Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt lịch sử trong tiến trình lịch sử Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ thực dân Pháp áp đặt trên nhân dân Việt Nam; chấm dứt thời kỳ dài dưới chế độ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành người lãnh đạo đất nước Việt Nam.
Từ những ngày đầu thành lập, Đảng đã tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, đoàn kết toàn dân thông qua các hình thức tuyên truyền cách mạng, trong đó đặc biệt có hình thức truyền thống rất quan trọng đó là sử dụng truyền đơn. Cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong suốt 15 năm (1930-1945), cùng với báo chí bí mật, truyền đơn cách mạng giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng theo Đảng, đấu tranh chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến tay sai, giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Truyền đơn là cách thức tuyên truyền chính trị được tổ chức từ thời xưa, nhưng chỉ có những chiến sĩ cộng sản, những người làm cách mạng mới là những người sử dụng nhiều, biết phát huy hiệu quả nhất thứ vũ khí lợi hại này.
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ) tổ chức Triển lãm với chủ đề “Tuyên truyền cách mạng trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”.
Đây là một cuộc triển lãm tài liệu lưu trữ dưới hình thức các truyền đơn – là một trong những hoạt động chuẩn bị của Đảng Cộng sản Đông Dương đưa tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 160 phiên bản tài liệu đưa ra trưng bày tại cuộc triển lãm này, bao gồm chủ yếu là truyền đơn, một số báo chí cách mạng, ấn phẩm của Đảng và một số công văn, báo cáo mật của chính quyền thực dân Pháp về hoạt động tuyên truyền của các tổ chức cộng sản, các tổ chức của Đảng. Dựa trên những tài liệu trưng bày ấy, có thể khái quát hoạt động tuyên truyền của các tổ chức cộng sản và của Đảng Cộng sản Đông Dương theo từng giai đoạn lịch sử như: giai đoạn tuyên truyền thành lập Đảng Cộng sản– những năm trước 1930; giai đoạn sau thành lập Đảng cho tới năm 1935; phong trào dân tộc dân chủ 1936-1939 và phong trào giải phóng dân tộc – thời kỳ tiền khởi nghĩa 1939-1945.
Giai đoạn trước năm 1930, phong trào công nhân và phong trào yêu nước theo xu hướng cộng sản đã bắt đầu lan rộng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất của một chính đảng. Vì thế, các nhà lãnh đạo cách mạng đã ý thức được sự cần thiết phải hợp nhất các tổ chức Đảng thành một Đảng Cộng sản duy nhất nhằm thống nhất về tư tưởng chính trị và đường lối hành động của phong trào cách mạng cả nước.
Một trong những tài liệu phản ánh xu hướng và tính tất yếu phải hợp nhất các tổ chức đảng thành một Đảng duy nhất là sơ đồ tổ chức của Đông Dương cộng sản Đảng. Đặc biệt hơn nữa là Tuyên ngôn ngày 01/06/1929 của các đại biểu ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội nêu rõ yêu cầu phải tổ chức ngay Đảng cộng sản để dẫn dắt giai cấp vô sản làm cách mạng. Cùng với hoạt động tiến tới thống nhất các tổ chức thành Đảng Cộng sản duy nhất, hoạt động tuyên truyền vạch trần tội ác của thực dân Pháp và cổ động các tầng lớp nhân dân bị áp bức đoàn kết đấu tranh tự giải phóng cho mình.
Sơ đồ tổ chức của Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929, kèm báo cáo ngày 19/11/1929 của Nha Cảnh sát và An ninh Đông Dương về hoạt động của các tổ chức chống Pháp[i]
Sau khi thống nhất (3/2/1930), Đảng Cộng sản Đông Dương giương cao ngọn cờ đấu tranh cách mạng theo xu hướng cộng sản khi mà kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng (1929-1933). Cuộc khủng hoảng đó đã tác động nặng nề đến tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam. Đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động hết sức điêu đứng. Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, phát động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống đế quốc, giành ruộng đất dưới nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình, bãi công, báo chí bí mật, và rải truyền đơn.
Các truyền đơn thể hiện tình trạng thống khổ của nhân dân Đông Dương và sự áp bức bóc lột cực kỳ tàn bạo của thực dân Pháp như: “…hiện nay ở Đông Dương, đế quốc chủ nghĩa Pháp đã thẳng tay bắn giết chúng ta, dùng võ lực cưỡng bách dân cày” [ii] và Đảng Cộng sản Đông Dương đã kêu gọi nhân dân hãy “…anh chị em chúng ta ở Đông Dương hãy tranh đấu cho kịch liệt hơn và lang [lan] rộng khắp các nơi để chống lại chánh sách cưỡng bách đầu thú và chủ nghĩa cải lương đề huề, phản cách mạng…”[iii].
Các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức diễn ra nhiều nơi, mà đỉnh cao của phong cào cách mạng 1930-1935 là cao trào Xô Viết Nghệ Tính (1930-1931). Tuy nhiên, sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp thực hiện khủng bố tàn bạo làm cho phong trò cách mạng tạm lắng xuống. Cuối năm năm 1934 đầu năm 1935, hệ thống cơ sở của Đảng trong cả nước được khôi phục.
Truyền đơn của Nam Kỳ Xứ Ủy rải tại Trà Vinh, đính kèm Công văn số No 66-G ngày 06/5/1931[i]
Giai đoạn 1936-1939, tình hình chính trị trên thế giới đã có nhiều biến chuyển sâu sắc. Các đảng cộng sản ở một số nước đã ra sức đấu tranh thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống chủ nghĩa phát xít. Mặt trận Bình dân Pháp thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp (5/1936) và thành lập chính phủ Léon Blum (4/6/1936), là cơ hội để Đảng Cộng sản Đông Dương tích cực trong cuộc vận động dân tộc dân chủ nhằm phát triển lực lượng cách mạng và lực lượng nòng cốt chuẩn bị về nhân sự cho cuộc Tổng khởi nghĩa khi có thời cơ. Tài liệu của Nha Cảnh sát Đông Dương đã tổng hợp: “người ta nhớ lại rằng, vào thời gian đầu thời kỳ này, Chính phủ Pháp đã thông báo gửi một ủy ban điều tra nhu cầu dân chúng bản địa đến Nam kỳ. Thông tin này đã trở thành cái cớ cho Đảng Cộng sản Đông Dương chuẩn bị, trong hơn một năm, tổ chức Đại hội Đông Dương. Đại hội có nhiệm vụ viết bản thỉnh nguyện và gửi Ủy ban điều tra. Một vài ủy ban trong số 1.500 ủy ban hành động, các hội ái hữu, các nghiệp đoàn công nhân và nông dân được thành lập nhân dịp này, đã tiếp đón (chỉ sau một thời gian ngắn được thành lập) một vị thánh “truyền giáo” tối cao như ông Justin Godard và đại biểu Đảng Cộng sản Maurice Honel, mà chuyến đi của họ đến Nam kỳ đã trở thành cái lý do để dân chúng biểu tình và mở rộng tuyển chọn cộng sản”[ii].
Mặc dù, năm 1937, nhiều tổ chức và Ủy ban hành động bị thực dân Pháp giải tán và từ năm 1938 thực dân Pháp truy lùng ráo riết các cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhưng “việc tuyên truyền không dừng lại này đã gặt hái được nhiều thành quả và thu được một nguồn dự trữ dồi dào, cho phép Đảng Cộng sản Đông Dương nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong đội ngũ của đảng”[iii].
Truyền đơn của Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương thuộc Đảng Cộng Sản Đông Dương kêu gọi các tầng lớp đoàn kết chống đế quốc, đính kèm Công văn số N0 264/1 ngày 28/11/1939 của Chủ tỉnh Bạc Liêu[i].
Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và ngày càng lan rộng. Tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương đẩy nhân dân xứ thuộc địa này vào tình trạng khốn cùng hơn.
Ngay khi chiến tranh mới bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã rải một loạt truyền đơn thể hiện sự lên án gay gắt của mình đối với việc các đế quốc gây chiến, một trong số đó có truyền đơn rải ngày 18/9/1939 có đoạn: “đả đảo chiến tranh đế quốc, đả đảo bọn đệ tam phản bội”[ii], đồng thời Đảng kêu gọi sự đoàn kết các tầng lớp trong một mặt trận “giai cấp trung gian mưu cùng với công – nông – binh để kiên cố “Mặt trận Thống nhất Phản đế” để tranh đấu đòi cho được Hòa bình, Cơm áo, Tự do” [iii].
Xác định mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược và tay sai vô cùng gay gắt, kẻ thù trước mắt của nhân dân Việt Nam là phát xít Nhật và đế quốc Pháp, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ cấp thiết là giải phóng dân tộc. Từ đó, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhằm tập hợp lực lượng dân tộc chống đế quốc, tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Chính vì chủ trương ấy, mà các truyền đơn thời kỳ này thường xuất hiện với chữ ký và đề tên Mặt trận phản đế Đông Dương, chẳng hạn truyền đơn kêu gọi “hỡi tất cả các dân tộc Đông Dương, hỡ tất cả anh chị em đồng bào, hỡi tất cả anh chị em binh linh, hỡi tất cả anh chị em”[iv] những người bị đế quốc, phát xít áp bức bóc lột mọi mặt hãy vùng lên. Trong tờ truyền đơn này, đầu trang có dòng chữ được gạch chân Đảng Cộng sản Đông Dương và phần ký tên ghi là Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương.
Tóm lại, nội dung của truyền đơn giai đoạn này phản ánh rõ nét ý chí quyết tâm giành độc lập cho dân tộc của Đảng và trở thành hồi còi thúc giục quần chúng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945.
Như vậy, các truyền đơn được viết tay và in ấn bằng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, với nội dung của các truyền đơn thay đổi theo sự phát triển của tiến trình cách mạng đã phản ánh các hoạt động tố cáo chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai, đồng thời kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh chống áp bức, phản đối chiến tranh, đánh đổ phong kiến và đế quốc thực dân để giành tự do, độc lập cho dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài ra còn có những truyền đơn tuyên truyền sự gắn kết cách mạng với phong trào cách mạng thế giới, tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của các ngày kỷ niệm lớn như: ngày Quốc tế Lao động (01/5), Cách mạng tháng 10 Nga (07/11)…
Cùng với các hình thức đấu tranh cách mạng khác thì hình thức tuyên truyền, vận động cách mạng bằng truyền đơn đã thu hút sự chú ý của quần chúng nhân dân, tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh ủng hộ cách mạng. Với thế hệ hôm nay, những tờ truyền đơn thực sự là minh chứng chân thực và qúy giá, kể về một thời kỳ đấu tranh gian khổ dành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vũ Văn Tâm
Nguồn: Tạp chí VTLT
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch