HỒ SƠ PHÔNG PHỦ THỐNG ĐỐC NAM KỲ MỘT NGUỒN SỬ LIỆU QUÍ

TS. Trần Thị Nhung*

 

  1. Chính phủ dân sự của Pháp ở Nam Kỳ được thành lập vào năm 1879, với Thống đốc dân sự đầu tiên là ông Le Myre de Vilers. Tuy nhiên trước đó từ năm 1858, Nam Bộ đã đặt dưới sự cai trị của các Thống đốc quân sự. Vì vậy, có thể nói cơ quan Thống đốc Nam Kỳ đã hình thành và hoạt động từ khi Pháp bắt đầu xâm lược Nam Bộ cho đến năm 1945, khi cuộc cách mạng tháng Tám ở Việt Nam lật đổ các tổ chức, thể chế chính quyển của chế độ thực dân. Trong suốt gần 90 năm ấy, cơ quan này đã hoạt động liên tục để quản lý toàn bộ vùng Nam Kỳ với chế độ thuộc địa trực thuộc nước Pháp. Vì vậy, có thể nói Hồ sơ lưu trữ của Phủ Thống đốc đã chứa đựng nhiều tư liệu về các quá trình Pháp xâm chiếm vùng đất này bằng quân sự và bằng ngoại giao, việc tổ chức hành chính và chính quyền các cấp, các hoạt động quản lý kinh tế – xã hội và việc khai mở Nam Kỳ theo hướng hiện đại, các hoạt động trấn áp phong trào yêu nước của người Việt diễn ra trong vùng… Với tư liệu bao gồm mọi lĩnh vực như vậy, đương nhiên các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt những người nghiên cứu lịch sử có thể tìm thấy ở đây những tư liệu quí về Nam Bộ thời thuộc Pháp. Nếu là người Việt Nam và đang sinh sống tại Việt Nam, bạn khó có thể tìm thấy ở đâu nhiều tư liệu gốc hơn và dễ dàng hơn ở Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ trong Trung tâm lưu trữ quốc gia II tại TP Hồ Chí Minh.
  2. Trong lịch sử hơn 300 năm của Nam Bộ, gần1/3 thời gian đó Nam Bộ nằm dưới sự đô hộ của người Pháp. Đó là khoảng thời gian đáng kể, đủ để lưu dấu ấn sâu sắc của người Pháp ở mảnh đất này. Hay nói cách khác, lịch sử Nam Bộ thời kỳ “hậu thuộc địa” vẫn còn lưu giữ nhiều ảnh hưởng của những năm thuộc Pháp, từ quân sự (chiến tranh) cho đến kinh tế, văn hóa, xã hội. Đâu đó vẫn bàng bạc những dấu ấn Pháp, từ các công trình kiến trúc, tên gọi một số địa danh, cho đến lối xưng hô, ứng xử của những người sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ những năm 40 – 50 của thế kỷ XX trở về trước. Nói vậy để thấy, việc nghiên cứu Nam Bộ trong những năm thời thuộc Pháp là rất quan trọng, giúp chúng ta có thể hiểu biết chi tiết hơn, đúng đắn hơn về lịch sử cũng như hiện tại của Nam Bộ. Nhưng đáng tiếc là vì nhiều lý do, cho đến giờ những nghiên cứu về Nam Bộ thời thuộc Pháp vẫn còn nhiều mảng trống hoặc chưa rõ ràng. Ví dụ: vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) thời Pháp thuộc; vấn đề xây dựng hạ tầng cơ sở ở các thành phố lớn và trong toàn vùng Nam Bộ; vấn đề di dân, di cư và sự hình thành các cộng đồng; vấn đề giáo dục các cấp thời thuộc Pháp; vấn đề quản lý biển đảo; chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và những di sản để lại… Đó chỉ là vài ví dụ về những mảng còn ít được nghiên cứu ở Nam Bộ. Có lẽ còn nhiều vấn đề khác nữa mà tôi chưa tìm hiểu hết. Nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy là khoảng trống trong nghiên cứu về Nam Bộ thời kỳ thuộc Pháp còn khá nhiều, và đều là những vấn đề khá quan trọng, cần thiết cho hiện nay. Vì vậy, các tài liệu ở Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ có thể là những tư liệu quí giá để các nhà nghiên cứu sử dụng nhằm bồi lấp những khoảng trống đáng tiếc trên.
  3. Nhìn lại lịch sử tạo lập và phát triển của vùng đất Nam Bộ, chúng ta đều nhận thấy có những nét riêng so với lịch sử chung của đất nước Việt Nam. Nét riêng đó bắt đầu định hình từ khi Nam Bộ được các chúa Nguyễn và lưu dân Việt đến khai mở, rồi trở thành một phần của xứ Đàng Trong. Nét riêng biệt đó tiếp tục phát triển sau khi Pháp xâm lược Việt Nam và chiếm Nam Bộ đầu tiên, rồi biến Nam Bộ thành đất “trực trị” của Pháp. Việc Pháp chọn Nam Bộ là đất “thuộc địa” có nhiều lý do (về kinh tế, về chính trị), nhưng có một lý do (kế thừa một đặc điểm riêng của Nam Bộ), rằng đây là vùng đất mới, hòa trộn nhiều tộc người, có thể dễ dàng tiếp thu sự có mặt và văn hóa của người Pháp. Dù vì lý do gì thì người Pháp đã tiếp tục khiến Nam Bộ phát triển theo con đường riêng, làm đậm nét thêm sự khác biệt của Nam Bộ với phần còn lại của Việt Nam. Trong những năm thuộc Pháp, Nam Bộ được cai trị bởi những chính sách riêng, khác với miền Trung và miền Bắc là đất được Pháp “bảo hộ”. Chẳng hạn ở Nam Bộ chỉ có bộ máy chính quyền của người Pháp, không có vua và quan lại; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và liên lạc; mở mang khai phá đồng bằng sông Cửu Long; phát triển kinh tế đồn điền và điền chủ, chuyên canh cây lúa và cây cao su; phát triển mạnh ngoại thương; nhà nước bãi bỏ chữ Nho, mở các trường học công lập dạy tiếng Pháp và chữ quốc ngữ (bao cấp hoàn toàn) để “khai hóa” dân chúng ở các tỉnh và thành phố; công dân Nam Kỳ có thể được nhập quốc tịch Pháp; quyền tự do dân chủ và hoạt động báo chí được cho phép ở mức độ nhất định…. Và còn rất nhiều những chính sách cũng như các biện pháp đã được chính quyền Pháp thực hiện ở Nam Bộ thời kỳ này, nhưng chúng ta thực sự còn nghiên cứu rất ít. Vì vậy, muốn hiểu thêm về nguồn gốc dẫn đến số phận lịch sử đặc biệt của Nam Bộ thì cần phải tiếp tục nghiên cứu khoảng thời gian Nam Bộ thuộc Pháp, đặc biệt là các chính sách của chính quyền Pháp ở thuộc địa lúc bấy giờ, đứng đầu là Phủ Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn (trụ sở đặt tại dinh Norodom, nay thuộc khu vực dinh Thống Nhất).
  4. Người Pháp thực hiện rất tốt công tác lưu trữ văn bản, dù chỉ là tài liệu tại một xứ thuộc địa, không phải tại chính quốc, điều này có thể thấy ở các hồ sơ của Phủ Thống đốc Nam Kỳ còn lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Và cũng nói thêm là hồ sơ này không chỉ bao gồm những tư liệu về Nam Bộ, mà còn cả về phía ngoài miền Trung. Sở dĩ có thể nói vậy vì tôi đã có hai lần tìm kiếm tư liệu ở Phông hồ sơ này.

Lần thứ nhất, cách đây khoảng gần 30 năm, tôi có một nghiên cứu về Đường số 9, là con đường từ Quảng Trị (Việt Nam) sang Savanakhet (Lào), vì vậy tôi cần tìm những tư liệu liên quan. Do đường số 9 được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, nên lúc ấy tôi rất ít hy vọng có thể tìm được tư liệu nào về nó. Tuy nhiên, bất ngờ là khi vào xem các tài liệu lưu trữ từ thời Pháp thuộc tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II (lúc đó còn gọi là Kho lưu trữ Trung ương), tôi đã tìm thấy khá nhiều tài liệu có liên quan đến đường số 9. Trong số đó có một hồ sơ về việc xây dựng đồn Lao Bảo trên đường 9, nơi cửa khẩu biên giới Việt Nam –  Lào. Khi lật giở xem các trang, tôi ngạc nhiên là sau gần 2/3 thế kỷ, hồ sơ vẫn còn đầy đủ và nguyên vẹn với một bản vẽ rất chi tiết về các hạng mục, bản tường trình các loại vật liệu, giá cả, bản báo cáo quá trình xây dựng… Đồn Lao Bảo theo hồ sơ chỉ là một đồn rất nhỏ, vật liệu xây dựng chủ yếu là tranh tre, không có vẻ qui mô và quan trọng, nhưng hồ sơ về nó vẫn được làm rất tỉ mỉ và được lưu trữ cẩn thận. Có lẽ người thực hiện việc lưu cất hồ sơ này không hình dung được 70 năm sau, có người đã xem lại tài liệu này và rất cảm động, vì có thể giúp hình dung ra nhiều vấn đề có liên quan đến đường số 9. Từ hồ sơ này, tôi suy ra có thể tìm được trong các hồ sơ lưu trữ từ thời Pháp rất nhiều tư liệu cụ thể, chi tiết về mọi công việc mà chính quyền thuộc địa đã làm ở miền Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng.

Lần thứ hai tôi tìm kiếm tư liệu ở Phông hồ sơ Phủ Thống đốc Nam Kỳ là cách đây vài năm, khi tìm hiểu về những năm nhà cách mạng Trần Văn Giàu bị giam giữ ở Tà Lài (1940 – 1941). Mặc dù trong hồi ký của ông và vài người có nói về nhà giam này, nhưng để hiểu rõ hơn, tôi tìm thêm trong hồ sơ của chính quyền Pháp. Từ kinh nghiệm lần trước, tôi nghĩ mình có thể có được một số tư liệu cụ thể hơn về trại tù này. Quả nhiên vậy, tôi đã tìm được một số tư liệu cho thấy số lượng tù nhân, kinh phí cấp dưỡng trại và một số văn bản về việc thành lập cũng như giải thể trại, chuyển tù nhân sang trại giam ở núi Bà Rá (Bình Phước)… Với số tư liệu không nhiều lắm nhưng khá cụ thể này, tôi đã có thể hoàn thành bài viết về một giai đoạn còn ít được biết đến của giáo sư Trần Văn Giàu.

Số lần tôi tìm kiếm tư liệu ở Phông hồ sơ Phủ Thống đốc Nam Kỳ không nhiều, do hạn chế về tiếng Pháp. Tuy nhiên qua hai lần tìm kiếm tư liệu tại đây, tôi thấy người Pháp đã lưu trữ khá cẩn thận hồ sơ về mọi hoạt động quản lý, dù chỉ là những việc nhỏ. Các tư liệu lưu trữ không chỉ gồm các báo cáo sự kiện chung chung, mà còn kèm theo rất nhiều chứng từ, số liệu, bản vẽ, bản đồ cụ thể… Điều này là rất quan trọng đối với người nghiên cứu vì có thể giúp hình dung và mô tả các sự việc một cách chi tiết và trung thực. Cho nên, có thể nói Hồ sơ Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ thực sự là một nguồn tư liệu quí giá cho các nhà nghiên cứu sử học và các ngành học khác

Mặc dù phông hồ sơ này quí giá như vậy, nhưng tôi e là các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa khai thác nhiều. Một phần có thể do nhiều người chưa nghe hoặc chưa biết đến tiềm năng của nó. Nhưng lý do quan trọng hơn có lẽ là vì sau khi một thế hệ lớn tuổi biết tiếng Pháp đã ra đi, hiện nay số người biết đọc tiếng Pháp rất ít. Vì vậy, đề nghị Trung tâm lưu trữ quốc gia II có những biện pháp quảng bá thêm về giá trị của phông hồ sơ này. Trung tâm cũng không nên chỉ giới thiệu chung chung, mà có lẽ cần ra những cuốn sách giới thiệu tư liệu cụ thể nhân các sự kiện kỷ niệm, hoặc theo các chủ đề quan trọng với thời cuộc, chẳng hạn như về Nam kỳ khởi nghĩa, về chế độ ruộng đất hay về quản lý biển đảo… Những năm gần đây, Trung tâm đã xuất bản nhiều cuốn tư liệu của phông tài liệu tiếng Anh và tiếng Việt, sắp tới chúng tôi mong cũng có những cuốn sách như vậy cho phông tiếng Pháp. Được như vậy, những người nghiên cứu chúng tôi sẽ có thêm sự hỗ trợ tốt về tư liệu thời kỳ Pháp thuộc, một mảng tư liệu đang rất cần được bổ khuyết hiện nay.

* Tạp chí Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại Tp HCM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *