Đôi nét về Trường Pháp chính Đông Dương khi bắt đầu thành lập

Những người tốt nghiệp Trường Pháp chính được bổ dụng làm tham biện ở các công sở (còn gọi là tham tá), hoặc đi làm tri phủ, tri huyện ở các tỉnh.

truong phap chinh ĐD

Trường Pháp chính Đông Dương (École de Droit et d’Administration de l’Indochine) được thành lập theo Nghị định ngày 15/10/1917 lúc đầu nhằm đào tạo quan lại “ngạch Tây” phục vụ cho guồng máy cai trị của Pháp về hành chính, tài chính, tư pháp, học trình 3 năm, riêng ban tài chính học 2 năm.  Những người tốt nghiệp Trường Pháp chính được bổ dụng làm tham biện ở các công sở (còn gọi là tham tá), hoặc đi làm tri phủ, tri huyện ở các tỉnh.  Sau một thời gian hoạt động, phạm vi đào tạo của trường được mở rộng hơn, Trường được đổi thành Cao Đẳng Học Viện Đông Dương (École des Hautes Étude Indochinoises) theo Nghị định ngày 18/09/1924 với mục đích đào tạo ở bậc cao học về luật pháp, chính trị, lịch sử và triết học, muốn nhập học phải có bằng tú tài bản xứ hay tú tài Pháp, chương trình học 3 năm. Ngày 11/9/1931 theo Sắc lệnh của tổng thống Pháp đổi thành Trường Cao đẳng Luật Khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit de l’Indochine) và đến năm 1941 trường chính thức mang tên mới là Trường Đại học Luật Khoa (Faculté de Droit)1.   

Nghị định ngày 15/10/1917 do Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut kí ban hành đã khai sinh ra Trường Pháp chính Đông Dương nhằm mục đích hoàn thiện kiến thức chung và năng lực chuyên môn cho những người bản xứ được tuyển dụng vào làm việc trong chính quyền Pháp hoặc các ngạch quan lại tại Đông Dương. Đội ngũ quan lại ở Trung – Bắc Kì được lựa chọn trong số sinh viên tốt nghiệp Trường Pháp chính, do đó từ việc lựa chọn đầu vào đến đầu ra cho sinh viên trường này đều có những quy định chặt chẽ, thể hiện qua chính bản Nghị định này, xin trân trọng giới thiệu tới độc giả một vài nội dung chính của nghị định.

  1. Điều kiện vào trường học và quy chế thi đầu vào

Nghị định đã nêu rõ số sinh viên nội trú được nhận vào học tại Trường do Toàn quyền quy định theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng và ý kiến của người đứng đầu chính quyền địa phương. Sinh viên được chọn vào trường thông qua thi tuyển và phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Là công dân Pháp, người được Chính phủ Pháp bảo hộ hoặc Á kiều mang tư cách là công dân Pháp;
  2. Tuổi từ 25 tính đến ngày 01 tháng 01 năm sau của năm trúng tuyển;
  3. Sức khỏe tốt;
  4. Hạnh kiểm tốt;
  5. Có bằng bổ túc, bằng sơ học hoặc bằng cao đẳng.

Tạm thời trong năm đầu tiên Trường Pháp chính bắt đầu đi vào hoạt động, Trường được phép xét tuyển (miễn thi đầu vào) dựa theo văn bằng đối với những đối tượng sau:

  1. Thí sinh có bằng tú tài, bằng cao đẳng hoặc bằng bổ túc;
  2. Sinh viên các trường luật hiện thời đậu kì thi của năm thứ 2 và theo đề nghị của Chưởng lí;
  3. Sinh viên ban B của Trường Sĩ Hoạn.

Vấn đề tổ chức thi và hình thức thi đối với sinh viên có nguyện vọng vào Trường pháp chính được quy định rất chi tiết, cụ thể tại Điều 8, 9, 10, 11 của Nghị định như sau :

Kì thi tuyển sinh gồm các môn thi viết và thi vấn đáp. Các môn thi viết mang tính chất loại trừ gồm:

  1. Bài thi chính tả kèm theo câu hỏi liên quan đến bài khoá nhằm đánh giá kiến thức ngôn ngữ cũng như khả năng đọc hiểu của thí sinh;
  2. Môn thi viết bằng tiếng Pháp (thư, kể chuyện, miêu tả hoặc giải thích một tư tưởng, một bài khoá).

Ngoài ra, các thí sinh của Ban Tài chính phải thi thêm bài thi về số học.

Các môn thi vấn đáp gồm:

  1. Bài đọc hiểu đồng thời trả lời vấn đáp;
  2. Thi vấn đáp về lịch sử và địa lí Đông Dương;
  3. Bài thi thuyết trình.

Mỗi thí sinh được tham dự kì thi tuyển sinh không quá 3 lần.

Theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng thời bấy giờ, Toàn quyền chỉ định Hội đồng khảo thí trung ương có trụ sở tại Hà Nội chấm điểm các môn thi viết. Kì thi vấn đáp chỉ được tổ chức tại Hà Nội khi số thí sinh dự thi cao gấp 2 lần số sinh viên nội trú cần tuyển cho năm tiếp theo.

  1. Chương trình đào tạo

Trường Pháp chính gồm 2 ban : Ban Tài chính và Ban Pháp chính, với thời gian học của sinh viên Pháp chính là 3 năm, sinh viên Ban Tài chính chỉ học 2 năm.

 Năm học khai giảng ngày 01/10 và bế giảng vào ngày 15/6 hàng năm. Các kì nghỉ thông thường trong năm học sẽ do Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng quy định.

Chương trình giảng dạy của Trường gồm các môn học sau:

Tiếng Pháp và Văn học; Lịch sử khai thác thuộc địa của Pháp và nước ngoài; Địa lí đại cương, mô tả châu Á và địa lí kinh tế của các xứ thuộc Đông Dương; Chính quyền Đông Dương; Phân loại tài liệu lưu trữ và các thư viện; Chữ Hán; Tổ chức tài chính của Đông Dương; Xây dựng thực hành; Luật Dân sự; Tố tụng dân sự; Luật Hình sự; Luật Hành chính; Pháp chế Đông Dương; Kinh tế chính trị; Luật Hàng hải; Khái luận về luật quốc tế, Luật Công và Luật Tư; Luật Thương mại.

Sinh viên Trường Pháp chính học chung với sinh viên các trường cao đẳng khác đối với các môn: Lịch sử văn minh (Trường Cao đẳng Sư phạm), Vệ sinh (Trường Cao đẳng Y khoa), Nông nghiệp (Trường Cao đẳng Nông nghiệp).

Chương trình học của Ban Tài chính gồm các môn học sau: Các nguyên tắc của Luật hành chính; Kinh tế chính trị; Cơ cấu tổ chức chung của Đông Dương; Kế toán công; Tổ chức tài chính và ngân sách, tiền tệ, tín dụng và hối đoái; Đại số sơ đẳng.

Ngoài các tiết học thông thường, những buổi nói chuyện thực tế trong đó sinh viên tham gia thực hành được tổ chức dưới sự điều hành của giảng viên.

Sinh viên chỉ được lên năm tiếp theo nếu thi đậu kì thi chuyển lớp gồm các môn thi viết và thi vấn đáp. Thành phần Hội đồng khảo thí cũng như môn thi, hệ số tính điểm, số điểm tối thiểu để được công nhận thi đỗ do Hiệu trưởng quy định.

Trong 2 năm đầu tiên, mọi sinh viên đều phải theo học các môn về Pháp chính. Cuối năm thứ hai, sau khi thi phân loại, sinh viên được xếp lớp về Ban Hành chính hoặc Ban Pháp lí.

Sinh viên trượt tốt nghiệp được lưu ban một lần theo quyết định của Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng và đề nghị của Hiệu trưởng dựa trên ý kiến của Hội đồng giáo sư.

 Hội đồng khảo thí tốt nghiệp do Toàn quyền bổ nhiệm hàng năm theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng. Sinh viên đậu kì thi tốt nghiệp được cấp bằng có chữ kí của hiệu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng và của Toàn quyền.

  1. Hành chính – Nhân sự giảng dạy

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Pháp chính Đông Dương do Toàn quyền bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng và Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm điều hành việc học, quy định những vấn đề liên quan đến nội quy và hoạt động của trường, chuẩn bị dự thảo ngân sách để trình Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng. Cuối năm học, Hiệu trưởng gửi báo cáo về hoạt động của trường lên Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng.

Giảng viên do Toàn quyền bổ dụng theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng, hưởng trợ cấp năm cố định là 800 đồng Đông Dương đối với giảng viên dạy 3 giờ/tuần và 600 đồng Đông Dương đối với giảng viên dạy 2 giờ/tuần. Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng có quyền bổ dụng diễn giả với thù lao 8 đồng Đông Dương/buổi nói chuyện. Trường hợp giảng viên vắng mặt tạm thời, Trưởng Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng có thể chỉ định giảng viên thay thế.

  1. Quyền lợi của sinh viên Trường Pháp chính 

Những sinh viên trúng tuyển sẽ được thuộc địa chi trả toàn bộ chi phí đã đi lại tham dự kì thi.

Vào Trường, sinh viên được cấp học bổng hưởng chế độ nội trú miễn phí. Trong thời gian học, họ hưởng thêm trợ cấp ăn ở hàng tháng như sau:

Năm thứ nhất: 8 đồng Đông Dương; năm thứ hai: 10 đồng Đông Dương; năm thứ ba: 10 đồng Đông Dương.

Sinh viên hưởng học bổng được miễn thuế thân, quân dịch và sưu thuế. Hàng năm, họ được cấp tiền mua vé khứ hồi khi về quê vào các dịp nghỉ lễ.

Trường Pháp chính Đông Dương nằm trong danh sách các Trường Cao Đẳng (École Supérieure) được gọi là loại trường chuyên nghiệp, nhập học phải hội đủ điều kiện văn bằng đòi hỏi và qua một kì thi tuyển (concour).  Trúng tuyển được cấp học bổng ăn học suốt học trình. Tốt nghiệp phải làm việc cho chính quyền (trong lĩnh vực mà trường đào tạo) một thời gian nhất định.

Như vậy, có thể nói việc thành lập các trường cao đẳng và đại học trong đó có Trường Pháp chính Đông Dương là một trong hàng loạt chính sách cai trị của thực dân Pháp, rõ ràng mục đích cung cấp cán sự, phụ tá cho người Pháp là để việc khai thác tài nguyên và nhân công của thuộc địa Đông Dương trở nên quy mô và hữu hiệu hơn./.

NGUYỄN TRANG – Trung tâm lưu trữ Quốc gia I                                                            

Chú thích :

(1) Chữ “Faculté” thường được dịch là ” Khoa”.  Nhưng trong tổ chức đại học  (Université) của Pháp thì Faculté thực sự là một trường đại học, còn Université là viện đại học.  Trong quy chế đại học Pháp “Faculté” cao hơn “École supérieure” (Trường cao đẳng) vì Faculté đào tạo và cấp học vị tiến sĩ (Docteur).

 Nguồn: TTLTQG I – J 1094, Công báo Đông Dương 1918.

Nguồn: archives.gov.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *