HIỆP ĐỊNH PARIS NĂM 1973
THỜI CƠ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC TRONG HÒA BÌNH
LẦN THỨ HAI KHÔNG THÀNH HIỆN THỰC
Vũ Văn Tâm
Năm 1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Hội nghị Genève về Đông Dương – mở ra cơ hội to lớn để dân tộc Việt Nam giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Nhưng thực hiện chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở khu vực Đông Nam á, Hoa Kỳ bảo trợ chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định, gây nên cuộc chiến tranh thảm khốc ở miền Nam Việt Nam, tước bỏ cơ hội thực hiện “thống nhất non song” trong hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Năm 1973, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là cuộc kháng chiến chống liên minh quân đội Hoa Kỳ và Sài Gòn dành nhiều thắng lợi to lớn, đã buộc Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn lần thứ hai phải ngồi vào đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris (Pháp).
Ngày 27-01-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều được bốn bên[1] tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam ký kết. Hiệp định quy định rõ:
“Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận”.
“Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ hai mươi bốn giờ (giờ GMT), ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba.
Cùng ngày giờ nói trên, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới, và sẽ chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hoa Kỳ sẽ tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy tất cả những mìn ở vùng biển, các cảng và sông ngòi ở miền Bắc Việt Nam ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực”.
“Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác…”[2].
Ngày 02-3-1973, Định ước quốc tế về Việt Nam được đại diện chính phủ của 12 nước ký kết với nội dung “ghi nhận các Hiệp định đã ký kết; bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam;…”[3].
Như vậy, không thể “trối bỏ” như đã từng làm với Hiệp định Genève năm 1954, cả Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đều phải ký kết và cam kết nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hiệp định Paris. Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới hân hoan chào đón thành công của Hội nghị Paris và mong mỏi ngày hòa bình, thống nhất trở về với mảnh đất đã chìm đắm trong đau thương của hơn một thế kỷ nô lệ và chiến tranh. Nhưng lần thứ hai, nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam lại bị Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tước đoạt.
Bốn ngày trước khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 23-1-1973), Nguyễn Văn Thiệu ban hành Công điện hoả tốc số 004-TT/CĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, các đô – tỉnh – thị trưởng, Tổng Tham mưu trưởng và Tư lệnh các quân đoàn, quân khu của chính quyền Sài Gòn “ra lệnh treo cờ trên toàn quốc” nhằm mục đích “tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia để xác nhận phần đất và phần dân”[4]. Trong đó ấn định:
“Ngày giờ có thể là mười hai giờ trưa ngày thứ Tư, 24 tháng Giêng 1973.
Ngày giờ này sẽ được xác nhận vào sáng thứ Tư, 24 tháng Giêng 1973 vừa bằng công điện vừa bằng hai đài phát thanh quốc gia và quân đội”2.
Cùng ngày, thực hiện công điện của Nguyễn Văn Thiệu, Tướng Cao Văn Viên – Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ra lệnh cho toàn bộ quân đội Sài Gòn thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, cụ thể:
“Yêu cầu các nơi nhận:
Nhận lãnh ngay Quốc kỳ tại cơ quan tiếp vận liên hệ. Theo tiêu chuẩn mỗi quân nhân ba lá và phân phối cho toàn thể quân nhân các đơn vị hành quân và CTCT (Chiến tranh chính trị – TG).
Thực hiện cắm cờ trong vùng hành quân tại các vị trí trọng yếu: đình chùa, nhà thờ, trường học; cầu cống; đồi núi cao điểm; nhà dân chúng;….”3.
Chậm hơn một ngày, Trần Thiện Khiêm – Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, ban hành Công điện mật – hoả tốc ra lệnh cho các đô, tỉnh và thị trưởng phải cấp tốc thực hiện:
“Khẩn ra thông cáo nhắc nhở đồng bào, bắt buộc mỗi tư gia phải treo 1 Quốc kỳ kể từ 12 giờ ngày 24-01-1973. Mỗi trụ sở cơ quan công, bán công, các Toà hành chánh đô, tỉnh, thị, trụ sở quân, xã, phường, khóm, ấp, các nhà buôn, xí nghiệp, hãng xưởng, trụ sở tôn giáo, chánh đảng, đoàn thể hiệp hội, các công viên, các nơi tiện ích công cộng và mọi nơi mà quý toà xét thấy cần thiết, phải treo quốc kỳ kể từ ngày giờ nói trên.
Trực tiếp kiểm soát tổng quát và khẩn thành lập các toán kiểm soát gồm có CB/PTNT (cán bộ Phát triển nông thôn – TG), viên chức phường, xã, khóm, ấp, cảnh sát quốc gia và nhân dân tự vệ, để thường xuyên kiểm soát.
Tất cả tư gia cũng như trụ sở, công sở đô, tỉnh, thị, quận, xã, phường, khóm, ấp, đều phải dự trù hai lá cờ, một lá để sử dụng ngay và một lá để dự phòng.
Chỉ thị cơ quan an ninh, cán bộ quân chánh mọi cấp,… hăng hái tích cực vào việc triệt hạ hoặc bôi xoá ngay những cờ cộng sản được treo hoặc vẽ sơn tại bất cứ nơi nào, đồng thời thay thế ngay vào đó bằng cờ quốc gia.
Mỗi cán bộ và quân nhân hoạt động tại chỗ hoặc lưu động công tác phải mang theo mình ba lá cờ quốc gia để cấp thời có ngay cờ ứng dụng, tuỳ trường hợp”[5].
Ngày 24-01-1973, Nguyễn Văn Thiệu, trong bài phát biểu dài trên hệ thống thông tin, tiếp tục lặp đi, lặp lại luận điệu: miền Bắc và miền Nam là “hai quốc gia riêng biệt”; “Chính quyền Sài Gòn (còn gọi là “Việt Nam Cộng hoà”) là chính quyền hợp pháp, hợp hiến duy nhất ở miền Nam Việt Nam”; sẽ không có một chính phủ liên hiệp hay chính phủ ba thành phần nào ở miền Nam Việt Nam;…
Những tưởng, những hành động, lời lẽ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là sự ngoan cố cuối cùng của kẻ hiếu chiến trước thời điểm buộc phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh. Nhưng thực tế, đây chỉ là những hành động bước đầu của kế hoạch phá hoại Hiệp định Paris đã được định trước.
Ngay khi Hiệp định Paris ký kết chưa ráo mực, đêm 27-01 rạng ngày 28-01-1973, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 15 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên và 19 cuộc hành quân cấp tiểu khu và chi khu[6]. Trong đó có các cuộc hành quân quan trọng:
Hành quân Đại bàng 72/M trong vùng Quảng Trị – Thừa Thiên;
Hành quân Lam Sơn 63 tại Thừa Thiên;
Hành quân Quang Trung 81 tại Quảng Nam;
Hành quân Quyết Thắng 27A trong vùng Quảng Tín – Quảng Ngãi;
Hành quân Dakto 15 tại Kontum;
Hành quân Đồng Thắng 1/BĐQ trong vùng Kontum – Pleiku;
Chiến dịch Đồng Khởi 73/1 tại Bình Định, Tuyên Đức;
Hành quân Toàn Thắng TB tại Hậu Nghĩa;
Hành quân Cửu Long 21/4 trong vùng An Xuyên – Phong Dinh – Chương Thiện – Kiên Giang;
Hành quân Cửu Long 7/11 trong vùng Định Tường – Kiến Phong – Kiến Tường – Campuchia;
Hành quân Cửu Long 44/17 trong vùng Châu Đốc – Kiên Giang…[7].
Ngày 09-02-1973, trước sức ép của dư luận lên án hành động phá hoại trắng trợn Hiệp định, Trần Thiện Khiêm – Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, trong phiên họp tại Phủ Thủ tướng, ra chỉ thị cho Bộ Quốc phòng “tránh không nên dùng các danh từ tấn công, hành quân, phi xuất, tin chiến trường,…”[8]. Ngày 10-02-1973, Cao Văn Viên – Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ban hành “công điện mang tay” mật – thượng khẩn số 5458/TTM/P345 ra lệnh cho các đơn vị cấm “phổ biến các tin tức chiến sự trên báo chí, đài phát thanh hay vô tuyến truyền hình” trong đó nêu rõ: “từ nay cấm không được nói rõ số lượng phi xuất, hải xuất, pháo binh yểm trợ v.v. mà phải thay đổi hình thức giải thích đó là các hoạt động bạn có tính cách phản ứng tự vệ”[9]. Tuân hành công điện của tướng Cao Văn Viên, trong các báo cáo của Trung tâm hành quân của quân đội Sài Gòn sau đó, phần hoạt động hành quân của quân đội Sài Gòn bị cắt bỏ mà thay vào đó cụm từ “hoạt động an ninh lãnh thổ”.
Đối với các quy định của Hiệp định Paris, Uỷ ban liên bộ Điều hợp ngừng bắn của chính quyền Sài Gòn tiến hành phân tích từng câu chữ trong dự thảo nhằm tìm kiếm những “kẽ hở” để “lách luật”.
Ngay câu đầu “Các bên tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam”[10], từ “các bên” được chính quyền Sài Gòn giải thích: “là chỉ có hai phe tham dự hoà hội Ba Lê (tức Pari – TG). Một phe là Việt Nam cộng hoà và đồng minh Hoa Kỳ và phe kia là cộng sản”[11]. Để từ đó đi đến kết luận là ở miền Nam Việt Nam chỉ có chính quyền Sài Gòn là “chính phủ hợp pháp duy nhất” mà không thừa nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam như quy định của Hiệp định Paris.
Câu “Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn”[12] được ghi ở Điều 2 lại bị chính quyền Thiệu bắt bẻ “Bản tiếng Anh dùng chữ “durable and without limit of the time” trong khi đó bản văn tiếng Việt lại dịch là “vững chắc và không thời hạn”. “Durable” không có nghĩa là vững chắc, mà chỉ có tính cách lâu dài”. Và ở Điều 3, cụm từ “ở nguyên vị trí của mình” bị bóp méo thành “là tạm thời ở nguyên tại chỗ để thực hiện ngừng bắn, một cuộc ngừng bắn tại chỗ. Nên lưu ý một cuộc ngừng bắn tại chỗ không phải là một cuộc ngừng bắn da beo. Theo phương thức ngừng bắn tại chỗ, việc đóng quân của một đơn vị quân sự tại một địa điểm nào đó chỉ có tính cách tạm thời; địa điểm này vẫn thuộc chủ quyền của chính phủ Việt Nam cộng hoà. Vùng kiểm soát nói trong điều này có nghĩa là sự kiểm soát của các đơn vị quân sự, không phải là sự kiểm soát hành chánh”3. Đồng thời, lợi dụng điểm c của Điều 3 không quy định cụ thể về lực lượng vũ trang của các bên, chính quyền Thiệu đặt lực lượng Cảnh sát Quốc gia và nhân dân tự vệ của chế độ Sài Gòn nằm ngoài phạm vi của Hiệp định[13]. Và thực tế sau đó, hai lực lượng này trở thành lực lượng chủ yếu dưới sự yểm trợ của chủ lực quân, tiến hành cuộc chiến tranh “giành dân, lấn đất” với cách mạng.
Nhằm tránh né việc thực hiện Điều 6 của Hiệp định Paris về việc “huỷ bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác”[14], trước khi Hiệp định được ký kết, quân đội Mỹ tiến hành bàn giao toàn bộ căn cứ, phương tiện chiến tranh cho chính quyền Thiệu. Vì vậy, khi Hiệp định được ký kết, Điều 6 của Hiệp định trở nên “vô hiệu lực”.
Đi ngược lại tinh thần Hiệp định Pari về giảm quân số các lực lượng vũ trang, chính quyền Sài Gòn tăng cường đôn quân, xiết chặt kỷ luật quân đội và tăng cường cả về lực lượng và trang bị cho lực lượng nghĩa quân và địa phương quân. Theo báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, tính đến ngày 15-01-1973 quân số quân đội Sài Gòn 1.086.926 quân. Đến ngày 15-02-1973, dù số đào ngũ lên tới 12.595 quân nhưng tổng quân số quân đội Sài Gòn vẫn ở con số 1.076.091 quân[15] (được bổ sung thêm 1.760 quân). Trong những tháng tiếp theo của năm 1973, quân số quân đội Sài Gòn luôn giữ ở mức trên 1.900.000 quân dù số đào ngũ hàng tháng nằm trong khoảng 6.000 – 15.000 quân.
Đối với việc thực hiện Điều 4 của Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban liên hợp quân sự, mặc dù Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam nhiều lần đề nghị, nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn cương quyết cự tuyệt. Và ngày 19-02-1973, Trần Thiện Khiêm – Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, ban hành Công văn số 437/PThT/BĐPT/KH “tuyệt đối không có việc tự động bắt tay giữa các chỉ huy trưởng đơn vị các cấp của ta (chính quyền Sài Gòn) với địch (Quân Giải phóng) để chia khu vực và để cho địch tự do di chuyển”[16].
Mặc dù ngay trong bản phân tích về Hiệp định Pari của Uỷ ban liên bộ Điều hợp ngừng bắn của chính quyền Sài Gòn cũng thừa nhận Điều 10 của Hiệp định “đặt ra một tiên quyết là phải ngừng bắn trước đã rồi mới thảo luận được vấn đề hoà bình. Chỉ sau khi ngừng bắn thực sự, hai bên mới có thể thương lượng với nhau về các giải pháp cho các vấn đề tranh chấp”[17]. Nhưng tại Hội nghị của hai bên miền Nam tại lâu đài La Celle Saint Cloud, trong khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đưa ra đề nghị 6 điểm mà điểm đầu tiên là tôn trọng ngừng bắn rồi mới giải quyết các vấn đề khác. Phía chính quyền Sài Gòn lại đưa ra đề nghị 5 điểm, rồi 10 điểm trong đó đưa vấn đề tiến hành tổng tuyển cử lên trước nhằm đánh lừa dư luận về một “thiện chí hoà bình” của chính quyền Sài Gòn mà thực chất là nhằm trì hoãn việc thực thi các quy định của Hiệp định Paris, hòng có đủ thời gian tiến hành các hoạt động quân sự đẩy lui Quân Giải phóng trên chiến trường.
Trước thái độ của chính quyền Thiệu, tại phiên họp thứ 10 Hội nghị giữa hai bên miền Nam, ngày 9-5-1973, ông Nguyễn Văn Hiếu – Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã phải gay gắt lên án:
“Nếu mà sau khi ký Hiệp định đã có hoà bình thì ở đây chúng ta cần gì phải bàn cãi nữa. Nhưng mà chúng ta đứng trước một cái thực tế là từ khi Hiệp định có hiệu lực đến nay, chiến sự chưa chấm dứt. Thế thì chúng tôi muốn nêu vấn đề này với các ông, bây giờ các ông nêu vấn đề là phải tiến hành tổng tuyển cử, thế thì tổng tuyển cử trong khi còn bắn nhau thì tổng tuyển cử như thế nào, do đó mà trong bài phát biểu của chúng tôi, chúng tôi cho rằng các ông như là đặt cái cày trước trâu, mà bây giờ phải làm thế nào để mà có thể có cái chấm dứt chiến sự chớ, cái đó là cái tối thiểu phải có ngay trong Hiệp định như vậy là cái vấn đề đó là cái vấn đề đầu tiên, là vấn đề đầu tiên nêu ra trong Hiệp định chấm dứt chiến sự. Cho nên do đó mà chúng tôi nghĩ rằng đây là vấn đề các ông muốn nói tiên quyết cũng được. Các ông muốn nói tiên quyết cũng được là vì cái này là theo lẽ nó phải có,… mà chiến sự tiếp diễn đây thì là do về phía các ông chủ trương có những hành động lấn chiếm…
Thế thì chúng tôi cho rằng về phía các ông thì rõ ràng là chưa muốn tái lập hoà bình, chưa muốn chấm dứt chiến sự. Cho nên do đó mà chúng tôi thấy rằng bây giờ phải làm thế nào để tái lập hoà bình và chúng tôi đã đề những cái biện pháp hết sức là cụ thể để mà tiến tới tái lập được cái hoà bình đó”[18].
Nhưng vẫn bỏ ngoài tai những đề nghị hòa bình của cách mạng, chính quyền Sài Gòn vẫn tỏ ra ngoan cố và đẩy Hội nghị giữa hai bên miền Nam Việt Nam rơi vào bế tắc.
Và càng tỏ ra hiếu chiến, ngày 12-11-1974, phát biểu tại Hội thảo và học tập về Hiệp định Paris tại Bộ Dân vận chính quyền Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu lỗ mãng thách thức: “Quốc tế bây giờ nói ông Thiệu không thi hành hiệp định Ba Lê… a lê quốc tế dẹp, chuyện này không phải mấy người. Tôi biết tôi phải làm cái gì, hiệp định Ba Lê này mấy ông có đọc chưa, mấy ông thuộc bằng tôi không, mấy ông xen cái lỗ mũi vô trong chuyện của tôi…. Ôi đồ ba cái thứ là hội quốc tế này, quốc tế kia đánh điện tôi xé tôi vứt giỏ rác, kể cả Liên hợp quốc chẳng làm cái trò trống gì cho nên hình.
Tôi nói ông già tôi cộng sản tôi cũng chặt chớ đừng nói ai.
Hễ nó (Quân Giải phóng) giỏi nó thắng mình chịu. Mình thắng nó phải chịu. Không có cái chánh phủ liên hiệp tiên quyết. Đi lại cái chánh phủ liên hiệp tiên quyết bây giờ mà như mấy cha mà đi cổ võ đó, nói chánh phủ liên hiệp, chánh phủ liên hiệp… thì là trở lại những chuyện mà mình tranh đấu mấy năm trời để tránh nó ở trong cái bản hiệp định”[19].
Ngày 08-10-1974, không thể để Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn một lần nữa tước đoạt cơ hội hòa bình, thống nhất của dân tộc, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố chấm dứt thương thuyết và chỉ thị Quân Giải phóng tiến lên đánh đổ quân đội Sài Gòn phá hoại Hiệp định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Miền phát lệnh cho toàn thể các lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến lên “kiên quyết trừng trị bọn Mỹ – Thiệu ngoan cố và hiếu chiến, kiên quyết đập tan hệ thống đồn bót của địch, mở rộng vùng giải phóng, giành quyền làm chủ về tay nhân dân”.
Phát động toàn quân, toàn dân:
“Hãy vượt mọi gian khổ khó khăn, đạp lên đầu thù xốc tới giành thắng lợi.
Hãy đánh mạnh, đánh liên tục, đánh tiêu diệt gọn quân địch, đánh cho chúng tan rã về tinh thần tư tưởng, suy sụp về tổ chức, đạt yêu cầu cao của mùa khô.
Hãy đánh giỏi, công tác giỏi, xây dựng giỏi, giành thắng lợi giòn giã.
Giương cao cờ quyết chiến quyết thắng.
Tấn công như năm 1972, nổi dậy như đồng khởi, diệt gọn nhiều đơn vị nhiều đồn bót địch, giải phóng nhân dân…
Toàn thể các đồng chí hãy anh dũng tiến lên!”[20].
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, Quân giải phóng đẩy mạnh tiến công, tạo nên những thắng lợi vẻ vang trong các chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế – Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
[1]. Đại diện bốn bên ký Hiệp định Pari gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ Uyliam Rôgiơ (William P. Rogers); Tổng trưởng Ngoại giao chính quyền Sài Gòn Trần Văn Lắm.
[2]. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, phông ĐIICH, hồ sơ 1235.
[3]. Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, phông PTTg, hồ sơ 18081.
[4], 2. Công điện số 004-TT/CĐ ngày 23-01-1973 của Tổng thống chính quyền Sài Gòn, phông ĐIICH, hồ sơ 1229.
- 3. Công điện mật – hoả tốc số 006/TTM/TC.CTCT/KH.1 ngày 23-01-1973 của Đại tướng Cao Văn Viên – Tổng Tham mưu trưởng quân lực chính quyền Sài Gòn, phông ĐIICH, hồ sơ 1229.
[5]. Công điện số 106/PThT/73/M ngày 24-01-1973 của Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, phông ĐIICH, hồ sơ 1229.
[6]. Bản tổng hợp tình hình sáng ngày 28-01-1973 của Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng chính quyền Sài Gòn, phông ĐIICH, hồ sơ 449.
[7]. Bản tổng hợp tình hình sáng ngày 28-01-1973 của Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng chính quyền Sài Gòn, phông ĐIICH, hồ sơ 449.
[8]. Biên bản phiên họp tại Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn ngày 09-02-1973, phông ĐIICH, hồ sơ 1252.
[9]. Công điện mang tay số 5458/TTM/P345 ngày 10-02-1973 của Tổng Tham mưu trưởng quân lực chính quyền Sài Gòn, phông PTTg, hồ sơ 18112.
[10]. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, phông ĐIICH, hồ sơ 1235.
[11], 3. Phân tách và giải thích Hiệp định thư và Nghị định thư chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam của Uỷ ban liên bộ Điều hợp ngừng bắn chính quyền Sài Gòn, phông PTTg, hồ sơ 18079.
[12]. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, phông ĐIICH, hồ sơ 1235.
[13]. Nguyên văn câu phân tích của chính quyền Thiệu: “Lực lượng Cảnh sát Quốc gia và nhân dân tự vệ không bị lệ thuộc vào điều này vì nó không phải là lực lượng chánh quy hay không chánh quy”. [Phân tách và giải thích Hiệp định thư và Nghị định thư chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam của Uỷ ban liên bộ Điều hợp ngừng bắn chính quyền Sài Gòn, phông PTTg, hồ sơ 18079].
[14]. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, phông ĐIICH, hồ sơ 1235.
[15]. Tổng kết hoạt động quân lực chính quyền Sài Gòn tháng 3-1973 của Bộ Tổng Tham mưu quân lực chính quyền Sài Gòn, phông PTTg, hồ sơ 17778.
[16]. Công văn số 437/PThT/BĐPT/KH ngày 19-02-1973 của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, phông ĐIICH, hồ sơ 1229.
[17] Phân tích và giải thích Hiệp định thư và Nghị định thư chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam của Uỷ ban liên bộ Điều hợp ngừng bắn của chính quyền Sài Gòn, phông PTTg, hồ sơ 18079.
[18]. Bản ghi tốc ký phiên họp thứ 10 Hội nghị giữa hai bên miền Nam Việt Nam tại Pari ngày 9-5-1973, phông ĐIICH, hồ sơ 1247.
[19]. Bài nói của Nguyễn Văn Thiệu tại khóa hội thảo và học tập về Hiệp định Pari của chính quyền Sài Gòn, ngày 12-11-1974, phông ĐIICH, hồ sơ 1293.
[20]. Động viên lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, tài liệu do Đại đội 288 địa phương quân chính quyền Sài Gòn thu ngày 20-12-1974.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch