Khái lược về: Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước – qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn

A. CON ĐƯỜNG MANG TÊN BÁC

1. Đường “xuyên sơn Hồ Chí Minh”

Năm 1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo các điều khoản của Hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, 2 năm sau sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước dựng lên chính quyền tay sai, dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta.

Lên cầm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm tuyên bố không công nhận Hiệp định Genève, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử cũng như mọi đề nghị bình thường hóa quan hệ hai miền Nam – Bắc.

Thực hiện chia cắt lực lượng cách mạng 2 miền Nam – Bắc, từ năm 1955, ngụy quyền Sài Gòn huy động lực lượng biệt kích, thám báo, lần tìm dấu vết hệ thống đường mòn mà Đảng – nhà nước và nhân dân Việt Nam đã sử dụng để chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đến năm 1956, những báo cáo bước đầu của Nha Giám đốc An ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa đã cho thấy sự hiện diện của một hệ thống đường mòn mang tên Bác mà ngụy quyền Sài Gòn gọi là con đường “XUYÊN SƠN HỒ CHÍ MINH” hay “ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”([1]).

Theo các báo cáo này, “đường mòn Hồ Chí Minh” được thiết lập từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp nhưng đến cuối năm 1949 mới hoàn thành, là trục đường cho cán bộ “Quân chính và các đơn vị, đồng thời làm trục chuyển vận vũ khí, vật dụng, tài liệu quan trọng([2]) từ miền Bắc vào Nam (và ngược lại) nằm trên địa bàn các tỉnh miền Trung Việt Nam, có lộ trình:

Chạy dọc Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Ròn (Bắc tỉnh Quảng Bình) – xuyên qua vùng rừng núi phía Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên cho đến Nam Quảng Nam – theo Quốc lộ 1 từ Quảng Ngãi, Bình Định và một phần Phú Yên – qua vùng rừng núi của các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận([3]).

2. Xây dựng tuyến chi viện chiến lược (1959-1965)

Năm 1959, trước sự phát triển của cách mạng, chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh đàn áp, thực thi “quốc sách Tố cộng” với phương châm “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Diệm ban hành Luật 10/59, đặt “những người cộng sản” ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém khắp miền Nam, “tự do” truy lùng, khủng bố, bắt, giết, giam cầm hàng chục vạn quần chúng yêu nước và cán bộ, chiến sỹ cách mạng.

Từ thực tế phong trào cách mạng, tháng 1 năm 1959, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15, xác định rõ con đường cách mạng miền Nam: “là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Đồng thời đề ra nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam. Thi hành nhiệm vụ đề ra, tháng 5/1959, Tổng Quân ủy thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng. Cùng thời điểm trên, ở trong Nam, Xứ ủy Nam bộ cũng chỉ đạo các tỉnh tổ chức đội tuyên truyền vũ trang làm nhiệm vụ xoi đường, bắt liên lạc với đoàn cán bộ miền Bắc vào.

Đến năm 1960, với phương châm: “Tuyệt đối bí mật và an toàn tránh địch, lánh dân”, thực hiện khẩu hiệu “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, sau thời gian xoi đường, hai đoàn Nam – Bắc đã gặp nhau, chuyến hàng đầu tiên đã vào chiến trường miền Nam an toàn. Hành lang nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam được thông suốt. Hệ thống đường giao liên giữa các tỉnh, các vùng và các bưu trạm, căn cứ cũng được thiết lập thành hệ thống hành lang thống nhất, từ khu IV vào khu V, VI và Nam bộ.

Theo báo cáo của Phòng Nhì, Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, hành lanh trên bộ mang tên “hành lang Thống Nhất”, “chạy từ miền Bắc, dọc theo biên giới Lào – Việt vào miền Nam, đi sâu trong nội địa tới tận Cà Mau”. Trên hành lang này “cứ cách 1 ngày đường lại có trạm nghỉ chân cho cán bộ và cách 2,3 ngày đường lại có trạm tiếp tế”. Riêng tuyến trên biển, được thiết lập từ năm 1960, tiến dọc theo duyên hải vào sâu phía Nam, đổ bộ lên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận ở miền Trung và các tỉnh An Xuyên, Ba Xuyên, Vĩnh Bình, Kiến Hòa([4]) ở miền Tây Nam bộ bằng thuyền đánh cá hoặc tàu biển.

Đường Hồ Chí Minh trên bộ([5])

Gồm 2 cung đoạn:

  1. Từ Xuân Mai (Hà Đông) tới Vinh theo 2 hướng tới Tchépone dài 550-600km, đi mất 4-5 ngày bằng xe hơi:

+) Theo Quốc lộ 8 qua trạm Quan hệ Bắc Nam, qua Napé, xuống tới gần Tchépone.

+) Theo Quốc lộ 12 qua đèo Mụ Già,  qua Na-phao, xuống Tchépone.

  1. Từ Tchépone đi bộ xuống phía Nam qua Mương-nong – Tamprill (10 ngày).

+) Các Đoàn vào khu V, khu VI (miền Trung – Tây Nguyên) sẽ theo các lộ trình:

  1. Tamprill – Ayen – Bengiang: 15 ngày
  2. Tamprill – Mangkhel – Đỗ Xá: 37 ngày
  3. Tamprill – Van Tat – Konhannung: 60 ngày
  4. Tamprill – Bản Đôn – Chud’lcya: 75 ngày

+) Các Đoàn vào khu VII, khu VIII và khu IX (Nam bộ) sẽ theo lộ trình Tamprill – Bản Đôn – Chiến khu D (72 ngày), rồi từ Chiến khu D sẽ tới các đia phương.

Từ giữa năm 1962 trở đi, bên cạnh hệ thống đường, một hệ thống đường mới được xây dựng nằm sát biên giới Việt – Lào, có lộ trình:

Từ Xuân Mai qua Phủ Nho Quan (Ninh Bình) – Hà Trung – Cẩm Thủy – Bái Thượng – Như Xuân (Thanh Hóa) ra đến Quốc lộ 1, xe chạy về hướng Nam qua Phủ Diễn Châu – Vinh – Hà Tĩnh đến Đồng Hới. Qua Đồng Hới đến xã Mỹ Đức chạy theo đường đất đến Trạm 70 rồi đến chân núi 1001. (thời gian đi khoảng 4 ngày)

Từ đây Đoàn bắt đầu đi bộ qua chân núi đến Trạm 2 – Núi 800 – Trạm 4 qua Bến Hải đến Trạm 9 – vượt qua Quốc lộ 9 (cách Lao Bảo khoảng 10km). Sau đó, Đoàn tiếp tục qua các trạm giao liên đến Bắc An để về Quảng Nam, Quảng Tín.

Sau đó, đi cặp theo biên giới xuống vùng Vạn Tất (Kon Tum) để về các tỉnh Kon Tum – Pleiku – Darlac và vào thẳng Nam bo.

 Đường Hồ Chí Minh trên biển([6])

Hải trình trên biển được thiết lập theo 3 hình thức.

  1. Hợp pháp:

Các ghe, thuyền từ Cửa Thuận có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, tới hải phận tỉnh Thừa Thiên chạy và sinh hoạt theo hải trình của những thuyền đánh cá miền Nam (cách bờ biển khoảng 5km)

  1. Bán hợp pháp:

Thường đi vào tháng 11 âm lịch đến tháng 3 âm lịch, là mùa có gió thuận.

  1. Bất hợp pháp:

Là những tàu hay thuyền biển dùng để chở nhiều vũ khí, quân dụng,… thường chạy cách bờ biển khoảng 100km, trên hải phận quốc tế.

 Các bến đổ bộ vào  miền Nam([7])

1.     Từ biển Thừa Thiên đến Vũng Tàu 2.  Từ biển Vũng Tàu đến Hà Tiên
–          Vũng Chơn Mây

–          Tam Quan

–          Vũng Mu

–          Vũng Lá

–          Vũng Rô

–          Phía Đông bến Goi Bay

–          Phía Nam hòn Keo

–          Vĩnh Hy

–          Cửa sông

–          Cù lao Ré

–    Rạch Khâu Băng

–    Sông Bồ Đề

–    Rạch Gộc

–    Sông Đồng Cùng:

+) Soi Rạp

+) cửa Tiểu

+) Các cửa sông Cửu Long và Bassac

–    Vùng bờ biển Hà Tiên

 

B. MỞ RỘNG HÀNH LANG CHIẾN LƯỢC – TĂNG CƯỜNG CHI VIỆN, CHỐNG CHIẾN TRANH NGĂN CHẶN CỦA MỸ – NGỤY (1965-1975)

1. Mở rộng hành lang chiến lược – tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam

Trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền, cứu vãn thất bại của chiến tranh đặc biệt, từ năm 1965, chính phủ Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt, tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.

Đối phó âm mưu mới của Mỹ – ngụy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao khẩu hiệu: “tất cả cho tiền tuyến lớn, tất cả để chiến thắng”.

Thực hiện mục tiêu trên, hành lang chi viện cho chiến trường miền Nam được mở rộng, đặc biệt là sự xuất hiện của các tuyến chi viện bằng xe cơ giới. Từ năm 1967, trở đi hệ thống đường Hồ Chí Minh thực sự trở thành huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

Về tổ chức, Đoàn 599 – bí danh Đoàn Quang Trung, có nhiệm vụ chiến lược, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị phải trở thành “một Đoàn hậu cần chiến lược, chiến dịch và chiến đấu” với các nhiệm vụ của: “Một đội quân hậu cần chiến lược rất giỏi”; “Một đội quân sản xuất rất giỏi”; “Một đội quân chiến đấu rất giỏi”; “Một đội quân quốc tế giúp bạn rất giỏi”. Theo báo cáo của chính quyền Sài Gòn, giai đoạn 1965-1975, Đoàn có lực lượng trên 40 tiểu đoàn, bao gồm công binh, quân giới, phòng không, bộ binh, quân y, thông tin, hậu cần, dân công. Trong đó có 10 tiểu đoàn và 2 đại đội biệt lập cơ giới với hàng ngàn chiếc xe vận tải từ 2-4 tấn.

Cùng phối hợp với Đoàn 559, còn các đoàn Hậu cần R (hậu cần Trung ương Cục miền Nam), các khu và tỉnh, tạo thành một hệ thống thông suốt, thống nhất từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam.

Hệ thống đường sá cũng được nâng cấp gồm 5 loại: đường đất, đường trải đá, đường “rong đanh” (lát thân cây), đường ngầm và đường “Ghi” (lát bằng những tấm grille), đảm bảo cho xe cơ giới lưu thông ngày đêm. Đồng thời, trong giai đoạn này, nhiều lộ trình mới cũng được mở. Đặc biệt là hệ thống đường Sihanouk được mở từ cuối năm 1965, nối đường Hồ Chí Minh từ ngã ba biên giới (Việt – Lào – Campuchia) chạy dọc biên giới Campuchia đưa hàng vào miền Nam.

 Đường Hồ Chí Minh([8])

  1. “Đường Trục” – đường chính:

Từ Hà Tĩnh xuống Quảng Bình qua Binh trạm 1 (tại km số 50 Quảng Bình) qua Khe Rinh, qua Tây Bắc Bến Hải, qua Lào vào Quốc lộ 9 (Binh trạm 2) qua phà Thamé. Từ đây chia làm 2 ngả:

+) Một đường vào Khe Sanh, Rào Quán – Cà Lu

+) Một đường xuống Binh trạm 3 (trên đất  Lào, Tây Bắc Ashau) xuống Binh trạm 4 (Tây Ashau) vào Binh trạm 7 (tại thung lũng Ashau).

Từ Binh trạm 7 (Ashau) con đường chia làm các hướng:

+) Tiến về Huế (đường B73): Khởi hành từ Binh trạm 7 lên Kon Tum qua Tà Bạt đi Đông A Tây, lên phía Bắc, qua sông Bồ (sông Rào Nai) đến Binh trạm 8 chi viện cho Mặt trận Huế.

+) Đường đi Binh trạm 21 (dài 123 km): Từ Binh trạm 7 qua biên giới Lào, thẳng xuống Đông Đông Nam vào đất Quảng Nam, qua các trạm S9, 10, 11, 12,… xuống Binh trạm 21 tại Quốc lộ 14 (thuộc vùng Thượng Đức – Quảng Nam), chi viện cho Mặt trận B3 và khu V.

  1. Đường phụ:

+) Ngả Khe Sanh:

Từ Binh trạm 2 vào Quốc lộ 9, vòng trên phía Bắc Khe Sanh, đến sông Rào Quán, sang Cà Lu, xuống Kako (ranh giới giữa Quảng Trị – Thừa Thiên) vào A Lưới, xuống Tà Bạt, vào thung lũng Ashau (Binh trạm 7). Và một đường khác từ Kako đi Phong Điền qua động  Cô Tiên.

+) Ngả Nam Lao Bảo:

Từ Binh trạm 2, vòng xuống phía Nam Quốc lộ 9 với tới Quảng Trị, qua Tà Riệp, Tà Còng vào Kako, xuống A Lưới – Tà Bạt – Ashau.

  1. Trục qua Lào:

Hệ thống đường qua Lào được gọi là “Cụm C” nói với “Cụm B” (phía Việt Nam), qua Binh trạm 2 – “Binh trạm Vạn tấn” theo 2 lộ trình, một từ đèo Mụ Già xuống và một đường từ Binh trạm 1 qua Khe Rinh, qua Bản San, xuống Tchépone, tới Binh trạm 2 vào Quốc lộ 9.

Cùng với hệ thống các trục đường là hệ thống giao liên (còn gọi là “Đường giây”) đặt dọc đường trục (đường chính), có nhiệm vụ đón, đưa, tiếp nhận và dẫn đường cho cán bộ, chiến sỹ. Các trạm giao liên được tổ chức gồm Văn phòng, câu lạc bộ, nhà khách, có chỗ ăn ở trú ngụ và hầm trú ẩn. Bên cạnh còn có cơ sở hậu cần, chăn nuôi, trồng trọt để tự túc lương thực.

Cùng với các trạm là hệ thống các kho được đặt tên theo cây số, hoặc tên theo binh trạm và địa danh, có nhiều “lán” để trữ hàng. Mỗi lán có hầm sâu xuống đất. Đặc biệt còn có 1 số kho đào vào núi “từ sườn bên nọ sang sườn bên kia” để giấu hàng và xe.

  1. Đường qua Campuchia:

Gồm 10 lộ trình đường bộ và 2 thủy trình tiến vào miền Nam, được thiết lập dài theo biên giới Việt – Campuchia vào các tỉnh Kontum, Pleiku, Quảng Đức, Phước Long, Bình Long, Tây Ninh, Kiên Giang.

Đường bộ([9]):

  1. Đường mòn Sihanouk: xuất phát từ Stung Treng qua Siempang đến B. Tassaing vào vùng giáp biên giới Việt – Campuchia – Lào vào Kontum.
  2. Theo Quốc lộ 19 bis (Campuchia) hàng hóa được chở đến Tây biên giới Campuchia với tỉnh Pleiku, tại đây xe thồ và dân công sẽ đưa hàng vào miền Nam.
  3. Quảng Đức: hàng hóa được Đoàn 86 hậu cần R dùng các phương tiện cơ giới để đưa sâu vào miền Nam.
  4. Phước Long: đường Bù Gia Mập, khơi công thiết lập từ tháng 2/1966 đến tháng 12/1966, xuất phát từ đất Campuchia đến Bù Gia Mập chạy song song với Quốc lộ 4 qua sông Dak Hoyt về Phước Bình.
  5. Bình Long: do Đoàn vận tải 18 phụ trách đưa hàng từ biên giới Campuchia vào Bình Long.
  6. Tây Ninh: từ Minmốt (Campuchia) qua biên giới vào Kàtum và chiến khu Dương Minh Châu.
  7. Tây Ninh: theo Quốc lộ 22 qua Xamát vào Tây Ninh.
  8. Tây Ninh: đi ngang chợ trờ Gò Dầu Hạ qua khu vực Bavet.
  9. Tây Ninh: từ Campuchia vượt biên giới vào khu vực Lò Gò, xóm Giữa. Tại đây, các bộ phận chuyên chở của R sẽ chuyển hàng vào kho suối Dày và vùng bến Tha La.
  10. Kiên Giang: từ Kompot (Campuchia) hàng hóa được xe chở đến Kampong Trạch vượt biên giới, hàng sẽ được ghe máy chở vào mật khu Trà Tiên (Kiên Giang).

 Đường biển([10]):

  1. Từ hải phận Campuchia, dùng ghe máy hoặc tàu nhỏ qua đảo Phú Quốc đưa hàng vào Kiên Giang, An Xuyên.
  2. Dùng tàu theo dòng Cửu Long đến gần biên giới, chuyển hàng qua ghe nhỏ vào vùng Tân Châu (Châu Đốc), Hồng Ngự, đưa về tỉnh Tiền Giang.

2. Chiến tranh ngăn chặn của Mỹ – ngụy

Ngay từ những ngày đầu phát hiện sự hiện diện của hệ thống đường Hồ Chí Minh, Mỹ – ngụy đã tập trung rất nhiều sức lực và tiền của hòng ngăn chặn con đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Dưới thời Ngô Đình Diệm, ngụy quyền Sài Gòn ồ ạt triển khai các chiến dịch càn quét, đánh phá trên toàn miền Nam, mục tiêu là các căn cứ kháng chiến cũ. Với những vùng rừng núi, Diệm cho tung lực lượng thám báo, biệt kích dưới danh nghĩa các đại đội địa hình với nhiệm vụ đo vẽ bản đồ, nhưng thực chất là đi sâu vào các vùng rừng núi để tìm kiếm dấu vết, làm chỉ điểm cho không quân ném bom hệ thống đường mòn chi viện của cách mạng. Đồng thời, Diệm ban hành một loạt chính sách phong tỏa rừng và kiểm soát gắt gao sự đi lại của quần chúng.

Từ sau năm 1965, Mỹ – ngụy càng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngăn chặn, biến nó thành một cuộc chiến tranh ngăn chặn thật sự với sự có mặt của các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, khốc liệt nhất. Có thể kể đến hệ thống máy móc điện tử hướng dẫn máy bay ném bom, được gọi là hàng rào điện tử Mc. Namara, pháo đài bay B52. Các loại chất diệt cỏ, hay các chương trình, dự án tạo mưa, các chất hóa học tạo bùn,… được rải xuống dãy Trường Sơn để phá hủy tuyến đường.

Cùng với đó là các chiến dịch đánh phá bằng không quân, như chiến dịch Barrel Roll, chiến dịch Steel Tiger cuối năm 1964; chiến dịch Sấm Rền nén bom miền Bắc và Bắc Trung bộ từ ngày 20/3/1965,… Chỉ riêng hoạt động của B52, trong 3 năm 1967-1969, Mỹ – ngụy đã thực hiện 7.252 phi vụ với 1.117.881 tấn bom([11]).

Từ sau năm 1970, để ngăn chặn tuyến chi viện của cách mạng, Mỹ – ngụy đã tiến hành một cuộc chiến tranh ngăn chặn toàn diện, có hệ thống với sự hiện diện hầu hết các binh chủng. Bộ binh, thiết giáp với một loạt cuộc hành quân đổ bộ sang biên giới Việt – Campuchia, như: Bình Tây I triển khai ngày 5-5-1970 đánh vào biên giới Việt – Campuchia ở Pleiku; Toàn Thắng 42 triển khai ngày 29-4-1970 mục tiêu là là vùng biên giới tại Tây Ninh; Toàn Thắng 43 triển khai ngày 1-5-1970 vùng Bình Long, Phước Long; Cửu Long triển khai ngày 8-5-1970 ở vùng biên giới Mộc Hóa,… quy mô hơn cả là cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971.

Song song với các cuộc hành quân, Mỹ – ngụy huy động đến mức cao nhất hoạt động đánh phá của không quân. Đặc biệt trong năm 1972, Mỹ đã mang nhiều loại vũ khí và kỹ thuật tôi tân, lần đầu tiên được sử dụng, như máy bay F111, bom có đầu dẫn bằng tia lade, tên lửa điều khiển,… với cường độ lớn chưa từng có. Bình quân mỗi ngày có từ 300-500 lần máy bay cường kích, cùng hàng chục phi vụ B52 trút hàng ngàn tấn bom xuống Việt Nam.

Trong suốt quá trình hoạt động (1959-1975), đường Hồ Chí (trên bộ) đã chịu đựng trên 8 triệu tấn bom của Mỹ, trung bình, mỗi mét đường Trường Sơn chịu 5 quả bom. Mỹ – ngụy hy vọng với sức mạnh quân sự có thể đè bẹp hậu phương lớn miền Bắc và cắt đứt hành lang chi viện chiến lược của cách mạng.

Nhưng thực tế lịch sử đã có một “huyền thoại” về con đường mang tên Bác – đường Hồ Chí Minh. Vượt qua bom đạn và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã xây dựng hệ thống đường gồm:

– 16.700km đường cho xe cơ giới, xuyên cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Trên hệ thống này có 6 tuyến dọc dài 6.800km và 21 tuyến ngang dài 5.000km, 5.000km đường vòng tránh, trong đó có 800km đường kín, 1.500km đường trải đá, trên 200km đường nhựa;

– 3.000km đường giao liên (đường đi bộ);

– 1.445km đường ống dẫn xăng dầu;

– 600km đường sông([12]);…

Và vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, cùng hàng triệu lượt cán bộ, chiến sỹ vào Nam an toàn, kịp thời chi viện cho chiến trường, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.

Nguyễn Xuân Hoài – Hà Kim Phương

[1] Công văn số 03353/38/19/H/1/4/N ngày 5-11-1956 của Nha Giám đốc An ninh Quân đội Cộng hòa VN, hồ sơ 5479, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II.

[2] Công văn số 1190/V2CT/2/2/K ngày 30-1-1962 của Phòng 2, Bộ Tư lệnh Vùng II Chiến thuật VNCH về đường mòn Hồ Chí Minh, hồ sơ 7519, Phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II.

[3] Công văn số 1190/V2CT/2/2/K ngày 30-1-1962 của Phòng 2, Bộ Tư lệnh Vùng II Chiến thuật VNCH về đường mòn Hồ Chí Minh, hồ sơ 7519, Phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II.

[4] Công văn số 0236/TTM/2 ngày 21-2-1960 của Phòng Nhì, Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng VNCH, hồ sơ số 6262, Phông Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa, TT LTQG II.

[5] Phiếu trình số 01347/TTM/2/6 ngày 24-6-1963 của Phòng Nhì, Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng VNCH, hồ sơ 32159, Phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II.

[6] Bảng phân phối số 00274/TTM/2/TTOB/2 năm 1966 của Phòng Nhì, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH, hồ sơ số 15230, Phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II.

[7] Bảng phân phối số 00274/TTM/2/TTOB/2 năm 1966 của Phòng Nhì, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH, hồ sơ số 15230, Phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II.

[8] Bản phân tách số 1828/TTM/2 ngày 31-5-1968 của Phòng Nhì, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH, hồ sơ 16177, Phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II.

[9] Bản nghiên cứu đặc biệt (tối mật – khẩn) số 023/PTUTB/R/TU ngày 29-12-1967 của Phủ Đặc ủy Turng ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa, hồ sơ 627, Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II.

[10] Công văn (mật) số 2850/PTƯTB/R ngày 14-5-1965 của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa, hồ sơ 15232, Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II.

[11] Báo cáo hoạt động của B52 các năm 1967-1968, hồ sơ 16458, Phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II.

[12] Đặng Phong, 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb Tri Thức, HN-2008, tr. 119.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *