- Vài nét về khối tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ
Năm 1861, liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công phá vỡ Đại đồn Kỳ Hòa và chiếm được toàn bộ Gia Định. Ngay trong năm đó, Pháp đặt Thống đốc đầu tiên tại Gia Định thành. Ngày 9 tháng 11 năm 1864, Thống đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) ra Quyết định thành lập Nha Nội chính (Direction de L’Intérieur)[1]. Đây là một tổ chức chuyên nghiên cứu, theo dõi và giải quyết tất cả các công việc có liên quan đến thuộc địa.
Sau khi chiếm được Nam kỳ, năm 1868, chính quyền thực dân Pháp đã quan tâm đến việc quản lý hành chính và chú ý đến công tác lưu giữ các văn bản để phục vụ cho việc điều hành quản lý của mình. Ngày 3.10.968, Thống đốc Nam kỳ ban hành Quyết định số 134 quy định các văn bản có tính pháp quy, tài liệu hành chính kế toán, tài liệu liên quan đến công trình xây dựng phải nộp vào lưu trữ.
Quyết định 134 là văn bản được xây dựng trên cơ sở của Sắc lệnh ngày 18.3.1863 về chức năng của nhân viên thanh tra thuộc địa về việc áp dụng những điều có liên quan ở Nam kỳ.
Lưu trữ hồ sơ tài liệu trong các cơ quan tiếp tục được quy định tại Quyết định số 70 ngày 17.2.1875 của Thống đốc Nam kỳ “Tất cả bản gốc của các quy định, nghị định, quyết định, lệnh, chứng chỉ, giấy ủy quyền, giao kèo mua bán, các dự toán, sơ đồ, bản đồ, các bản thanh toán và biên bản có liên quan đến công sở khác nhau ở Nam Kỳ, không có ngoại lệ đều phải nộp vào Lưu trữ của Hội đồng Tư mật để sao và cấp bản sao theo nhu cầu”[2].
Chế độ võ quan cai trị Nam kỳ kéo dài 17 năm với 24 đời sĩ quan, cấp bậc từ Đô đốc đến Thiếu tướng Hải quân. Năm 1879, thực dân Pháp mới tạm ổn định được bộ máy thống trị ở Nam Kỳ. Lúc này, Pháp mới thiết lập chế độ văn quan sang nắm quyền. Giữ chức Thống đốc ngạch văn quan đầu tiên ở Nam Kỳ là Le Myre de Vilers.
Ngày 29 tháng 10 năm 1887, Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh ấn định quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ (Lieutenant – Gouverneur de la Cochinchine)[3]. Theo Sắc lệnh này thì chức Giám đốc Nha Nội chính Nam kỳ bị bãi bỏ; quyền hạn của Giám đốc Nha Nội chính trước đây được chuyển giao cho Thống đốc Nam kỳ. Thống đốc Nam Kỳ đại diện cho Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur Général de l’Indochine) ở Nam kỳ. Thống đốc Nam kỳ có một Tổng Thư ký phụ tá để thay thế Thống đốc trong trường hợp Thống đốc vắng mặt hoặc bận công tác khác. Các Phòng của Nha Nội chính trước đây được chuyển thành các Phòng của Nha Tổng Thư ký.
Ngày 29.9.1894, Tổng thống Cộng hòa Pháp lại ra Sắc lệnh bãi bỏ chức vụ Tổng Thư ký Nam kỳ[4]. Các văn phòng của Nha Tổng Thư ký trước đây được đặt dưới sự chỉ đạo của Thống đốc Nam kỳ với tên gọi là các Phòng thuộc Nha Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Nam kỳ.
Ngày 13.2.1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ấn định nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc Nam kỳ[5].
Đến năm 1885, Thống đốc Nam kỳ ban hành văn bản, lập một Ủy ban để nghiên cứu việc thành lập một cơ quan có nhiệm vụ quản lý tài liệu lưu trữ ở Đông Dương. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó ở Việt Nam vẫn chưa thành lập được cơ quan chuyên trách để quản lý tài liệu. Tại Nam kỳ năm 1902 chưa có kho bảo quản tài liệu lưu trữ, tài liệu sản sinh ra từ hoạt động của các cơ quan không được tổ chức theo một trật tự, việc thu thập về một nơi nhất định để bảo quản cũng chưa được thực hiện. Tài liệu trong các cơ quan rơi vào tình trạng chất đống, ẩm ướt, bị hủy hoại…
Để có một cơ quan chuyên trách thực hiện các nghiệp vụ quản lý hồ sơ tài liệu của chính quyền được tốt, năm 1902 Thống đốc Nam kỳ đã ban hành Quyết định về việc thành lập Sở Văn khố Đông Dương. Mặc dù trên thực tế công tác lưu trữ còn chưa tiến hành được nhiều việc nhưng năm 1902 được coi là một dấu mốc đối với công tác Văn khố ở Đông Dương.
Sau bảy năm thành lập Sở Văn khố Đông Dương (kể từ năm ban hành văn bản), đến ngày 17.3.1909, Thống đốc Nam kỳ ký Nghị định về việc sáp nhập Sở Văn khố với Thư viện của Phủ Secrétariat du Gouvernement và đặt dưới quyền quản lý của Quản thủ Thư viện. Cùng với việc sáp nhập Sở Văn khố và Thư viện E.Outey đã ký Nghị định thành lập Kho Lưu trữ Nam kỳ ngày 26.4.1909, Quy định một kho Lưu trữ duy nhất cho Văn khố toàn cõi Nam kỳ với chức năng “Kho Lưu trữ Nam Kỳ là kho giữ toàn bộ giấy tờ tạo nên và chi phối sự tồn tại của thuộc địa, thuộc quyền công hành chính của thuộc địa và được tổ chức theo tỉnh”.
Việc thành lập kho lưu trữ Nam kỳ (1909) là một sự kiện quan trọng đối với công tác lưu trữ Việt Nam, đây là cơ quan lưu trữ đầu tiên của thực dân Pháp ở xứ Đông Dương.
Ngày 26 tháng 7 năm 1909, Thống đốc Nam kỳ ra Nghị định ấn định tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các Phòng Phủ Thống đốc Nam kỳ[6].
Ngày 20 tháng 10 năm 1911, Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh ấn định quyền hạn của Thống đốc Nam kỳ [7]. Theo Sắc lệnh này thì thuộc địa Nam kỳ có quyền tự trị về hành chánh. Thuộc địa Nam kỳ do Thống đốc Nam kỳ quản trị. Thống đốc Nam kỳ được đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Toàn quyền Đông Dương có thể ủy quyền cho Thống đốc Nam kỳ theo điều 5 của Sắc lệnh ngày 20.11.1911.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã tổ chức lại Nha Lưu trữ Thư viện Trung ương, lập Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc trực thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Ngày 08.9.1945, Chính phủ Lâm thời ra Sắc lệnh bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Quản thủ Kho lưu trữ và Thư viện Trung kỳ ở Huế, nguyên Phó Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương làm Giám đốc.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II quản lý gần 16.000 mét giá tài liệu, trong đó phần lớn còn đang trong tình trạng tích đống, chưa xác định được nội dung, chưa được xử lý kỹ thuật nên khả năng khai thác sử dụng còn hạn chế. Từ năm 1999, Trung tâm II mạnh dạn đầu tư, nâng cấp các phông tài liệu lưu trữ, và chỉ trong 5 năm 2001 – 2005, Trung tâm thực hiện phân phông 9.261 mét giá tài liệu tiếng Việt, 4.534,5 mét tài liệu tiếng Pháp, chỉnh lý khoa học kỹ thuật 1.820 mét giá tài liệu hành chính thuộc các phông Phủ Thống đốc Nam kỳ, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất, Đệ nhị Cộng hoà, Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa và phông Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID); chỉnh lý 23.296 tài liệu bản đồ; chỉnh lý tài liệu ghi âm được 430 giờ phát (hơn 600 cuộn băng ghi âm).
Trong 10 năm (2001 – 2010), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã phục vụ 14.524 lượt độc giả, với 48.716 hồ sơ tài liệu được nghiên cứu; đã cung cấp 145.492 trang bản sao tài liệu lưu trữ, phục vụ cho 1.352 đề tài nghiên cứu. Trong đó, có 171 công trình là luận án tiến sĩ, 127 luận văn thạc sĩ. Tổng kết 35 năm hoạt động, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã đưa hơn 90.000 hồ sơ đơn vị bảo quản, cấp hơn 237.000 trang bản sao tài liệu lưu trữ, phục vụ cho 3163 đề tài và đón tiếp gần 30.000 lượt độc giả đến nghiên cứu trực tiếp tại phòng đọc.
Tính đến năm 2013, Trung tâm II đã đưa gần 30.000 hồ sơ và cung cấp 89.340 trang tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ phục vụ cho hàng ngàn đề tài nghiên cứu (196 đề tài của độc giá nước ngoài). Trong đó, có 103 luận án tiến sỹ, 42 luận văn, khóa luận tốt nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.
Tài liệu của phông Phủ Thống đốc Nam kỳ là khối tài liệu hình thành trong quá trình tổ chức việc cai trị của Pháp ở Nam kỳ thuộc địa, cho đến nay vẫn chưa được chỉnh lý hoàn chỉnh, phân loại theo khung Boudet. Tuy nhiên, 1.885,5 mét tài liệu của phông đã được xác định nội dung theo cặp, bó và có thể phục vụ khai thác được. Số tài liệu còn lại (khoảng 550 mét) vẫn chưa được xác định nội dung. Nội dung tài liệu trong phông có thể chia ra thành các nhóm như sau:
- Văn bản pháp qui
- Công văn trao đổi
- Tổ chức chính quyền Trung ương
- Tổ chức chính quyền địa phương
- Chính trị
- Công chánh
- Mỏ
- Đường sắt – Vận tải đường bộ và đường hàng không
- Bưu điện
- Thương mại – Kỹ nghệ – Du lịch
- Khai thác thuộc địa – Kỹ nghệ – Du Lịch
- Nông – Lâm nghiệp
- Giao thông đường thủy
- Hải quân
- Quân sự
- Giáo dục – Khoa học và Nghệ thuật
- Các cơ sở y tế và cứu tế xã hội
- Tài chánh
- Thương chánh – Thuế gián thâu
- Lưu trữ và Thư viện
Phông Phủ Thống đốc Nam kỳ là một khối tài liệu khổng lồ với 2.435,5 mét, phản ánh tất cả mọi khía cạnh liên quan đến quá trình hình thành và tồn tại của thực thể Nam kỳ trong lịch sử cai trị của thức dân Pháp ở Đông Dương và Việt Nam, từ năm 1859 (khi liên quân Pháp và Tây ban Nha rời Đà Nẵng tấn công vào Gia Định) đến năm 1945.
Điều quan trọng là tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ là loại tài duy nhất có ở Việt Nam, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, mà không có ở bất kỳ nơi nào, kể cả văn khố nước Pháp. Đây là khối tài liệu hành chánh (giấy, bản đồ, ảnh). Hiện nay, phần lớn tài liệu bị ố giòn, mục, rách, chữ mờ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đang ra sức xử lý bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng tài liệu, tăng cường khả năng phục vụ độc giả trong và ngoài nước.
- Độc giả nước ngoài khai thác phông tài liệu Phủ Thống đốc Nam kỳ
- Vài con số ấn tượng
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ở miền Nam, chiến tranh đã kết thúc, song còn quá nhiều việc phải giải quyết để dần đi vào ổn định. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, nơi lưu giữ và tổ chức khai thác giá trị tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ, mặc dầu có không ít khó khăn về cả cơ sở vật chất lẫn nhân sự, nhưng đã nhanh chóng có sự sắp xếp và tổ chức phục vụ độc giả từ năm 1976, ngay sau những ngày đầu thống nhất quốc gia. Khi đất nước còn trong tình trạng “bao cấp”, chưa tiến hành đổi mới, việc các nhà khoa học nhiều nơi trên thế giới tìm đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở Việt Nam nói chung, TTLTQG II để tìm kiếm tài liệu nghiên cứu là việc làm không mấy thuận lợi, nhất là đối tượng độc giả đến với khối tài liệu thuộc phông Thống đốc Nam kỳ chủ yếu là các nước phương Tây, lúc này còn gặp nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Bởi vậy, phải đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các độc giả nước ngoài mới tìm đến đây ngày càng nhiều để khai thác giá trị của phông tài liệu đồ sộ này.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, từ tháng 10 năm 1979 đến cuối tháng 12 năm 2013, đã có 211 lượt độc giả nước ngoài đến khai thác tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ ở Trung tâm. Trong đó, có thể chia theo mục đích nghiên cứu như sau:
Phục vụ việc thực hiện luận văn, luận án:
Có 75 người nước ngoài đến đọc tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ để làm 11 luận văn Thạc sĩ, 64 luận án Tiến sĩ, trong đó có 23 người Pháp; 18 người Mỹ; 18 người Nhật; 03 người Canada; 03 người Newzealand; 04 người Anh; 02 người Đức; 01 người Hà Lan; 01 người Úc; 01 người Trung Quốc; 01 người Singapore.
Phục vụ công việc viết sách:
Có 31 người nước ngoài sách đến đọc tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ để viết sách với những đề tài liên quan, trong đó có 04 người Đức; 04 người Nhật Bản; 03 người Anh; 06 người Pháp; 12 người Mỹ; 01 người Canada; 01 người Hà Lan.
Phục vụ cho các mục đích khác:
Có 95 độc giả với các mục đích trong nhóm thứ ba này. Trong đó có 02 người Liên Xô; 02 người Hà Lan; 38 người Pháp; 06 người Australia; 14 người Mỹ; 03 người Anh; 12 người Nhật Bản; 03 người Canada; 01 người Campuchia; 02 người Thái Lan; 02 người Hàn Quốc; 01 người Đức; 01 người Thụy Điển; 01 người Singapore và 05 người không rõ quốc tịch.
Xét về mục đích, có thể thấy, các độc giả đến đây tìm kiếm thông tin tư liệu về nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như tìm kiếm thông tin gia đình, viết báo cáo khoa học, nghiên cứu các chuyên đề, nghiên cứu về địa danh, nhân danh,… Có thể thống kê các độc giả trong nhóm này gắn với các mục đích cụ thể như sau:
+ Nghiên cứu khoa học nói chung: 09 người,
+ Viết bài báo & tạp chí: 06 người,
+ Nghiên cứu lịch sử: 06 người,
+ Nghiên cứu phục vụ công tác: 04 người,
+ Tìm Thông tin về gia đình: 03 người,
+ Phục vụ giảng dạy: 02 người,
+ Bảo tồn Kiến trúc: 01 người,
+ Viết báo cáo khoa học: 01 người,
+ Thực hiện đề tài hợp tác giữa ĐH quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bordeaux III của Pháp: 01 người,
+ …
- Giá trị và tiềm năng khai thác phông tài liệu Phủ Thống đốc Nam kỳ nhìn từ kết quả nghiên cứu của độc giả nước ngoài
- Đề tài nghiên cứu luận văn, luận án:
Trong số các luận văn, luận án được thực hiện trên cơ sở sử dụng nguồn tài liệu từ phông Phủ Thống đốc Nam kỳ có thể chia ra các mảng cụ thể như sau:
- Về kinh tế có các đề tài như Lịch sử kinh tế xã hội ở Nam bộ Việt Nam; Kinh tế ở Đông Dương trước thế kỷ XX; Đồn điền cao su 1896 – 1942; Lịch sử kinh tế Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc 1858 – 1945; Lịch sử nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng trước 1975; Các mạng lưới thương lái ở Nam Kỳ từ 1880 – 1920; Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam 1920 – 1930;
- Về chính trị – xã hội có: Những người đói nghèo ở Sài Gòn trong thời kỳ Pháp đô hộ 1858 – 1945; Lịch sử người nghèo thành thị ở Sài Gòn thời kỳ Pháp đô hộ (1865 – 1955); Thân phận người phụ nữ thế kỷ XVIII – XX; Tổ chức nông dân ở miền Nam Việt Nam từ thế kỷ XVIII – XX; Thân phận người phụ nữ thế kỷ XVIII – XX; Sự di cư tình nguyện và không tình nguyện từ 1860 – 1975; Những người đói nghèo ở Sài Gòn trong thời kỳ Pháp đô hộ từ 1858 – 1945; Các điều kiện của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp; Lịch sử kinh tế Đông Á trong thời kỳ Pháp thuộc; Phát triển giao thông vận tải và sự thay đổi Kinh tế xã hội thời Pháp thuộc;
- Nghiên cứu về tộc người, có các đề tài như Các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long; Người Hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1859 – 1975; Lịch sử về người Java (Indonesia) sinh sống tại Nam kỳ giai đoạn 1900 – 1940; Các học giả Chăm, Phan Thiết và các ghi nhớ về cương vực giai đoạn 1651 – 1969;
- Về các cuộc đấu tranh ở Việt Nam thời Pháp thuộc, có đề tài Mặt trận dân chủ 1936 – 1940; Hoạt động của các nhà cách mạng và trí thức ở miền Nam (1930 – 1975); Cuộc cách mạng năm 1909 – 1930; Mối quan hệ giữa nhà thờ Thiên Chúa giáo và chính quyền thuộc địa và ảnh hưởng của các phong trào tôn giáo ở Việt Nam trước mối quan hệ này (1870 – 1954); Lịch sử Thanh niên niên thời Pháp thuộc (1870 – 1945);
- Về lĩnh vực y tế có các đề tài: Y tế trước năm 1945; Tổ chức y tế Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX; Lịch sử y học Việt Nam; Lịch sử môi trường, sức khỏe và phát triển tại Việt Nam 1858 – 1975; Các vấn đề môi trường sức khỏe và chính trị tại vùng Đông Dương thuộc Pháp từ 1890 – 1940; Lịch sử y tế cộng đồng thời kỳ thuộc địa Pháp;
- Nghiên cứu thông sử Việt Nam có Lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX; Lịch sử Nam kỳ từ 1858 – 1880; Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh;
- Về văn hóa có các đề tài như Văn hóa lịch sử nông thôn Việt Nam thế kỉ XIX – XX; Quá trình phát triển và phổ biến chữ Quốc ngữ trong nửa đầu thế kỉ XX; Kiến trúc nhà ở tại miền Nam Việt Nam đầu thế kỷ XX; Khoa Kiến trúc Trường Mỹ Thuật Đông Dương; Đua ngựa tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX; Kiến trúc ở Đông Dương từ năm 1880 đến nay; Lịch sử Văn hóa – xã hội Nam bộ 1900 – 1975; Tìm hiểu về sự hình thành phong tục tập quán ở nông thôn của người Khmer Nam bộ 1975 trở về trước; Lịch sử văn hóa Phật giáo từ đầu thế kỷ đến 1975; Thể thao và phong trào thanh niên Đông Dương; Bản sắc Trung Hoa ở Đông Nam Á từ thời kỳ thuộc địa đến hậu thuộc địa;
- Nghiên cứu lịch sử ngành nghề có Lịch sử báo chí Việt Nam; Lịch sử báo chí Việt Nam giai đoạn 1858 – 1963; Lịch sử Du lịch Đông Dương thời thuộc địa; Lịch sử hiệu buôn Denis Freres từ Sài Gòn đến Madagascar 1862 – 1975; Lịch sử xuất bản báo chí và phương tiện truyền thông mới trong thế kỷ XX ở Việt Nam;
- Nghiên cứu về tổ chức chính quyền thực dân và chính sách khai thác ở thuộc địa có các đề tài như Nhân viên tòa án ở các nước thuộc địa của Pháp; Quản lý hành chánh và thương mại ở Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ thời Pháp thuộc; Lịch sử của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian thuộc địa Pháp (khoảng từ năm 1900 đến năm 1945); Sự quản lý hành chánh và thương mại của Đông Dương từ năm 1920 – 1950; Công chức người Việt trong chính quyền thực dân Pháp và sự thuyên chuyển của những công chức đó từ năm 1904 đến năm 1945; Sự quản lý hành chánh và thương mại của Đông Dương từ năm 1920 – 1950; Vấn đề quản lý và khai thác rừng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc; Sự quản lý hành chánh và thương mại của Đông Dương từ năm 1920 – 1950; Chế độ công chức viên chức nhà nước thời kỳ thuộc địa và thời kỳ chống Pháp (1859 – 1954); Cơ quan mật thám Pháp ở Đông Dương giai đoạn 1917 – 1945; Hệ thống bảo an thuộc địa và sự quản lí của Pháp ở Đông Dương 1885 – 1963; Trường thông ngôn và các thông ngôn viên phục vụ ở Việt Nam và bị tù ở các trại giam; Vấn đề và chức năng thông dịch ngôn;
- Một số luận văn, luận án nghiên cứu về quan hệ quốc tế như Mối quan hệ giữa các nước thuộc địa của Pháp và các nước thuộc địa của Anh (Miến Điện, Malaysia) 1860 – 1920; Quan hệ kinh tế xã hội giữa Ấn Độ và Nam bộ Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc
Ngoài ra, các nhà khoa học nước ngoài còn quan tâm nghiên cứu các vấn đề khác nữa, chẳng hạn như: Sự tiến hóa hoạt động của đoàn trí thức Việt Nam, đặc biệt qua báo chí tại Sài Gòn; Lịch sử các chế độ và sở lâm nghiệp tại Đông Dương từ 1862 – 1945; Hệ thống kênh rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long và tác động của việc đào kênh từ thời Nguyễn đến nay; Lịch sử đô thị Việt Nam; Lịch sử đô thị Sài Gòn thời Pháp thuộc; Thiên tai, thảm họa ở Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn 1804 – 1945.
- Đề tài nghiên cứu và xuất bản thành sách: Các độc giả người nước ngoài khai thác tài liệu lưu trữ thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ nhằm phục vụ cho việc biên soạn sách tập trung vào các chủ đề sau:
– Lao động bắt buộc ở thuộc địa thời kỳ Đông Dương,
– Đạo Cao Đài 1930 – 1945,
– Các mối quan hệ gia tộc ở Châu Á và cuộc sống gia đình của những người di cư đã từng ở thuộc địa Đông Dương,
– Các hội tuyên giáo Pháp và chính trị ở Trung kỳ,
– Sự phát triển kinh tế và xã hội miền nam Việt Nam thời kỳ 1958 – 1920,
– Lịch sử kinh tế, xã hội, chính trị của Sài Gòn – Chợ Lớn 1858 – 1975,
– Lịch sử giáo hội công giáo trong thời kỳ thuộc địa,
– Y tế của thế kỷ XVIII – XIX,
– Phụ nữ và trẻ con nghèo 1870 – 1975,
– Phụ nữ, trẻ con Việt Nam và con lai Việt – Pháp 1870 – 1975,
– Phụ nữ, trẻ con Việt Nam và con lai Việt – Pháp 1870 – 1956,
– Sự trở lại của Pháp ở Đông Dương sau thế chiến thứ 2,
– Đường sắt Việt Nam,
– Sự hình thành thần thoại từ thời phong kiến đến cận đại,
– Nghiên cứu thần thoại, lễ hội Hùng Vương trong giai đoạn Pháp thuộc thời VNCH,
– Mạng lưới đường sắt Việt Nam trong chiến tranh và hoà bình 1881 đến nay,
– Âm nhạc và đời sống âm nhạc ở Việt Nam giai đoạn 1860 – 1920,
– Lịch sử công nghệ được sử dụng trong thời kỳ Pháp thuộc,
– Quân lính Việt Nam trong Quân đội thực dân Pháp từ năm 1858 cho tới 1939,
– Phát triển du lịch ở Đông Nam Á năm 1880 – 1950,
– Kế hoạch đô thị hóa và hệ thống chính trị ở Hà Nội, Sài Gòn và Phnom Pênh từ năm 1910 – 1943,
– Lịch sử y tế và y học Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa,
– Quan hệ giữa Hà Lan và Việt Nam (1850 – 1945),
– Những biến đổi Văn hóa và xã hội tại Việt Nam từ 1925 – 1975,
– Lịch sử khẩn hoang và nông nghiệp đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ Pháp thuộc,
- Ngoài sách hay luận văn, luận án, các độc giả nước ngoài khai thác tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ còn nhằm mục đích nghiên cứu khác nhau với các mảng đề tài như sau:
- Nghiên cứu về tộc người có các đề tài như Người Bà Ba vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; Tài liệu người Hoa 1880 – 1930; Dân tộc Chăm; Người Hoa ở Nam kỳ và Campot từ 1860 – 1910; Cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa Pháp,…
- Về phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam có: Phong trào nông dân Trung kỳ đầu thế kỷ XX; Công nhân Việt Nam – Pháp 1940 – 1950; Tôn Đức Thắng và phong trào công nhân Sài Gòn; Cách mạng tháng Tám; Lịch sử Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp; Mặt trận dân chủ (1936 – 1940); Khai phá miền Nam Việt Nam và phong trào chống thực dân Pháp vào thế kỉ XIX;…
- Nghiên cứu về kinh tế Đông Dương có các đề tài như Các đồn điền cao su Pháp tại miền Nam Việt Nam, quan hệ chủ thợ và hoạt động nghiệp đoàn tại các đồn điền thời kì 1900 – 1945; Hoạt động thương mại của người Nam bộ trong thế kỉ XIX; Đồn điền thời Pháp thuộc của Đông Dương giai đoạn 1900 – 1939; Lâm nghiệp ở Đông Dương từ 1886 – 1944; Các mạng lưới thương lái ở Nam kỳ từ 1880 – 1920; Hệ thống đồn điền cao su thời Pháp thuộc ở Đông Dương 1896 – 1942; Công nghệ thông tin của Phương Đông vào Lào Cai và mục tiêu kinh tế của Đông Dương thời Pháp thuộc; Tài liệu về Phòng Thương mại Sài Gòn, Hà Nội và Trung kỳ giai đoạn 1880 – 1940; Lịch sử kinh tế xã hội ở Nam bộ Việt Nam; Hoạt động kinh tế của thương nhân và những người cho vay nặng lãi ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc; Cây cao su Việt Nam; Lịch sử nông thôn Việt Nam thời Pháp thuộc; Lịch sử nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long; Lịch sử kinh tế Việt Nam; Lịch sử kinh tế thế kỷ XIX – XX; Lịch sử kinh tế xã hội ở Nam bộ Việt Nam;…
- Nghiên cứu về chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương và Việt Nam có các đề tài như: Chính sách cai trị của thực dân Pháp tại Nam kỳ 1930 – 1945; Chế độ thực dân ở Việt Nam thời kỳ 1897 – 1945; Chế độ thuộc địa; Quan thuế Đông Dương 1874 – 1954; Thuế quan và các Chi sở thuế gián thu của Đông Dương năm 1874 – 1954; Sự phát triển về điện tín ở thời kỳ thuộc địa của Việt Nam;…
- Nghiên cứu về tôn giáo có các đề tài: Nguồn gốc và sự phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo (1930 – 1954); Cuộc chấn hưng phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX; Đạo phật Hòa Hảo ở miền Nam Việt Nam; Phật giáo Việt Nam – Lưu trữ Việt Nam;…
- Nghiên cứu về kiến trúc có: Không gian kiến trúc của các thành phố thuộc cộng đồng người Hoa sinh sống tại miền Nam Việt Nam đầu thế kỷ XIX đến thế kỷ XX; Kiến trúc công cộng thời kỳ thuộc địa (1858 – 1954); Lịch sử xây dựng đình đền chùa miền Nam (1900 – 1950); Đô thị hóa ảnh hưởng đến vấn đề nước thời Pháp đến nay; Kiến trúc của Pháp ở VN; Sở thú Sài Gòn;…
- Về lĩnh vực quan hệ quốc tế có Quan hệ Việt – Pháp; Việt – Nhật giai đoạn 1940 – 1945; Quan hệ giữa Pháp với Xiêm; Lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản; Lịch sử quân đội Nhật Bản; Quan hệ Việt – Nhật; Histoire du protectorat du Cambodge, gestion des Archives 1863 – 1890; Origin and history of the resisence of the generac consue of france; Nation building in Southeast Asia; Marseille et L’indochine;…
- Tài liệu phục vụ nghiên cứu về gia đình và cá nhân, có Tài liệu về Ông Marty – làm việc tại ty đường sắt Đông Dương 1934 – 1963; Tài liệu về ông Marty làm việc tại Ty Đường sắt Đông Dương 1931 – 1936; Tài liệu về gia đình Frères Roque sống tại Nam kỳ từ 1859 đến 1866 người đầu tiên xây nhà tầng và làm bánh mì tại Sài Gòn; Tìm thông tin về ông Nguyễn Văn Bảo (1880 – 1965) – Đốc phủ sứ tỉnh Vĩnh Long; Tiểu sử Franceis Garaien (1839 – 1873); Polirique du Governeur géneral Decoux 1940 – 1945,…
- Mảng y tế có các đề tài như Chính sách về y tế của Pháp; Lịch sử ngành Thú y – Thực phẩm; Lịch sử ngành thú y thực phẩm; Lịch sử sức khỏe thuộc thời Đông Dương Pháp; Lịch sử Y tế ở Việt Nam vào thế kỷ XX; Y tế trước năm 1945, Y tế Pháp ở Đông Dương,…
- Nghiên cứu về thông sử Việt Nam cũng như lịch sử địa phương có các đề tài như Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1858 – 1918; Lịch sử VN 1940 – 1945; Lịch sử cách mạng hiện đại;… Nghiên cứu rừng đước tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu 1859 – 1965; Lịch sử vùng Chợ Lớn và vai trò của nó trong kinh tế, chính trị của Tp. Hồ Chí Minh từ trước đến nay; Lịch sử thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn; Sự hình thành của thành phố Sài Gòn và một số thành phố khác,…
- Về phương diện chính trị – xã hội, tập trung vào các vấn đề như Tình hình chính trị xã hội Việt Nam thời lỳ 1920 – 1945; Lịch sử di cư ở Việt Nam; Di cư nhập cư ở thuộc địa; Lính thợ Việt Nam tại Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ II; Người Việt Nam đến lao động tại đảo La Réunion trong giai đoạn 1863 – 1880; Nhà xuất bản phong trào chính trị – xã hội; Lịch sử thanh thiếu niên ở thuộc địa; Lịch sử phụ nữ Trung Quốc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến 1950; Tầng lớp trí thức Việt Nam; Tiến trình phát triển dân số ở Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc 1884 – 1954; Hoạt động của chế độ tư pháp ở Việt Nam; Hệ thống pháp luật cai trị thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam từ 1959 – 1914; Tổ chức tư pháp tại Đông Dương;…
- Lịch sử ngành nghề có: Lịch sử của nghề nghiệp công tác xã hội ở miền Nam từ thời Pháp đến 1975; Sự phát triển nghề cá ở Đồng bằng sông Cửu Long; Lưu trữ Việt Nam,…
- Nghiên cứu văn hóa có các đề tài như Phong trào thể thao ở Đông Dương 1858 – 1945; Nền giáo dục ở Đông Dương; Âm Hán – Việt vào cuối thế kỷ XIX vào miền Nam Việt Nam; Lịch sử chữ quốc ngữ;…
- Thay lời kết
Tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ là khối tài liệu có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống các phông tài liệu hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Nó có khả năng thu hút đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế khai thác để làm nên các công trình khoa học có giá trị, phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Phần trình bày có tính liệt kê trên đây cho thấy, tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ có nội dung hết sức phong phú và đa dạng, phản ánh tất cả các mặt của đời sống xã hội ở Nam kỳ trong gần một thế kỷ. Việc ngày càng có nhiều nhà khoa học trên thế giới đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II để tìm kiếm, khai thác tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ đã chứng tỏ phông tài liệu này có giá trị hết sức to lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà nó đã trở thành một di sản vô cùng quý giá đối với nhân loại.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư tốt hơn để bảo tồn và phát huy tốt giá trị của phông tài liệu này.
TS. Trần Thuận nguồn Kỷ yếu hội thảo
[1] Dương Kinh Quốc: Việt Nam – Những sự kiện lịch sử. Tập 1. NXB KHXH, Hà Nội, năm 1981, trang 68
[2] Lịch sử lưu trữ Việt Nam, Sđd, tr. 119.
[3] Công báo Nam Kỳ thuộc Pháp (Journal Officiel de la Cochinchine Française), năm 1887, trang 1185 – 1186
[4] Công báo Đông Dương thuộc Pháp (Journal Officiel de L’Indo-chine Française), năm 1894, trang 1169 – 1170
[5] Công báo Đông Dương thuộc Pháp (Journal Officiel de L’Indo-chine Française), năm 1899, trang 192 – 193
[6] Công báo Hành chánh Nam Kỳ (Bulletin Administratif de la Cochinchine), năm 1909, trang 1918 – 1921
[7] Công báo Hành chánh Nam Kỳ (Bulletin Administratif de la Cochinchine), năm 1911, trang 3208 – 3210
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch