thuật. Ngày 5/6/1884, Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh đặt Công xưởng hải quân Sài Gòn dưới quyền lãnh đạo tối cao của Tổng tư lệnh Hải quân Đông Dương, về mặt hành chính thuộc quyền của viên chủ sự hành chính. Giám đốc điều hành công xưởng là một sỹ sư mang quân hàm sĩ quan cao cấp hải quân[9]. Ngày 5/12/1888, Tổng thống Pháp lại ra sắc lệnh mới đặt Công xưởng hải quân Sài Gòn dưới quyền của viên đại tá chỉ huy trưởng phân hạm đội hải quân Nam Kỳ và thuộc quyền viên chuẩn đô đốc tư lệnh hạm đội Viễn Đông của hải quân Pháp[10]. Theo đó bộ máy quản lý điều hành công xưởng được sắp xếp lại như biên chế năm 1881 và được duy trì từ đây cho đến đầu thế kỷ XX.
- Nguồn nhân lực của Công xưởng hải quân Sài Gòn.
Trong dự án đưa ra trình Bộ Hải quân Pháp tháng 4-1863, kỹ sư Antoine dự trù một cơ số công nhân khoảng từ 500 – 600 người để đảm bảo trong thời bình đủ lực lượng để sản xuất, sửa chữa thường xuyên, đồng thời khi cần có thể tập trung công nhân để giải quyết các hư hỏng của tàu thuyền để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. Số thợ chuyên môn này nhà cầm quyền phải đưa từ chính quốc sang, một số khác thuê mướn số thợ người Trung Quốc từ các căn cứ Ma Cao, Hương Cảng, Thượng Hải và ở các nơi khác như Singapo, Batavia[11].
Việc tuyển người Việt Nam (người bản xứ) vào làm việc trong Công xưởng hải quân Sài Gòn thời kỳ đầu rất khó khăn do tay nghề sửa chữa tàu của người Sài Gòn lúc đó mới chỉ biết một số nghề như: mộc, rèn, sơn, xảm….Trước thực trạng đó, nhà cầm quyền Pháp với mục đích là lợi nhuận đã tìm cách đào tạo và truyền đạt các nghề nghiệp mới cho công nhân Việt Nam để dùng họ thay thế cho những thợ nước ngoài như Pháp[12] và Trung Quốc. Lúc đầu do chưa có tay nghề thợ người Việt tham gia lao động trong công xưởng làm những công việc lao động thủ công đơn giản. Qua thời gian làm việc, những người có khả năng tiếp thu kỹ thuật được chọn ra để kèm cặp dạy nghề theo lối vừa làm vừa học, từ dễ đến khó, từ những ngành nghề đơn giản đến những ngành nghề phức tạp đòi hỏi có kiến thức khoa học nhất định.
Có nhiều cách để đào tạo thợ như: chủ xưởng tuyển mộ, cho học bổ túc những kỹ thuật mới thường dùng trong kỹ thuật đóng và sửa tàu như gia công khuôn mẫu, tạo phôi… Sau đó, người thợ chính thức làm việc và trực tiếp kèm cặp dạy nghề cho thế hệ sau. Hoặc nhà cầm quyền Pháp tuyển chọn con em sĩ quan, viên chức Pháp và nhân viên người Việt Nam làm ở xưởng đưa đi Pháp đào tạo nghề. Bằng các hình thức đó, số nhân công của Công xưởng Hải quân Sài Gòn ngày càng tăng, năm 1881 là 754 người (96 thợ người Pháp, 658 thợ người Hoa và người Việt Nam). Số nhân công này được biên chế cho 10 xưởng của sở đóng tàu và cho các ty công trình thủy và cảng vụ[13].
Đầu thế kỷ XX, khi công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp được đẩy mạnh và để giúp cho các Công xưởng Hải Quân của Pháp ở các nơi tránh khỏi nạn thiếu nhân viên kỹ thuật và thợ chuyên môn, nhà cầm quyền Pháp cho mở trường đào tạo lính thủy, trường đào tạo thợ máy người bản xứ mang tên École des mécaniciens Asiatiques de Sai Gon (trường Bá Nghệ – tức trường Cao Thắng ngày nay). Tiếp đó, Bộ trưởng Hải quân Pháp đã ban hành Nghị định cho thành lập các trường huấn luyện học viên học nghề tại các xưởng và xí nghiệp Hải quân thuộc Bộ Hải quân Pháp, kể cả ở chính quốc và thuộc địa[14]. Theo đó, Công xưởng Hải quân Sài Gòn đã thành lập trường dạy nghề của Xưởng mang tên École des apprentis de l’Arsenal de Sai Gon và thu nhận học sinh 15-17 tuổi đã tốt nghiệp sơ học bổ túc Pháp – Việt, sau đó đào tạo họ về chuyên môn kỹ thuật từ 2 – 3 năm, tròn 18 tuổi sẽ bổ nhiệm làm thợ phụ hoặc thợ chính ở các xưởng trong công xưởng. Trường dạy nghề hàng năm tuyển sinh một lần, mỗi lần khoảng 200 người và mỗi năm nhà trường cũng cho ra trường khoảng gần 100 thợ kỹ thuật các ngành để bổ sung cho các xưởng trong công xưởng[15]. Với các cách đào tạo nghề đã nêu trên, đội ngũ công nhân kỹ thuật người Việt Nam của Công xưởng Hải Quân Sài Gòn từng bước phát triển với số lượng lớn, họ đã dần dần thay thế những thợ lành nghề người Pháp, người Hoa trong hầu hết các ngành nghề kỹ thuật đóng mới và sửa chữa tàu biển.
*
Khai thác nguồn tư liệu Phông Thống đốc Nam Kỳ thông qua một vấn đề cụ thể để thấy rằng, những đóng góp của tài liệu Thống đốc Nam kỳ trong việc tái hiện lại những hoạt động của Phủ thống đốc Nam kỳ thời cận đại là rất lớn. Để phát huy hơn nữa giá trị tài liệu Phông Thống đốc Nam kỳ, các cơ quan quản lý ngoài việc bảo quản an toàn, cần quan tâm đến công tác phục vụ khai thác và sử dụng nguồn tài liệu này. Muốn vậy cơ quan quản lý các cấp và cơ quan lưu trữ cần phải đầu tư nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp tạo ra cơ hội và điều kiện tốt nhất để các nhà nghiên cứu có thể thuận tiện trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng, phát huy tốt những giá trị của tài liệu phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào việc phục dựng lại các vấn đề lịch sử, kinh tế – văn hóa – chính trị – xã hội của Việt Nam trong thời kỳ cận đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chỉ thị của Chính phủ Pháp về việc thiết lập căn cứ Hải quân ở vùng Viễn Đông, Tài liệu phông Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm lưu trữ Quốc Gia II.
- Dự án của kỹ sư Antoine trình Bộ Hải quân Pháp về việc dự trù nguồn nhân lục cho công xưởng hải quân Sài Gòn tháng 4-1863. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
- Điện văn của Chính phủ Pháp về việc thay đổi tổ chức quản lý của Công xưởng hải quân Sài Gòn Ngày 31/10/1981. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II
- Nghị định của Bộ Hải quân Pháp quy định việc tổ chức, quản lý điều hành và bố trí nhân sự của công xưởng Hải quân Sài Gòn ngày Ngày 8/4/1875. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
- Nghị định của Bộ trưởng Hải quân Pháp về việc thành lập các trường huấn luyện học viên học nghề tại các xưởng và xí nghiệp Hải quân thuộc Bộ Hải quân Pháp. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
- Quyết định của Chính Phủ Pháp ngày 28/4/1862 về việc xây dựng xưởng Arsenal de Saigon. Phông Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II
- Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp về việc sắp xếp lại bộ máy điều hành công xưởng hải quân Sài Gòn ngày 5/2/1888. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
- Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp về việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý của Công xưởng Hải quân Sài Gòn ngày 5/6/1884. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
[1] Chỉ thị của Chính phủ Pháp về việc thiết lập căn cứ Hải quân ở vùng Viễn Đông, Tài liệu phông Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm lưu trữ Quốc Gia II.
[2] Ngày 5/6/1862 triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và đảo Côn Sơn cho Pháp.
[3] Quyết định của Chính Phủ Pháp ngày 28/4/1862 về việc xây dựng xưởng Arsenal de Saigon. Phông Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II
[4] Arsenal de Saigon có nghĩa là Công xưởng Hải quân Sài Gòn, hoặc Xưởng đóng tàu Sài Gòn, Việt Nam thường gọi là xưởng Bason. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành hải quân công xưởng của chính quyền Sài Gòn thì tên gọi Bason được sử dụng chính thức trên văn bản mang tính pháp quy của nhà nước Việt Nam như: xưởng Bason; Nhà máy Bason; Xí nghiệp liên hợp Bason.
[5] Theo tài liệu phông thống đốc Nam kỳ địa điểm xây dựng công xưởng hải quân Sài Gòn nằm ở mỏm đất giữa kênh Thị Nghè và sông Sài Gòn, tức vùng đông bắc của thành phố. Tức phía Bắc giáp kênh Thị Nghè, phía Đông giáp sông Sài Gòn, phía Nam giáp đường Tôn Đức Thắng, phía Tây giáp đường Lê Thánh Tông ngày nay.
[6] Nghị định của Bộ Hải quân Pháp quy định việc tổ chức, quản lý điều hành và bố trí nhân sự của công xưởng Hải quân Sài Gòn ngày Ngày 8/4/1875. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
[7] Nghị định của Bộ Hải quân Pháp quy định việc tổ chức, quản lý điều hành và bố trí nhân sự của công xưởng Hải quân Sài Gòn ngày Ngày 8/4/1875. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II
[8] Điện văn của Chính phủ Pháp về việc thay đổi tổ chức quản lý của Công xưởng hải quân Sài Gòn Ngày 31/10/1981. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II
[9] Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp về việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý của Công xưởng Hải quân Sài Gòn ngày 5/6/1884. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
[10] Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp về việc sắp xếp lại bộ máy điều hành công xưởng hải quân Sài Gòn ngày 5/2/1888. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
[11] Dự án của kỹ sư Antoine trình Bộ Hải quân Pháp về việc dự trù nguồn nhân lục cho công xưởng hải quân Sài Gòn tháng 4-1863. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
[12] Theo tài liệu phông thống đốc Nam kỳ: Vào những năm cuối thế kỷ 19, lương của thợ Pháp trung bình gấp từ 7-8 lần lương của thợ Việt Nam cùng ngành nghề, cùng bậc, ngoài ra thợ người Pháp còn được cấp phát không phải trả tiền toàn bộ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, được chữa bệnh không mất tiền và được chủ xưởng cấp cho nhà ở với đầy đủ tiện nghi.
[13] Theo tài liệu của phông thống đốc Nam kỳ: Các xưởng chuyên môn của công xưởng Hải quân Sài Gòn gồm có: xưởng lắp ráp: 79 thợ; xưởng sắt: 77 thợ; xưởng hàn sơn: 25 thợ; xưởng khung và thuyền nhỏ: 90 thợ; xưởng đồng: 18 thợ; xưởng đúc: 25 thợ; xưởng rèn khóa: 41 thợ; xưởng mộc – cưa: 86 thợ; xưởng tổng hợp: 138 thợ; xưởng buồm: 10 thợ. Ngoài số thợ của các xưởng trong sở đóng tàu, còn có số thợ ở các Ty công trình thủy là 20 người, ở Ty cảng vụ là 45 người.
[14] Nghị định của Bộ trưởng Hải quân Pháp về việcthành lập các trường huấn luyện học viên học nghề tại các xưởng và xí nghiệp Hải quân thuộc Bộ Hải quân Pháp. Tài liệu Phông thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
[15] Theo ghi chép của tài liêu phông thống đốc Nam kỳ: Chương trì học tập ở trường dạy nghề công xưởng Hải quân Sài Gòn lớp sơ cấp gồm các môn: Pháp văn (36 bài), vẽ kỹ thuật (36 bài); số học (12 bài); đại số (12 bài); hình học phẳng và hình học không gian (16 bài); vật lý (10 bài); cơ học (16 bài). Bên cạnh đó, các bài giảng kỹ thuật để giảnh dạy cho các ngành riêng biệt được soan riêng cho từng ngành nghề như: thợ sắt, thợ mộc, thợ nguội, thợ đóng ống.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch