Nhìn chung, dưới triều Nguyễn, bộ máy tổ chức hành chính cấp làng xã tại Nam kỳ lục tỉnh được xây dựng thiết chế quản lý càng ngày càng hoàn chỉnh, có quy củ, tổ chức bộ máy ở các làng xã như một xã hội mang tính chất tự trị và tự quản.
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Nguyễn, thống trị một lãnh thổ rộng lớn từ bắc chí nam, xây dựng và tổ chức lại các đơn vị hành chính từ trung ương xuống địa phương. Trong thời gian từ năm Gia Long nguyên niên (1802) cho đến mười năm đầu thời Minh Mạng, vùng đất Nam bộ được chia thành các trấn, dưới trấn là phủ, huyện, tổng và xã (thôn) trực thuộc phủ Gia Định. Đến tháng 10 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Nam bộ được chia thành sáu tỉnh(1) trực thuộc trung ương, đồng thời bộ máy quan lại các địa phương cũng được cải cách hoàn chỉnh.
Năm 1836, triều Nguyễn đã cho lập địa bạ, tiếp theo là đinh bạ, điền bạ, … cho toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh để quản lý chặt chẽ lãnh thổ, đồng thời thiết lập, củng cố tổ chức hành chính, hoàn chỉnh bộ máy quản lý xã hội từ thôn, xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh. Mặt khác, để thúc đẩy và khuyến khích phát triển kinh tế – xã hội, nhà Nguyễn đã cho xây dựng đồn điền, vừa tạo cơ sở kinh tế – xã hội cho quốc gia, vừa củng cố quốc phòng. Do đó, việc xây dựng bộ máy hành chính cơ sở làng xã được triều đình nhà Nguyễn hết sức chú trọng và quan tâm, vì đây chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực và tài lực chủ yếu cho đất nước, thực hiện mọi nghĩa vụ đối với nhà nước cầm quyền.
Ban đầu, tại Nam kỳ lục tỉnh, việc khai khẩn đất đai chưa nhiều, cư dân chưa đông, nên số lượng hương chức trong Hội đồng kỳ mục của các làng xã rất đơn giản, vì vậy việc quản lý còn lỏng lẻo, chưa bao quát được hết các việc của làng.
Năm Tự Đức thứ 17 (1864), vua cho đặt chức Hương thân tại các làng xã. Hương thân không dự vào việc làng, mà chỉ chuyên trách việc giáo dục cho xã dân không theo Đạo Gia tô. Hương thân được lựa chọn trong số những viên quan về hưu, những người đỗ tú tài hay những sĩ nhân có độ tuổi khoảng từ 40 trở lên trong làng xã, có học và được xã dân kính trọng. Nếu không, phải chọn những người nhiều tuổi, thuần hậu, trung thực, biết điều hay lẽ phải, biết phân tích đúng sai để giữ chức Hương thân(2).
Đến năm Tự Đức thứ 18 (1865) vua ra Dụ: “Những làng xã nào có ruộng công, thì trích ra 1/10. Ví dụ như 1000 mẫu, trích ra 100 mẫu; ba bốn trăm mẫu, mỗi 100 mẫu trích ra 10 mẫu. Nếu làng nào có hai ba trăm mẫu, thì để cấp dưỡng binh đinh, không phải trích ra. Nhưng những làng ấy phải cùng nhau hợp tác, hễ đến kỳ thu hoạch, lượng thóc lúa được bao nhiêu, người trong làng ấy, nếu như có thiện tâm, thì quyên xuất ra số lượng bao nhiêu để đăng ký vào sổ, và cùng xây dựng kho riêng để lưu trữ. Cho phép các làng kén lấy người có vật lực, lại là người ngay thẳng, hoặc là người có phẩm hạnh, có tài cán biện, cử ra làm Hương chánh để trông coi, do tỉnh phát bằng cho lĩnh, để cho việc này thêm quan trọng”(3).
Việc cai quản làng xã do Hội đồng kỳ mục (còn gọi là Hội đồng hương chức, Hương chức hội tề, …) đảm trách. Việc lựa chọn người vào Hội đồng dựa trên những tiêu chuẩn chung về lý lịch, đạo đức, học lực, gia sản, độ tuổi … để công cử cho phù hợp với mỗi chức danh. Tuy nhiên, dựa trên thực tế, số lượng người được đề cử vào Hội đồng nhiều hay ít tùy theo cư dân của từng làng xã.
Thông thường, Hội đồng Hương chức trong làng xã gồm có các chức danh sau:
- Hương cả (còn có tên gọi là Cai chủ, Trùm cả, Trùm trưởng, Cả trưởng, Hương nhất…) là người đứng đầu Hội đồng kỳ mục, được quyền đề cử nhân sự vào Hội đồng.
- Hương chủ (còn có tên gọi là Hương nhì): là người đứng thứ hai trong Hội đồng kỳ mục, chịu trách nhiệm luật lệ, được quyền phân xử các vụ việc khiếu kiện.
- Hương sư: là người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
- Hương chánh: là người làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái công vụ.
- Hương quản: là người chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu trong làng xã.
- Hương giáo: là người trông coi việc giáo dục tại làng xã, đôi khi có thể giúp Thôn trưởng thu thuế.
- Hương thân: là người làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục.
- Hương hào: là người làm nhiệm vụ tuần phòng, kiểm tra an ninh trật tự.
- Thôn trưởng (còn có tên gọi là Xã trưởng): là người làm nhiệm vụ trung gian giữa Hội đồng kỳ mục địa phương và chính quyền cấp trên. Là người thừa hành công vụ thu các loại thuế, chi xuất nhu phí, giữ con dấu và được phép giải quyết các vụ việc trong phạm vi cho phép.
- Lý trưởng: là người giữ chức vụ trưởng một lý (một xóm) phụ tá Thôn trưởng, chỉ huy đội dân canh và thúc giục dân đinh đóng thuế.
- Trưởng ấp, Giáp thủ, Trưởng phường, Cai lân: là những người phụ tá Thôn trưởng, giữ gìn sổ bộ của ấp, giáp, phường, lân.
- Cai tuần: là đội trưởng dân tuần phòng.
- Biện đình: là người ngang hàng với Lý trưởng, là thư ký giúp việc khi làng tổ chức lễ hội Kỳ yên, nhưng có thể giúp Thư lại khi tu chỉnh sổ bộ.
- Thư lại (còn có tên gọi là Biện lại, Ký lục, Thừa tu hay Tả bộ): là người làm nhiệm vụ tu chỉnh sổ bộ của làng xã.
- Tri thâu (còn có tên gọi là Trùm thâu hoặc Cai thâu): là người phụ trách về thuế vụ.
Giúp việc cho Hội đồng kỳ mục, còn có các dịch mục chuyên trách sau:
- Tham trưởng (Cựu Thôn trưởng): là người đã kinh qua chức Thôn trưởng, làm cố vấn cho Thôn trưởng.
- Câu đương: là người phụ trách việc chấp hành luật lệ, được phép tham gia giải quyết các vụ khiếu kiện.
- Hương văn, Tri văn và Hương lễ, Tri lễ: là người phụ trách về những việc liên quan đến quan, hôn, tang, tế tại làng xã.
- Xã dịch, Dịch mục: là người làm các việc được sai phái, giúp việc cho Hương lễ và thư ký của làng xã.
- Hương quan: là người cố vấn trong việc lễ nghi.
- Kế hiền: là người có đạo đức, uy tín, dòng dõi các vị Tiền hiền hoặc Hậu hiền, có nhiệm vụ thay mặt dân làng dâng hương cầu nguyện trong ngày Kỳ yên.
- Chánh bái, bồi bái: là người kế tục Kế hiền, làm nhiệm vụ giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương.
- Cai đình, Tri đình: là người có nhiệm vụ giữ gìn, tu tạo ngôi đình làng hoặc trang trí, trần thiết khi có Kỳ yên, lễ hội.
- Thủ khoán, Thủ bổn (còn có tên gọi là Tri bạ, Thủ bộ, Thủ bạ): là người chuyên giữ gìn sổ sách, ghi chép các giấy tờ, sổ sách của làng xã; làm thủ quỹ hoặc quản lý các tài sản công; làm văn bản báo cáo về tình hình sở tại gửi lên cấp trên theo kỳ hạn hằng năm.
Trong Hội đồng hương chức, Thôn trưởng là người chịu trách nhiệm trước nhà nước về mọi việc thi hành trong làng. Thôn trưởng do dân trong thôn bầu ra. Tiêu chuẩn được chọn làm Thôn trưởng phải là nam giới tuổi từ 25 trở lên, là người có gia sản, biết chữ, được dân làng tín nhiệm. Kết quả bầu cử Thôn trưởng được làng xã, tổng, huyện công nhận và cấp bằng và dấu (triện) để làm việc. Thời hạn làm việc của một khóa Thôn trưởng từ ba năm trở lên tùy theo lệ của mỗi làng.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Thôn trưởng:
Thôn trưởng trực tiếp đảm trách và thực thi việc lập ra các loại sổ sách(4) trong làng xã để quản lý về con người, tài sản, thuế khóa; báo cáo và nộp lên cấp trên theo định kỳ hàng năm.
Đối với Nhà nước, nhiệm vụ của Thôn trưởng rất nặng nề. Hàng năm, Thôn trưởng phải đốc thúc dân đinh nộp cho đủ ba nghĩa vụ công ích về thuế, phu, lính cho Nhà nước:
– Về thu thuế ruộng là nguồn thu chính cho ngân khố nhà nước. Thôn trưởng căn cứ vào sổ điền, chiếu mức thuế lệ đã định cho từng loại ruộng mà thu thuế ruộng bằng thóc hay bằng tiền (đối với những nơi xa xôi, vận chuyển khó khăn) nộp vào kho công. Nếu để chậm thuế, nợ đọng thuế hoặc ẩn lậu thuế, Thôn trưởng sẽ bị phạt. Trường hợp, những năm mất mùa do lũ lụt, hạn hán, Thôn trưởng phải làm tờ trình, khai rõ nguyên nhân, để xin gia hạn nộp thuế hoặc xin được miễn thuế năm đó.
– Về thuế đinh (thuế thân) cũng là nguồn thu quan trọng cho ngân khố nhà nước. Thôn trưởng căn cứ vào sổ đinh của thôn, rà soát số đinh nam đã đến tuổi phải đóng thuế để đưa vào bộ, đồng thời trừ ra số đinh đã hết tuổi phải đóng thuế. Sau đó, dựa vào lệ thuế của Nhà nước để thu thuế đối với từng hạng dân. Nếu thu không đủ, để thất thoát, ẩn lậu số đinh hoặc tham ô tiền thuế thì sẽ chiếu theo luật định mà xử tội.
– Về thuế thuyền bè, trâu bò, bến bãi, ngành nghề thủ công, … Thôn trưởng cũng phải kê khai theo từng hạng và đều phải nộp đủ thuế cho Nhà nước hàng năm theo đúng kỳ hạn.
–Về việc phu dịch, hàng năm Thôn trưởng phải đốc thúc dân đinh trong độ tuổi tráng hạng tham gia vào các công việc xây đắp đường sá, cầu cống, … tại thôn, tổng, huyện, phủ, nha.
– Về việc bắt lính, Thôn trưởng căn cứ theo sổ đinh để chọn ra những dân đinh đủ tiêu chuẩn vào quân ngũ. Nếu có lính của làng xã đào ngũ, Thôn trưởng bắt họ quay trở về quân ngũ. Nếu họ trốn biệt tích, thì Thôn trưởng phải bắt người thân thuộc gia đình họ thay thế. Trường hợp Thôn trưởng nào cố tình che dấu kẻ đào ngũ mà bị phát giác sẽ chiếu theo luật trị tội.
– Về việc quản lý sổ thu chi của làng xã: Theo kỳ hạn mỗi năm, Thôn trưởng cùng các thành viên trong Hội đồng kỳ mục có trách nhiệm lập sổ để kê khai minh bạch từng khoản thu và chi của làng xã. Cuối mỗi bản kê khai, Thôn trưởng cùng các thành viên trong Hội đồng đều phải ghi rõ họ tên và điểm chỉ. Họ tên của Thôn trưởng được ghi sau cùng và được đóng dấu lên phía trên.
– Về việc lập sổ kê khai hương chức của làng xã, hàng năm Thôn trưởng có nhiệm vụ kê khai số hương chức trong làng xã như họ tên, số tuổi để báo cáo lên cấp trên. Đối với văn bản kê khai này, chỉ có Thôn trưởng đứng tên và chịu trách nhiệm chính(5).
Khi thực thi những công việc nêu trên, ngoài một số việc tự quyền giải quyết trong phạm vi cho phép, hầu hết những việc liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng kỳ mục, thì Thôn trưởng đều phải thông qua Hội đồng kỳ mục mới giải quyết được. Điều đó, chứng tỏ vai trò và quyền hạn của Thôn trưởng cũng có những giới hạn nhất định.
Quyền lợi của Thôn trưởng:
Trong thời gian thi hành công vụ, Thôn trưởng được Nhà nước cho miễn thuế thân, tạp dịch. Đồng thời, tùy theo khả năng kinh tế và lệ của mỗi làng, Thôn trưởng cũng được làng cấp ruộng hay thóc lúa mỗi năm. Như vậy, Nhà nước không cấp lương cho Thôn trưởng, mà hoàn toàn do dân làng tự cấp, tự túc. Sau khi Thôn trưởng mãn nhiệm mà không mắc sai phạm gì lớn, không tham ô tiền sưu thuế, ẩn lậu ruộng đất, che giấu binh đinh, … có nhiều cống hiến cho làng xã, thì sẽ được miễn thuế thân và phu phen tạp dịch chung thân. Họ được dân làng nể trọng gọi là Thôn cựu, Tham trưởng, được tham gia cố vấn cho Thôn trưởng đương chức giải quyết những việc trong thôn.
Sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và buộc triều đình nhà Nguyễn ký “Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị” tại Sài Gòn ngày 05/6/1862, thực dân Pháp đã bước đầu tổ chức bộ máy chính quyền để cai trị. Thực dân Pháp đã coi ba tỉnh miền Đông Nam kỳ là thuộc địa và đặt trực thuộc Bộ Hải quân và thuộc địa Pháp.
Về tổ chức, đứng đầu “Xứ thuộc địa” là một viên chức cao cấp mang danh hiệu “Toàn quyền” (Gouverneur), chịu trách nhiệm về tất cả các mặt dân sự và quân sự.
Ngày 25/6/1862, thực dân Pháp thăng cử Bonard – Thiếu tướng Hải quân Pháp làm Phó Thủy sư Đô đốc và bổ nhiệm giữ chức vụ Toàn quyền, trực tiếp nắm quyền thống trị tối cao ở ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, theo tinh thần Hiệp ước ngày 5/6/1862, mở đầu cho chế độ võ quan cai trị ở Nam kỳ (1862- 1863).
Trong thời gian đương nhiệm, Bonard không thể sử dụng được hàng ngũ quan lại tại các tỉnh mà phải sử dụng hàng ngũ chánh, phó tổng, xã trưởng, phó lý để tổ chức bộ máy cai trị. Đồng thời Bonard còn tuyển chọn một số sĩ quan thực dân và phong cho họ chức “Thanh tra công việc nội chính của bản xứ” hay còn gọi là “Tham biện” đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thống đốc, huấn luyện ngôn ngữ và thể chế của Việt Nam. Nhiệm vụ của những viên Tham biện là trực tiếp chỉ đạo các quan lại ngụy quyền xuất thân từ hàng ngũ chánh, phó tổng, xã trưởng, phó lý. Phụ tá cho viên Tham biện này là Sở Tham biện.
Kế nhiệm Bonard là De la Grangdie vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức cai trị như trước, đồng thời củng cố dần bộ máy cai trị của chúng ở toàn Nam kỳ. Từ năm 1864 đến năm 1887, tổ chức chính quyền thuộc địa ở Nam kỳ đã dần được hình thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, thực dân Pháp chưa trực tiếp can thiệp vào tổ chức hành chính cấp xã. Vì mô hình Hương chức Hội tề của nhà Nguyễn tuy mang tính tự trị, tự quản, nhưng có nhiều ưu điểm thích hợp với chế độ Thực dân. Do vậy, thực dân Pháp đã tìm cách loại trừ các điểm bất lợi đối với họ, đặc biệt là ngăn cắt hai lĩnh vực văn hoá truyền thống và lĩnh vực hành chánh. Do đó, Hương chức Hội tề tại Nam kỳ lục tỉnh vào khoảng cuối thế kỷ 19 rất gần với Hội đồng Hương chức Hội tề thời nhà Nguyễn, có các chức vụ như sau:
- Hương Cả: là Chủ tịch Hội đồng Hương chức
- Hương Chủ: là Phó chủ tịch Hội đồng, cố vấn các mặt văn hóa, chính trị.
- Hương sư: là hương chức làm trung gian giữa chính quyền và địa phương.
- Hương lão: là hương chức lớn tuổi, cố vấn.
- Hương trưởng: là hương chức làm nhiệm vụ cố vấn việc thực hiện các chỉ thị cấp trên.
- Hương chánh: là cố vấn chính thức.
- Hương quản: là Trưởng ban cảnh sát tuần phòng.
- Câu đương: là hương chức làm nhiệm vụ hòa giải và phân xử các việc khiếu kiện.
- Thủ chỉ: là người làm việc lưu trữ văn khố.
- Thủ bộ: là thủ quỹ.
- Hương thân, Thôn trưởng, Hương hào: là ba hương chức thường trực, chuyên lo việc hành chánh, thuế khóa. Thôn trưởng là người đại diện làm trung gian giữa địa phương và chính quyền cấp trên, đồng thời là người giữ con dấu.
- Hương bộ: là hương chức giữ bộ thuế.
Ảnh chụp tờ số 2 của Sổ thống kê viên chức năm 1878 của thôn Sơn Đông, tổng Bình Thành, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long. Ký hiệu đơn vị sổ bộ số 9725. |
Sau khi triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Patenotre ngày 06/6/1884, chính quyền thực dân đã được thiết lập ở ba cấp: cấp trung ương, cấp kỳ và cấp tỉnh. Thực dân Pháp chia nước ta ra thành ba xứ Nam kỳ, Bắc kỳ và Trung kỳ, đặt Bắc kỳ, Trung kỳ trực thuộc Bộ Chiến tranh (từ ngày 27/01/1886, chuyển sang trực thuộc Bộ Ngoại giao). Riêng Nam kỳ vẫn thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa, do viên Thống đốc Lieutenant người Pháp đứng đầu. Ngày 17/10/1887, Tổng thống Pháp ký Sắc lệnh thành lập Liên bang Đông dương, Thống đốc Nam kỳ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền Đông dương và bình đẳng với Thống sứ Bắc kỳ và Khâm sứ Trung kỳ.
Sau khi thành lập Liên bang Đông dương, toàn Nam kỳ được chia thành 20 tỉnh. Mỗi tỉnh chia thành nhiều tổng. Mỗi tổng do chánh, phó tổng cai quản. Chánh, phó tổng được xếp trong ngạch nhân viên hành chính và được tuyển dụng qua thi cử. Mổi tổng chia thành xã. Thời kỳ này, việc quản lý cấp xã ở Nam kỳ đã bị chính quyền thực dân Pháp chính thức can thiệp vào giữa năm 1904, theo Nghị định ngày 27/8/1904 của Toàn quyền Đông dương thành lập Hội đồng Hương chức (gọi là Bàn Hội tề), gồm 12 chức vụ:
- Hương cả: làm Chủ tịch Hội đồng, kiêm nhiệm vụ lưu trữ văn khố.
- Hương chủ: làm Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm nhiệm vụ Thanh tra.
- Hương sư: làm cố vấn luật lệ.
- Hương trưởng: làm thủ quỹ và cố vấn giáo dục.
- Hương chánh: làm hương chức hòa giải và phân xử các vụ tranh chấp khiếu kiện tại địa phương.
- Hương giáo: làm Thư ký Hội đồng, cố vấn cho các hương chức trẻ tuổi.
- Hương quản: làm Trưởng ban Cảnh sát nông thôn, kiểm tra sông rạch, đường sá trong làng.
- Hương bộ: là người giữ bộ thuế và các loại sổ thu chi, kiêm nhiệm vụ bảo vệ công sở và các loại tài sản công cộng.
- Hương thân, Thôn trưởng và Hương hào: giữ nhiệm vụ trung gian giữa địa phương, chính quyền và tòa án cấp trên. Thôn trưởng là người giữ con dấu và được quyền xử lý các vụ việc thông thường.
- Chánh Lục bộ (Lục bộ): nhân viên chuyên trách coi hộ tịch và thông báo khi có dịch bệnh, nhưng không được xếp vào Hội đồng Hương chức.
Ảnh chụp tờ số 22 của sổ thống kê dân số năm 1917 của xã Long Thắng, tổng An Thới, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc. Ký hiệu đơn vị sổ bộ số 3074. |
Trong Hội đồng Hương chức, thì Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng là những người lãnh đạo tối cao của Hội đồng, có nhiệm vụ quản lý tài sản của làng xã, lập ngân sách, giám sát việc thu chi của ngân sách, giữ quỹ và giám sát các công việc của các ủy viên khác. Khi Hương cả vắng mặt, Hương chủ thay thế làm Chủ tọa Hội đồng.
Hương chánh chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi công việc của Thôn trưởng (Xã trưởng), Hương thân, Hương hào và có trách nhiệm giải quyết, giàn xếp, hòa giải những vụ xích mích nhỏ xảy ra trong làng xã.
Hương giáo phụ trách việc giáo huấn các kỳ mục trẻ tuổi, dạy cho họ hiểu rõ nhiệm vụ, nghĩa vụ của họ đối với làng xã.
Hương quản phụ trách công việc bảo vệ trị an trong làng xã và giải quyết những vụ kiện cáo xảy ra. Đồng thời Hương quản còn trực tiếp chỉ đạo Hương Thân, Cai tuần, Cai thị (Thị sự, Tri sự). Hỗ trợ cho Hương quản còn có Hương thân, Thôn trưởng (Xã trưởng) và Hương hào.
Hương bộ có nhiệm vụ phụ trách sổ đinh, sổ địa bộ, sổ điền, sổ thuyền bè, sổ trâu bò, sổ viên chức, sổ thu chi, … của làng xã.
Hương thân, Thôn trưởng (Xã trưởng) và Hương hào là ba ủy viên chấp hành của Hội đồng đại kỳ mục, chịu trách nhiệm thi hành những quyết nghị của Hội đồng, đặt dưới quyền kiểm soát, giám sát trực tiếp của Hương chánh, Hương quản. Hương thân là người đứng đầu trong số ủy viên chấp hành này. Thôn trưởng (Xã trưởng) là người được giữ triện của làng xã và là người trung gian giao tiếp giữa làng xã và chính quyền cấp trên. Hương hào là ủy viên chấp hành đặc trách về vấn đề trật tự an ninh của xã.
Bộ ba Hương thân, Thôn trưởng (Xã trưởng) và Hương hào chịu trách nhiệm làm một số công việc cụ thể: lập danh sách những người phải đóng thuế, phải đi làm xâu; thu thuế của xã dân để nộp lên cấp trên, …. Ngoài ra, bộ ba này còn có quyền thị thực tập thể mọi giấy tờ cho xã dân. Tuy nhiên, nếu Hương thân và Hương hào vắng mặt, thì còn có thể thay thế hai kỳ mục khác trong Hội đồng, riêng Thôn trưởng nhất thiết phải có mặt.Trong giai đoạn này, chủ trương của thực dân Pháp là đặt nặng vai trò của Thôn trưởng, Hương thân và Hương hào – là ba chức vụ thường trực và chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự và liên hệ tòa án cấp trên.
Nhìn chung, dưới triều Nguyễn, bộ máy tổ chức hành chính cấp làng xã tại Nam kỳ lục tỉnh được xây dựng thiết chế quản lý càng ngày càng hoàn chỉnh, có quy củ, tổ chức bộ máy ở các làng xã như một xã hội mang tính chất tự trị và tự quản. Từ năm 1863 đến trước năm 1887, trong thời kỳ này thực dân Pháp chưa trực tiếp can thiệp vào tổ chức hành chính cấp làng xã, do tổ chức làng xã nhà Nguyễn có nhiều điểm thuận lợi hỗ trợ cho việc cai trị của chính quyền thực dân. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức Hội đồng Hương chức Hội tề năm 1904, thực dân Pháp đã trực tiếp đào tạo được một lớp cường hào ở nông thôn. Những cường hào này vẫn do làng xã tự công cử dựa theo tiêu chuẩn đã định, nhưng đặt dưới sự giám sát gắt gao của chính quyền thuộc địa. Kể từ thời gian này, việc quản trị mỗi làng xã đều do một tổ chức mang tên là Hội đồng Đại kỳ mục điều hành. Tất cả các thành viên trong Hội đồng Đại kỳ mục đều phải ký tên dưới các văn bản, sổ sách và chịu trách nhiệm trước chính quyền thực dân.
Nguyễn Thị Thiêm – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Chú thích:
- Nam kỳ lục tỉnh gồm các tỉnh An Giang, Biên Hòa, Định Tường, Gia Định, Hà Tiên và Vĩnh Long.
- Hệ thống chính quyền của thực dân Pháp Việt Nam thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Dương Kinh Quốc, NCLS, số 5, 1982, tr. 31.
- Nguyễn Sĩ Giác – phiên âm và dịch nghĩa (1962), Đại Nam điển lệ, NXB Tôn Thất Lễ, Sài Gòn, tr. 214-215.
- Lệ năm Gia Long thứ 6 (1807), định cách thức làm sổ đinh. Trước hết phải biên tên phủ, huyện, tổng, xã (thôn) và tên họ của thôn trưởng, phải khai minh bạch các hạng người trong làng xã và phải kê khai đúng, nếu ẩn giấu sẽ bị tội. Ngoài ra, Thôn trưởng còn chịu trách nhiệm quản lý các loại sổ kê khai về ruộng đất (địa bộ), thuế ruộng đất (điền bộ), thuế thuyền bề (thuyền bộ), thuế trâu bò (ngưu bộ), hương chức (viên chức bộ), thuế người Thanh (Thanh nhân bộ), thuế ruộng muối (Diêm điền bộ), … và các sổ kê khai cụ thể từng khoản thu chi của làng xã mỗi năm. Ở cuối mỗi bản kê khai, Thôn trưởng đều phải ghi họ tên của mình và đóng dấu (triện) lên trên phần tên đã ký.
- Trong tài liệu Sổ bộ, hiện các sổ thống kê hương chức (viên chức bộ) chỉ còn 14 đơn vị của các thôn (làng): An Bình, Bình Tĩnh, Bình Thới, Hạnh Lâm, Long Bình, Long Hậu, Long Mỹ, Long Phụng, Long Quới, Long Thanh, Mỹ Tường, Mỹ Thới, Sơn Đông, Thanh Mỹ Đông, thuộc tổng Bình Thành, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long, vào các năm 1878 và 1879.
- Ngày 17-10-1887, là ngày thực dân Pháp ra Sắc lệnh thiết lập chế độ Toàn quyền Đông dương (Liên bang Đông dương), chịu trách nhiệm trước Chính phủ Pháp về mọi mặt của Đông dương: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính, pháp luật, …; trực tiếp thiết lập, chỉ đạo và điều hành toàn bộ bộ máy tổ chức hành chính của thuộc địa.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch