Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người Việt dù ở phương trời nào cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm đều nhớ ngày Giỗ tổ và hướng về vùng đất cội nguồn – Hy Cương – Lâm Thao – Phú Thọ. Từ ngàn đời nay, Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là dịp để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của các vua Hùng và các bậc tiền nhân nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ tồn tại trong đời sống nhân dân mà ở bất kỳ chế độ nào, người đứng đầu chính quyền đều chăm lo việc thờ cúng. Trong quá trình khảo sát tài liệu, chúng tôi đã tìm thấy hồ sơ 2303, Phông Phủ Thủ Hiến Trung Việt đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV “về việc tổ chức lễ kỷ niệm Hùng Vương năm 1950 – 1951”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Từ xưa các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho người dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Năm 1950, trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động, Cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam vẫn luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 20/4/1950, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã thông qua Thông tư 1665 VP về việc “Nghỉ lễ Hùng Vương” với nội dung: “Nhân dịp nghỉ lễ Hùng Vương các công sở và trường học thuộc Quốc gia Việt Nam được nghỉ thứ tư 26 tháng 4 năm 1950 (Dương lịch). Trong ngày ấy, các công sở phải treo cờ, cắt phiên trực các nhân viên công nhật sẽ được lương như thường lệ”. Ngày 26 tháng 4 năm 1950 (Dương lịch) chính là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Như vậy, dưới thời Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu ngày Giỗ tổ Hùng Vương vẫn được công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức. Chúng tôi hy vọng với tài liệu này sẽ góp phần làm đầy đủ hơn nguồn tư liệu để minh chứng ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn của dân tộc ta ở mọi thời kỳ.
Thông tư số 1665 ngày 20 tháng 4 năm 1950 |
Ngày nay, không chỉ ở Phú Thọ mà tại các địa phương trên cả nước, việc thờ cúng Hùng Vương được tổ chức trang trọng, thể hiện sự tri ân, báo hiếu với tổ tiên đã có công dựng nước. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức với nghi thức của ngày Quốc lễ, với không khí tôn nghiêm, trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam.
Ngày 06/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, không chỉ người Việt tôn kính, tự hào về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà bạn bè, nhân dân tiến bộ trên thế giới cũng tìm thấy ở đây những giá trị tâm linh to lớn. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng vẫn được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên. Về với Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam, dù ở vùng núi, đồng bằng hay miền duyên hải đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng lấy đoàn kết yêu thương, đùm bọc làm sức mạnh tinh thần. Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là dịp để khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tinh thần đại đoàn kết dân tộc, động viên toàn dân tích cực học tập, lao động sản xuất, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Thanh Hoa – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Tài liệu tham khảo:
- Hồ sơ 2303, Phông Phủ Thủ Hiến Trung Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Nguồn: archives.gov.vn
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch