Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện vai trò con bài của đế quốc Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Song song với việc dùng mọi thủ đoạn loại trừ những phe phái thân Pháp, chính quyền Ngô Đình Diệm đã mở chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” thẳng tay tàn sát những người yêu nước, cách mạng, triệt phá các cơ sở cách mạng và cố gắng loại trừ ảnh hưởng từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trong quần chúng nhân dân miền Nam. Đống thời, Ngô Đình Diệm đã tập trung quân đội và lực lượng cảnh sát khổng lồ với trang bị tối tân nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự ảnh hưởng của cách mạng miền Bắc với miền Nam. Ngay 1956 chính quyền Diệm đã chỉ thị cho các đơn vị, quân khu thiết lập hệ thống thám báo để theo dõi những đường dây liên lạc, tiếp vận bí mật từ Bắc vào Nam.
Ngày 24/7/1956 Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Trung Việt đã gửi báo cáo cho Phủ Tổng thống, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng về tin tức “Việt Cộng đã khai phá thêm một con đường xuyên sơn từ vĩ tuyến 17 đến mật khu Thô Lô, con dường này nằm trên con đường chiến lược 14, giáp Đông Miên, Hạ Lào”. Báo cáo này cũng cho rằng: “Việt Cộng đã biệt phái một Trung đoàn từ Vĩ tuyến 17 theo con đường này vào Nam để củng cố và xây dựng miền Tây Nguyên. Vừa rồi chúng lại điều động 2 Tiểu đoàn trọng pháo từ Thô Lô đi ra, qua làng Dirip thuộc quận An Khê”.1
Tiếp đó, ngày 19/8/1956, Bộ Quốc phòng VNCH báo cáo lên Phủ Tổng thống “Về việc Việt Cộng khai phá đường xuyên sơn từ Vĩ tuyến 17 đến mật khu Thô Lô (Phú Yên)”. Báo cáo này nêu rõ: “…Ngoài ra, tại các mật khu Thô Lô và Kon-Hannung, chỉ có 1 phần tử võ trang (độ 50 người) thuộc các cựu Trung đoàn 803 và 120 thường được báo cáo. Bọn này thường dân hóa phân tán thành từng toán nhỏ sống trong các làng Thượng”.2
Cùng trong năm 1956, sau nhiều lần nhận lệnh, đến ngày 5/11, Giám đốc Nha An ninh Quân đội VNCH đã gửi báo cáo về Bộ trưởng phụ tá Bộ Quốc phòng về những thông tin bước đầu về đường Hồ Chí Minh. Trong đó nêu rõ “Con đường xuyên sơn đã có từ lâu, nối liền từ Bắc vào Nam chứ không phải đến Phú Yên mà thôi và Việt Cộng gọi con đường này là là đường xuyên sơn Hồ Chí Minh. Riêng từ Quảng Ngãi trở vào có một con đường khác cùng song song với đường xuyên sơn Hồ Chí Minh và gọi là đường mới”. Báo cáo này cũng cho rằng ở Bình Định “tại quận Bình Khê, vào khoảng tháng 5, tháng 6/1956, Việt Cộng có phát dọn một con đường từ Hòn Đô thuộc xã Bình Quang đến Đất Thiết (đèo Bô Bô BR 708.530) và đi sâu vào núi Hòn Đô độ 3 cây số. Con đường này bề rộng độ 1 thước và đã có từ lâu”.3
Sau một thời gian, bằng nhiều biện pháp khác nhau để thu thập tin tức về đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày 14/10/1957, Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống gửi thông báo cho Đại biểu Chính Phủ Cao nguyên Trung phần về việc: “Vào khoảng trung tuần tháng 7/1957 một Đại đội Việt Cộng võ trang súng trường và tiểu liên, lối 200 người đã theo ngã biên giới Lào – Việt, chúng đi theo con đường Hồ Chí Minh đi lần xuống miền Nam”. Đồng thời cho biết “Trước đây 10 hôm có một đoàn cán bộ hơn 100 tên đã đi qua vùng này để về miền Nam. Bọn này toàn cán bộ quân chính, phần đông là cán bộ tập kết ra Bắc, nay trở về miền Nam để hoạt động”4 và yêu cầu xác nhận lại tin tức trên nếu có thật thì đề nghị cách đối phó.
Ngày 6/1/1958, Đại tá Ngụy quyền Sài Gòn, Hoàng Thụy Năm, Trưởng phái đoàn Giao dịch với Ủy hội Quốc tế trực thuộc Phủ Tổng thống, (giám sát việc thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ) lo sợ trước những tin tức về đường mòn. Trong thư trình gửi Bộ trưởng Phủ Tổng thống, Hoàng Thụy Năm nêu rõ: “Hiện giờ, tuy con đường ấy không được Việt Cộng thông dụng như cũ, nhưng vẫn là một đạo lộ rất bí mật và khó kiểm soát để chúng đưa một đạo quân bí mật bất thần vào miền Nam. Bởi vậy mà ở trên con đường ấy, ở mỗi chặng, chúng đặt 1 chiến khu mà hiện nay có thể còn quân hay cán bộ của chúng đóng. Nếu có sự bùng nổ chiến tranh, thời con đường ấy rất lợi hại cho Việt Cộng, mà ngay bây giờ, sự xâm nhập miền Nam bằng những toán quân nhỏ có khí giới có thể từ con đường đó vào các ngả trong vùng Thượng du Trung phần”. Đồng thời y đề nghị “Để ngăn cản sự giao thông, xâm nhập lén lút của các cán bộ Việt Cộng từ Bắc vào, cũng là bảo vệ an ninh mai hậu, Thiểm Đoàn đề nghị mở một cuộc hành quân thám thính trên con đường Hồ Chí Minh, để triệt hạ cơ sở các chiến khu Việt Cộng còn lại và nếu xét ra cần thiết thì đặt đồn bót ở những nơi xung yếu”.5
Gần như ngay sau đó, chính quyền Diệm đã cho mở các cuộc hành quân thám sát, sục sạo do các đơn vị của Quân đội VNCH thực hiện. Ngày 29/3/1958, Đại tá Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân khu 3 đã cho lập kế hoạch “Thám sát những đường mòn xuyên sơn tại các vùng ranh giới các Tiểu khu Kon Tum – Quảng Nam – Quảng Ngãi. Theo đó, các đội thám sát được chia làm 3 hướng: Đakto – Gi Lăng; Xuân Khương – Trà My; Xuân Khương – Gi Lăng”6. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 VNCH cũng cho các đơn vị của mình mở rộng vùng thám sát. Trong hồ sơ cuộc họp ngày 14/8/1958, “Về việc khảo sát mở đường từ Dakpek đến Trà My”, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 VNCH cũng cho rằng: “việc mở đường tạo thành 3 trục: Đakpek – Đakre – Trà My; Đakto – Toumorong – Ngọc Linh – Trà My; Đakpek – Ngọc Linh – Trà My không chỉ mang tính chiến lược khi có chiến tranh mà còn kiểm soát những đường mòn do Việt Cộng dùng làm đường tiếp vận7”.
Tại Quân khu 2, ngày 16/10/1958, Trung tướng Trần Văn Đôn, Tư lệnh Quân khu 2 VNCH đã ký lệnh “Thám sát đặc biệt” thám sát vùng núi phía Tây vùng Hướng Hóa (Quảng Trị). Theo đó, mục đích của việc thám sát này là nhằm: “Khảo sát lộ trình, mở các cuộc tảo thanh (đột kích, phục kích…) tại chỗ, sưu tầm tin tức quân báo… qua đó chặn đứng mọi hoạt động tiếp vận, giao liên của đối phương”8.
Thực hiện lệnh trên đã có các báo cáo khá đầy đủ về việc tìm kiếm về đường mòn Hồ Chí Minh cho đến những năm 1960. Nhiều biện pháp, thủ đoạn được Ngụy quyền Sài Gòn đưa ra sử dụng nhằm chặt đứt đường giao liên tiếp vận nhưng mọi nỗ lực trên đều không đem lại những kết quả như mong muốn. Đến ngày 30/1/1962, Tư lệnh vùng II chiến thuật, Thiếu tướng Tôn Thất Đính, lại tiếp tục phát lệnh “Về việc sưu tầm tin tức về đường mòn Hồ Chí Minh”9 để mong có đủ tài liệu và tin tức cung cấp cho chiến trường trong tương lai.
Theo lệnh trên, “các đơn vị thực hiện cần phải xác định được đối với đường giao liên: So sánh lại các hướng và trục giao liên của đường Hồ Chí Minh qua mỗi địa phương; Các mật đạo phụ từ đường Hồ Chí Minh đến các mật khu; Đường giao liên địa phương từ mật khu này đến mật khu khác; Các lối xâm nhập Bắc Nam khác. Đối với trạm giao liên: Xác định trạm giao liên chính (có đơn vị võ trang yểm trợ, kho tiếp tế lương thực, đạn dược, quân trang, trại tăng gia sản xuất); Trạm giao liên tạm (nơi nghỉ chân, trạm này thường ở vùng ta kiểm soát cách các Quốc lộ từ 10 đến 15 cây số); Các đoạn đường băng qua quốc lộ. Đánh giá lực lượng: Thành phần quân số vũ khí của các đơn vị võ trang di chuyển; Các đoàn dân công, áp tải, tiếp vận lương thực, vũ khí và đạn dược. Đồng thời nắm rõ tên mỗi đoạn đường do Việt Cộng đặt, do dân đặt, bí số các trạm giao liên hoặc đặt tên các đường mới phát giác theo bản đồ”. Lệnh sưu tầm tin tức đặc biệt này cũng chỉ rõ, các đơn vị trực thuộc phải khẩn cấp thi hành bằng mọi biện pháp thích ứng: “Đặt mật báo viên tại địa phương dò xét; Tổ chức quần chúng trong các đoàn dân công của Việt Cộng; Đặt trinh sát tại các đường khả nghi có giao liên Việt Cộng; Phục kích các đoạn khả nghi bắt tù binh, tịch thu tài liệu (biện pháp cá hiệu quả nhất); Hành quân tình báo qua các mục tiêu cần thiết…Khai thác ngay các tin báo nhận được, công điện về V2CT/P2;Gởi tài liệu bắt được và tù binh bằng mọi phương tiện nhanh nhất; Phúc trình tỉ mỉ sau khi thi hành…”.
Từ những hành động, phản ứng trên có thể cho thấy: Mặc dù, chính quyền Ngô Đình Diệm và những đời Tổng thống sau này ngay những ngày đầu đã cố công, ráo riết tìm mọi cách kiểm soát đường giao thông này nhưng vẫn không thể nào chặt đứt mạch máu giao thông liên lạc, chi viện từ Bắc vào Nam và ngược lại. Không những thế, nỗi ám ảnh về sự nguy hiểm từ con đường Hồ Chí Minh của bọn chúng đã trở thành hiện thực, thành nỗi khiếp sợ của cả Mỹ – Ngụy. Trong hơn 15 năm hoạt động bắt đầu từ những ngày đầu chính thức mở tuyến vào tháng 5/1959, đường Hồ Chí Minh ngày càng phát triển với nhiều nhánh, nhiều tuyến, chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chí Văn
Chú thích:
- Công văn số 4070/VP/CTM, ngày 24/7/1956 của Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Trung Việt, hồ sơ 5479, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II.
- Tài liệu mật số 2917/VP/QP/M ngày 19/8/1956 của Bộ Quốc phòng VNCH, hồ sơ 5479, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
- Công văn số 03353/38/I9/H ngày 5/11/1956 của Giám đốc Nha An ninh Quốc gia VNCH, hồ sơ 5479, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
- Tài liệu mật số 2403/BPTT/VP/H ngày 14/10/1957 của Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống , hồ sơ 5479, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
- Công văn tối mật số 0036/PĐVN/QV/III/TM ngày 6/1/1958 của Phái Đoàn giao dịch với Ủy hội Quốc tế Phủ Tổng thống VNCH, hồ sơ 5479, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
- Công văn (tối mật) số 557/QK3/3/HQ, ngày 29/3/1958 của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 VNCH về việc Thám sát những con đường xuyên sơn, hồ sơ 5242, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
- Biên bản phiên họp sơ bộ ngày 14/8/1958 tại Bộ Tư lệnh Quân khu 3 để khảo sát việc mở đường từ Đakpek đến Trà My, hồ sơ 5243, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
- Tài liệu tối mật “Lệnh thám sát đặc biệt” số 26038/TM2/BĐ ngày 7/10/1958 của Phòng Nhì, Quân khu 2, Bộ Tham mưu quân lực VNCH, hồ sơ 5230, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
- Lệnh sưu tầm tin tức số 1199/V2CT/2/2/K ngày 30/1/1962 của phòng Nhì, Vùng II Chiến thuật, Bộ Tham mưu Quân lực VNCH về đường mòn Hồ Chí Minh, hồ sơ 7519, phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch