1. Đảng Cần lao Nhân vị – chỗ dựa chính trị của chính quyền Diệm
Được Mỹ đưa về miền Nam Việt Nam để dựng lên một chính quyền do Mỹ bằng tiền của Mỹ, Diệm lấy thuyết Nhân vị làm nền tảng cho chế độ. Nhận thức được vấn đề quyết định đến sự tồn vong của chế độ là nhân dân, Diệm – Nhu đưa Đảng Cần lao cùng chủ thuyết Nhân vị vào đời sống chính trị – xã hội miền Nam vừa nhằm tập hợp lực lượng, đồng thời âm mưu lừa phỉnh quần chúng về một hệ tư tưởng mới. Tài liệu (mật) của Đảng Cần lao đã khẳng định: “Lịch sử cách mạng các nước tiên tiến trên thế giới đã chứng minh rõ cho chúng ta thấy, sức mạnh của quần chúng là một yếu tố quan trọng vào bậc nhất trong cuộc cách mạng xã hội toàn diện… quần chúng về bên nào thời bên ấy thắng”. [[1]] Từ đó, tổ chức này đề ra chủ trương “việc khẩn thiết trước tiên là phát động phong trào quần chúng”. [[2]]
Như trên đã trình bày, Đảng Cần lao Nhân vị do Ngô Đình Nhu – em trai Diệm làm Tổng Bí thư, được chính Diệm hợp pháp hóa, với vai trò của một đảng cầm quyền bằng cơ cấu bí mật.([3])
Văn kiện đại hội Kỳ bộ Bắc kỳ lưu vong do Ngô Đình Nhu – Tổng Bí thư Đảng Cần lao, tổ chức vào 18 giờ 30 ngày 16/1/1955 tại một địa điểm bí mật ở Sài Gòn, đã cho thấy vai trò của tổ chức này đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, khi đặt ra chỉ tiêu “chính quyền hóa 70% cán bộ của Đảng ra chấp chính. [[4]] và âm mưu “lái chính quyền thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng” [[5]]
Thực hiện phương châm chính quyền hóa, Diệm – Nhu đưa những đảng viên Cần lao kỳ cựu vào nắm giữ những chức vụ quan trọng trong nội các chính phủ. Ngày 6/7/1954, Diệm lập nội các đầu tiên với 16 thành viên (do Diệm đứng đầu). Trong đó, năm nhân vật là những đảng viên sáng lập của Đảng Cần lao đều nắm giữ những chức vụ quan trọng, gồm:
Trần Văn Đỗ – Tổng trưởng Bộ Ngoại giao;
Nguyễn Tăng Nguyên – Tổng trưởng Bộ Lao động và Thanh niên;
Trần Chánh Thành – Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng;
Lê Quang Luật – Bộ trưởng phụ trách Thông tin;
Bùi Văn Thinh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp. [[6]]
Trong những năm 1954-1956, vai trò của Đảng Cần lao Nhân vị đối với chính quyền Diệm còn thể hiện ở các tổ chức ngoại vi của nó:
-) Phong trào Cách mạng Quốc gia
Phong trào Cách mạng Quốc gia – một tổ chức đoàn thể công khai, hoạt động dưới sự điều khiển của Đảng Cần lao, có vai trò quan trọng trong việc đưa Diệm lên làm Tổng thống, thiết lập nền Đệ Nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.
Trần Văn Đôn –Tướng của chế độ Diệm trong hồi ký đã viết: “Phong trào cách mạng quốc gia tổ chức sâu rộng đến xã, phường, kết nạp hầu hết những người tương đối có chút kiến thức. Họ mời đến họp và đưa đơn cho gia nhập. Không ai dám từ chối vì sợ nghi ngờ thiên cộng sản, hay chống đối chính quyền. Chẳng bao lâu tổng số đoàn viên phong trào cách mạng quốc gia lên quá cao”[[7]]
Phong trào Cách mạng Quốc gia do Trần Chánh Thành – Bộ trưởng Bộ Thông tin, làm chủ tịch, chính thức thành lập ngày 2 tháng 10 năm 1955, theo Nghị định số 966-NV của Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa. Sự ra đời của tổ chức này nằm trong chủ trương đường lối hoạt động của Đảng Cần lao, nhưng đối tượng thu nạp rộng rãi hơn gồm “tất cả những phần tử quốc gia, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nam nữ trên 21 tuổi”. [[8]]
Ngay khi mới thành lập, tổ chức này đã đưa “chương trình tối thiểu”, gọi là tối thiểu nhưng lại bao hàm toàn bộ các mặt hoạt động của chính quyền, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, cụ thể như:
- “Thành lập “Quốc hội lâm thời” tiến tới Quốc hội chính thức.
- Thống nhất Quân đội quốc gia chống Cộng. Tổ chức chỉ huy, huấn luyện, đôn đốc xây dựng lực lượng quân sự. Khuyếch trương kinh tế, mở mang buôn bán với nước ngoài, cải cách điền địa,…”. [[9]]
Qua đó cho thấy, đây là tổ chức được nhân bản và hoạt động dưới sự chỉ đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cần lao, được tổ chức chặt chẽ có hệ thống, trải khắp từ nông thôn tới thành thị, luồn sâu có mặt trong mọi cơ cấu của chế độ, để thao túng điều khiển các hoạt động của chính quyền các cấp. Nó cũng thể hiện tham vọng của Đảng Cần lao đứng núp phía sau.
Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập, tổ chức này đã cho ra bản nguyệt san “Chiến sĩ” số đầu tiên ra ngày 15 tháng 11 năm 1954. Tiếng nói của cơ quan tuyên truyền, huấn luyện và thông tin của phong trào. Từ đây, bằng nguyệt san này, Phong trào Cách mạng Quốc gia cùng với hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ, công khai tuyên truyền cho thuyết Nhân vị, trực tiếp tham bàn mang tính định hướng cho hoạt động quốc gia.
Phong trào Cách mạng Quốc gia ra đời một năm sau đã có hàng chục ngàn đoàn viên. Theo Trần Văn Đôn, năm 1956, tổ chức này có tới 1 triệu đoàn viên và năm 1963, con số đã lên tới hơn 2 triệu (trước khi tan rã). [[10]]
Tổ chức này, cùng các lực lượng của nó như: Thanh niên Công hòa, Thanh nữ Cộng hòa, Phụ nữ Liên đới,… trở thành lực lượng “xung kích” trong việc giúp Diệm truất phế Bảo Đại đưa Diệm lên làm Tổng thống.
Vai trò của Phong trào còn thể hiện ở người cầm đầu của Phong trào, Trần Chánh Thành – năm 1954 giữ chức Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng sau sang làm Bộ trưởng Bộ Thông tin của chế độ Sài Gòn. Là người nắm giữ bộ máy tuyên truyền và kiểm soát thông tin, Trần Chánh Thành trở thành cánh tay đắc lực của Diệm trong việc tuyên truyền, phô trương cho chế độ. Vừa chỉ đạo phong trào làm kiến nghị truất phế Bảo Đại, suy tôn Ngô Đình Diệm, vừa phát động một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cho in và dùng máy rải 210. 000 truyền đơn tuyên truyền cho cuộc Trưng Cầu Dân Ý.
Ngoài ra, Đảng Cần lao còn có các tổ chức mật vụ, quân sự và dân sự đóng một vai trò quan trọng nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Diệm, như:
–) Sở Nghiên cứu chính trị và xã hội do Trần Kim Tuyến – Tổng thư ký Đảng Cần lao – đứng đầu, thực chất là tổ chức mật vụ của Đảng Cần lao.
Theo Biên bản bàn giao Sơ Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Phủ Tổng thống giữa Trần Kim Tuyến – Nguyên Giám đốc sở cho Phạm Thu Đường – Giám đốc sở ngày 11/9/1963 [[11]], Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội được tổ chức thành 9 ban (xem sơ đồ) với 336 nhân viên, được bố trí trong 8 trụ sở rải từ Huế đến Sài Gòn.
Đây thực chất là tổ chức mật vụ, có chân rết ở tất cả các cấp chính quyền cũng như trong bộ máy quân sự của Diệm, trực tiếp báo cáo về Phủ Thủ tướng (từ năm 1956 trở đi là Phủ Tổng thống).
+) Lực lượng đặc biệt được hình thành năm 1954, do đại tá Lê Quang Tung chỉ huy. Tổ chức gồm có: “1 Bộ Tư lệnh (Tham mưu và Công vụ); Các Bộ Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt Vùng Chiến thuật, Khu Chiến thuật và các Ban Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt Tiểu khu; Các Liên đoàn 77 và 78; 1 Bộ Chỉ huy Dân sự chiến đấu”. [[13]] Có nhiệm vụ: “để thi hành những nhiệm vụ chiến thuật và chiến lược do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ấn định”. [[14]]
Trong đó lực lượng Biệt cách gồm: “Biệt cách chiến thuật (khu, tỉnh) có tính cách địa phương; Biệt cách chiến lược có tầm hoạt động trong toàn quốc và có thể ra ngoài ranh giới.”[[15]]
Với quân số:
Chính quy: 2.411 người được tổ chức thành 2 Liên đoàn 77 và 78;
Không chính quy: 15.949 người được tổ chức thành 110 đại đội bán quân sự. Trong đó có: 4.393 Biệt kích Thượng.[[16]]
Các tổ chức này dưới sự điều khiển của Đảng Cần lao, tạo ra hệ thống tổ chức có uy quyền trong chính quyền Sài Gòn khi ấy. Được cài cắm sâu, rộng trong bộ máy chính quyền, làm hậu thuẫn cho Diệm thực hiện các chính sách cai trị miền Nam, và khi cần sẵn sàng nhảy ra thay thế chính quyền khi cần thiết.
Sau khi nền Đệ Nhất Cộng hòa được thiết lập, các thế lực chống đối bị loại bỏ, Diệm – Nhu tiếp tục thực hiện mưu đồ thiết lập một chế độ do những đảng viên Cần lao nắm quyền. Ngày 29/10/1955, Diệm ban hành Sắc lệnh số 4-TTP thành lập chính phủ đầu tiên của chính thể Việt Nam Cộng hòa, trong đó những vị trí then chốt đều nằm trong tay Đảng Cần lao, như:
Nguyễn Hữu Châu – Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Trần Trung Dung – Trung ương Thường vụ kiêm Bí thư Kỳ bộ Bắc Việt, làm Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng;
Vũ Văn Mẫu – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
Trần Chánh Thành – Chủ tịch Phong trào Cách mạng quốc gia, làm Bộ trưởng Thông tin và Thanh niên;
Trần Văn Lắm – Chủ tịch Quốc hội;…
Tiếp đó, ngày 4/3/1956, Quốc hội lập hiến của chế độ Việt Nam Cộng hòa được bầu và được “cấu tạo” nên bởi hầu hết các tầng lớp “dân chúng”, mà số ghế được chia như sau:
+) Phong trào Cách mạng Quốc gia của Trần Chánh Thành: 62 ghế
+) Tập đoàn Công dân của Trần Văn Lắm: 28 ghế
+) Phong trào tranh thủ tự do của Bùi Văn Thinh: 8 ghế
+) Cần lao Nhân vị của Ngô Đình Nhu: 14 ghế
Trong khi đó, Lắm, Thành, Thinh đều là các đảng viên chủ chốt của Đảng Cần lao. Vì vậy nếu không kể vợ Nhu lại nằm trong khối tự do, thì Cần lao cũng đã chiếm tổng cộng 118/123 ghế của Quốc hội. Có thể nói, đến đây Đảng này đã thực hiện được phương châm “lái chính quyền theo đúng đường lối” của mình.
Từ năm 1956, với việc mở Trung tâm huấn luyện Nhân vị ở Vĩnh Long, thì hầu hết cán bộ, công chức của chế độ Diệm đều “trở thành” đảng viên Đảng Cần lao.
Cùng việc đưa các đảng viên Cần lao vào nắm giữ các vị trí quan trọng, Diệm – Nhu cho thiết lập một kiểu “siêu chính quyền” trong chính quyền với việc thiết lập một hệ thống tổ chức Cần lao “ngầm” có mặt trong tất cả các lĩnh vực (kể cả an ninh, quân đội và tình báo) từ trung ương đến địa phương. Ngoài các đảng viên Cần lao đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Quốc hội, trong các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Số còn lại tưởng chừng như những nhân viên bình thường, song hoạt động ngầm của các nhân viên này lại vượt trên hệ thống pháp lý của Việt Nam Cộng hòa, trực tiếp làm việc và báo cáo với gia định họ Ngô. Ba ngày sau khi nền Đệ Nhất cộng hòa bị sụp đổ, Diệm – Nhu bị giết, Đảng Cần lao tan rã. Các đảng viên trung thành tuyệt đối với Diệm – Nhu (ở “căn cứ địa” tại Đà Lạt – nơi đẻ ra Đảng Cần lao, cũng là nơi Diệm – Nhu chuẩn bị sẵn để lui về cố thủ khi có biến) bị gọi lên thẩm vấn đã hé lộ về tổ chức ngầm của Đảng Cần lao tại Đà Lạt và Trung Nguyên Trung phần là ví dụ điển hình.
Qua khai thác nhóm người này, ngày 13 tháng 11 năm 1963, Trần Ngọc Khuyến báo cáo về Hội đồng quân nhân cách mạng như sau:
“Các tổ chức mật vụ “của Đảng Cần lao” gồm các cơ quan dưới đây:
- Sở nghiên cứu chính trị và xã hội.
- Ban công tác đặc biệt ở Huế.
- Sở khai thác địa hình.
- Phòng 3 và phòng 5 của Đảng Cần lao Nhân vị. ”[[17]]
Hoạt động kinh tài của gia đình họ Ngô và Đảng Cần lao gồm: “các cơ sở bán công khai do một nhóm người thuộc họ Tôn Thất và Cao Xuân quản trị cùng các cơ sở của phòng III và phòng V Đảng Cần lao Nhân vị, và một số cơ sở khác do nhóm người Nhật do tên Kanaya – Giám đốc hãng Tân Hưng ở Sài Gòn cầm đầu, vừa là gián điệp quốc tế, vừa hoạt động kinh tài các cơ sở ở ngoại quốc…”[[18]]. Qua đó cho thấy bản chất thâm hiểm và những tham vọng của anh em Diệm – Nhu.
2. Đảng Cần lao Nhân vị trong quân đội Việt Nam Cộng hòa
Hoạt động của Đảng Cần lao trong bộ máy quân sự biểu hiện rõ nét nhất trong những năm đầu Diệm về nắm quyền ở miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm các lực lượng thân Pháp còn chiếm ưu thế, đặt biệt là trong quân đội. Để từng bước loại bỏ lực lượng thân Pháp, Diệm – Nhu tung đảng viên Cần lao vào “nằm vùng” trong bộ máy quân sự ở các cấp, nhiệm vụ chủ yếu là dò thám mọi hoạt động, kể cả về tư tưởng của binh sĩ và sĩ quan.
Ngày 9/2/1955, chi bộ kháng chiến của Kỳ bộ Bắc Kỳ gửi báo cáo “mật” về tình hình Bộ Quốc phòng chính quyền Sài Gòn [[19]]. Trong đó nêu rõ toàn bộ cơ cấu tổ chức, tình hình nhân sự, tinh thần tư tưởng, hoạt động của binh gia Pháp, của các sĩ quan thân Pháp, quy luật làm việc và đề xuất cho thành lập ngay một chi bộ cơ sở trong Bộ Quốc phòng. Và đề nghị: “để bổ cứu cho hoàn cảnh (hiện nay), công tác khẩn cấp nhất là phải đặt ngay một chi bộ cơ sở đảng để lãnh đạo toàn bộ, hành động cho sát hợp với đường lối mà đảng chủ chương. Hơn thế nữa, chi bộ cơ sở còn là tai mắt theo dõi tất cả những hành vi của bọn phản động còn nương náu ở đây… đảng sẽ cử những đồng chí trung kiên có khả năng và sáng kiến vào giữ các Nha, Sở quan trọng, giảm bớt các bộ phận không cần thiết, sa thải những phần tử hoạt đầu hoạt động”[[20]].
Ngày 7 tháng 2 năm 1955, Phòng Đặc vụ phản gián Ban Chấp hành kỳ bộ Bắc Việt báo cáo về việc Bình Xuyên âm mưu đảo chính. [[21]]
Ngày 12/2/1955, Chi bộ Tiểu đoàn 26 báo cáo về tình hình các sĩ quan và hoạt động của đơn vị này đang đóng ở Châu Đốc. [[22]]
Ngày 5/4/1955, Khu bộ Nguyễn Tri Phương báo cáo về tình hình miền Bắc, tình hình Công giáo ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình. [[23]]
Đến năm 1955, khi đã buộc Nguyễn Văn Hinh – tướng do Pháp nuôi dưỡng, chống đối Diệm quyết liệt, phải qua Pháp sống lưu vong, Đảng Cần lao đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trong quân đội. Không dừng lại ở việc thanh trừng, kiểm soát hoạt động của binh lính, sĩ quan, Đảng tăng cường đảng viên trong quân đội. Đồng thời đề ra chủ trương củng cố lực lượng vũ trang địa phương, tiến tới xây dựng quân đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu đàn áp phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân miền Nam. Khả dĩ có thể thực hiện được chủ trương “Bắc tiến” – một mưu toan lớn của Đảng Cần lao và “quốc sách” muốn đạt tới của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Nghị quyết Đại hội kỳ bộ Bắc Việt Đảng Cần lao năm 1955, có ghi:
“Nắm vững Bắc Việt vụ và tổ chức lại cơ quan này cho gọn: “Bắc Việt vụ là cơ cấu đầu não của chính quyền lưu vong sau ngày rút khỏi đất Bắc” [[24]] “Thiết lập chính quyền cấp liên xã hoặc quận trong các khu di cư tập trung”. “Nắm vững lực lượng vũ trang (Bảo Chính đoàn, Địa phương quân)” [[25]]
“Riêng tổ chức Bảo Chính đoàn và Địa phương quân việc cải tổ, rèn chính phải được chú trọng, phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, tiến tới một tổ chức chủ lực quân tương lai trong cuộc Bắc tiến”. [[26]]
Chuẩn bị cho việc “trở lại xây dựng một chính quyền vững mạnh trên mảnh đất Bắc”.
+) Đối với Việt Minh Cộng sản: “tất cả nhân lực, vật lực, tài lực, phải được huy động để ngăn làn sóng đỏ”. [[27]] “Dùng mọi biện pháp để diệt trừ các tổ chức hoạt động của Cộng sản trà trộn trong cuộc di dân hiện nay”, nếu phát hiện “một là giao sang chính quyền kết tội. Hai là nếu cần thì bí mật thủ tiêu cho khỏi di hại về sau”. “Đặt các cơ sở khắp nơi ở (miền Bắc) để làm hậu thuẫn cho cuộc Bắc phạt tương lai”. [[28]]
Thực tế những năm sau đó chính quyền Sài Gòn đã đưa các đơn vị biệt kích ra phá hoại miền Bắc, xây dựng căn cứ làm cơ sở để tấn công ra Bắc. Như vụ C47 ở Ninh Bình năm 1960, C30 ở Hải Phòng, Nam Định năm 1959.
Tài liệu của chính quyền Diệm để lại cũng thể hiện rõ âm mưu này. Ngày 4/6/1963, Lê Quang Tung – Đại tá, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt báo cáo Diệm về việc đã phái: “Toán Bell đã được huấn luyện đầy đủ về tình báo, phá hoại, truyền tin và nhảy dù,…”, “toán này được phi cơ C54 do phi đoàn người Trung Hoa lái” thả xuống miền Bắc. “Phá hoại trục quốc lộ từ Trái Ut đến Bảo Hà thuộc Lao Kay (Lào Cai – TG)”. [[29]] Song, cho đến nay, nhiều chính khách và sử gia của chính quyền Sài Gòn cũ ở hải ngoại ngụy biện cho hoạt động đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam, vẫn cố tình lấp liếm, không chịu thừa nhận một sự thật không thể chối cãi – về âm mưu Bắc tiến của Mỹ – Diệm.
Như vậy, trong những năm đầu về cầm quyền ở miền Nam Việt Nam, để tồn tại, Diệm – Nhu cho công khai hóa Đảng Cần lao và tổ chức các đoàn thể xung quanh nó để tập hợp lực lượng, nhằm tạo cơ sở xã hội cho chế độ, khả dĩ có thể nêu cao được ngọn cờ “dân chủ giả hiệu”, chống lại các lực lượng đối lập, giúp Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại… và thực tế, Đảng Cần lao và các đoàn thể này đã làm tròn vai trò của mình trên bàn cờ chính trị ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1955. Nó giúp anh em Diệm thâu tóm được quyền lực mà vẫn rêu rao cái gọi là “độc lập”, “dân chủ giả hiệu” để xây dựng chế độ cộng hòa trên “nền tảng” tư tưởng Nhân vị Duy Linh – độc tài – phong kiến – gia đình trị.
Từ sau năm 1955, Đảng Cần lao từng bước dấn sâu vào hoạt động lũng đoạn chế độ. Với một hệ thống ngầm tồn tại bên trong và bên trên chính quyền, không chỉ giúp anh em Diệm nắm vững được các lĩnh vực của đời sống chính trị – kinh tế – xã hội từ cấp Trung ương đến cơ sở mà thực tế Đảng Cần lao trở thành một “siêu chính quyền” bên trong chính quyền, trực tiếp tham gia hoạch định các quốc sách của chế độ Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1955-1963. Ngày 1-11-1963, cùng với sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, Đảng Cần lao Nhân vị – công cụ cho âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam của Mỹ – Diệm, bị tan rã.
TS. Nguyễn Xuân Hoài
[1] Hồ sơ 29257, phông PTTg, TT II
[2] Hồ sơ 29257, phông PTTg, TT II
[3] ngày 8/8/1954, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng này vẫn chỉ là lâm thời.
[4] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II
[5] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II
[6] Sắc lệnh số 43-CP ngày 6/7/1954 của Thủ tướng Ngô Đình Diệm về thành phần chính phủ, hồ sơ 3916, Phông PTTg, TT II
[7] Trần Văn Đôn (1989), Việt Nam nhân chứng, Xuân Thu, California, tr. 143
[8] Sắc lệnh số 43-CP ngày 6/7/1954 của Thủ tướng Ngô Đình Diệm về thành phần chính phủ, hồ sơ 3916, Phông PTTg, TT II
[9] Tổ chức Phong trào Cách mạng Quốc gia của Ban Chấp hành Trung ương, hồ sơ 29257, phông PTTg, TT II
[10] Hồi ký Hoành Linh Đỗ Mậu (2001)– tâm sự tướng lưu vong, Nxb CAND, HN
[11] Biên bản bàn giao Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Phủ Tổng thống ngày 11/9/1963, hồ sơ 126, phông HĐQNCM, TT II
[12] Biên bản bàn giao Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Phủ Tổng thống ngày 11/9/1963, hồ sơ 126, phông HĐQNCM, TT II
[13] Sự thật về lực lượng Đặc biệt Việt Nam, hồ sơ 125, phông HĐQNCM, TT II
[14] Sự thật về lực lượng Đặc biệt Việt Nam, hồ sơ 125, phông HĐQNCM, TT II
[15] Sự thật về lực lượng Đặc biệt Việt Nam, hồ sơ 125, phông HĐQNCM, TT II
[16] Phiếu trình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về hoạt động Lực lượng Đặc biệt Việt Nam ngày 28/10/1963, hồ sơ 83, phông HĐQNCM, TT II
[17] Hồ sơ 92, Phông HĐQNCM, TT II
[18] Hồ sơ 92, Phông HĐQNCM, TT II
[19] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II
[20] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II
[21] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II
[22] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II
[23] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II
[24] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II, tr. 12
[25] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II, tr. 12
[26] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II, tr. 13
[27] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II, tr. 15
[28] Hồ sơ 29361, phông PTTg, TT II, tr. 16
[29] Hồ sơ 125, Phông HĐQNCM, TT II
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch