Đấu tranh vì độc lập, thống nhất nước nhà trong và sau Hội nghị Genève năm 1954

ĐẤU TRANH VÌ ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ 

TRONG VÀ SAU HỘI NGHỊ GENÈVE NĂM 1954

 Hà Kim Phương

 Ngày 8-5-1954, một ngày sau thắng lợi vĩ đại của quân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ, vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương trở thành nội dung nghị sự của Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) – hội nghị khai mạc ngày 26-4-1954 để bàn về vấn đề đình chỉ chiến sự tại Triều Tiên. “Đột ngột” được triệu tập sau thất bại của quân đội Pháp – đại diện cho chủ nghĩa thực dân, trước quân dân một nước xã hội chủ nghĩa non trẻ – được coi là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc thế giới; trong thế đối địch căng thẳng giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; trong thế các cường quốc tự cho mình trách nhiệm tổng hòa quan hệ quốc tế, can thiệp trực tiếp vào nội bộ và điều chỉnh các quốc gia khác theo một quỹ đạo do họ đặt ra – mà sự phân chia hai miền Triều Tiên dường như đã trở thành một “mẫu hình”; vì vậy Hội nghị Genève về Đông Dương sớm trở thành nơi “phân chia” quyền lực và lợi ích của các cường quốc ở khu vực Đông Nam á, hơn là mục tiêu tốt đẹp như được khẳng định ngay trong tên gọi của Hội nghị – “Hội nghị Genève về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương[1].

Việt Nam, nơi được coi là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội và “quân cờ” then chốt trong học thuyết Domino của Hoa Kỳ, là đối tượng chính trong cuộc phân chia của các cường quốc. Do đó, cuộc đấu tranh để có được sự khẳng định mang tính công pháp quốc tế cho nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam tại Genève trở nên khó khăn và phức tạp ngay từ những phiên họp có tính chất chuẩn bị cho Hội nghị Genève về Đông Dương giữa các cường quốc. Công điện ngày 7-5-1954 của Bộ trưởng Quốc Thông tin Quốc gia Việt Nam cho biết, tại cuộc họp ngày 3-5-1954, các cường quốc đã đạt được thỏa thuận về sự tham dự Hội nghị của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quốc gia Việt Nam[2]. Trong khi đó, đến ngày 7-5-1954, một ngày trước khi Hội nghị Genève về Đông Dương được khai mạc, phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa mới chính thức nhận được thư mời tham dự Hội nghị. Câu hỏi của Federenko (Liên Xô) tại Mátxcơva vào cuối tháng 4-1954 – “sông Bến Hải ở đâu” dành cho ông Hà Văn Lâu – nguyên chuyên viên quân sự của phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị Genève,[3] cho thấy một giải pháp chia đôi Việt Nam theo hình mẫu của Triều Tiên đã hình thành.

Không chỉ đấu tranh với sách lược “hòa hoãn quốc tế” của các cường quốc, Việt Nam phải đương đầu với chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam á, mà một trong những mục tiêu chính là thiết lập “con đê” ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.

Trở lại những ngày đầu tháng 5-1954, thời điểm quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện những cuộc tiến công cuối cùng tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ, đặt chính sách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam á thông qua quân đội Pháp của Hoa Kỳ trước nguy cơ thất bại. Hoa Kỳ gấp rút thay đổi sách lược, sử dụng “quân bài” Ngô Đình Diệm nhằm thiết lập một chính quyền thân Hoa Kỳ ở Việt Nam, tạo dựng cơ sở cho sự can thiệp của Hoa Kỳ sau khi một hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết.

Triển khai sách lược, tháng 6-1954, Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận với Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn làm Thủ tướng cái gọi là Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng (Sắc lệnh số 38-QT ngày 16-6-1954 và Dụ số 15 ngày19-6-1954 của Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng toàn quyền về dân sự và quân sự)[4]. Ngày 25-6-1954, Ngô Đình Diệm về Sài Gòn và nhanh chóng thiết lập nội các trước thời điểm ký kết Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam 15 ngày (ngày 6-7-1954).

Cùng với việc tạo dựng một chế độ thân Hoa Kỳ ở Việt Nam, tại Genève, phái đoàn Hoa Kỳ đưa ra những điều kiện nhằm tạo tính hợp pháp cho Quốc gia Việt Nam trên cả bình diện công pháp quốc tế. Triển khai sách lược đề ra, ngày 27-5-1954, Hoa Kỳ trực tiếp ra điều kiện với Pháp để có thể “hưởng một phần viện trợ quân sự Mỹ[5] là “Pháp ký hiệp ước Độc lập và liên kết với Việt Nam; Hoa Kỳ và các nước sẽ có thể bảo đảm nền độc lập đó; thành lập một Chính phủ Liên hiệp Quốc gia ở Việt Nam”[6]. Dưới sức ép của Hoa Kỳ, ngày 4-6-1954, Chính phủ Pháp ký kết hiệp ước về trao trả độc lập và liên hiệp với Quốc gia Việt Nam. Mà nội dung chính là thừa nhận vị thế trên trường quốc tế và chuyển giao quyền hành về đối nội, đối ngoại của người Pháp ở Việt Nam – cái quyền mà các thế lực xâm lược không bao giờ được công pháp quốc tế thừa nhận, cho Quốc gia Việt Nam.

Đối với Hội nghị Genève, Hoa Kỳ chủ trương chờ đợi cho “Hội nghị đi tới chỗ bế tắc để có cớ mà tuyên truyền rằng khối Nga Hoa không muốn hòa bình để có thể kéo các nước khác gia nhập Hiệp ước Đông Nam Á. Vì vậy Hoa Kỳ đang cố gắng lập mặt trận Đông Nam Á và muốn đưa vấn đề Đông Dương ra Liên Hiệp Quốc để rồi sẽ quốc tế hóa chiến tranh”[7]. Vì vậy, tại diễn đàn Hội nghị, Hoa Kỳ đưa ra những quan điểm nhằm đưa Hội nghị vào thế bế tắc. Như với vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, Bedell Smith – đại diện phái đoàn Hoa Kỳ, đặt ra điều kiện tiên quyết 1. Tập kết lực lượng chính quy của các bên tham chiến trong một khu vực quy định; 2. Giải trừ quân bị các lực lượng vũ trang không chính quy[8]. Âm mưu của Hoa Kỳ trong việc đưa ra các điều kiện trên là nhằm buộc Quân đội nhân dân Việt Nam phải thực hiện chuyển quân, tập kết về miền Bắc và các lực lượng vũ trang cách mạng (dân quân, du kích,…) ở miền Nam Việt Nam phải giải thể, tạo lợi thế cho chính quyền Ngô Đình Diệm sau khi Hiệp định ký kết. Hay vấn đề về giám sát quốc tế, Hoa Kỳ yêu cầu phải thành lập một tổ chức quốc tế với thành viên là quốc gia nằm trong quỹ đạo của Hoa Kỳ – một đề nghị mà Hoa Kỳ chắc chắn Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không thể chấp nhận. Vì vậy, đầu tháng 6-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương “hoàn toàn bế tắc về vấn đề thành phần của y ban giám định để trông nom cuộc ngưng bắn ở Đông Dương”[9].

Mặt khác, chủ trương “quốc tế hóa” chiến tranh Đông Dương, Hoa Kỳ lôi kéo các quốc gia ở khu vực Đông Nam á tham gia vào Hiệp ước Đông Nam á (chưa đầy 2 tháng sau khi Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, ngày 6-9-1954, Tổ chức Hiệp ước Đông Nam á – SEATO được thành lập nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan tràn xuống khu vực này). Đối với các quốc gia đồng minh Phương Tây, ngày 3-6-1954, Hoa Kỳ tổ chức hội nghị quân sự tại Washington với sự tham dự của ba quốc gia: Hoa Kỳ, Anh và Pháp, đề nghị ký kết hiệp ước phòng thủ Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sau 3 ngày thảo luận không đi đến kết quả, phái viên quân sự của ba quốc gia đi đến hình thành một bản phúc trình: “1. Kế hoạch thứ nhất, nếu kết quả Hội nghị Genève đem lại “ngưng bắn” ở Đông Dương thì các nước Tây âu có mặt ở cuộc Hội nghị này sẽ tổ chức một hàng rào tượng trưng theo đường phân ranh giới để tránh chủ nghĩa cộng sản bành trướng hoặc đột nhập vào các nước khác ở Đông Nam Á; 2. Hai là nếu Hội nghị hòa bình Á Đông không giải quyết được hưu chiến ở Đông Dương thì các nước Tây âu sẽ áp dụng kế hoạch thứ nhì là quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương và phòng thủ Đông Nam Á”[10].

Đến đây có thể thấy, cuộc đấu tranh “độc lập dân tộc, thống nhất đất nước” của nhân dân Việt Nam trên bàn hội nghị đã vượt qua phạm vi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và nguy cơ phải đối đầu trực diện với kẻ xâm lược mới – một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, ngày càng hiện rõ.

Ngày 21-7-1954, với lập trường kiên định “độc lập dân tộc, thống nhất lãnh thổ”, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đạt được kết quả to lớn. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định Genève) được ký kết, đã giải quyết đồng bộ các vấn đề chính trị và quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, vượt ra ngoài ý đồ giới hạn việc ký kết trong khuôn khổ một hiệp định ngừng bắn đơn thuần.

Cùng ngày, các nước tham gia Hội nghị Genève đã ra bản Tuyên bố cuối cùng, khẳng định rõ ràng:

“Hội nghị ghi nhận Hiệp định về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề quân sự, chấm dứt chiến tranh và rằng, đường phân định ranh giới quân sự chỉ là tạm thời, và không được xem là ranh giới lãnh thổ hay chính trị. Hội nghị cũng chắc chắn rằng, cácc điều khoản về chính trị ở Việt Nam được nêu ra trong bản tuyên bố và Hiệp định đình chiến sẽ được thực thi trong một tương lại gần.

… Hội nghị tuyên bố, việc giải quyết các vấn đề chính trị ở Việt Nam – chủ yếu là vấn đế độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ – sẽ cho phép dân tộc Việt Nam được tự do, đảm bảo thể chế dân chủ thông qua tổng tuyển cử tự do bằng hình thức bỏ phiếu kín. Để việc tái lập hòa bình được tiến triển và tập hợp được các điều kiện cần thiết nhằm thể hiện ý nguyện của quốc gia, cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm 1956, dưới sự kiêm soát của một Ủy hội quốc tế bao gồm các thành viên đại diện các quốc gia trong Ủy hội quốc tế giám sát và kiểm soát. Việc thảo luận về vấn đề tổng tuyển cử sẽ diễn ra giữa các nhà lãnh đạo, đại diện hai miền từ ngày 20-7-1955”[11].

Việc Hiệp định Genève chỉ được ký kết bởi đại diện chính phủ Pháp và đại diện chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thể hiện rõ ràng rằng, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước được khai sinh từ cuộc cách mạng đánh bại thực dân phát xít của dân tộc Việt Nam và có sự kế thừa lịch sử từ triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp duy nhất ở Việt Nam. Và trên hết, Hiệp định cũng như Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève trở thành căn cứ pháp lý quốc tế đầu tiên khẳng định sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi sau khi Hội nghị Genève thành công, đã nhấn mạnh, đấu tranh để củng cố hòa bình thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí; đồng thời khẳng định, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết làm đúng những điều đã ký kết.

Tuy nhiên, trên thực tế, với việc ký kết Hiệp định Genève, cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam mới đạt được mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập về cho dân tộc. Trong khi đó, sau Hội nghị Genève, vấn đề thống nhất đất nước đã trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp bới chính sách phá hoại Hiệp định và khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của Hoa Kỳ và chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngày 20-3-1955, tại phiên họp thứ 2, Quốc hội khóa I, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình thi hành Hiệp định Genève trong 8 tháng đã vạch rõ quá trình phá hoại Hiệp định của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Báo cáo viết: “1. Đế quốc Mỹ hiện đang lôi kéo miền Nam Việt Nam vào khối xâm lược Đông Nam Á, can thiệp trắng trợn vào miền Nam, mưu biến miền Nam thành một căn cứ quân sự của Mỹ; 2. Theo chỉ thị của đế quốc Mỹ, với sự dung túng của phái thực dân Pháp phản Hiệp định, bọn Ngô Đình Diệm hiện đang tăng cường chính sách khủng bố nhân dân miền Nam; 3. Theo chỉ thị của đế quốc Mỹ với sự dung túng và giúp đỡ của phái thực dân Pháp phản Hiệp định, bọn Ngô Đình Diệm ra sức dụ dỗ và cưỡng ép hàng chục vạn đồng bào ta di cư vào Nam”[12].

Nhưng vẫn kiên trì với đường lối hòa bình, báo cáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ chủ trương nhất quán của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam là tiếp tục tôn trọng và thi hành hiệp định đã ký kết; kiên quyết đấu tranh đòi đối phương phải tôn trọng và thi hành hiệp định. Và đề ra nhiệm vụ cho cách mạng Việt Nam: “trong cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định, việc đấu tranh để củng cố hòa bình và việc đấu tranh để thực hiện thống nhất không thể tách rời nhau được. “Hòa bình có củng cố được thì mới có điều kiện tiến tới thống nhất bằng tổng tuyển cử. Cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất ngược lại sẽ góp phần rất quan trọng vào việc củng cố hòa bình”. Trong đó để thực hiện thống nhất đất nước chúng ta phải chuẩn bị để mở hội nghị hiệp thương với đối phương bàn về vấn đề tổng tuyển cử[13].

Trên tinh thần đó, trong các năm từ 1955-1958, Chính phủ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và các đoàn thể chính trị, xã hội, ban ngành đã gửi nhiều công hàm, công văn đề nghị chính quyền Ngô Đình Diệm có các cuộc tiếp xúc, trao đổi, thăm viếng giữa hai miền Nam – Bắc để bình thường hóa quan hệ, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam. Như Công hàm ngày 18-7-1957 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dân chủ hòa viết:

“Hiệp nghị Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam và công nhận nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng lâu đời và thiết tha của toàn dân ta, đồng thời phù hợp với lợi ích của hòa bình thế giới.

Căn cứ vào Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và thể theo nguyện vọng của toàn dân, ngày 19 tháng 7 năm 1955, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có gửi cho nhà đương cục có thẩm quyền ở miền Nam một bức thư đề nghị mở hội nghị hiệp thương để bàn về vấn đề tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc nhằm thực hiện thống nhất nước nhà. Ngày 11 tháng 5 năm 1956, tiếp theo công hàm ngày 8-5-1956 của hai chủ tịch hội nghị Giơ-ne-vơ, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một lần nữa, đề nghị mở hội nghị hiệp thương để bàn về tổng tuyển cử tự do trong cả nước theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bí mật, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục thi hành những điều khoản về đình chỉ chiến sự của hiệp nghị Giơ-ne-vơ để củng cố hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tuyển cử.

Những đề nghị nói trên chứng tỏ rằng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không ngừng cố gắng, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện nguyện vọng tha thiết nhất của đồng bảo ta là: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà.

Các bức thư nói trên chưa được Chính phủ Cộng hòa Việt Nam trả lời, hiệp thương và tổng tuyển cử chưa được thực hiện”[14].

Hay như công văn ngày 22-7-1959 của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội gửi Ngô Đình Diệm, đề nghị:

“Các tầng lớp nhân dân Hà Nội cũng như đồng bào miền Bắc luôn luôn mong mỏi có những đoàn đại biểu nhân dân hai thành phố lớn nhất của nước ta là Hà Nội và Sài Gòn, cũng như của hai miền Bắc – Nam được vào ra thăm viếng lẫn nhau để giải quyết phần nào tình cảm bị chia cắt.

… Nhân dịp kỷ niệm năm năm ngày ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã nhất trí cử một đoàn đại biểu gồm 43 người… để đề nghị với ông và chính quyền miền Nam cho vào thăm hỏi đồng bào Sài Gòn, đồng bào miền Nam…

Hội nghị cũng đã tỏ lòng hết sức mong mỏi được đón tiếp những đoàn đại biểu của nhân dân thành phố Sài Gòn thân yêu cũng như của nhân dân miền Nam ruột thịt ra thăm Hà Nội, ra thăm miền Bắc”[15].

Nhưng cũng như nhiều bản văn kêu gọi bình thường hóa quan hệ để tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chính quyền Sài Gòn đã cho vào “quên lãng”. Trong khi ở miền Nam, không những cự tuyệt nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đang rầm rộ tuần hành, mit-ting đòi thi hành hiệp định Genève, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm đơn phương phát động cuộc chiến tranh đẫm máu, đàn áp phong trào đấu tranh hòa bình của quần chúng, khiến cả dân tộc phải đứng lên làm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

[1]Conférence de Genève sur problème du rétablissement de la paix en Indochine”, Tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954: hồ sơ F02-45, phông Phủ Thủ hiến Nam Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[2] Télégramme officiel N0 66-DT/BTT, Saigon, le 7 Mai 1954 Ministere de l’Information Etat du Vietnam, sơ F02-45, phông Phủ Thủ hiến Nam Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[3] 60 năm Hiệp định Genève (1954-2014) – kỳ 3: Gặp người còn sống cuối cùng của phái đoàn tham dự Hội nghị Genève, Báo Thanh Niên online ngày 16-7-2014.

[4] Ordonne N0 15 du 19 juin 1954, Sa Majeste Bao Dai – Chef  de l’Etat du Vietnam, hồ sơ 3916, phông Phủ Tổng thống đệ nhất cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[5] Hồ sơ 2993, Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[6] Hồ sơ 2993, Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[7] Báo cắt Phương Đông, số ra ngày 10/6/1954, hồ sơ 14604, Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[8] Bản văn tiếng Pháp bài phát biểu của Bedell Smith trong phiên họp ngày 25-5-1954: “1. Retrait dans des zones déterminées des forces régulières au Vietnam; 2. Désarmement et dissolution des forces irrégulières” (hồ sơ F02-45, phông Phủ Thủ hiến Nam Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II).

[9] Bản thông tin đặc biệt hàng ngày về sự tiến trình của Hội nghị Genève, ngày 5/6/1954, hồ sơ 14601, Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[10] Báo cắt Tiếng Dội, số ra ngày 10/6/1954, hồ sơ 14604, Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[11] Tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 của Hội nghị Genève về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, hồ sơ F02-45, phông Phủ Thủ hiến Nam Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[12] Báo Nhân dân số 388 ra ngày 25-3-1955

[13] Báo Nhân dân số 388 ra ngày 25-3-1955

[14] Công hàm ngày 18-7-1957 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Tổng thống Cộng hòa Việt Nam, hồ sơ 133, phông Hội đồng Quân nhân cách mạng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[15] Công văn số 398-VF/MTTQ ngày 22-7-1959 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, hồ sơ 133, phông Hội đồng Quân nhân cách mạng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *