Đặc điểm loại hình cư trú của người Khmer ở Nam bộ
Các hình thái quần cư của mỗi dân tộc phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố: điều kiện địa lý môi sinh, lịch sử tộc người, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, các loại hình kinh tế, sự phát triển dân số, sự phân bố dân cư của các dân tộc trên một khu vực cụ thể, sự tác động của các tổ chức chính quyền nhà nước và mối quan hệ giữa các dân tộc trong lịch sử.
Căn cứ vào đặc điểm địa lý môi sinh, nhìn một cách tổng quát toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có người Khmer sinh sống, có thể quy thành các loại hình cư trú chủ yếu của người Khmer như sau:
– Hình thái cư trú trên đất giồng
Đây là hình thái cư trú phổ biến nhất cũng là hình thái cư trú sớm nhất của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ. Giồng có hai loại giồng: giồng duyên hải và giồng ven sông. Đất giồng là loại phù sa cổ, trên mặt là đất cát pha thịt, dưới sâu là đất sét dễ thoát nước, đất đai khô ráo, và không bị nhiễm mặn. Đây là những dải đất duyên hải xưa cũ trong quá trình tiến dần ra biển hình thành nên.
Có thể nói đất giồng là nơi cư trú đầu tiên của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời kỳ lịch sử xa xưa, khi đồng bằng sông Cửu Long chưa được khai phá, phần lớn nơi đây còn hoang vu, ngập lội thì chính đất giồng là nơi dừng chân thích hợp đầu tiên của con người để sau đó dần dần mở rộng việc khai phá ruộng đất ra xung quanh.
Trên đất giồng, hình dáng của sóc Khmer thường có hình cung dài, uốn theo kích thước và chiều hướng của đất giồng. Loại hình này thường gặp ở những vùng Vũng Liêm, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh). Ở Sóc Trăng cũng vậy, tuyệt đại đa số các phum, sóc của người Khmer là ở trên đất giồng. Trên các giồng này cư dân tập trung hết sức đông đúc. Sự có mặt của các ngôi chùa cổ trên dưới 4 – 5 trăm năm tuổi cùng với những câu truyện cổ tích về quá trình định cư khai khẩn đất hoang có thể coi là những minh chứng cho sự có mặt lâu đời của người Khmer ở đây.
– Hình thái cư trú trên đất ruộng
Vào thế kỷ XVIII – XIX, công cuộc khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được đẩy mạnh. Năm 1787, Trịnh Hoài Đức đã mô tả tình hình khai khẩn ở Trà Vinh, Trà Cú như sau: “Nhờ sự sắp đặt có thưởng trị phân minh nên dân (người Khmer và người Việt) đều an cư lập nghiệp mà chính vì chỗ gò hoang đất trống đều được khai hoang thành ruộng vườn trồng tỉa”[1]. Cùng với việc di cư của người Việt vào sâu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và chính sách mộ dân khai khẩn ruộng đất của triều Nguyễn, đất đai canh tác ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng “đất hãy còn nhiều chỗ rậm rạp, chưa khai thác hết”[2]. Phải đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do áp lực của việc tăng nhanh dân số của người Khmer và việc đất đai hoang hóa ngày càng hiếm, những vùng đất tốt, màu mỡ đã khai phá gần hết, rừng hoang, bưng bãi hẹp dần, người Khmer phải đi xa hơn khai phá những mảnh đất cằn cỗi là bưng phèn ở các vùng ngập mặn chỉ có thể cấy lúa một vụ. Dưới áp lực dân số, những giồng đất không còn đủ sức chứa vì mật độ cư dân ngày càng đông, mặt khác để tiện lợi trong việc gần đất canh tác, những phum sóc chật chội được chia ra, người Khmer bắt đầu chuyển xuống đất ruộng để thành lập các phum, sóc mới.
Ở những vùng này, người Khmer tập trung thành các khu quay tròn hoặc trải dài theo các dải ruộng nằm giữa các giồng. Hình thức này thường được gặp ở các vùng Trà Vinh, Trà Cú, Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), Đại Tâm, Phú Tân (tỉnh Sóc Trăng). Một số nơi đồng bào cư trú phân tán hoặc thành từng cụm nhỏ trên đất ruộng phù sa. Càng sâu vào nội địa, các cụm phum sóc, hầu như cô lập giữa vùng trũng. Tuy cư trú trên đất ruộng nhưng người Khmer vẫn đắp đất thành các giồng nhân tạo để xây dựng phum sóc mới trên đó. Hình thức này thường được gặp ở các vùng đất trũng, ngập lụt ở An Giang, Kiên Giang, một phần ven biển Vĩnh Châu, và ở các vùng quanh Sóc Trăng, Trà Cú, Vũng Liêm. Đây là một kiểu cư trú độc đáo, phản ánh một tập quán cư trú đã thành thói quen và khả năng thích ứng sáng tạo của người Khmer trong cuộc đấu tranh sinh tồn và khai phá vùng đất mới.
– Hình thức cư trú ven theo kênh và các con lạch nhỏ
Ở đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên một nền văn minh kênh rạch, bưng biền của vùng sông nước. Cũng như người Việt và người Hoa, một hình thức cư trú khá phổ biến của người Khmer là cư trú dọc theo ven sông, kênh và các con rạch nhỏ. Những phum, sóc được xây dựng theo ven kênh tự nhiên là nơi sinh cơ lập nghiệp khá lâu đời của người Khmer, so với loại hình cư trú trên đất ruộng. Ở đây còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa cổ truyền với sự có mặt của những ngôi chùa cổ kính. Phum, sóc ở đây bị biến dạng không còn đậm đặc như ở đất giồng. Dọc theo hai bờ kênh các ngôi nhà của người Khmer được xây dựng nối tiếp nhau quay mặt ra kênh, trông giống như làng xóm của người Việt, phía sau có mảnh vườn nhỏ, có khi có ao cá, xa hơn là đất ruộng. Khuôn viên của gia đình được bao bọc bởi một vòng mương làm ranh giới giữa các hộ. Mỗi phum, sóc có thể có 2 hay 3 lớp nhà như vậy nằm song song dọc theo kênh. Hình thức cư trú này mang tính phân tán hơn.
Ven theo những con kênh nhân tạo, người Khmer thường lấy đất đào từ dưới lòng mương, đắp lên hai bên bờ và cư trú trên đó. Số lượng phum sóc tương ứng với những mảnh ruộng được tưới nước dọc theo kênh. Hình thức cư trú dọc theo kênh đào này có lẽ mở ra từ lúc Thoại Ngọc Hầu đào cảng Đông Xuyên (1818) trở về sau và phát triển nhanh chóng cùng với việc người Pháp đào kênh Xáng. Hình thức cư trú này được thiết lập muộn hơn nhưng những phum, sóc trên kênh đào phát triển nhanh và vững chắc hơn, bởi kênh đào mang lại nước ngọt và sự giao thông thuận lợi hơn.
– Hình thái cư trú dạng “vành khăn” ven chân núi
Ở vùng biên giới Campuchia thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, nơi có các dãy núi Thất Sơn, núi Sập, núi Vọng Thê, phum, sóc của người Khmer được thiết lập quanh sườn đồi, ven chân núi thành từng lớp hình “vành khăn” từ chân núi tiến dần ra những phần ruộng và những con kênh chung quanh. Tại đây, từ rất lâu đời người Khmer đã “ở sườn núi, bờ khe làm nghề cá và săn bắn”[3], cùng với người Hoa, Kinh, Chà Và (Chăm) “nhà ở liền nhau, cùng kinh dinh những mối lợi rừng núi, sông chằm”[4]. Cũng tại đây, người Khmer Việt Nam và người Khmer ở Campuchia thường xuyên đi lại giao lưu, tiếp xúc với nhau, vì vậy, trong lối sống và văn hóa của họ có rất nhiều ảnh hưởng qua lại nhưng vẫn giữ được những bản sắc riêng rất rõ nét.
[1] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Tập Trung, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn, tr.83
[2] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Tập Trung, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn, tr.131
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh An Giang và tỉnh Hà Tiên, Nxb. KHXH, tr. 16.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh An Giang và tỉnh Hà Tiên, Nxb. KHXH, tr. 10.
Tin cùng chuyên mục:
Việt Nam Xưa qua 100 bức ảnh phục chế màu – Thập niên 1890
Cảnh Nam Bộ xưa: Thăm lại các tỉnh Miền Tây 100 năm trước
Tại sao gọi là Sài Gòn? Lý do, nguồn gốc?
Những thương hiệu “Khét Tiếng” Sài Gòn trước 1975 (Phần 2)