Giá trị tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam kỳ và tài liệu của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975)

Tài liệu lưu trữ có giá trị phục vụ nghiên cứu kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội trong từng giai đoạn lịch sử của mỗi quốc gia; tài liệu lưu trữ còn có giá trị đặc biệt đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với vai trò quan trọng của tài liệu lưu trữ, ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Thông đạt số 1-C/VP, yêu cầu các cơ quan, ban ngành, cán bộ, công chức: Phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ.

  1. Quá trình thu thập, bảo quản tài liệu Phông Thống đốc Nam kỳ và tài liệu của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975)

Thông tin trong tài liệu lưu trữ giúp các cơ quan, tổ chức giải quyết các vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của mình. Ông Hilary – Phó Giám đốc Cục Văn khố Anh, từng phát biểu: “Khi hồ sơ không còn cần thiết cho công vụ đương thời nữa thì việc lưu trữ vẫn còn cần được coi như là mối quan tâm thiết yếu của quốc gia, bởi vì chúng mà chỉ chúng mà thôi, mới có thể đem lại ánh sáng tỏ tường giúp chúng ta giải quyết những vấn đề của hiện tại. Do đó việc lưu trữ những chứng tích lịch sử không được coi như một sự xa xỉ, cũng không thể được coi như là việc đáng làm vì nhu cầu nghiên cứu, mà cần coi như một nhu cầu quốc gia”[1].

Tài liệu lưu trữ cũng là phương tiện lưu truyền giá trị văn hóa của quá khứ. Với những giá trị của tài liệu lưu trữ người ta đã thừa nhận, “cách thức một quốc gia bảo tồn di sản quá khứ có thể được coi như khuôn thước trung thực để đo lường trình độ văn minh mà quốc gia đó đạt tới[2].

Tài liệu lưu trữ có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu lịch sử nói riêng, “ …trong khoa lịch sử, tính mới nhiều khi nằm ngay ở tư liệu mới. Do đặc điểm của tài liệu lưu trữ không phổ biến rộng rãi đối với một số loại còn hạn chế đối tượng sử dụng nên việc sử dụng tài liệu lưu trữ luôn tiểm chứa sự mới mẻ, làm tăng giá trị của công trình. Thậm trí trong một số trường hợp công bố tài liệu lưu trữ có thể làm đảo lộn nhận thức khoa học về một vấn đề hay một sự kiện nào đó[3].

Nhận thức tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ đối với hoạt động quản lý và văn hóa, ngày 14-02-1959, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 34-GD quy định bảo vệ những sản phẩm văn hóa của quốc gia, “các động sản hay bất động sản có giá trị lịch sử vì bản thể của nó như là: mỹ thuật phẩm, sách vở cổ hay những sưu tập quan trọng, các bản sao, ảnh, vi ảnh đúng bản chính những loại sản phẩm kể trên, bất luận chủ nhân là ai hay căn nguyên ở đâu”[4].

Luật số 020/73 “Về Văn khố tại Việt Nam” quy định: “Tài liệu lưu trữ quốc gia có tính cách bất khả di nhượng và bất khả thời tiêu” buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản. Nếu vi phạm bị xử lý với mức “Phạt giam từ 1 tháng đến 2 năm và phạt từ năm mươi ngàn đồng đến năm trăm ngàn đồng”.

Từ năm 1954, Chính quyền Viêt Nam Cộng hòa tiếp nhận và bảo quản tài liệu của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam trước năm 1954 với số lượng khoảng 2.600 mét (thước kệ) và nhiều tài liệu, tư liệu của triều Nguyễn như là mộc bản, châu bản, sổ bộ Hán Nôm …

Cùng với việc bảo vệ, bảo quản an toàn khối tài liệu trước năm 1975, trong các cơ quan trung ương thuộc Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập Sở, Phòng Lưu trữ quản lý tài liệu lưu trữ. Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm Văn khố và các chi nhánh tại các vùng chiến thuật để lưu trữ hồ sơ tài liệu hình thành từ hoạt động của quân đội; Bộ Ngoại Giao thành lập Sở lưu trữ để bảo quản hồ sơ tài liệu hình thành từ hoạt động của cơ quan này,… Những cơ quan chưa thành lập được Phòng Lưu trữ đã “kịp thời”quy định bảo quản tài liệu sản sinh từ hoạt động của cơ quan.

Các chính sách quản lý hành chính của Việt Nam Cộng hòa cũng góp phần quản lý được nhiều tài có giá trị, giai đoạn 1955 – 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm quy định các hoạt động hành chính cấp xã phường “nhất cử, nhất động” phải báo cáo Tổng thống bằng văn bản. Do đó, nhiều văn bản của địa phương được lưu trữ ở Văn phòng Phủ Tổng thống. Đây chính là lý do địa phương chưa tổ chức được cơ quan lưu trữ nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn lưu trữ được một khối lượng tài liệu của các tỉnh, quận (huyện) và xã (phường).

Sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Cục Lưu trữ Nhà nước đã tiến hành thu thập tài liệu lưu trữ triều Nguyễn, tài liệu của chính quyền thực dân Pháp trước đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý và tài liệu lưu trữ hình thành từ các cơ quan thuộc Chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1955 – 1975.

Tài liệu của chính quyền thực dân Pháp có Phông Hội đồng Tư mật Nam kỳ; Phông Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ; Phông Tòa Hòa giải Tây Ninh; Phông Sở Thương chánh Nam kỳ; Phông Tòa Đốc lý Sài Gòn; Phông Tòa Đốc lý Chợ Lớn; Phông Văn phòng tỉnh Bà Rịa; Phông Văn phòng tỉnh Bạc Liêu; Phông Văn phòng tỉnh Bến Tre; Phông Văn phòng tỉnh Cần Thơ; Phông Văn phòng tỉnh Châu Đốc; Phông Văn phòng tỉnh Chợ Lớn; Phông Văn phòng tỉnh Hà Tiên; Phông Văn phòng tỉnh Long Xuyên; Phông Văn phòng tỉnh Mỹ Tho; Phông Văn phòng tỉnh Rạch Giá; Phông Văn phòng tỉnh Sa Đéc; Phông Văn phòng tỉnh Tân An; Phông Văn phòng tỉnh Trà Vinh; Phông Văn phòng tỉnh Vĩnh Long; Phông Công ty Bia và Nước đá Đông Dương; Phông Công ty Cao su Đông Dương; Phông Công ty Cao su Đất Đỏ ..

Tài liệu của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiến hành phân loại được 71 phông tài liệu. Trong đó một số phông có số lượng tài liệu lớn như: Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa với số lượng 324.5 mét, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa số lượng 109.4 mét, Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa số lượng là 3289.4 mét và hàng nghìn mét tài liệu của các bộ, cơ quan thuộc chính phủ. Bộ Tài chính đã lưu trữ được 547.5 mét tài liệu hình thành trong thời gian hoạt động từ năm 1955 đến 1975. Hàng nghìn mét tài liệu với nhiều nội dung phong phú sản sinh từ hoạt động của các cơ quan thuộc Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, giúp các nhà nghiên cứu đánh giá khách quan và trung thực về quá trình hình thành và tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng hòa, về các hoạt động của kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, giáo dục, ngoại giao, an ninh, quốc phòng,… của Việt Nam Cộng hòa về viện trợ của Mỹ đối với Chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

  1. Khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ Phông Thống đốc Nam Kỳ và tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975)

Tài liệu Phông Thống đốc Nam kỳ, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về quá trình xâm lược và cai trị Việt Nam của chính quyền thực dân Pháp. Những tài liệu này còn giúp các nhà nghiên cứu nhận xét đánh giá về chính sách khai thác thuộc địa, về hội nhập văn hóa, về quan hệ ngoại giao, quân sự … và nhiều hoạt động khác của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam gần một thế kỷ từ năm 1858 đến 1954. Trong số những tài liệu thuộc thuộc Phông Thống đốc Nam Kỳ có tài liệu có nội dung khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc sự quản lý hành chính của Việt Nam. Đây là những tài liệu rất có giá trị, là bằng chứng thuyết phục góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của chúng ta.

Tài liệu hình thành giai đoạn 1955 – 1975 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giúp các nhà nghiên cứu có những nhận xét khách quan về quá trình tổ chức và hoạt động của Việt Nam Cộng hòa. Tài liệu lưu trữ này rất có giá trị đối với hoạt động nghiên cứu về chính thể Việt Nam Cộng hòa nói chung và nghiên cứu từng lĩnh vực của Việt Nam Cộng hòa nói riêng như: nghiên cứu về hoạt động viện trợ của Mỹ đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa; hoạt động ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa; nghiên cứu về quá trình xây dựng pháp luật; tổ chức bộ máy hành chính; hoạt động của các cơ quan tư pháp; quá trình xây dựng quân đội; về hoạt động của các tổ chức chính trị; các chính sách văn hóa, giáo dục; các chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp.

Cũng qua khối tài liệu sản sinh từ hoạt động của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về vai trò của Mỹ đối với cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1955 – 1975. Tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa giúp các nhà nghiên cứu có những thông tin để nhận xét, phân tích lý giải về hoạt động viện trợ của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn, chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, tổ chức quân đội, tổ hành chính.

Theo nhật ký Phòng đọc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, khối tài liệu lưu trữ về hình thành và hoạt động của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có rất nhiều độc giả đến đọc để phục vụ nghiên cứu lịch sử, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, đoàn thể, tôn giáo, biên giới, hải đảo, địa chính, tư pháp, lao động, giao thông công chánh, xây dựng, tổ chức, hành chính quản trị, nhân sự, văn thư lưu trữ. Từ năm 1976 đến năm 2000 “Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã tiếp và phục vụ 13.380 lượt độc giả với 1.982 đề tài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, đưa ra phục vụ được 43.112 đơn vị bảo quản, cấp 94.066 trang A4 bản sao tài liệu, 561 Giấy chứng nhận lưu trữ”.[5]

Từ năm 2001 đến tháng 6-2014, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II phục vụ tại Phòng Đọc khoảng 76.537 hồ sơ và 242.150 trang tài liệu cung cấp. Tổng hợp thống kê theo số liệu dưới đây:

 

 

Năm

Số lượng độc giả Số lượng hồ sơ   phục vụ Số trang bản sao cung cấp Mục đích nghiên cứu
Tổng số Trong nước Nước ngoài Viết luận án Tiến sỹ Viết luận văn Thạc sỹ Nghiên cứu lịch sử và xuất bản Khác
2001 321 301 20 2.234 6.023 23 03 16 279
2002 385 357 28 4.856 19.493 18 08 28 109
2003 214 205 09 5.316 14.155 12 07 25 118
2004 152 134 18 3.671 15.337 8 06 13 117
2005 161 134 27 4.160 17.623 14 08 08 119
2006 129 110 19 3.489 9.312 12 17 16 84
2007 178 139 39 4.712 8.541 21 11 12 134
2008 171 138 33 5.345 25.180 18 14 26 113
2009 163 145 18 5.095 10.750 12 16 10 120
2010 172 152 20 7.029 11.201 10 32 33 97
2011 217 193 24 8.444 24.338 21 28 63 105
2012 216 190 26 10.793 30.139 32 28 53 103
2013 226 181 45 7.558 31.964 20 20 66 76
6-2014 143 117 26 3.835 18.094 12 7 38 57
Tổng 2.848 2.496 352 76.537 242.150 233 205 407 1.631

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

Tóm lại, tài liệu lưu trữ trước năm 1975 đang bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, đoàn thể, tôn giáo, biên giới, hải đảo, địa chính, tư pháp, lao động, giao thông công chánh, xây dựng, tổ chức, hành chính quản trị, nhân sự, văn thư lưu trữ. Với những giá trị của tài liệu lưu trữ phục vụ hoạt động quản lý và nghiên cứu lịch sử chúng ta không thể phủ nhận vài trò của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặc biệt là những công chức, viên chức lưu trữ tham gia vào các công việc thu thập, giữ gìn, bảo quản khối tài liệu này. Đây là một thành công lớn đối với công tác lưu trữ của Chính quyền Việt Nam Cộng mà cũng là thành công lớn đối với công tác lưu trữ Việt Nam.

ThS. Nguyễn Văn Báu

[1] Nguyễn Ứng Long, Cẩm nang văn khố, 1972, tr.14

[2] Sđd, tr.14

[3] Vũ Minh Giang, Tài liệu lưu trữ đối với việc nghiên cứu lịch sử, tr.1

[4] Vũ Minh Giang, Tài liệu lưu trữ đối với việc nghiên cứu lịch sử, tr. 24

[5] Báo cáo quản lý và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *