Nhưng thực tế tại các nhà tù của chính quyền Sài Gòn cho thấy chính sách đã thất bại trước tinh thần kiên trung của các chiến sĩ cách mạng, ngay cả trong hoàn cảnh lao tù cũng giữ được phẩm chất của người đảng viên
Chính quyền Sài Gòn rất quan tâm đến việc cai trị tù nhân tại các nhà tù, luôn đưa ra những luận điệu về chính sách đối xử nhân đạo nhằm khuất phục tinh thần, ý chí của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng thực chất của “chính sách nhân đạo” này chỉ mang mục đích chính trị nhằm phân hóa, cô lập họ. Tuy nhiên, chính sách này đã hoàn toàn thất bại trước bức tường thành được xây bằng tinh thần không gì có thể khuất phục được của các chiến sĩ cách mạng ngay trong hoàn cảnh lao tù. Ta có thể thấy được điều này qua một số nét cơ bản của Chính sách với tù nhân của chính quyền Sài Gòn qua tài liệu lưu trữ và qua hiện thực tại hệ thống các nhà tù của của chính quyền Sài Gòn.
Chính sách này được Bộ Thông tin và Thanh niên biên soạn vào cuối năm 1956(1), sau đó đã được chỉnh sửa và trình lên Đổng Lý Văn Phòng Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống ngày 18/7/1957.
Để có những biện pháp, chính sách hiệu quả, chính quyền Sài Gòn tiến hành phân loại dựa trên hai tiêu chí cơ bản là:cấp bậc đảng và thành phần giai cấp.
Thứ nhất là căn cứ vào Cấp bậc đảng: trong đó bao gồm hai vấn đề chủ yếu là: tuổi đảng, và cấp bậc cao thấp trong Đảng.
Về tuổi đảng thì chính quyền Sài Gòn dựa vào tuổi đảng nhiều hay ít để phân loại. Về cấp bậc thì dựa và cấp bậc cao hay thấp trong cơ cấu tổ chức của Đảng. Chính quyền Sài Gòn cho rằng: “Đối với Việt Cộng thì Đảng là trên hết. Cán bộ có tuổi đảng càng cao, càng nhiều, và có cấp bậc cao trong Đảng thì là người có tinh thần cách mạng cao, có nhiều thành tích trung kiên, hoạt động đắc lực và càng khó khuất phục, phụ trách những công việc lớn, nắm những nhiệm vụ trọng yếu, quan trọng, cẩn mật(2).
Thứ 2 là: thành phần giai cấp: chính quyền Sài Gòn cho rằng: “thành phần giai cấp là quan trọng và dựa vào đây làm tiêu chí căn bản để phân loại. trong Đảng thành phần công, nông là cốt cán, là nền tảng”.
Dựa vào 2 tiêu chí cơ bản trên, chính quyền Sài Gòn phân loại tù nhân thành 3 loại cơ bản với những nhận định cụ thể như sau:
“Loại A: Gồm có những tên từ cấp huyện, tỉnh, khu, cấp trung ương, ủy viên.
Loại này là loại nguy hiểm nhất, gồm những tên giữ chức trách lãnh đạo, thoát ly và chuyên nghiệp hoạt động, bọn này là những phần tử trung kiên, cốt cán, cuồng tín, mê muội. Bọn Việt Cộng thường ca ngợi là “cái vốn quý báu nhất của Đảng”. Bọn chúng thường kiêu hãnh cho mình là tài giỏi, quan niệm “tù đày là vinh dự, hy sinh tính mạng là cái chết vinh quang, là thành tích đấu tranh, là phục vụ nâng cao giá trị cho đảng”. Cho việc xuất thú và quy thuận là phản bội chủ nghĩa, khư khư cố dữ lấy cái thành tích phản dân hại nước của mình. Khi được ta giáo dục trong các nơi giam giữ thì giác ngộ ngụy trang, tinh vi quỷ quyệt, khi tố giác thì nhằm những người đã chết hoặc đi tập kết rồi, nộp một số tài liệu cũ rích mà ai cũng đã biết hoặc chỉ điểm một số vũ khí vô dụng, han rỉ để che mắt ta và đảm bảo cơ sở của chúng.
Loại B: ủy viên từ cấp xã (chi bộ) đến đảng viên thường.
Bọn này thông thường lầm tưởng cộng sản là chính nghĩa, vào Đảng để hy vọng được hưởng quyền lợi và địa vị nên vui lòng làm tay sai cho chúng tại các địa phương nhưng ta phải đặc biệt chú trọng tới những tên tên thuộc thành phần bần cố nông, công nhân ở những nơi đã có phong trào đấu tố và nhất là đảng viên ở trong hàng ngũ ta, ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản.
Bọn này khi dễ dàng thì tích cực hoạt động nhưng khi phong trào tố Cộng mạnh mẽ thì thúc thủ chờ đợi cầu an, tiêu cực, xuất thú và quy thuận là sự bất đắc dĩ vì một phần. Luyến tiếc với các thành tích đã làm và sợ bọn Việt Cộng ghép vào tội phản Đảng mà trừng trị, nhưng trong thực tế ta kiên trì giáo dục và bảo đảm an ninh cho họ thì vẫn có thể cải tạo, giác ngộ và giúp ta khai thác ra nhiều manh mối cơ sở của địch.
Loại C. Đảng viên thuộc các thành phần: trí phú, địa hào, tư sản, tiểu tư sản, và bọn cán bộ tay sai ngoài Đảng.
Loại này lúc đầu lầm tưởng mục tiêu kháng chiến là chính đảng để đưa dân tộc đến no ấm tự do, sau vì a dua quá trớn tham gia vào đảng cũng có trường hợp vì muốn an thân và lợi dụng danh nghĩa để làm ăn cho dễ dãi”(3).
Sự phân chia tù nhân thành từng loại cụ thể như trên chỉ mang tính nhận định chủ quan của chính quyền Sài Gòn. Thực tế trong chiến tranh khói lửa những đảng viên đứng trong hàng ngũ của Đảng, đã trải qua bao nhiêu gian khổ, rèn luyện tinh thần ý chí sắt đá, họ đã đứng trong hành ngũ của Đảng thì luôn đấu tranh cho lợi ích thiêng liêng của dân tộc mà quên đi bản thân và quyền lợi cá nhân của mình. Đối với những người chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy thì không có sự phân chia nào trong hành ngũ của Đảng mà chỉ có một tinh thần, một tấm lòng là vì lợi ích của dân tộc.
Sau khi đã phân loại cụ thể thì với từng loại chính quyền Sài Gòn lại có chính sách đối xử riêng:
Với loại A, do chính quyền Sài Gòn nhận định: “đây là loại nguy hiểm nhất nên phải giam giữ riêng biệt, phải cô lập và trừng trị, và phải kiên trì giáo dục trong thời gian lâu dài”(4). Điều này đã được minh chứng rõ nét qua hệ thống Chuồng Cọp trong nhà tù Côn Đảo, đây là nơi giam giữ riêng biệt những phần tử mà chính quyền Sài Gòn gọi là “Trùm Cộng sản” và tại đây đã có rất nhiều những chiến sĩ cách mạng trung kiên đã bị giam cầm và nhiều trong số đó đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng cách mạng cao cả của mình.
Với loại B thì chính quyền Sài Gòn “đặt nặng vấn đề giáo dục, cho là có thể giác ngộ được, hướng dẫn họ lập thành tích “Tố Cộng” thiết thực tại địa phương và hoạt động để tỏ ra mình dã dứt khoát tư tưởng, khi đã lập được thành tích đích đáng, thì ân xá và phóng thích, nhưng vẫn có sổ đen theo dõi tại các địa phương(5)”.
Loại C, được chính quyền Sài Gòn nhận định: “là những phần tử dễ giao động khi có biến cố, và chủ yếu là vì lợi ích cá nhân nên chính quyền Sài Gòn luôn đánh vào tâm lý, tư tưởng, có những chính sách dễ dãi, nhẹ nhàng, đôi khi là những hứa hẹn hòng lôi kéo họ đứng về phía mình(6)”.
Chính quyền Sài Gòn chú trọng đến việc giáo dục hai loại B và C vì cho rằng “đây là hai loại chiếm tỷ lệ cao trong các nhà tù và do có tinh thần chính trị không rõ ràng, dễ bị giao động nên đây là thành phần dễ bị khuất phục(7)”. Đối với loại A thì chính quyền Sài Gòn dùng mọi biệt pháp khắc nghiệt nhất để nhằm làm chết dần về thể xác cũng như tinh thần của họ.
Như vậy, ta có thể thấy rằng chính quyền Sài Gòn rất chú trọng đến Chính sách với tù nhân nhằm phân loại và khuất phục tinh thần của họ. Nhưng thực tế tại các nhà tù của chính quyền Sài Gòn cho thấy chính sách trên đã thất bại trước tinh thần kiên trung của các chiến sĩ cách mạng, ngay cả trong hoàn cảnh lao tù cũng giữ được phẩm chất của người đảng viên. Các chiến sĩ cách mạng trong lao tù của chính quyền Sài Gòn không những phải đối diện, chống chọi với những thủ đoạn cai trị khắc nghiệt về thể xác, mà còn phải đấu tranh lại với những chính sách về tư tưởng, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý vừa nhằm mục đích ly gián trong hành ngũ vừa hòng khuất phục tinh thần cách mạng của họ vừa nhằm làm hạ uy thế của lực lượng cách mạng. Trong nhà tù của chính quyền Sài Gòn, các chiến sĩ cách mạng luôn luôn đấu tranh không ngừng để bảo vệ và nâng cao khí tiết cách mạng của mình, đó là những trường học cách mạng ngay trong nhà tù, đó là những chi bộ Đảng được thành lập và hoạt động hiệu quả ngay trong hoàn cảnh lao tù… tất cả những điều đó là minh chứng cho sự thất bại của chính sách này.
Nguyễn Thị Lan – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II
Chú thích:
- Công văn số 420/BTT-CTTL/M của Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin và Thanh Niên gửi ông Đổng Lý Văn Phòng Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống, hồ sơ 4887, phông ĐICH, tờ 14. TTLTQGII
- Công văn số 458/PG/CTTL/BTT/M của Đổng Lý Văn Phòng, Chánh Văn Phòng gửi ông Đổng Lý Văn Phòng Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống, hồ sơ 4887, phông ĐICH, tờ 19. TTLTQGII.
- Phông ĐICH, hồ sơ số: 4887, TTLTII
- Phông ĐICH, hồ sơ số: 4887, TTLTII
- Phông ĐICH, hồ sơ số: 4887, TTLTII
- Phông ĐICH, hồ sơ số: 4887, TTLTII
- Phông ĐICH, hồ sơ số: 4887, TTLTII
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch