Độc lập tự do, hoà bình, thống nhất, hoà hợp dân tộc, phát triển đất nước – khát vọng, ý chí, quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam

Trong bối cảnh đất nước ta bị kẻ thù đế quốc thực dân xâm lược thống trị, chia cắt, đè nén, áp bức bóc lột, giết hại cực kỳ dã man tàn bạo đối với nhân dân ta, đất nước bị yếu kém, nghèo nàn, lạc hậu…thì tất cả mọi người, cả cộng đồng dân tộc, trong đó có Nguyễn tất Thành – tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, đều có khát vọng và ý chí, quyết tâm giành độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất, hoà hợp dân tộc, phát triển đất nước. Khát vọng, ý chí, quyết tâm đó được thể hiện xuyên suốt qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, nhất là thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước nhằm tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Thực dân Pháp xâm lược, thống trị đất nước ta, nhân dân ta phải chịu kiếp đời nô lệ, lầm than, cái tên Việt Nam bị xoá trên bản đồ thế giới mà trở thành xứ Đông của nước Pháp, đất nước ta bị kém cỏi, lạc hậu, lại thêm bị thực dân khai thác, bòn rút làm cho kiệt quệ. Trong bối cảnh cùng cực đó, đất nước và dân tộc Việt Nam có hai yêu cầu lớn là độc lập tự docanh tân, phát triển đất nước. Đã có rất nhiều phong trào đấu tranh nổ ra chống kẻ thù ngoại bang và tay sai. Có những phòng trào theo hệ tư tưởng phong kiến, có những phong trào theo hệ tư tưởng dân chủ tư sản, nhưng lần lượt đều bị tan rã, thất bại, đất nước vẫn tiếp tục chìm trong tăm tối, đau thương chưa có con đường ra để đạt những yêu cầu mà đất nước và dân tộc đặt ra.

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi “xem các nước làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình” với nguyện vọng thiết tha mà Người mong muốn “Tự do cho đồng bào tôi”, “độc lập cho Tổ quốc tôi”. Người đã tìm hiểu nhiều học thuyết, nhiều hệ tư tưởng khác nhau và đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin, thấy được bản chất cách mạng, khoa học, tiến bộ, chân chính của nó. Người đã rất vui mừng, phấn khởi, tin tưởng, cảm động tin theo chủ nghĩa này, tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà có thể thắng lợi đến nơi là theo con đường cách mạng Tháng Mười ở Nga, cách mạng vô sản.

Người đã hoạt động một cách tích cực, sôi nổi cả về lý luận và thực tiễn trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chủ động, sáng tạo chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức và chủ trì hợp nhất, lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Dưới sự dìu dắt, rèn luyện của Hồ Chí Minh, Đảng ngày càng lớn mạnh mọi mặt, vững vàng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thắng lợi đó, từng bước giải quyết yêu cầu đặt ra của đất nước, khát vọng, ý chí, quyết tâm của Hồ Chí Minh, của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chế độ mới dân chủ nhân dân, chính quyền mới của nhân dân do Đảng lãnh đạo ra đời. Sau hơn 80 năm trời bị nô lệ, áp bức, chia cắt, đất nước giành lại được độc lập chủ quyền, thống nhất, dân ta được hoàn toàn tự do. Người đã nêu rõ ý chí và quyết tâm của Người cũng là của cả dân tộc để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất vừa giành được trong Tuyên ngôn độc lập, rằng “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập và ngày 02-9-1945 chưa bao lâu, quân Tưởng Giới Thạch, quân Anh, quân Pháp núp bóng quân Anh lợi dụng việc vào giải giáp quân Nhật đầu hàng hòng chia cắt và cướp đất nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã bình tĩnh, nhạy bén, khôn khéo đối phó với giặc ngoài, thù trong trên tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, từng bước loại từng kẻ thù ra khỏi đất nước ta, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi từ Pháp về, ngày 23/10-1946, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trung, Nam, Bắc, đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà,…không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”. Người luôn đau đáu lo cho sự toàn vẹn non sông: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.[1]

Nhưng thực dân Pháp luôn có dã tâm xâm lược, thống trị đất nước ta lần nữa. Vì yêu chuộng hoà bình, độc lập, tự do nên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta chủ trương nhân nhượng, nhưng thực dân Pháp càng lấn tới, dùng vũ lực tấn công, buộc chúng ta phải kháng chiến bảo vệ độc lập tự do, thống nhất toàn vẹn non sông. Tinh thần này, được thể hiện trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày 19-12-1946: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Dân tộc ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến đánh đổ thực dân Pháp và can thiệp Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình với quyết tâm nhất định thắng lợi kéo dài 9 năm với biết bao khó khăn gian khổ hy sinh. Địch càng đánh càng yếu, ta càng đánh càng mạnh, từng bước giành thắng lợi toàn diện trên nhiều mặt trận. Trên mặt trận quân sự, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc tướng lĩnh của đội quân viễn chinh được coi là tinh nhuệ của thực dân Pháp phải cúi đầu khuất phục. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm cho “Pháp thua đau, Mỹ méo mặt” đã góp phần quyết định cho ta giành thắng lợi quan trọng trên mặt trận ngoại giao, đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hoà bình ở Đông Dương, Miền Bắc được giải phóng, hai năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước để lập ra nhà nước thống nhất của dân tộc.

Với âm mưu, thủ đoạn chiếm nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự nhằm tấn công ra miền Bắc, ngăn chặn làn sóng Cộng sản lan xuống phía Nam, đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, thay chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam, lập ra chính thể Việt Nam cộng hoà thân đế quốc Mỹ, làm tay sai cho ngoại bang, phản bội lại lợi ích của tổ quốc và dân tộc, gây ra cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Đế quốc Mỹ đã thi thố nhiều chiến lược chiến tranh, từ chiến lược chiến tranh Đơn phương, Đặc biệt, Cục bộ đến Việt Nam hoá chiến tranh. Họ cũng đưa lực lượng cố vấn, đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào tham chiến ở miền Nam, có những lúc tấn công dữ dội, dã man ra miền Bắc. Chúng được trang bị vũ khí, súng ống, bom đạn, chất độc hoá học, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại nhất. Chúng đã ra sức đàn áp, khủng bố, bắn phá, bắt bớ, tra tấn, tù đày, giết hại biết bao người dân vô tội mà phần đông là người già, phụ nữ, trẻ em.

Với lòng khát khao yêu chuộng hoà bình, chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta thực hiện tập kết lực lượng cách mạng với lới hứa hẹn hai năm sau sẽ trở về, ra sức đấu tranh ôn hoà, giữ gìn lực lượng, đòi thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi tổng tuyển cử thống nhất Bắc Nam. Nhưng những người con miền Nam tập kết ngày ấy, hai mươi mốt năm sau mới được trở về Nam, đoàn tụ với gia đình, quê hương. Trên tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và quyết tâm cao, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và toàn dân cả nước nhất tề đoàn kết chặt chẽ vừa kháng chiến chống Mỹ và tay sai ở miền Nam, vừa ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu phương lớn chi viện sức người sức của cho miền Nam quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Chế độ thực dân mới của Mỹ đầy mưu mô, xảo quyệt, ngột ngạt, không có dân chủ, không có tự do, người dân luôn bị bắt bớ, đàn áp; làng xóm, ruộng đồng, rừng núi bị bắn pháo, ném bom, rãi chất độc hoá học tiêu điều, xơ xác, tan hoang; biết bao người bị tù đày, hành hình, giết chóc…. Sống dưới chế độ dã man, tàn bạo đó, tất cả mọi người dân đều khát khao, mơ ước được im tiếng súng, không có chiến tranh, được hoà bình, tự do, độc lập.

Chế độ thực dân mới của Mỹ đã ra sức chia tách nhân dân với cách mạng, chia rẻ cộng đồng các dân dộc, tôn giáo, kích động thù hận trong nhân dân các vùng, các miền, chia rẻ gia đình, anh em, bạn hữu. Chiến tranh phi nghĩa cũng đã làm phân chia giới tuyến giữa phía cách mạng và phía đối phương, giữa những người cách mạng, quân giải phóng với những người tham gia chính thể Việt Nam Cộng hoà, quân đội Quốc gia, thậm chí phân chia chính kiến giữa vợ-chồng, cha mẹ- con cái, anh – em ngay trong gia đình, dòng tộc. Sống trong tình cảnh đó, ai trong đồng bào ta cũng đều mong muốn được sum họp, đoàn tụ, hoà hợp trong từng gia đình, dòng tộc, xóm làng, quê hương, cả đất nước, và toàn thể đồng bào, dân tộc.

Đế quốc Mỹ đã viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, tạo ra một vài đô thị hào nhoáng, tiêu dùng, hình thành một bộ phận nhỏ những người thuộc giới thượng lưu, giàu có; còn phần lớn địa bàn miền Nam vẫn là nông thôn lạc hậu, nghèo nàn, lại thêm chiến tranh tàn phá, đại đa số người dân là nghèo khổ, bần cùng. Việc giáo dục, học hành không được quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ; phần lớn trẻ em con nhà nghèo phải lao động kiếm sống, không có điều kiện và khả năng đến trường, nhiều người bị mù chữ hoặc học hành dỡ dang. Trong cảnh khổ đó, nhân dân ta luôn khao khát được sống một cuộc sống ấm no, ai cũng được học hành, trẻ em phải được đế trường, mong muốn đất nước phát triển về mọi mặt.

 Ước nguyện, khát khao, ý chí của dân tộc Việt Nam cũng chính là của chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã từng nêu ra lẽ sống, lý tưởng, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[2]. Người xót xa, đồng cảm cùng nỗi đau khổ của đồng bào Miền Nam phải sống trong cảnh mất tự do, chiến tranh gây ra biết bao tang thương. Trả lời phỏng vấn của một nữ nhà báo Cuba vào ngày 14 tháng 7 năm 1969, người nói ở miền Nam: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.[3] Người cũng vẽ lên những mùa xuân vui vầy, sum họp, hạnh phúc… khi đất nước khi hết bóng quân xâm lược. Trong bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu năm 1969, Người viết :

“Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”

Cùng với độc lập tự do, thống nhất, sum vầy, hoà hợp dân tộc, Người còn có khát vọng lớn nữa là xây dựng phát triển đất nước. Đó là “làm cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, là làm sao cho nước ta hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, là ra sức vừa kháng chiến vừa kiến quốc, là xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đặc biệt, khát vọng cháy bỏng ấy được người thiết tha căn dặn trong Di chúc, rằng “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; rằng “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”[4]; rằng đào tạo, bồi dưỡng Đoàn viên, thanh niên “thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Với lòng căm thù cao độ trước tội ác dã man, tày trời của bè lũ xâm lược và tay sai, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có ý chí, quyết tâm cao, vạch ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, sát hợp, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế rộng rãi vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lớp lớp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào đã cống hiến của cải, sức lực, công lao, xương máu của mình và người thân cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc. Phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hoà bình, tự do, công lý của nhân dân tiến bộ các nước, ngay cả tại nước Mỹ đã phản đối chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ, ủng hộ, giúp đỡ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam vì độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất, hoà hợp và phát triển. Tất cả các nguồn lực ấy đã tạo thành sức mạnh tổng hợp vĩ đại tấn công vào kẻ cướp nước và bán nước.

Vậy là, khát vọng, ý chí, quyết tâm của Hồ Chí Minh, của Đảng, của toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam về độc lập tự do, hoà bình, thống nhất, hoà hợp dân tộc, phát triển đất nước đã biến thành sức mạnh, cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, dân tộc và quốc tế… làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Chiến thắng vĩ đại này làm rúng động nước Mỹ và thế giới; bạn bè, những người yêu chuộng tự do, dân chủ, hoà bình, công lý khắp nơi hết lời ngợi ca, nghiêng mình khâm phục Việt Nam. Đất nước ta từ đây sạch bóng quân xâm lược, không còn bom đạn chiến tranh, đã thật sự có hoà bình, độc lập, tự do; sau hơn hai mươi năm dài bị chia cắt, giờ đây non sông được nối liền một dãy, đồng bào Nam Bắc đã thật sự được đoàn tụ, hoà hợp một nhà. Thắng lợi này đã hiện thực hoá khát vọng, ý chí, quyết tâm cao của chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và toàn thể nhân dân ta, đồng thời mở ra trang mới cho Việt Nam, cả nước cùng tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PGS. TS. Huỳnh Thị Gấm

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2011, tập 4, tr. 470

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2011, tập 15, tr. 131

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2011, tập 15, tr. 674

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2011, tập 15, tr. 623

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *