Đảng Cần lao Nhân vị – công cụ đắc lực cho âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam của Mỹ – Diệm

1. Âm mưu của Mỹ – Diệm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ

Trải qua 9 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, với thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam. Theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền.

Mỹ nắm bắt cơ hội này, nhảy vào miền Nam Việt Nam, hất cẳng Pháp, thiết lập chế độ thực dân mới Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.

Tháng 6/1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam Việt Nam làm thủ tướng cái gọi là Quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên. Về nắm quyền ở miền Nam một mặt anh em Diệm dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép dân chúng di cư vào Nam làm chỗ dựa. Đồng thời, quyết định tung các đảng viên Đảng Cần lao Nhân vị, một tổ chức chính trị do Ngô Đình Nhu – em trai Diệm, thành lập với nòng cốt là các lực lượng phản động đội lốt Công giáo, mưu toan áp đặt chủ thuyết Nhân vị vào đời sống xã hội miền Nam. Lấy đó làm cơ sở xã hội – chính trị thực hiện mưu đồ hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm miền Nam, hòng tạo ra hai quốc gia riêng biệt, chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.

Trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ít giờ, tại Sài Gòn, thông qua Bordar – Phụ tá Tổng ủy viên Pháp, Diệm được cho biết: “ngưng bắn có lẽ được ấn định trong đêm 19-20 tháng 7 (giờ Pháp) và trình bày một bản tuyên ngôn chung về việc ấy”. [[1]] Diệm triệu tập phiên họp Hội đồng Nội các khẩn cấp. Qua nội dung của biên bản phiên họp cho thấy, cả Diệm và nội các của ông ta hết sức lúng túng và đang trong trạng thái chờ đợi phản ứng của Mỹ.

Trong một số thư của Trần Văn Chương – cha vợ Ngô Đình Nhu, gửi cho anh em Diệm năm 1954 có nhiều sự kiện để đi đến khẳng định: việc truất phế Bảo Đại là một toan tính của người Mỹ từ trước khi đưa Ngô Đình Diệm về nước.

Thư viết tay của Trần Văn Chương từ Giơ-ne-vơ gửi cho ông Thượng (Ngô Đình Diệm – TG) ngày 21/7/1954 khi nói về cuộc gặp giữa ông ta và Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ – Bedel Smith đã hé lộ về việc người Mỹ sẽ dàn xếp một cuộc bầu cử ở miền Nam, như sau: “Trong cuộc trao đổi, ông ấy (Bedel Smith – TG) đã nói với tôi (Trần Văn Chương – TG), nước Mỹ sẽ giúp chúng ta tích cực thắng trong cuộc bầu cử. Một hội đồng hỗ trợ sẽ được thành lập, ở đó ông ta sẽ đề cập những vấn đề cốt lõi của chúng ta trong chương trình như tài chính – kinh tế”. [[2]] Những nhận định tiếp theo của Trần Văn Chương cũng cho thấy ý định về một sự thay đổi người cầm quyền ở miền Nam: “Tôi nghĩ rằng một sự thay đổi lớn về thành phần nội các là cấp bách và cần thiết. Và phải có một chính phủ không chỉ cho mọi người mà còn cho những người có thẩm quyền… Có thể trung thành và tuân lệnh”. [[3]]

Lá thư tiếp theo của Trần Văn Chương từ Washington gửi Ngô Đình Diệm ngày 29/7/1954 càng khẳng định thêm quyết tâm của người Mỹ trong việc giúp Diệm xây dựng một quốc gia riêng biệt ở miền Nam Việt Nam. Trần Văn Chương viết: “Tôi được báo là ngày 27/7 hai viên chức của FOA sẽ được gửi đến Việt Nam và tướng Bedel Smith gợi ý rằng sẽ xây dựng binh đoàn, vũ khí và nhà máy sản xuất vũ khí sẽ được đặt ở Việt Nam… Binh đoàn này sẽ được dùng khi cuộc bầu cử không thành…”. [[4]]

Sự kiện này phù hợp với thái độ lưỡng lự của Diệm trong phiên họp nội các khẩn cấp ngày 20/7/1954. Nhưng khi ở Hội nghị Giơ-ne-vơ Mỹ không ký vào Tuyên bố chung. Mà ngược lại, phái đoàn Mỹ lại đơn phương ra Tuyên cáo về lý do Mỹ không ký vào Tuyên bố chung và xác định lập trường ủng hộ lực lượng thân Mỹ. Ngay sau đó, ở Sài Gòn, Diệm ra thông cáo chối bỏ Hiệp định.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Mỹ đề ra nhiều chủ trương nhằm trực tiếp viện trợ và hậu thuẫn cho Diệm thiết lập chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Dưới sự đỡ đầu của Mỹ, trong hơn một năm (7/1954-10/1955), bằng lực lượng nòng cốt là Đảng Cần lao, anh em Diệm tiến hành “thành công” việc truất phế Bảo Đại để thiết lập chế độ Việt Nam Cộng hòa đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống.

2. Nguồn gốc hình thành Đảng Cần lao Nhân vị

Sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, một nhóm tri thức Công giáo Pháp, do Emmanuel Mourier đề ra một chủ thuyết mới – chủ nghĩa Nhân vị, nhằm tìm một con đường phát triển xã hội khác, ngoài quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở chủ thuyết Nhân vị của Emmanuel Mourier, Ngô Đình Nhu cố gắng pha trộn quan điểm đạo đức Khổng giáo với một hệ thống tôn ty trật tự với những quan hệ xã hội phong kiến Việt Nam và nhu cầu dân chủ của phương Tây, đồng thời hấp thụ những phương thức hành động của những người Cộng sản, đưa ra một chủ thuyết cạnh tranh với chủ nghĩa xã hội, để hình thành ra cái gọi là chủ thuyết Nhân vị Á Đông.

Các “lý luận gia” của chủ nghĩa Nhân vị dưới chế độ Ngô Đình Diệm luận giải:

“Nhân là người; Vị là vị trí, ngôi bậc.

Nhân vị là “chỗ đứng của con người so với muôn loài”. [[5]]

Nhân vị là:

“Phẩm giá thiên phú (hay bẩm sinh nghĩa là tự có) của con người. (Con người ở một vị trí cao đẹp bởi tự nó đã có một cái “Linh”- tùy theo quan niệm tôn giáo mà ta gọi nó là linh hồn hay là gì đó… Vì cái “Linh” đó nên trước hết … nó đã tự có một phẩm giá của con người để khác với muôn loài.

Bổn phận và trách nhiệm của mỗi con người phải tôn trọng quyền lợi của mọi người khác (tức con người phải tôn trọng quyền lợi của tập thể)”. [[6]]

Và sử dụng thuyết trung dung của Mạnh tử để biện giải chủ nghĩa Nhân vị là: “Một đường lối thích trung (vì nó có tính cách dung hòa đứng giữa, trái với tư bản quá đề cao quyền lợi của con người để xâm phạm đến quyền lợi của tập thể. Và trái với Cộng sản lại quá đề cao quyền lợi của tập thể…) để dung hòa quyền lợi của cá nhân con người và tập thể con người mà mưu hạnh phúc (quyền lợi) toàn diện cho hết thảy mọi người”. [[7]]

Chủ thuyết Nhân vị cũng cho rằng giá trị cao quý của con người gồm có hai phần: “Phần tự có là giá trị thiên nhiên – tức là cái “Linh”, được coi là cái “giữ tính chất “TĨNH” ngàn đời không thay đổi”; “phần do con người xây dựng là giá trị nhân tạo – cái “có tính chất “ĐỘNG” luôn luôn thay đổi với hướng tiến bộ”. [[8]] Trong đó, cái “LINH” là cái có trước, sẵn có trong mỗi con người, còn giá trị nhân tạo là kết quả của công cuộc đấu tranh cải tạo xã hội. Và cho rằng cuộc đấu tranh của loài người chỉ nhằm hai mục đích:

“Tạo tác và đẩy mạnh khả năng của con người;

Thỏa mãn và nâng cao nhu cầu của con người.

Từ đó đề ra nhiệm vụ của chủ nghĩa Nhân vị là “mưu sự phát triển tột cùng khả năng của con người để làm thỏa mãm và nâng cao mãi mãi cho nhu cầu của con người trong cuộc sống”. [[9]]

Vào năm 1963, tại Trung tâm Thị Nghè, Ngô Đình Nhu phân tích ý thức hệ của quốc gia (Việt Nam Cộng hòa) là ý thức hệ Nhân vị, đồng thời cho đó là ý thức hệ toàn diện của con người trên ba phương diện:

  • “Đời sống Nội tại (bề sâu): tự do, trách nhiệm, siêu nhiên, tình thương.
  • Đời sống Cộng đồng (bề rộng): sống với cộng đồng gia đình, cộng đồng xã hội, cộng đồng quốc gia, cộng đồng nhân loại và sống trong thiên nhiên.
  • Đời sống Siêu nhiên (bề cao): sự hướng lên với cái gọi là toàn chân, toàn mỹ, toàn thiện. Cái toàn chân, toàn mỹ, toàn thiện đó, người này nói là Thiên Chúa, người kia nói là Thần chủ, người nọ nói là Thượng Đế, người khác nói là Đấng Chí tôn…” [[10]]

Năm 1963, khi rao giảng về ấp chiến lược tại miền Trung, Ngô Đình Nhu tóm tắt những điểm chính yếu của thuyết Nhân vị Á Đông: “TAM TÚC + TAM GIÁC = TAM NHÂN”, hay còn gọi là “Tam nhân chủ nghĩa”. Trong đó:

Tam Nhân là ba chiều của con người (bề sâu, bề rộng, bề cao) như đã nêu trên.

Tam Túc gồm:

  • “Tự túc về tư tưởng là tự mình suy luận, cân nhắc mà lựa chọn một chính nghĩa để phụng sự và một khi đã chọn rồi thì không còn lay chuyển nữa. Tự túc về tư tưởng để phát huy và bành trướng chủ nghĩa.
  • Tự túc về tổ chức và tiếp liệu
  • Tự túc về kỹ thuật” [[11]]

Tam Giác:

  • “Cảnh giác về sức khỏe
  • Cảnh giác về đạo đức và tác phong đạo đức
  • Cảnh giác về trí tuệ” [[12]]

Mặc dù cố gắng nhào trộn những cái “tinh hoa” của Khổng giáo, văn hóa truyền thống của người Việt Nam, cũng như tư tưởng tự do, dân chủ của phương Tây và copy phương thức hành động của những người Cộng sản,… với những ngôn từ mang đầy tính “nhân bản”, đi đến “giải phóng toàn diện con người”, nhưng như những người cùng thời đánh giá đến nay không mấy người hiểu gì về chủ thuyết Nhân vị mà chính ông Nhu cũng giải thích mỗi lần một khác và mâu thuẫn với nhau [[13]]. Sự mơ hồ của chủ thuyết Nhân vị còn thể hiện ở việc giải quyết vấn đề triết học về nhân sinh quan khi nó nhìn nhận con người có hai yếu tố “thể xác và hồn thiêng”, khi lại cho rằng: “chủ trương có hồn như duy tâm là đúng, chỉ sai khi bảo xác là ảo mộng. Chủ trương xác đích thực như duy vật là đúng, chỉ sai lúc bảo không có hồn. [[14]]

Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện dẫn một đoạn văn trong cuốn “Khái niệm Chủ nghĩa Nhân vị” do trung tâm đào tạo nhân vị Vĩnh Long xuất bản, đã thể hiện sự tối nghĩa trong mớ lý thuyết hổ lốn của chủ thuyết Nhân vị: “xã hội chỉ tốt đẹp nếu có những bất bình đẳng. Các nhà bác học mới có thể dạy cho những người ngu dốt. Người giàu mới có thể làm công việc từ thiện. Nếu như tất cả những bất bình đẳng đó đều không tồn tại, thì tìm ở đâu ra lòng từ thiện, ở đâu ra sự công bằng? Ở đâu ra sự hào hiệp?”[[15]]. Ông đi đến nhận xét: “Như vậy đấy, hệ thống thuật ngữ trong tư tưởng của Mounier đã có thể bị lợi dụng bởi một chế độ thuộc vào loại lạc hậu nhất, được nhào trộn thành một mớ lý thuyết cực kỳ hổ lốn”. [[16]]

Song trên tất cả, chủ thuyết nhân vị Á Đông “ngay từ đầu, Ngô Đình Nhu đã lấy triết lý duy linh của Thiên Chúa giáo làm cốt tủy cho thuyết của Đảng, cũng như lấy hình thái tổ chức của một lực lượng chính trị Thiên chúa giáo Tây phương làm khuôn mẫu tổ chức, mà bộ phận ngoại vi rõ ràng nhất là Tổng Liên đoàn Công giáo”. [[17]] Ngày 17 tháng 4 năm 1956, Ngô Đình Diệm gửi thông điệp cho Quốc hội khi xây dựng Hiến pháp cho cái gọi là nền “cộng hòa” ở miền Nam Việt Nam đã xác định “căn bản chỉ có thể là căn bản duy linh, con đường ấy là con đường theo sát Nhân vị, trong thể chất cũng như trong đời sống tập thể, trong sứ mệnh thiêng liêng cũng như trong cố gắng để đạt tới mức hoàn thiện, toàn mỹ về các phương diện lý trí, đạo đức và thiêng liêng”. [[18]]

Trên cơ sở một chủ thuyết hỗn độn và duy tâm như thế, đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, Ngô Đình Nhu cho ra đời Đảng Cần lao Nhân vị với nòng cốt là các tổ chức, lực lượng phản động đội lốt Công giáo được thành lập từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, như: Liên đoàn Công giáo, Thanh niên Công giáo, Xã hội Công giáo,….

Đến năm 1954, sau khi Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng, Diệm – Nhu đã hợp pháp hóa hoạt động của Đảng này và lấy chủ thuyết Nhân vị duy linh làm nền tảng tư tưởng cho chế độ gia đình trị của dòng họ Ngô Đình.

TS. Nguyễn Xuân Hoài

[1] Biên bản Hội đồng nội các ngày 20 tháng 7 năm 1954, hồ sơ 1183, phông PTTg, TT II

[2] Thư của Trần Văn Chương từ Giơ-ne-vơ gửi ông Thượng ngày 21/7/1954, Hồ sơ số 15, Phông HĐQNCM, TT II

[3] Thư của Trần Văn Chương từ Giơ-ne-vơ gửi ông Thượng ngày 21/7/1954, Hồ sơ số 15, Phông HĐQNCM, TT II

[4] Thư của Trần Văn Chương từ Washington gửi Ngô Thủ tướng ngày 29/7/1954, Hồ sơ số 15, Phông HĐQNCM, TT II

[5] Minh Tâm (1957), Chủ nghĩa Nhân vị và Chủ nghĩa Cộng sản, Sài Gòn, ký hiệu vv. 579, kho Tư liệu, TT II, tr. 11

[6] Minh Tâm (1957), Chủ nghĩa Nhân vị và Chủ nghĩa Cộng sản, Sài Gòn, ký hiệu vv. 579, kho Tư liệu, TT II, tr. 12-13

[7] Minh Tâm (1957), Chủ nghĩa Nhân vị và Chủ nghĩa Cộng sản, Sài Gòn, ký hiệu vv. 579, kho Tư liệu, TT II, tr. 14

[8] Minh Tâm (1957), Chủ nghĩa Nhân vị và Chủ nghĩa Cộng sản, Sài Gòn, ký hiệu vv. 579, kho Tư liệu, TT II, tr. 35

[9] Minh Tâm (1957), Chủ nghĩa Nhân vị và Chủ nghĩa Cộng sản, Sài Gòn, ký hiệu vv. 579, kho Tư liệu, TT II, tr. 37

[10] Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình – ước mơ chưa đạt, Nxb Hoàng Nguyên, tr. 420

[11] Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình – ước mơ chưa đạt, Nxb Hoàng Nguyên, tr. 423

[12] Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình – ước mơ chưa đạt, Nxb Hoàng Nguyên, tr. 424

[13] Lê Mạnh Hùng, Tình hình miền Nam Việt Nam – chế độ đệ nhất cộng hoà (1956-1963), tuần báo Viet Tide số 335-338.

[14] Trần Hữu Thanh, Cuộc cách mạnh Nhân vị, Sài Gòn 1955, Vn 610, TTII, tr. 25.

[15] Nguyễn Khắc Viện (2008), Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ, Nxb Trí Thức, tr.133

[16] Nguyễn Khắc Viện (2008), Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ, Nxb Trí Thức, tr.133

[17] Hồi ký Hoành Linh Đỗ Mậu (2001)– tâm sự tướng lưu vong, Nxb CAND, HN, tr. 118-222

[18] Phạm Xuân Hòa (1957), Lịch sử Việt Nam, SG, Vn 3528, TT II, tr. 270

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *