Giới thiệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

Vũ Văn Tâm

Trung tâm Lưu trữ quốc gia II là một trong bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Trung tâm là nơi bảo quản và tổ chức sử dụng một khối lượng tài liệu lưu trữ thời kỳ Phong kiến, Pháp thuộc; tài liệu của các cơ quan, tổ chức trung ương của chế độ Việt Nam Cộng hòa, các cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975; các cơ quan, tổ chức trung ương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tài liệu, tư liệu của các nhân vật lịch sử, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu trên lãnh thổ Việt Nam từ Quảng Trị trở vào phía Nam. Khối tài liệu hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm có một giá trị rất lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam và phục vụ các nhu cầu xã hội.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về phông Phủ Thống đốc Nam kỳ – một phông tài liệu đặc biệt, có giá trị về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng … của Việt Nam từ thời kỳ đầu Pháp đô hộ cho đến năm 1945. Đây là nguồn tài liệu đã được rất nhiều độc giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sử dụng để làm nguồn tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu.

  1. Vài nét về lịch sử đơn vị hình thành phông Phủ Thống đốc Nam kỳ

Ngày 01/9/1858[1], liên quân Pháp – Tây Ban Nha do Phó đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy, cùng 13 chiến thuyền, 50 đại bác tấn công bán đảo Sơn Trà, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước sự chống trả quyết liệt của quân dân Việt Nam, quân Pháp bị sa lầy ở mặt trận Đà Nẵng. Tháng 2/1859, quân Pháp chuyển hướng đánh chiếm Gia Định. Nhưng một lần nữa quân Pháp bị sa lầy bởi cuộc kháng chiến của quân dân Lục tỉnh Nam kỳ, buộc phải gửi thư xin nghị hòa với triều đình Huế. Trong khi đó, thay vì nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng Pháp, triều đình nhà Nguyễn chủ trương “Thủ để hòa”, chọn kế “Trì cửu”, tạo thời cơ cho quân Pháp củng cố lực lượng đánh chiếm Nam kỳ. Ngày 24/2/1861, sau khi được tiếp viện, quân Pháp mở cuộc tấn công Đại đồn Chí Hòa – thành trì cố thủ của hơn 12.000 quân nhà Nguyễn tại Gia Định. Sau 2 ngày giao tranh ác liệt, quân Pháp chiếm được Đại đồn Chí Hòa, sau đó nhanh chóng tiến quân chiếm các tỉnh miền Đông Nam kỳ.

Năm 1862, trước sức ép của quân Pháp, triều đình Huế đã đồng ý ký hiệp ước Nhâm Tuất (1862) với 12 khoản, cắt ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) và quần đảo Côn Lôn cho Pháp. Thực dân Pháp thiết lập Soái phủ Nam kỳ – Phủ Đô đốc Thống đốc (Gouvernement des Amiraux từ năm 1861-1879) do các đô đốc Hải quân Pháp đứng đầu, có toàn quyền về hành chánh và quân sự để cai trị Nam kỳ.

Trong năm đầu, Bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp chủ trương sử dụng người bản xứ cai trị người bản xứ dưới sự kiểm soát của các biện lý người Pháp. Vì vậy, đầu năm 1862, thực dân Pháp giao việc cai quản các huyện cho đội ngũ quan huyện người Việt và chịu sự giám sát của thanh tra người Pháp. Song đến tháng 8/1862, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân miền Nam và thái độ bất hợp tác của tầng lớp trí thức người Việt, chủ trương cai trị gián tiếp không đạt được hiệu quả. Chuẩn đô đốc Louis Adolphe Bonard phải giao phó tất cả mọi quyền hành cho các vị thanh tra người Pháp (hình thức cai trị trực tiếp), để tập trung đẩy mạnh bình định miền Nam Việt Nam.

Năm 1863, Đô đốc Lagrandière hệ thống hóa hình thức cai trị trực tiếp bằng việc thiết lập chế độ thanh tra bản xứ vụ. Các thanh tra là những sĩ quan hải quân Pháp được giao đảm trách quyền hạn về hành chánh, tư pháp và tài chánh trong địa hạt quản lý.

Ngày 09/11/1864 Đô đốc Nam Kỳ ra quyết định thành lập Nha Nội chính. Đây là một tổ chức chuyên nghiên cứu, theo dõi và giải quyết tất cả các công việc liên quan đến thuộc địa.

Đến năm 1867, thực dân Pháp cơ bản hoàn thành bình định miền Nam, lấy đó làm bàn đạp tiến quân đánh chiếm Bắc kỳ. Ngày 20/11/1873, quân Pháp do đại úy Francis Garnier chỉ huy, bất ngờ tấn công, chiếm thành Hà Nội và nhanh chóng chiếm được các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng. Song cũng như ở Nam kỳ, quân Pháp bị sa lầy bởi cuộc kháng chiến quyết liệt của nhân dân Bắc kỳ. Quân Pháp buộc phải tuyên bố trả lại Bắc kỳ và yêu cầu nhà Nguyễn đàm phán. Nhưng đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, ngày 15/3/1874, triều đình nhà Nguyễn cùng Pháp ký “Hiệp ước hòa bình và liên minh” gồm 22 điều khoản, chính thức đặt Việt Nam dưới quyền bảo hộ của Pháp và biến Nam kỳ thành đất thuộc địa.

Ngày 14/5/1879, chính quyền Pháp chuyển chế độ cai trị tại thuộc địa Nam kỳ từ quân sự sang dân sự với việc bổ nhiệm chức vụ Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur de la Cochinchine). Được bổ nhiệm làm Thống đốc dân sự đầu tiên, Le Myre de Vilers tách quyền hành chánh và quyền tư pháp, thay các thanh tra bản xứ vụ bằng các tham biện, với trách nhiệm kiểm soát hành chánh, quyền tư pháp được giao cho tòa án.

Năm 1882, hoàn thành việc thiết lập chế độ cai trị ở thuộc địa Nam kỳ, quân Pháp do Trung tá hải quân Henry Rivière chỉ huy từ Nam kỳ tiến đánh Bắc kỳ lần thứ 2. Đến ngày  6/6/1884, triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Patennôtre gồm 19 điều khoản. Hiệp ước đánh dấu sự công nhận địa vị thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam.

Ngày 17/10/1887[2], Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh thành lập Phủ Toàn quyền Đông Dương do một Toàn quyền Pháp đứng đầu, cai trị Việt Nam và Cao Miên (Campuchia), mở đầu cho thời kỳ củng cố bộ máy cai trị và thời kỳ khai thác thực dân ở Việt Nam.

Ngày 29/10/1887[3], Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh ấn định quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ. Theo Sắc lệnh này thì chức Giám đốc Nha Nội chính Nam Kỳ bị bãi bỏ. Quyền hạn của Giám đốc Nha Nội chính trước đây được chuyển giao cho Thống đốc Nam Kỳ. Thống đốc Nam Kỳ là người đại diện cho Toàn quyền Đông Dương ở Nam Kỳ. Thống đốc Nam Kỳ có một Tổng Thư ký Phụ tá giúp Thống đốc Nam Kỳ giải quyết công việc trong trường hợp vắng mặt. Các phòng ban của Nha Nội chính trước đây được chuyển thành các phòng ban của Nha Tổng Thư ký.

Ngày 29/09/1894[4], Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh bãi bỏ chức vụ Tổng Thư ký Nam Kỳ. Các phòng ban của Nha Tổng Thư ký trước đây được đặt dưới quyền quản lý của Thống đốc Nam Kỳ với tên gọi là: Các phòng thuộc Nha Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Nam Kỳ.

Từ năm 1897, Paul Doumer được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương. Bằng chính sách toàn diện, Paul Doumer làm thay đổi căn bản chính sách và hệ thống cai trị thuộc địa của Pháp ở Việt Nam.

Ngày 13/02/1899[5], Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định ấn định lại nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ. Trên cơ sở đó, ngày 26/07/1909[6], Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định ấn định lại tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của văn phòng và các phòng trực thuộc Phủ Thống đốc Nam Kỳ.

Ngày 20/10/1911[7], một lần nữa Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh ấn định lại quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ. Theo Sắc lệnh này, thuộc địa Nam Kỳ có quyền tự trị về hành chánh, chịu sự quản lý trực tiếp của Thống đốc Nam Kỳ. Thống đốc Nam Kỳ được đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của toàn quyền Đông Dương, có thể thay mặt Toàn quyền Đông Dương giải quyết mọi việc ở Nam Kỳ (theo Điều 5 của Sắc lệnh ngày 20/11/1911).

  1. Khái quát nội dung, thành phần tài liệu của phông Phủ Thống đốc Nam kỳ

Phông Phủ Thống đốc Nam kỳ nằm trong khối phông tài liệu được hình thành từ những năm đầu người Pháp đặt chân đến Nam kỳ (1859) kéo dài đến năm 1945. Khối phông này bao gồm gần 26 phông, với hơn 4.000 mét giá tài liệu như: Phông  Phủ Thống đốc Nam kỳ, phông Hội đồng Tư mật Nam kỳ, Sở Thương Chánh, Tòa Đốc lý Sài Gòn, Tòa Đốc lý Chợ Lớn…, và các phông thuộc Văn phòng tỉnh như: Văn phòng tỉnh Bà Rịa, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Hà Tiên, Mỹ Tho…  . Trong số các phông này, Phủ Thống đốc Nam kỳ là phông tài liệu có khối lượng lớn nhất, và được độc giả nghiên cứu nhiều nhất.

Phông Phủ Thống đốc Nam kỳ gồm 2.435,5m, được hình thành từ năm 1859 và kết thúc vào năm 1945. Một phần tài liệu trong phông được phân loại theo khung phân lại Boudet, có thể tóm tắt như sau:

  1. Văn bản pháp qui: Bao gồm các tập lưu Nghị định, Quyết định, Thông tư của Thống đốc Nam kỳ; Các tập lưu Thông tư của Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam kỳ…
  2. Công văn trao đổi: Tập lưu công văn đi, đến của Văn phòng Thống đốc Nam kỳ; các tập lưu điện tín…
  3. Nhân sự: Quy chế nhân viên và lương bổng; Các Sắc lệnh, Nghị định về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng… của nhân viên người Âu và bản xứ làm việc tại các công sở ở Nam Kỳ; Hồ sơ cá nhân của công chức người Âu, người bản xứ…
  4. Tổ chức chính quyền Trung ương: Gồm hệ thống tài liệu về phân định ranh giới giữa các tỉnh, phân chia biên giới giữa Nam kỳ và Campuchia; Tài liệu v/v cải tổ hành chánh các tỉnh, đổi tên, sáp nhập làng xã thuộc các tỉnh Nam kỳ….
  5. Tổ chức chính quyền địa phương: Tài liệu gồm Báo cáo tình hình an ninh, thống kê của các tỉnh; tổ chức hoạt động của các tổ chức hành chánh tỉnh; bầu cử; cải tổ Tp. Sài Gòn, Chợ Lớn …;
  6. Chính trị: Hồ sơ Báo cáo chính trị hàng tháng, quý, năm của các tỉnh ở Nam kỳ và Tp. Sài Gòn; báo cáo hàng tháng của các Nha, Sở gửi Thống đốc Nam kỳ; Quan hệ ngoại giao giữa với các nước; báo cáo về tình hình an ninh công cộng ở các tỉnh; kiểm soát người nước ngoài; tài liệu về tôn giáo…
  7. Tư pháp: Tài liệu về hoạt động của các toàn án ở Nam kỳ; tranh chấp, kiện tụng; tổ chức và hoạt động của các nhà lao; cải tổ hệ thống tư pháp ở Đông Dương và Nam Kỳ; Danh sách các tù nhân bị giam cầm tại các nhà lao;
  8. Công chánh: Tài liệu về xây dựng, sửa chữa cầu đường, ở Sài Gòn, và các tỉnh Nam kỳ; xây dựng công thự, trường học, bệnh viện, đình chùa…; báo cáo hoạt động của sở Công chánh.
  9. Mỏ: Chế độ hầm mỏ; thanh tra, phúc trình các hoạt động khai thác mỏ ở các tỉnh Nam kỳ.
  10. Đường sắt – Vận tải đường bộ: Các báo cáo hoạt động của các tuyến đường xe lửa, xe điện,.
  11. Bưu điện: Tài liệu về việc thiết lập và tổ chức các bưu cục; hoạt động và cước phí vận chuyển….
  12. Thương mại – Kỹ nghệ – Du lịch: Tài liệu về các quy định thương mại ở Châu Á; Tài liệu về tổ chức các phòng thương mại ở Đông Dương; hoạt động của các ngân hàng ở Đông Dương; Hồ sơ về hoạt động triển lãm tại các nước; Các báo cáo về tình hình kinh tế ở Nam Kỳ; Báo cáo về các hoạt động thể thao, du lịch ở Đông Dương
  13. Lao động – Khai thác thuộc địa – Chế độ điền địa: Quy chế lao động, tuyển dụng; các chế độ điền địa và tình hình điền địa ở Nam kỳ; Sang nhượng, khai khẩn ruộng đất…
  14. Nông – Lâm nghiệp: Báo cáo hoạt động của phòng Canh nông, của các trường Nông Lâm; tình hình đất trồng ở các tỉnh; tín dụng; chăn nuôi …
  15. Giao thông đường thủy: Các Luật, Sắc lệnh về hàng hải; hoạt động của Thương cảng Sài Gòn…
  16. Hải quân: Hoạt động của hải quân Pháp ở Đông Dương
  17. Quân sự: Báo cáo hàng tháng của các đồn Hiến binh; tài liệu về tổ chức phòng thủ; cải tổ quân đội bản xứ; ngân sách cho quân đội; hoạt động của các tòa án binh…
  18. Giáo dục – Khoa học và Nghệ thuật: Tổ chức nền học chính Đông Dương; quy chế về giáo dục; Ngân sách cho giáo dục; hoạt động của các trường phổ thông và dạy nghề ở Nam kỳ; học bổng, du học, khen thưởng…; xây dựng và hoạt động của các viện bảo tàng, nhà hát…; hoạt động của các sở địa dư.
  19. Các cơ sở y tế và cứu tế xã hội: Tổ chức các Sở Y tế; phúc trình hoạt động của sở y tế Nam kỳ; thành lập và hoạt động của các trạm y tế, các bệnh viện; hoạt động của các trại mồ côi, các cô nhi viện…
  20. Tài chánh: Báo cáo tình hình tài chánh, ngân sách của các tỉnh, thành, ở Nam kỳ; thành lập các sở thuế trực thâu và tình hình thu thuế; hoạt động của các ngân khố; chế độ trợ cấp lương bổng, phụ cấp cho công chức…
  21. Thương chánh – thuế gián thu: Hoạt động mua bán, sản xuất, vận chuyển hàng hóa: rượu, thuốc lá, thuốc phiện…
  22. Lưu trữ và thư viện: Tài liệu về tổ chức và hoạt động của Nha Văn khố, thư viện; Hoạt động thu thập, sử dụng tài liệu lưu trữ ở các tỉnh Nam Kỳ….

Với khoảng hơn 4.000 m giá tài liệu, khối phông thời kỳ Pháp thuộc, đặc biệt là phông Phủ Thống đốc Nam kỳ đã phản ánh lịch sử hình thành và phát triển cũng như đời sống kinh tế – văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân cư vùng đất Nam Bộ. Khối tài liệu này có giá trị to lớn đối với công tác nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Nam Kỳ thời Pháp thuộc.

Theo số liệu thống kê độc giả nghiên cứu tại phòng Đọc – Trung tâm LTQGII, từ năm 1976 đến năm 2013, đã có đến 789 đề tài nghiên cứu sử dụng tài liệu của phông Thống đốc trên các lĩnh vực: tổ chức nhà nước, chính trị, quân sự, tư pháp, ngoại giao, kinh tế – thương mại, biên giới – hải đảo, địa lý, văn hóa – giáo dục… Đây chính là nguồn tư liệu vô giá cần phải được bảo quản và phát huy giá trị.

[1] Phan Khoang (1961), Việt Nam Pháp thuộc sử, Phủ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản

[2] Phan Khoang (1961), Việt Nam Pháp thuộc sử, Phủ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản

[3]  Journal Officiel de la Cochinchine Francaise en 1887

[4]  Journal Officiel de l’Indochine Francaise en 1894

[5]  Journal Officiel de l’Indochine Francaise en 1899

[6]  Bulletin Administratif de la Cochinchine en 1909

[7]  Bulletin Administratif de la Cochinchine en 1911

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *