Quyết định leo thang chiến tranh của Nixon ngay lập tức bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ. Tổng hợp của hãng thông tấn UPI ngày 10-5-1972, cho thấy ngay cả báo chí Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ cũng không mấy ủng hộ quyết định phong tỏa miền Bắc Việt Nam của ông ta.
Báo chí Hoa Kỳ đánh giá:
Tờ St. Louis-dispatch: “bằng cách lựa chọn mở rộng chiến tranh để thực hiện hoà bình, Tổng Thống Nixơn đã đọc một bài diễn văn cho ta nhớ lại những điên rồ của quán khứ… Biện pháp phong toả là một hành vi chiến tranh và dù ông Nixon nói gì đi nữa, ông không thể biện minh hành vi đó”.
Tờ Philadenphia Evening Bulletin: “Ông Nixon đã chơi một ván cờ lớn và chỉ có thành công mới biện minh được cho hành vi đó”.
Tờ Chicago Daily News: “… Hành động của Tổng Thống Nixon nêu lên viễn tưởng của một cuộc can dự toàn cầu. Dù ông đã đưa ra lý do biện minh, người ta vẫn tự hỏi liệu trò chơi có đáng không ?”.
Tại Anh tờ Daily Mirror gọi “sự phong toả là hành động kết cuộc trong tấn thảm kịch lớn của Hoa Kỳ. Ông Nixon lựa chọn sự thách thức tính toán này hơn là việc đầu hàng tức khắc. Tuy nhiên, khi sự chiến bại là một điều chắc chắn, đầu hàng đâu nhất thiết là một sự nhục nhã? Chắc chắn nó sẽ vinh dự hơn là việc gây thêm nhiều đau thương một cách vô ích cho những người dân chưa hề biết là chiến tranh nhằm mục tiêu gì”.
Tại Úc, tờ Sydney Morning Heral cho rằng quyết định của ông Nixon là “một hành động tuyệt vọng trong cơn khủng hoảng”[1].
Ngày 15-5-1972, trong bài viết “Phá vỡ một số huyền thoại trong cuộc chiến tranh Đông Dương” trên nhật báo Le Monde, tác giả Georges Hourdin vạch trần toàn bộ quá trình can thiệp và các chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông cho rằng:
“Huyền thoại đầu tiên về cuộc chiến Đông Dương cần phải đả phá là việc quy lỗi cho Bắc Việt đã gây ra cuộc chiến này. Nhiều người Pháp vẫn còn nghĩ rằng cuộc tuyển cử năm 1956 do Hiệp định Genève 1954 trù liệu đã không diễn ra vì du kích quân Cộng sản đã xâm nhập Nam Việt Nam hồi năm 1955. Sự thật không phải như thế. Các tác phẩm nghiên cứu của ông Devillers và Lacouture đã viết lại một cách xác thực những gì xảy ra trong khoảng thời gian rối ren này tại Viễn Đông. Qua những tài liệu trên, người ta có thể kết luận rằng:
- Cố Tổng thống Ngô Đình Diệmđã không chịu tổ chức các cuộc tuyển cử như Hiệp định Genève 1954 qui định.
- Hoa Kỳnhất quyết không muốn chế độ Cộng sản được thành lập tại Nam Việt Nam.
- Với những phương pháp tàn bạo và độc tài, Tổng thống Diệm đã thúc đẩy những người không cùng quan điểm với ông chạy ra bưng biền hoặc phải lưu vong. Dưới áp lực ngày càng gia tăng, “Mặt trận Giải phóng miền NamViệt Nam” đã ra đời hồi tháng 12.1960.
- Cùng lúc đó, hay trong những tháng đầu năm 1961, dường như các cơ quan mật vụ Hoa Kỳcũng tìm cách gây rối loạn tại Bắc Việt.
Có một huyền thoại, theo đó, Cộng sản Việt Nam được coi như những người sát hại Đạo Thiên Chúa, còn Hoa Kỳ như những thập tự quân. Quan điểm trên đây hoàn toàn sai lạc… Các cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ đã tàn phá nhà thờ, trong Nam cũng như ngoài Bắc. Chính sự tàn phá này đã khiến cho người nghèo, người giàu, người lương giáo kết hợp lại với nhau khăng khít hơn. Rất có thể “chính phủ liên hiệp” sau này tại miền Nam Việt Nam sẽ tôn trọng sự tự do tín ngưỡng của dân chúng.
Ngoài ra, còn một huyền thoại nữa có lẽ quan trọng hơn huyền thoại trên. Nhiều người cho rằng một quốc gia dân chủ và hùng mạnh như Hoa Kỳ bắt buộc phải chiến thắng bằng quân sự trong các cuộc tranh chấp. Sự vinh quang lịch sử không xuất phát từ quân sự và trách nhiệm của Hoa Kỳ, với tư cách người lãnh đạo thế giới Tây phương, không gắn liền với sự biểu dương lực lượng. Tổng thống Nixon lập luận rằng nếu ông bỏ rơi Việt Nam, sẽ có máu đổ khắp nơi. Người ta có thể nhắc để ông thấy rằng hành động của ông hiện nay đã không ngăn được máu đổ tại Viễn Đông.
Nếu ngày nào đó Tổng thống Nixon tìm được con đường chân chính đưa tới hoà bình, hoà giải Đông và Tây phương, ảnh hưởng của ông sẽ gia tăng. Lúc đó, điều quan yếu là phải áp dụng lại các thoả ước Genève.
Ngoài ra còn một huyền thoại cuối cùng cần phải phá vỡ: huyền thoại này cho rằng cuộc tranh chấp chỉ nằm trong giới hạn nước Việt Nam thôi. Điều đó không đúng vì còn có trường hợp của Kampuchia, Lào và Thái Lan”[2].
Riêng A. Harriman – Trưởng phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ thời kỳ Johnson, trong bài viết “Vì sao cuộc hòa đàm về Việt Nam thất bại” đăng trên Nhật báo The Guardian ngày 10-5-1972, cố gắng biện hộ cho Nixon bằng cách đổ hết trách nhiệm cho Nguyễn Văn Thiệu. Ông ta cho rằng:
“Viễn ảnh một nền hòa bình thương thuyết chưa bao giờ sáng sủa hơn khi Tổng thống Nixon nhậm chức. Chưa đầy ba tháng qua đi, kể từ khi Hoa Kỳ đạt đến thỏa hiệp ngầm với Bắc Việt để chấm dứt oanh tạc và mở những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh giữa bốn bên. Vào lúc đó, Bắc Việt đã tỏ thiện chí giảm cường độ vũ lực bằng cách triệt thoái gần 90% quân số – 22 trong số 25 trung đoàn khỏi hai tỉnh phía Bắc VNCH, địa bàn của những cuộc giao tranh dữ dội. Hoa Kỳ ở trong một vị thế thương thuyết thuận lợi với hơn nửa triệu quân tại Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phá hoại hòa đàm ngay từ sơ khởi. Mặc dù tháng 10.1968, ông đã đồng ý tham gia thương thuyết sau khi chấm dứt oanh tạc, ông đã phản lại cam kết và rồi gây vụ tranh luận về hình thể bàn hội nghị, nhằm phá vỡ hay ít nhất trì hoãn thương nghị cho đến lúc tân chính phủ Hoa Kỳ đáo nhậm.
Sau cùng, ngay trước ngày Tổng thống Nixon tuyên thệ, con đường thương thuyết đã được khai quang, gồm cả việc mở những cuộc tiếp xúc riêng. Dẫu thế, công việc đầu tiên của tân chính phủ là thắt chặt hơn các liên hệ với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Về phần mình, Tổng thống VNCH coi mục tiêu trước hết là củng cố vị thế cá nhân. Điều này có nghĩa là chống lại một giải pháp thương thuyết, bởi vì bất cứ thỏa hiệp nào cũng sẽ đưa đến việc gạt bỏ ông.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phá hoại thương nghị bằng cách từ chối gởi đại diện dự mật nghị với “Mặt trận Giải phóng Miền Nam”. Hai tháng sau, ông bằng lòng tiếp xúc riêng, nhưng tuyên bố không bao giờ chấp nhận một “chính phủ liên hiệp”, hoặc một Đảng Cộng sản tại miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ đã gặp rất nhiều khó khăn để Bắc Việt đồng ý thương thuyết với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng nay Bắc Việt lại từ chối nói chuyện với ông.
Trong khi đó, chính phủ Nixon tiếp tục để cho Sài Gòn có quyền phủ quyết đối với tư thế thương thảo của Hoa Kỳ. Mặc dù tuyên bố mục tiêu của Hoa Kỳ là để cho nhân dân Nam Việt Nam quyền tự quyết, chính phủ Nixon đã giúp tạo ra “cuộc độc cử” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sự “tái cử giả tạo” của một Tổng thống không được sự hậu thuẫn của nhân dân, đã một lần nữa, đánh mất một cơ hội lớn để vãn hồi hòa bình.
Tháng 7 năm qua, khi tình hình chính trị và quân sự tại Nam Việt Nam xem ra thuận lợi cho đồng minh, đối phương đã đưa ra đề nghị 7 điểm. Một số điều khoản như đảm bảo an toàn cho sự triệt thoái của lực lượng Hoa Kỳ, việc phóng thích tù binh, việc cam kết không trả thù và để cho quốc tế giám sát xem ra đã thỏa mãn các đòi hỏi căn bản của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự kiện chính phủ Nixon tiếp tục đòi hỏi những yêu sách không thực tế đã khiến Bắc Việt kết luận rằng Hoa Kỳ không nghiêm chỉnh tìm đến một giải pháp. Tổng thống Nixon đã tìm cách chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ qua kế hoạch “Việt hóa”. Dẫu thế, cùng lắm, chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng chỉ tồn tại nổi với việc yểm trợ của không và hải lực Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là chiến tranh sẽ kéo dài vô tận, với việc tham dự tiếp tục của Hoa Kỳ, khiến cho việc phóng thích tù binh không có cơ hội được thực hiện.
Hiện nay, hiển nhiên hơn bao giờ hết là không có gì thay thế được bằng việc thương thuyết một thỏa hiệp, dù phải công nhận Hoa Kỳ đang ở thế yếu nhất. Nếu Hoa Kỳ chấp nhận nguyên tắc một “chính quyền trung lập phi liên kết” tại Sài Gòn và triệt thoái nhanh chóng toàn bộ lực lượng của mình. Tôi tin rằng vẫn còn cơ hội để đạt tới một giải pháp đứng đắn cho VNCH, một cơ hội tốt đẹp hơn cho tương lai của họ”[3].
Tháng 7-1972, sự lên án mạnh mẽ của dư luận, cùng những thiệt hại nặng nề sau cuộc tổng tiến công Xuân – Hè của Quân Giải phóng, Hoa Kỳ buộc phải trở lại bàn đàm phán tại Paris. Ngày 13-7-1972, sau 10 tuần ngưng đàm phán (tính từ ngày 4-5-1972), phiên họp thứ 150 Hội nghị Paris về Việt Nam khai mạc vào 10 giờ 35. Về nội dung, sau 3 giờ 40 phút (bao gồm cả 50 phút giải lao), phiên họp không có gì mới. Phái đoàn Sài Gòn nhắc lại đề nghị ngày 8-5-1972 của Tổng thống Nixon về một cuộc ngưng bắn tại miền Nam Việt Nam. William J. Porter lại nhấn mạnh đến khuynh hướng giảm bớt sự căng thẳng giữa Nam – Bắc Hàn và Đông – Tây Đức, ngụ ý “khuyên” cách mạng Việt Nam nên đi theo chiều hướng đó. Ngược lại, các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam mạnh mẽ tố cáo và yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt hành động chiến tranh hủy diệt ở miền Nam Việt Nam và chấm dứt ném bom, thả mìn, phong tỏa miền Bắc Việt Nam[4].
Những phiên họp sau đó, thể thức đàm phán của các bên đã cho thấy Hội nghị Paris về Việt Nam có sự tiến triển nhất định. Tại Hội nghị, các bên đã hạn chế sử dụng bàn đàm phán làm diễn đàn đấu tranh chính trị mà đi vào thảo luận các giải pháp. Đặc biệt, trong tháng 8, khi cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ bước vào giai đoạn sôi động, các bên lần lượt đưa ra các tuyên bố, sáng kiến và các sửa đổi để cùng thảo luận. Ngày 14-8-1972, nhằm khai thông bế tắc, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho Hoa Kỳ văn kiện khẳng định lại một số nguyên tắc: Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, mọi sự dính líu về quân sự ở Việt Nam, mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam, tôn trọng quyền tự quyết và quyền độc lập thực sự của Việt Nam; Phải thừa nhận thực tế ở miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 lực lượng vũ trang và 3 lực lượng chính trị, cần lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần. Nhưng về lập trường, các bên tiếp tục cứng rắn trong các đề nghị. Vì vậy, Hội nghị Paris chưa có sự thay đổi nào đáng kể.
Ngược lại, tại các cuộc đàm phán mật với Cố vấn Lê Đức Thọ, Kissinger ngày càng tỏ ra “năng nổ” với lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 19-7-1972, tại cuộc tiếp xúc mật với Cố vấn Lê Đức Thọ, Hoa Kỳ đề nghị sửa đổi một nội dung trong giải pháp 27-1-1972. Theo đó, thời gian ấn định cho ngừng bắn, triệt thoái quân đội Hoa Kỳ và quân đội các nước ngoài thuộc phe Hoa Kỳ và trao trả tù binh được sửa đổi từ “bắt đầu khi thỏa ước chi tiết về giải pháp chính trị nội bộ miền Nam Việt Nam được thỏa thuận” thành “bắt đầu khi thỏa hiệp toàn bộ được ký kết”. Nhưng cũng như đề nghị ngày 27-1-1972, Hoa Kỳ vẫn muốn tách riêng vấn đề quân sự và chính trị, do đó đã không nhận được sự chấp thuận của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp đó, trong cuộc tiếp xúc mật ngày 1-8-1972, Kissinger trao cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “đề nghị 12 điểm”, thể hiện rõ sự xuống thang của Hoa Kỳ với việc chấp nhận giải quyết cùng lúc cả vấn đề quân sự và chính trị. Về giải pháp chính trị, Kissinger đề nghị hai nội dung cơ bản sau:
“1. Các chi tiết về giải pháp chính trị nội bộ miền Nam Việt Nam phải được thỏa thuận trong vòng 3 tháng sau khi nguyên tắc của giải pháp này được thỏa thuận.
- Đương kim Tổng thống và Phó Tổng thống VNCHcó thể từ chức sớm hơn trước ngày bầu cử”[5].
Đồng thời, tỏ ra “sốt sắng”, Kissinger nói rằng: “Nếu chúng ta (Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – tg) thỏa thuận được với nhau trước ngày 1 tháng 9 thì binh sĩ Hoa Kỳ cuối cùng sẽ rời khỏi Việt Nam trước cuối năm nay” [6].
Trả lời đề nghị của Hoa Kỳ, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố “đề nghị 10 điểm” nêu cụ thể, chi tiết các giải pháp giải quyết vấn đề quân sự và chính trị cho miền Nam Việt Nam.
“- Tất cả quân lực Hoa Kỳ và đồng minh gồm cả cố vấn, nhân viên quân sự và kỹ thuật (không có phân biệt dưới bất cứ hình thức nào), vũ khí, đạn dược, rút ra khỏi miền Nam trong vòng một tháng. Các căn cứ quân sự cũng được hủy bỏ luôn.
– Song song với việc rút lui nêu trên, tất cả quân nhân và thường dân của các bên bị bắt sẽ được thả trong vòng một tháng.
– Một cuộc ngừng bắn tại chỗ sẽ được thực hiện tại miền Nam Việt Nam, có quốc tế kiểm soát và giám sát. Ngay sau khi có ngừng bắn thì viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho VNCH phải chấm dứt.
– Thực hiện hòa hợp dân tộc bằng cách Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức ngay, và thành lập chánh phủ hòa hợp dân tộc lâm thời ba thành phần.
Ba thành phần này là:
– Những người thuộc “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam”.
– Những người thuộc “Chính quyền Sài Gòn (trừ Nguyễn Văn Thiệu)”
– Những người thuộc các xu hướng chính trị và tôn giáo ở miền Nam, kể cả những người vì lý do chính trị phải cư ngụ ở ngoài.
Ba thành phần trên đây đều bình đẳng và chiếm tỷ lệ ngang nhau. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam và Chính quyền Sài Gòn sẽ chỉ định người của mình, và sẽ cùng nhau thỏa thuận đề nghị thành phần thứ ba. Chánh phủ hòa hợp dân tộc lâm thời này còn có đủ quyền lực về đối nội và đối ngoại, và sẽ hoạt động với những luật lệ mới.
Tổ chức tổng tuyển của tự do để tiến đến một chính phủ chính thức của miền Nam Việt Nam.
Sau đó:
- Một diễn đàn riêng tay đôi giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Namvà Chính quyền Sài Gònđể thảo luận và thực hiện những gì Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thỏa thuận, và đồng thời thảo luận và giải quyết những gì Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đề cập đến.
- Một diễn đàn riêng tay ba giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Namvà Chính quyền Sài Gònđể giải quyết tiếp những vấn đề cụ thể liên quan đến hai miền Nam và Bắc Việt Nam.
- Một diễn đàn công khai tay tư giữa Hoa Kỳ, VNCH, Việt Nam Dân chủ Cộng hòavà Chính phủ Cách mạng Lâm thời để giải quyết tiếp một số vấn đề cụ thể có liên quan đến 4 bên.
Trong quá trình đàm phán, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trách nhiệm cùng nhau giải quyết những khó khăn. Và sau khi đạt được thỏa thuận tại các diễn đàn thì sẽ ký một Hiệp nghị toàn bộ, và có thể có những hiệp nghị tay đôi, tay ba”.[7]
Ngày 14-8-1972, tiếp tục diễn ra cuộc tiếp xúc bí mật giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger. Hai bên cùng thảo luận về các quan điểm của nhau. Đến ngày 17-8-1972, tại Sài Gòn, Kissinger trình bày dự thảo đề nghị 10 điểm của Hoa Kỳ cho chính quyền Thiệu. Trong đó, các giải pháp mấu chốt cho vấn đề miền Nam Việt Nam cơ bản thống nhất với đề nghị 10 điểm ngày 1-8-1972 của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng có sửa đổi một số điểm về vấn đề rút quân, ngừng bắn và hình thức bầu cử. Cụ thể:
“- Thay vì rút hết quân đội Hoa Kỳ và đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự, phóng thích tất cả tù binh và thường dân vô tội bị bắt trong vòng 1 tháng,… thì đổi lại là trong vòng 3 tháng.
– Thay vì có cuộc ngừng bắn tại chỗ ở miền Nam Việt Nam thì có một cuộc ngừng bắn tại chỗ trên toàn cõi Đông Dương có quốc tế kiểm soát và giám sát.
Và sau đó thì Hoa Kỳ sẽ ngưng oanh tạc và gài mìn ở miền Bắc, cũng như là sẽ không có xâm nhập nào thêm của các lực lượng ngoại quốc vào bất cứ quốc gia nào tại Đông Dương.
– Thay vì chấm dứt viện trợ quân sự cho miền Nam ngay sau khi có hiệp nghị thì đổi lại là sau khi ký kết hiệp nghị, Hoa Kỳ sẽ định lại mức viện trợ quân sự cho bất cứ chánh phủ nào thành tựu tại miền Nam theo tỷ lệ những viện trợ khác cho các quốc gia khác tại Đông Dương.
– Thay vì đòi hỏi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi ngay và thành lập “chánh phủ hòa hợp dân tộc lâm thời với 3 thành phần ngang nhau” để tổ chức tổng tuyển cử, thì thành lập một Ủy ban hòa giải quốc gia với 3 thành phần ngang nhau để tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 5 tháng sau khi ký kết Hiệp nghị toàn bộ. Trước ngày bầu cử, Tổng thống và Phó Tổng thống Chính quyền Sài Gòn từ chức và giao quyền xử lý chánh phủ cho Chủ tịch Thượng nghị viện.
– Sau cuộc bầu cử, vị Tổng thống đắc cử sẽ thành lập một chánh phủ mới gồm tất cả đại diện các lực lượng chính trị theo tỷ lệ số phiếu họ đạt được trong cuộc bầu cử tổng thống. Và Ủy ban hòa giải quốc gia sẽ lưu lại nhằm mục đích cứu xét hiến pháp để phù hợp với tình trạng hòa bình.
- Về đề nghị cách đàm phán.
Khác biệt duy nhất là thay vì diễn đàn riêng tay đôi giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt thảo luận và giải quyết các vấn đề quân sự cũng như những nguyên tắc và nội dung chủ yếu của các vấn đề chính trị thì chỉ thảo luận về giải quyết các vấn đề quân sự và những nguyên tắc và nội dung tổng quát của các vấn đề chính trị”.[8]
Ngày 15-9-1972, trong cuộc gặp riêng, Kissinger trao cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị trên, nhưng không được chấp nhận. Đồng thời, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra bản đề nghị mới, mà ngoài việc sửa đổi thời gian ấn định rút quân, trao trả tù binh và tổng tuyển cử, nội dung cơ bản của để nghị nhằm chi tiết hóa thành phần và nguyên tắc của “chính phủ hòa hợp dân tộc miền Nam Việt Nam”:
“- Tại trung ương thì có chánh phủ hòa hợp trung ương.
– Thành lập các Ủy ban hòa hợp dân tộc với ba thành phần ngang nhau tại các đơn vị hành chánh như tỉnh, quận và xã.
– Trong lúc đó thì Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính quyền Sài Gòn tồn tại và quản lý hành chánh những vùng mình kiểm soát.
– Chính phủ này sẽ hoạt động theo nguyên tắc là không phe nào được lấn át hay áp lực phe khác trong chính phủ”[9].
Trong cuộc đàm phán riêng ngày 16-9-1972, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục chi tiết hóa hơn nữa thành phần của chính phủ hòa hợp dân tộc ở miền Nam Việt Nam với các nội dung:
“- Chính phủ này gồm mười hai ủy viên, có một chủ tịch đoàn gồm ba người đại diện của ba thành phần; ba người này thay phiên nhau làm chủ tịch của chủ tịch đoàn trong từng thời gian nhất định.
– Chính phủ này làm việc theo nguyên tắc nhất trí.
– Trực thuộc chính phủ này có năm ủy ban: Ủy ban quân sự liên hợp, Ủy ban chính trị, Ủy ban tổng tuyển cử, Ủy ban dự thảo hiến pháp và Ủy ban đối ngoại”[10].
Hà Kim Phương
Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Tập 1 – Đánh và đàm
[1] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, vv.5341: Những bài báo ngoại quốc đáng lưu ý (ghi nhận từ ngày 6-5-1972 đến 12-5-1972).
[2] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, vv.5343: Những bài báo ngoại quốc đáng lưu ý (ghi nhận từ ngày 20-5-1972 đến 26-5-1972).
[3] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, vv.5342: Những bài báo ngoại quốc đáng lưu ý (ghi nhận từ ngày 13-5-1972 đến 19-5-1972).
[4] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, hồ sơ 1470: Tài liệu của Nha Chính trị Âu Phi Bộ Ngoại giao VNCH về Hội đàm Ba Lê về Việt Nam, số 150.
[5] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.
[6] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.
[7] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.
[8] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.
[9] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.
[10] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch