Sinh thời Bác Hồ dành một tình cảm đặc biệt cho miền Nam. Lý giải về điều này, có người cho rằng, vì nhân dân miền Nam luôn kính yêu và giữ mãi hình ảnh Bác trong tim mình. Nói thế không sai, nhưng chưa hết lẽ. Đành rằng, ở đây, sự biểu thị tình cảm có tính hai chiều, “có qua có lại”,… là lẽ thường tình. Bác Hồ yêu thương nhân dân miền Nam, Bác thường bảo “Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”[1], ngược lại, nhân dân miền Nam kính yêu Bác và tin tưởng sâu sắc vào tình cảm Bác dành cho miền Nam.
Bác Hồ với miền Nam
Bác với miền Nam bằng tấm lòng của một con người giàu lòng nhân ái, với tình cảm sâu nặng của một con người đã từng có những tháng ngày gắn bó với mảnh đất phía Nam, nơi Bác từng học tập, lao động, đấu tranh, chứng kiến những tang thương của đất nước, nỗi khổ nhục của đồng bào, tiếp xúc với những nhân sĩ trí thức giàu lòng yêu nước,… tất cả hun đúc ý chí để rồi từ giã ra đi tìm đường cứu nước cứu dân; lại là nơi cha mình – cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng gắn bó phần đời còn lại và yên nghỉ ở cuối đời.
Và hơn thế nữa, Bác với miền Nam bằng cả tấm lòng của vị lãnh tụ yêu nước thương dân. Không chỉ bằng lời nói, những lời phát biểu, mà trong từng việc làm, mỗi cử chỉ hành động, từ nơi ở của Người cho đến khi ra nước ngoài, làm việc với các lãnh tụ các nước, các phóng viên báo chí, thông tấn,… Bác chăm chút và nâng niu cây vú sữa đồng bào miền Nam kính tặng Người và hàng ngày ngồi làm việc Bác lại ngắm nhìn để nhớ về miền Nam, Bác chăm sóc các cháu thiếu niên miền Nam tập kết ra Bắc, Bác niềm nở và ân cần với các đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, trong khi lãnh đạo nhân dân miền Bắc xây dựng và đấu tranh chống Mỹ, không lúc nào Bác không nghĩ đến miền Nam. Ngay từ năm 1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”[2]. Và Người cũng đã từng viết: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em. Cũng như nước Pháp có vùng Noócmăngđi, Prôvăngxơ, Bôxơ. Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”[3].
Tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam vô cùng sâu rộng, tình yêu thương của Người đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng miền Nam thật mênh mông. Giữa tháng 7.1969, trong buổi gặp mặt thân mật với chị phóng viên báo Granma (Cuba), Mácta Rôhát, Bác đã nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình có một nỗi đau khổ riêng, và nếu mỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình gộp lại thì đó là nỗi đau khổ của tôi”[4]. Bác thương nhớ miền Nam đến quặn lòng, Bác tin đồng bào miền Nam vì miền Nam là thành đồng, rất anh dũng trong đấu tranh để giành và giữ nền độc lập dân tộc, Bác nhớ thương các cháu thiếu nhi miền Nam vô cùng, Bác “Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Bác rất muốn vào thăm miền Nam cho bõ những ngày thương nhớ, nhưng chiến tranh cay nghiệt và tuổi cao sức yếu đã làm cho Bác phải ngậm ngùi, thương nhớ.
Có thể nói, suốt mấy chục nǎm, không một phút nào Bác không nghĩ đến miền Nam, đồng bào miền Nam. Cho đến lúc mệt nặng, Bác cũng mang theo mình hơi ấm của miền Nam. Tình cảm ấy như nhà thơ Tố Hữu viết:
Bác nhờ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha.
Hồ Chí Minh với khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước
Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Quá trình đi lên của dân tộc, nhân dân Việt Nam phải trải qua biết bao thử thách để tồn tại và phát triển. Hơn ai hết, người Việt Nam thấu hiểu nỗi đau mất nước, nỗi nhục của một quốc gia bị nô dịch, và chính điều đó càng khiến cho chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam ngày càng được phát huy mạnh mẽ hơn.
Hồ Chí Minh là một người Việt Nam yêu nước, một nhà tư tưởng kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Việt Nam và thế giới thời hiện đại. Với một nhãn quan chính trị nhạy bén, sắc sảo và một tầm nhìn vượt thời gian, Người đã thấu hiểu những yêu cầu lịch sử đặt ra cho dân tộc và toàn nhân loại.
Đối với Hồ Chí Minh, đấu tranh cho độc lập và thống nhất Tổ quốc là hai vấn đề lớn trong tư tưởng của Người. Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[5].
Với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, độc lập dân tộc phải đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là nội hàm trong tư tưởng độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh. Độc lập, trước hết phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là nội dung tư tưởng mang tính thời đại. Nó được hình thành trên cơ sở vận dụng học thuyết Marx – Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Độc lập dân tộc phải đi liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[6] và Người từng tuyên bố: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[7]. Vì lẽ đó mà mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam là đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Độc lập dân tộc gắn liền với sự thống nhất đất nước là yêu cầu tối thượng, là mục tiêu mà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã theo đuổi suốt mấy mươi năm trời mới đạt được kết quả mong muốn. Với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước có mối quan hệ gắn bó, không thể tách rời. Đất nước chỉ có độc lập, tự do thực sự khi đã hoàn toàn thống nhất. Độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia – hai mục tiêu cơ bản của cách mạng Việt Nam luôn quyện chặt vào nhau: muốn độc lập phải thống nhất, muốn thống nhất thì phải độc lập, phải giải phóng miền Nam khỏi bè lũ cướp nước và bán nước. Hai nội dung này trở thành nỗi khát khao cháy bỏng trong con người Hồ Chí Minh, vì vậy, nó trở thành một trong những chủ đề của những bài viết, những bức thư gửi đồng bào cũng như những vần thơ chúc Tết mừng Xuân mà hàng năm Bác vẫn dành tình cảm cho người dân Việt, với tinh thần vui Xuân mới không quên nhiệm vụ. Trong bài thơ chúc Tết năm 1963, Người từng viết: “Nước Việt Nam ta là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”[8]. Và Người từng có câu nói bất hủ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta”[9]. Nếu như độc lập là mục tiêu hàng đầu thì, với Hồ Chí Minh, cũng như độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là một giá trị vô cùng to lớn đối với mỗi quốc gia, nó là điều kiện không thể thiếu của một nền độc lập, tự do thực sự.
Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành được thắng lợi, nhưng đế quốc Mỹ với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành pháo đài chống chủ nghĩa cộng sản, làm cho đất nước ta bị chia cắt lâu dài. Nhân dân ta phải trải biết bao gian lao vất vả, hy sinh để có ngày toàn thắng 30 tháng Tư năm 1975. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, một lần nữa tỏa sáng hình ảnh Hồ Chí Minh – một biểu tượng chói ngời tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình và thống nhất quốc gia.
Từ đầu những năm năm mươi, phân tích xu thế phát triển thời đại, bản chất và dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh đã tiên liệu rằng, sớm hay muộn, Mỹ sẽ trực tiếp tham dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương; kẻ thù lâu dài của cách mạng nước ta sẽ là đế quốc Mỹ với tư cách là cường quốc hùng mạnh của thế giới. Và sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ (7.1954), Người khẳng định: “Mỹ đang biến thành kẻ thù trực tiếp” của nhân dân Việt Nam. Từ việc nhận rõ kẻ thù của cách mạng – mà bấy giờ thật không đơn giản, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mỹ vào thay Pháp, kẻ thù mới còn hung ác hơn nhiều. Người nhắc nhở cán bộ đảng viên và nhân dân phải luôn đề cao cảnh giác.
Sau Hiệp định Genève, Mỹ dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam với ngọn cờ chống cộng. Nhân dân miền Nam sống trong tình cảnh ngột ngạt bởi sự chà đạp của chính quyền độc tài họ Ngô. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu trong lòng về ngày hai miền đất nước sum họp một nhà. Trong một số bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội; nhân dân hai miền Nam Bắc phải đoàn kết một lòng, ra sức đấu tranh để Hiệp định Genève được thực hiện một cách đầy đủ, phải xóa bỏ “giới tuyến quân sự tạm thời” để nước nhà thống nhất. Đầu năm 1955, Người đến thăm và nói chuyện với Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Người chỉ rõ bốn mục đích đấu tranh của Mặt trận là: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, và nhấn mạnh: “Muốn thống nhất, phải có hoà bình. Muốn độc lập thì phải thống nhất. Muốn thật sự độc lập thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; như một năm có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, không thể tách rời nhau, không thể thiếu một điểm nào”[10].
Ngày 23.1.1955, trong bài: Chúc mừng năm mới (bút danh C.B., đăng trên báo Nhân dân, số 328), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năm mới, với tinh thần và cố gắng mới, chúng ta quyết làm trọn nhiệm vụ để tranh lấy thắng lợi mới trong công cuộc hoà bình. Vậy có câu đối Tết nôm na:
“Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ – Tam dương khai thái.
Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm – Ngũ phúc lâm môn”[11].
Đầu tháng 2 năm ấy, chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn về phương hướng, nội dung công tác năm 1955, Người đã nhấn mạnh từ xuân này phải phấn đấu cho cả nước “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.
Đã hơn một năm đấu tranh cho sự thống nhất nước nhà, nhưng Hiệp định Genève vẫn bị phía Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chà đạp bằng chính sách “tố cộng, diệt cộng”. Tình hình miền Nam ngày càng trở nên phức tạp, phong trào cách mạng đứng trước vô vàn khó khăn. “Tình hình mới đặt cho nhân dân, quân đội, cán bộ và Chính phủ ta những nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ chung của chúng ta hiện nay là: Thi hành đúng đắn hiệp định đình chiến, đấu tranh để giữ gìn và củng cố hòa bình, để thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”[12]. Ngày đầu năm 1956, báo Nhân dân đăng Lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào cả nước. Người phân tích tình hình và chỉ rõ: “Khó khăn tuy nhiều, nhưng điều kiện thuận lợi của chúng ta rất lớn. Nhân dân ta ngày càng đoàn kết, tin tưởng, hăng hái và cố gắng. Nói chung tình hình thế giới đang phát triển có lợi cho ta. Các nước anh em ra sức giúp ta. Chúng ta có thêm nhiều nước bạn đồng tình và ủng hộ ta”[13]. Bác phân tích tình hình và nêu lên những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng nước ta và kết thúc với một khẩu hiệu thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu: “Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm!”[14]. Ngày hôm sau, Bác có Thơ chúc mừng năm mới với tình cảm thiết tha và lời động viên nhân dân cả nước:
“Thân ái mấy lời chúc tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng,
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí, bền gan phấn đấu,
Hòa bình, thống nhất thành công”[15].
Người còn luôn căn dặn Đảng và Nhà nước phải thể hiện tốt vai trò lãnh đạo và tổ chức thực hiện công cuộc thống nhất. Năm 1960, trong diễn văn lễ mừng Quốc khánh do Bác đọc, có đoạn viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ – Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc – Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”[16]. Bác gạch dưới các chữ “chậm lắm là 15 năm nữa”. Quả là một dự báo tài tình. Đúng 15 năm sau, mùa xuân 1975, với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta đi đến thống nhất, Nam Bắc một nhà như tiên đoán diệu kỳ của Bác. Tại Đại hội III của Đảng (1960), Người chỉ rõ: “Sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới hiện nay đang đặt ra trước mắt Đảng ta những nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang. Để bảo đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng ta, phát huy hơn nữa tác dụng lãnh đạo của Đảng ta trên mọi mặt công tác”[17]. Với Nhà nước, Người cũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân dân, Quốc hội và Chính phủ ta là: Phải ra sức phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới”[18].
Hồ Chí Minh còn nắm bắt cả những thành tựu mới trong công nghiệp quốc phòng của Mỹ, từ đó có những chủ trương đối phó. Tháng 12 năm 1962 Bác Hồ hỏi Phùng Thế Tài – Tư lệnh, kiêm Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân: Chú biết gì về B52 chưa? và dặn vị Tư lệnh này phải theo dõi chặt chẽ, thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 mà Mỹ sắp sử dụng vào chiến trường Việt Nam.
Tháng 8.1963, khi nhà báo W. Bớcsét[19] hỏi: “Xin Chủ tịch cho biết có đúng là cuộc kháng chiến vũ trang ở miền Nam được miền Bắc ủng hộ hay không?”, Hồ Chí Minh trả lời: “Về mọi mặt địa lý, lịch sử, văn hóa và chủng tộc, dân tộc Việt Nam là một. … Cũng vì vậy mà cuộc đấu tranh của đồng bào chúng tôi ở miền Nam được toàn thể nhân dân Việt Nam, cả phía Bắc và phía Nam vĩ tuyến 17, hoàn toàn đồng tình và ủng hộ”[20]. Và Người phân biệt rất rõ ràng nhân dân Mỹ và lực lượng quân phiệt hiếu chiến Mỹ. Khi nhà báo này hỏi: Chủ tịch có muốn nói điều gì với nhân dân Mỹ không?, Người nói: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hoà bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ. Nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp với nhân dân Pháp yêu chuộng hoà bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng… Tôi xin chân thành chúc nhân dân Mỹ thu được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho hoà bình và tiến bộ”[21].
Ngày 7.5.1964, khi trả lời nữ phóng viên Pháp Đanien Huynơben với câu hỏi “Cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam có tác động gì tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?”, Người nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nửa nước chúng tôi đang bị đế quốc Mỹ xâm lược. Chúng tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống nhân dân miền Nam Việt Nam. Mười nǎm qua, Mỹ và bọn tay sai phá hoại trắng trợn Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Đông Dương, đã gây ra ở miền Nam Việt Nam những tội ác không kể xiết. Cũng như nhân dân Pháp trước đây cǎm thù phát xít Đức giày xéo lên đất nước mình, nhân dân cả nước chúng tôi ngày nay vô cùng cǎm giận đế quốc Mỹ tàn bạo. Nhân dân miền Nam Việt Nam buộc phải đứng lên cầm vũ khí để tự vệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của nhân dân miền Bắc là phải hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa đó. Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam đe doạ nghiêm trọng lao động hoà bình của nhân dân miền Bắc. Vì vậy chúng tôi luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai khiêu khích và phá hoại công cuộc xây dựng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”[22]. Và khi nhà báo này “Xin Chủ tịch nhắc lại quá trình đấu tranh của Ngài và qua đó nêu lên sự tiến triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?”, Người chia sẻ: “Trước đây tôi hoạt động cách mạng, bây giờ tôi vẫn phục vụ cách mạng và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Nguyện vọng của tôi cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tǎng cường đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa và giữ gìn hoà bình lâu dài trên thế giới”[23].
Suốt đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc. Bác nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Miền Nam chưa giải phóng, Bác coi là chưa làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, khi được tin kỳ họp VI, Quốc hội khoá II (5.1963) quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của nước ta, Bác nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ra sẽ sung sướng, vui mừng”.
Nhân dịp kỷ niệm 50 nǎm Cách mạng tháng Mười vĩ đại, Đảng, Chính phủ Liên Xô quyết định trao tặng Bác Huân chương Lenin – Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, Bác cũng đề nghị Đảng, Chính phủ Liên Xô hoãn việc trao Huân chương đó, chờ đến ngày đất nước ta hoàn toàn độc lập, Bác thay mặt đồng bào cả nước nhận Huân chương cao quý đó.
Có thể thấy, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong Bác đã trở thành một yếu cầu bức xúc, một khát vọng lớn lao, nỗi lo canh cánh trong lòng người lãnh tụ suốt đời vì dân vì nước. Điều đó đi vào trong cả giấc ngủ của Người, trong cả những lúc Người làm thơ chúc tết đồng bào cả nước.
Giao thừa giữa năm cũ Canh Tý sang năm mới Tân Sửu (1961), qua đài Tiếng nói Việt Nam, Bác chúc tết đồng bào cả nước với tâm trạng phấn chấn, bởi “Năm mới đang mở ra trước mắt chúng ta một quang cảnh vô cùng mới mẻ, huy hoàng”. Bác hy vọng, “năm con Trâu” toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì “chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Cuối thư, Bác có mấy vần thơ:
Mừng năm mới, mừng xuân mới,
Mừng Việt Nam, mừng thế giới!
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,
Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi.
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua;
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hoà bình thống nhất thành công!
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!
“Miền Bắc hăng hái thi đua”, “miền Nam đoàn kết tiến tới” thì “hòa bình thống nhất thành công”. Những lời chúc, là lời khẳng định mang tính quy luật. Nhân dân hai miền Nam Bắc đoàn kết thi đua, chung sức chung lòng sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đánh thắng kẻ thù, để giành lấy độc lập, thống nhất quốc gia, nhất là khi có sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn năm châu.
Năm 1961, năm đầu tiên miền Bắc thực hiện kế họach 5 năm lần thứ nhất với những thành tựu rực rỡ, nhưng cũng chính năm này, Mỹ triển khai chiến lược Chiến tranh đặc biệt, khiến mọi người lo lắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đau đáu nỗi lo nhân dân miền Nam tang thương, chết chóc vì bom đạn Mỹ. Phải nhanh chóng thống nhất đất nước, và nếu được bằng con đường thương lượng giữa đại diện hai miền Nam Bắc. Với tinh thần đó, ngày mồng 1 tết dương lịch 1962, Bác gửi lời chúc mừng năm mới tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó Người nói rõ: “Chúng ta luôn luôn chủ trương rằng: Thống nhất nước Việt Nam là sự nghiệp thiêng liêng của toàn dân Việt Nam. Đại diện của hai miền có thể gặp nhau, cùng nhau bàn bạc, tìm con đường tốt nhất để hoà bình thống nhất Tổ quốc, trên cơ sở độc lập, dân chủ như Hiệp định Giơnevơ đã quy định”.
Một hình ảnh hết sức xúc động vào sáng mồng Hai Tết (6.2.1962), trên đường xuống Hải Phòng, Bác thăm và chúc tết các cháu trường học sinh miền Nam. Khi xem các cháu biểu diễn văn nghệ, Bác đã cầm đàn ghi ta và bắt nhịp cho các cháu hát bài Giải phóng miền Nam.
Khát vọng hòa bình, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong Bác cứ dâng tràn, ngày mỗi thống thiết hơn. Giao thừa năm Quý Mão (1963), Bác đọc Thư chúc tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Giọng Bác vui hẳn lên khi nói về sự thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhưng giọng Bác bỗng chùng xuống khi nhắc đến miền Nam, bởi như Bác nói : “Trong khi ở miền Bắc, chúng ta vui vẻ ăn Tết, lòng chúng ta vẫn luôn luôn ở bên cạnh đồng bào miền Nam đang đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng chống chế độ bạo tàn của Mỹ – Diệm. Càng thương đồng bào miền Nam, chúng ta càng phải lao động cần cù, phấn đấu hăng hái hơn nữa cho Bắc Nam mau được sum họp một nhà”. Và Người khẳng định chân lý:
“Nước Việt Nam ta là một,
Dân tộc Việt Nam ta là một.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.
Lời kết, Bác chúc: “Chúng ta cùng nhau: Mừng năm mới, Cố gắng mới, Tiến bộ mới, Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”[24].
Từ năm 1965, dù Mỹ chủ động leo thang phá hoại miền Bắc hòng dập tắt ý chí chiến đấu của quân và dân Việt Nam, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vững lập trường của mình.
Trả lời tờ Nhật báo công nhân (Anh) (1965), Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Nhân dân cả nước chúng tôi đều có nghĩa vụ chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc”[25].
Trước hành động leo thang xâm lược hết sức tàn bạo của đế quốc Mỹ, để vận động và khẳng định quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống để quốc Mỹ, tháng 7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ rằng, “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[26].
Miền Nam chiến đấu ngoan cường, hy sinh gian khổ. Nỗi đau và tấm lòng của Bác trước sự hy sinh của đồng bào miền Nam đã làm cho mấy chục triệu con tim miền Bắc sục sôi. Bác kêu gọi đồng bào miền Bắc phải hướng về miền Nam, phải góp phần xứng đáng vì miền Nam ruột thịt. Lớp lớp thanh niên miền Bắc nô nức lên đường “xẻ dọc Trường Sơn” vào Nam đánh Mỹ; phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ; phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, nông thôn thi đua “chắc tay súng, vững tay cày”, đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,… Công trường, nhà máy làm việc ba ca; những đoàn xe hối hả ngày đêm, nối đuôi nhau ra tiền tuyến,… góp phần làm nên thắng lợi.
Vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, bằng nhãn quan chính trị và sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã huỷ diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Và quả thật, Mỹ đã phải chấp nhận ký Hiệp định Paris, rút quân về nước sau khi đã “thua trên bầu trời Hà Nội”.
Những năm cuối đời, mặc dù ốm nặng nhưng mỗi khi tỉnh dậy Bác lại hỏi về tình hình miền Nam. Bác rất vui khi miền Nam thắng lớn. Những ngày đầu năm 1969, khi sức khỏe đã không còn tốt nữa, Bác vẫn gửi gắm lòng khát khao mong mỏi đến đồng bào cả nước qua bài thơ chúc Tết với một tình cảm thiết tha, một niềm tin mãnh liệt:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to,
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào,
Bắc, Nam sum họp, xuân nào, vui hơn!
Mấy câu thơ như một “lời hịch” của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. “Mỹ cút”, tất yếu “ngụy” phải nhào, ngày 30.4.1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước trở lại thanh bình và giang sơn thu về một mối, dưới suối vàng hẳn Bác cũng thỏa ước mong.
Thay lời kết
Trong trái tim vĩ đại của Hồ Chí Minh luôn rực sáng lên một chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Nó như một bản tuyên ngôn bất hủ của ngàn đời và là thông điệp mà Người gửi đến muôn sau. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Nước nhà chưa độc lập, Nam – Bắc chưa sum họp một nhà, khiến lòng Bác quặn đau.
Cho đến cuối đời Bác vẫn đau đáu một điều làm sao cho miền Nam giải phóng, cho nước nhà thống nhất. Đó là mong mỏi, khát khao của một con người suốt đời vì dân vì nước. Sự nghiệp của Người lấp lánh ánh hào quang của dân tộc và thời đại, vậy mà Bác không nhận bất cứ tấm huân chương cao quý nào, bởi như ta biết, tấm huân chương cao quý nhất mà Bác mong đợi đã được nhân dân cả nước Việt Nam trao cho Bác “trong ngày vui đại thắng”.
[1] Ngày 20.12.1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do giáo sư Nguyễn Vǎn Hiếu dẫn đầu ra thǎm miền Bắc được gặp Bác. Bác đặt bàn tay lên ngực trái và cảm động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, tập 4, Hà Nội, 2011, tr. 280.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 469 – 470.
[4] Những câu chuyện kể về Bác Hồ – Kỳ cuối, theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn. Nguồn: http://www.lamdong.gov.vn
[5] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1994, tr. 44.
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 64.
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 187.
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 12.
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 532.
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 245.
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 281.
[12] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 37.
[13] Báo Nhân dân số 669 ngày 1-1-1956.
[14] Báo Nhân dân, số 669, ngày 1-1-1956.
[15] Báo Nhân dân số 670 ngày 2-1-1956.
[16] Những dự báo thiên tài của Bác Hồ. Nguồn: http://doankhoiccq.laocai.gov.vn, cập nhật ngày 21.4.2015.
[17] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 676.
[18] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 626.
[19] Phóng viên của tuần báo Mỹ Người bảo vệ dân tộc và tuần báo Cách mạng châu Phi.
[20] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 146.
[21] Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo W.Bớcsét, Dẫn theo http://baotanghochiminh.vn cập nhật ngày 14.11.2012.
[22] Báo Nhân dân, số 3724, ngày 10.6.1964; Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 321 – 322.
[23] Báo Nhân dân, số 3724, ngày 10.6.1964; Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 321 – 322.
[24] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 11 – 12.
[25] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 564.
[26] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 131.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch