Giới thiệu khối tài liệu về các nhà trí thức cách mạng Nam Kỳ đầu thế kỷ XX thuộc phông Thống đốc Nam Kỳ

Giới thiệu đến độc giả khối tài liệu về trí thức Nam kỳ, chúng tôi muốn thể hiện lòng tri ân, sự trân trọng những công lao to lớn của họ đối với vùng đất Nam kỳ nói riêng và với sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước nói chung.

  1. Vài nét về trí thức Nam kỳ

Đất nước Việt Nam luôn phải đối diện với họa xâm lăng của các thế lực bên ngoài. Khi giặc ngoại xâm tràn vào biên cương, với trình độ nhận thức và lòng yêu nước thiết tha, hơn ai hết, trí thức Việt Nam là những người thấu hiểu nỗi đau mất nước. Với tâm niệm “kinh bang tế thế”, họ luôn trăn trở với vận mệnh của quốc gia và sự tồn vong của dân tộc. Chính vì thế, bằng cách này hay cách khác, họ đã đứng lên dùng vũ khí sắc bén – tri thức của mình góp sức vào công cuộc giải phóng dân tộc để cứu dân, cứu nước. Có thể khẳng định: trí thức Việt Nam trong lịch sử đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của đất nước, đội ngũ trí thức đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam những dấu son chói lọi trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo – những nhà quân sự, chính trị thiên tài mà tài thao lược của họ làm kẻ thù phải khiếp sợ. Những áng thơ văn bất hủ của họ trở thành những bản anh hùng ca tràn đầy hào khí và lòng tự tôn dân tộc. Đó là Nguyễn Trãi – ngôi sao khuê trên bầu trời văn học Việt Nam trở thành tham mưu cho Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành độc lập dân tộc và cả trong công cuộc xây dựng đất nước. Còn nhiều và rất nhiều những nhà trí thức như thế. Cho dù họ là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà khoa học, thầy giáo, cũng có người ở quan trường, có người lui về ở ẩn… nhưng đã có những cống hiến to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Kể từ khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định, rồi sau đó chiếm Lục tỉnh Nam kỳ và thôn tính cả nước ta, trí thức là một trong những lực lượng tiên phong trong phong trào kháng chiến chống thực dân xâm lược, giành độc lập dân tộc. Lực lượng trí thức đã tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những trí thức đứng ra lãnh đạo hoặc tham gia vào phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp, cũng có những người dùng ngòi bút sắc bén của mình để sáng tác những áng thơ văn mang tính chiến đấu và lòng yêu nước thương dân sâu đậm. Đứng trước nỗi đau mất nước của dân tộc, trí thức yêu nước Nam kỳ đã tự nguyện đứng về phía nhân dân, tìm mọi phương cách, mọi hình thức để tham gia cứu nước. Tấm gương yêu nước và những đóng góp của họ mãi mãi sáng ngời, lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa căm thù giặc ngoại xâm, tinh thần quật khởi, ý chí quyết tâm chống thực dân Pháp, giành lại độc lập cho non sông, đất nước.

Là những viên chức đang công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, nơi lưu trữ một khối lượng tài liệu lớn và có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam cũng như phục vụ nhu cầu xã hội, trong đó có một khối lượng lớn (gần 100 hs) tài liệu về lực lượng trí thức và cuộc đấu tranh chống Pháp của họ. Qua những tài liệu này, chúng tôi đã nhận thức được vai trò và những đóng góp của lực lượng trí thức Nam kỳ trong phong trào yêu nước và cách mạng. Giới thiệu đến độc giả khối tài liệu về trí thức Nam kỳ, chúng tôi muốn thể hiện lòng tri ân, sự trân trọng những công lao to lớn của họ đối với vùng đất Nam kỳ nói riêng và với sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước nói chung.

Khối tài liệu về trí thức Nam kỳ đầu thế kỷ XX thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ được viết bằng tiếng Pháp, đặc biệt quý hiếm và quan trọng vì được hình thành cách đây hơn 100 năm, là hệ thống tài liệu về phong trào đấu tranh của tầng lớp trí thức nói chung và về hoạt động của các nhà trí thức yêu nước Việt Nam tại Nam kỳ. Những tài liệu này là các công văn trao đổi, các bản báo cáo của các cơ quan chính quyền thực dân trong việc đàn áp cuộc đấu tranh của các tầng lớp yêu nước ở Nam kỳ. Tài liệu khai khác tù chính trị tại các nhà tù; Tài liệu về việc theo dõi hoạt động của các nhà trí thức Việt Nam….  Nguồn tài liệu này đã phục vụ có hiệu quả các nhu cầu nghiên cứu, góp phần thiết thực vào việc tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, những công lao, đóng góp và sự hi sinh cao cả của các nhà cách mạng trí thức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là những tấm gương lớn về sự thông minh, dũng cảm, về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và tình đoàn kết cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo học tập.

  1. Giới thiệu tài liệu về một số nhà trí thức cách mạng Nam kỳ tiêu biểu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ

Để hiểu rõ thêm về hoạt động của trí thức Nam kỳ thời Pháp thuộc, chúng tôi xin giới thiệu các tài liệu về một số nhà trí thức cách mạng tiêu biểu đầu thế kỷ XX. Khối tài liệu này nằm trong phông Thống đốc Nam kỳ, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II:

Tôn Đức Thắng:  Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), sinh tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và nhà nước, người chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, người học trò xuất sắc, bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực, chiến sỹ có uy tín lớn, biểu tượng của sức mạnh thời đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí đã hiến dân trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đấu tranh cho hoà bình thế giới. Tài liệu về Tôn Đức Thắng có trong các hồ sơ: IIA45/231(4), IIA45/263(6).

Trần Văn Giàu: Ông sinh ngày 11/09/1911,  tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An), sinh trưởng trong một gia đình điền chủ giàu có. Trong gia đình, ông có tên là Mười Ký, tuy nhiên nhiều người biết ông với tên Sáu Giàu.

Ông là Giáo sư, nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Ông đã tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đấy nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1930 đến cuối năm 2010. Ông vừa là người chiến sĩ trung kiên, vừa là một cán bộ lãnh đạo cách mạng kiên định của Nam kỳ. Ở cương vị nào, nhiệm vụ nào, Giáo sư cũng hoàn thành xuất sắc, vượt trội với những thành quả cống hiến mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp ngót 100 năm của ông đã trở thành huyền thoại. Huyền thoại về một nhân cách, bản lĩnh sống, huyền thoại về tính kiên định cách mạng và một trái tim trung thực, trong sáng, luôn luôn nghĩ đến những việc ích nước lợi dân.

Tài liệu về hoạt động cách mạng của Trần Văn Giàu có trong các hồ sơ: IIA45/195(3), IIA45/231(1), IIA45/231(1), IA45/231(4), IIA45/274(2), IIA45/292(2), IIA45/306(7), IIA45/311(9), IIA45/312(1).

Nguyễn Văn Tạo: Ông sinh ngày 20/05/1908, tại làng Phước Lợi, tổng Long Hưng Hạ, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An. Ông là một nhà báo, nhà cách mạng, một người Cộng sản Việt Nam từ thời sơ khai. Tài liệu về hoạt động cách mạng, của nhà trí thức cách mạng Nguyễn Văn Tạo nằm trong các hồ sơ: IIẠ/171(1); IIA45/181(7); IIA45/191(9); IIA45/195(2); IIA45/195(5); IIA45/204(2); IIA45/204(8); IIA45/223(4); IIA45/241(5); IIA45/241(6); IIA45/241(8); IIA45/241(9); IIA45/245(1); IIA45/243(3); IIA45/245(8); IIA45/273(5); IIA45/292(2); IIA45/306(13); IIA45/311(9); IIA45/312(1); IIA45/315(5). Tài liệu về việc bị thực dân Pháp bắt, giam giữ, kết án và cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp ở trong tù: IIA45/241(3), IIA45/204(2), IIA45/306(8), IIA45/241(1), IIA45/241(7), IIA45/241(8), IIA45/306(9), IIA45/306(13), IIA45/306(7), IIA45/241(2), II45/306(11); Nguyễn Văn Tạo và cuộc đấu tranh trong tù: IIA45/283(1), IIA45/315(5).

Tạ Thu Thâu: Tạ Thu Thâu sinh ngày 05/05/1906 tại xã Tân Bình, tổng An Phú, huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp), là con thứ tư trong một gia đình đông con và nghèo khó. Cha ông là Tạ Văn Sóc làm nghề thợ mộc kiêm nghề bốc thuốc. Từ năm 11 tuổi, sau khi mẹ qua đời, ông đậu bằng tiểu học và trúng tuyển nhập học trường trung học Chasseloup Laubat. Ông là một nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, một lãnh tụ Cộng sản thời sơ khai của các phong trào cộng sản tại Đông Dương. Hoạt động cách mạng của Tạ Thu Thâu nằm trong các hồ sơ: IIA45/191(9), IIA45/195(5), IIA45/225(1), IIA45/231(1), IIA45/204(8), IIA45/241(5), IIA45/241(6), IIA45/241(9), IIA45/245(1), IIA45/243(1), IIA45/243(3), IIA45/253(3), IIA45/274(1), IIA45/306(10), IIA45/311(9), IIA45/312(1), IIA45/321(8), IIA50/516(10), IIA50/521(7), (10);  Tạ Thu Thâu bị thực dân Pháp bắt giam và kết án: IIA45/241(3), IIA45/204(2), IIA45/241(4),  IIA45/306(8), IIA45/263(10); Kết án: IIA45/241(1), IIA45/241(7), IIA45/306(9), IIA45/306(7); Tạ Thu Thâu và cuộc đấu tranh ở trong tù: IIA45/283(1), IIA45/283(2), IIA45/315(5); Tạ Thu Thâu được trả tự do: IIA45/241(2), II45/306(11).

Bùi Quang Chiêu: Ông quê ở Mỏ Cày, Bến Tre lớn lên trong gia đình vốn có truyền thống Nho học nhưng có học trường Tây. Ông có quốc tịch Pháp. Ông được gia đình gửi sang Algérie rồi sang Pháp học ở trường École Coloniale từ năm 1894. Bùi Quang Chiêu cũng cổ động cho phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh cũng như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Năm 1919 ông thành lập Đảng Lập hiến Đông Dương, vận động đòi tự trị cho Việt Nam để lần hồi giành lại độc lập hoàn toàn. Tài liệu về Bùi Quang Chiêu có ở trong các hồ sơ ký hiệu: IIA45/191(9), IIA45/253(3), IIA45/273(5), IIA45/306(6), IIA45/321(8).

Nguyễn Phan Long: Ông sinh năm 1889, trong một gia đình điền chủ lớn lâu đời ở Nam kỳ, trú quán lâu năm tại Sài Gòn. Thuở nhỏ, ông học tại trường Albert Sarraut Hà Nội, sau đó du học Pháp. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 19, ông cùng với Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo và một số trí thức người Việt quốc tịch Pháp tập hợp thành một nhóm sinh hoạt chính trị, với mục đích can thiệp với chính quyền thực dân nhằm ban hành các đạo luật hoặc quy chế cho dân bản xứ tầng lớp trên ở Đông Dương có quyền tham chính và được hưởng các quyền lợi ngang với người Pháp. Nguyễn Phan Long là là một nhà báo, nhà hoạt động chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Tài liệu về hoạt động cách mạng của Nguyễn Phan Long nằm trong các hồ sơ ký hiệu: IIA45/181(7), IIA45/191(9), IIA45/195(2), IIA45/225(1), IIA45/253(3), IIA45/306(6), IIA45/306(7), IIA45/321(8), IIA50/516(10).

Nguyễn Văn Nguyễn: Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1910, người làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), con của một thầy giáo dạy chữ Nho kèm chữ quốc ngữ ở làng. Nguyễn Văn Nguyễn có bút danh Ngũ Yến, là một nhà báo, nhà cách mạng Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông thường xuyên cộng tác, viết bài cho các báo La Lutte, L’Avant-garde, báo Mai, báo Việt Nam, Nhân dân miền Nam, Thống nhất… Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, Chủ bút báo Cứu quốc Nam Bộ. Hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Nguyễn thể hiện ở các tài liệu: IIA45/171(1), IIA45/195(2), IIA45/195(3), IIA45/204(2), IIA45/225(1), IIA45/231(2), IIA45/241(7), IIA45/241(8), IIA45/241(9), IIA45/243(6), IIA45/253(3), IIA45/306(7), IIA45/311(9), IIA50/516(10).

Nguyễn An Ninh: Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Từ một sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ (từ 1923 đến 1943). Ông còn là nhà tư tưởng, nhà văn hoá và nhà báo lớn. Những tác phẩm của ông về tư tưởng chính trị, về tôn giáo và về văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng đối với diễn trình lịch sử văn hoá – tư tưởng Việt Nam cận đại. Ông là một trong những người tiêu biểu nhất của lớp trí thức dũng cảm dấn thân, xả thân, đem hết tài năng, dũng khí và tính mạng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân.

Hồ sơ về hoạt động cách mạng của Nguyễn An Ninh bao gồm các hồ sơ có ký hiệu sau đây: IIA45/171(1), IIA45/204(1), IIA45/204(2), IIA45/223(4), IIA45/225(1), IIA45/231(4), IIA45/236(3), IIA45/241(1), IIA45/241(2), IIA45/241(3), IIA45/241(7), IIA45/241(8), IIA45/241(9), IIA45/245(1), IIA45/243(1), IIA45/245(2), IIA45/245(8), IIA45/253(3), IIA45/292(2), IIA45/326(1), IIA45/306(6), IIA45/306(7), II45/306(11), IIA45/311(9), IIA45/312(1), IIA45/315(5), IIA45/323(2), IIA50/516(10), IIA50/521(7), (10).

Dương Bạch Mai: Ông sinh ngày 17-4-1904, quê ở tỉnh Bà Rịa, nay là thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu. Ông là nhà cách mạng nổi tiếng của Nam kỳ, Ủy viên thườn vụ Quốc Hội Khóa I và II, thanh tra chính trị miền Đông Nam Bộ, chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô… IIA45/181(7), IIA45/191(9), IIA45/195(2), IIA45/204(2), IIA45/223(4), IIA45/225(1), IIA45/231(2), IIA45/241(3), IIA45/241(5), IIA45/241(8), IIA45/245(1), IIA45/243(3), IIA45/245(6), IIA45/253(3), IIA45/273(5), IIA45/293(3), IIA45/306(8), II45/306(11), IIA45/306(14), IIA45/321(8), IIA50/521(7), (10).

Ung Văn Khiêm:  Sinh ngày 13/02/1910, tại làng Tân Đức (xã Tân Mỹ), huyện Chợ Mới, Long Xuyên (ngày nay là tỉnh An Giang). Ông là một nhà cách mạng và chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam. Hồ sơ tài liệu về Ung Văn Khiêm có ký hiệu: IIA45/171(1); IIA45/323(2).

Nguyễn Thị Lựu: Bà Nguyễn Thị Lựu, tên thật Đỗ Thị Thưởng, bí danh Thu, Cửu, thường gọi Tám Lựu, sinh ngày 23/9/1909 tại làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Là người con gái hiếu hạnh, dũng cảm, mưu trí, bà sớm được giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình, đứng vào hàng ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (1928). Qua thành tích hoạt động xuất sắc, bà được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng vào cuối năm 1929 tại Phong Hoà, CầnThơ.  Tài liệu về Nguyễn Thị Lựu nằm trong hồ sơ: IIA45/195(3).

Hồ Hữu Tường:  Ông sinh tại làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Năm 1926, Hồ Hữu Tường sang Pháp học tại trường Đại học Marseille và nạp luận án thi Cao học Toán tại Đại học Lyon. Tại Pháp ông kết bạn và tham gia hoạt động chính trị với những nhà ái quốc lưu vong như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh v.v. và gia nhập Đệ Tứ Quốc tế. Ông là một chính trị gia, nhà văn, nhà báo Việt Nam. Hồ sơ về hoạt động của Hồ Hữu Tường có ký hiệu: IIA45/253(3), IIA45/274(10), IIA45/306(7).

Trên đây là khảo sát sơ bộ những tài liệu về trí thức Nam kỳ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II mà chúng tôi đã tiến hành khảo sát từ hàng ngàn trang tài liệu, phân loại và dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Ngoài ra, còn có nhiều tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam về những nhà trí thức cách mạng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ như: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùynh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu, Tống Phúc Chiêu, Tô Hiệu… Hi vọng với bài viết giới thiệu này, các nhà nghiên cứu khoa học, những người quan tâm đến vấn đề trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc có thể thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm và khai thác tài liệu./.

Lê Vị – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

Tài liệu tham khảo:
1.Tôn Đức Thắng tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2007.
2.Chủ tịch Tôn Đức Thắng – thân thế và sự nghiệp, Hội Văn nghệ An Giang xuất bản, 1988.
3.Nhiều tác giả, Trần Văn Giàu – Dấu ấn trăm năm, Nxb Trẻ, 2012.
4.Luận án Tiến sĩ Trần Thị Ánh, “Trí thức Nam kì trong cuộc vận động giải phóng dân tộc từ năm 1884 đến năm 1930”.
5.http://vi.wikipedia.org
6.http://thptnan.com/gioi-thieu/truyen-thong/76-tieu-su-nguyen-an-ninh.html.
7. http://dongthap.gov.vn/wps/wcm/connect/Web%20Content/
dongthap/timhieudongthap/nhanvatlichsu/sitanhanvatlichsu_l/20100110+nguyen+thi+luu

Nguồn: archives.gov.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *