Triển lãm mang đến cho độc giả cái nhìn khái quát về lịch sử hình thành tỉnh Cao Bằng, về những dấu ấn đậm nét về lịch sử, văn hoá vùng đất biên cương của tổ quốc,
Trong không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng Lễ kỷ niệm 525 ngày thành lập tỉnh (1499-2024), 74 năm ngày giải phóng Cao Bằng (03/10/1950-03/10/2024), sáng ngày 01/10/2024, tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Lịch sử tỉnh Cao Bằng qua tài liệu lưu trữ”.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và Lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cắt băng khai mạc Triển lãm
Bà Nguyễn Lâm Thị Tú Anh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng phát biểu khai mạc Triển lãm.
Phát biểu tại triển lãm, bà Nguyễn Lâm Thị Tú Anh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, sự kiện thành lập tỉnh Cao Bằng năm 1499 có một ý nghĩa lịch sử to lớn, là bước ngoặt trong lịch sử tỉnh Cao Bằng. Việc thành lập tỉnh Cao Bằng cũng đã khẳng định trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cư dân Cao Bằng đã đoàn kết gắn bó xây dựng nên truyền thống, nền văn hoá đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, cốt cách Cao Bằng. Sự ra đời của tỉnh Cao Bằng là một tất yếu lịch sử, khẳng định tầm vóc, vị thế của một vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng; đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển mới với những thành tựu vô cùng vẻ vang.
Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, câu trích… được lựa chọn từ các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Cao Bằng và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong đó, triển lãm có nhiều hình ảnh, tài liệu lần đầu tiên được đưa ra giới thiệu, phác họa những nét cơ bản về bức tranh lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Cao Bằng như: tài liệu Châu bản, Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới…
Triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng là một hoạt động thiết thực, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đưa công chúng trở về với cội nguồn lịch sử, giúp công chúng có cái nhìn tổng thể, rõ nét hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng, hiểu thêm về dấu mốc thành lập tỉnh, những thay đổi lớn về địa giới hành chính tỉnh Cao Bằng.
Thông qua triển lãm sẽ giúp công chúng hiểu rõ thêm về vùng đất kiên cường trong chiến đấu, hăng hái trong lao động, tích cực trong phát triển kinh tế, cởi mở trong hội nhập quốc tế, kiên quyết trong bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; qua đó góp phần giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền thống tốt đẹp của mảnh đất, con người Cao Bằng, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu chào mừng tại khai mạc Triển lãm.
Phát biểu chào mừng khai mạc triển lãm, Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ hy vọng thông qua Triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, con người, non nước Cao Bằng đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội để Cao Bằng ngày càng phát triển toàn diện, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trao tặng khung chữ ký Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945-1969 cho Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng
Triển lãm bố cục gồm 3 phần:
Phần 1: Cao Bằng: Dấu ấn thành lập: Là vùng đất được biết đến từ rất sớm, từ thời đồ đá, Cao Bằng đã có người Việt cổ sinh sống. Vào thời Hùng Vương dựng nước, chia nước làm 15 bộ. Cao Bằng xưa thuộc bộ Vũ Định. Năm Bính Tuất (1466), Vua Lê Thánh Tông cho chia đặt các đạo thừa tuyên, Cao Bằng thuộc đạo thừa tuyên Thái Nguyên. Năm Kỷ Sửu (1469), Vua Lê Thánh Tông cho đổi thừa tuyên Thái Nguyên thành thừa tuyên Ninh Sóc, quản lĩnh 3 phủ, 8 huyện, 7 châu. Trong đó, Phủ Cao Bằng quản lĩnh 4 châu: Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm và Quảng Uyên. Đến năm 1499, nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất Cao Bằng, nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên để thành lập trấn Cao Bằng. Từ đó, Cao Bằng trở thành một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền Trung ương, là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Cao Bằng.
Phần 2: Những thay đổi lớn về địa giới hành chính: Trải qua 525 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều dấu ấn lịch sử, sau nhiều lần chia tách, sát nhập, thay đổi địa giới hành chính, Cao Bằng vẫn luôn giữ vai trò là một đơn vị hành chính có vị trí chiến lược trọng yếu về chính trị, quốc phòng – an ninh nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Trong một thời gian dài, từ khi thành lập Trấn Cao Bằng năm 1499 đến cuối thế kỷ XVIII, địa giới, đơn vị hành chính tỉnh cơ bản kế thừa của thời kỳ trước đó.
Dưới thời Nguyễn, vào năm 1831, Vua Minh Mạng chia định địa hạt các tỉnh trong cả nước. Theo đó, lập tỉnh Cao Bằng gồm 1 phủ Trùng Khánh và 4 châu là Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm. Những năm sau đó, các vị vua của triều Nguyễn đã thực hiện cải cách đổi các châu làm huyện, lập thêm phủ, bỏ chế độ thổ quan đặt lưu quan.
Đến thời Pháp thuộc, sau khi chiếm đóng, thực dân Pháp đã tổ chức lại các đơn vị hành chính tỉnh Cao Bằng, thành lập, thiết lập địa giới hành chính và ấn định các đơn vị hành chính của các Đạo quan binh là một đơn vị hành chính, quân sự nhằm cai trị, bóc lột sức lao động của nhân dân và khai thác tài nguyên thiên nhiên vùng đất Cao Bằng.
Từ năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Cao Bằng cùng nhân dân cả nước bước sang trang sử mới, xây dựng củng cố, bảo vệ chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Địa giới hành chính tính Cao Bằng qua nhiều lần tách, sáp nhật. Ngày 27/12/1975, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cao Bằng. Đến ngày 29/12/1978, tỉnh Cao Lạng lại được chia thành 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, tạo đà cho sự phát triển vững mạnh của tỉnh sau này.
Năm 2012, hành lập thành phố Cao Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Cao Bằng. Thành phố Cao Bằng có 10.762,81 ha diện tích tự nhiên và 84.421 nhân khẩu, 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 08 phường: Hợp Giang, Sông Bằng, Tân Giang, Sông Hiến, Đề Thám, Ngọc Xuân, Duyệt Trung, Hòa Chung và 03 xã: Chu Trinh, Hưng Đạo, Vĩnh Quang.
Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, hiện nay tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 09 huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình và Thành phố Cao Bằng. Toàn tỉnh có 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 40 xã, thị trấn biên giới.
Phần 3: Cao Bằng – Những chặng đường lịch sử: Với chặng đường 525 năm hình thành và phát triển, từ khi thành lập dưới sự trị vì của các triều đại phong kiến, trải qua thời Pháp thuộc và dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, trên con đường đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng – an ninh của Cao Bằng đã khắc hoạ những trang sử vẻ vang, hào hùng với những kết quả toàn diện trên mọi mặt luôn là niềm vinh dự và tự hào của người dân quê hương nơi địa đầu tổ quốc.
Ban Tổ chức hy vọng thông qua triển lãm, người xem sẽ có cái nhìn khái quát về lịch sử hình thành tỉnh Cao Bằng, về những dấu ấn đậm nét về lịch sử, văn hoá vùng đất biên cương của tổ quốc, từ đó hiểu thêm vai trò, vị trí quan trọng của tỉnh đối với sự phát triển của đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lãnh đạo, đại biểu tham quan Triển lãm
Một số hình ảnh tài liệu tại triển lãm.
Nguồn: luutru.gov.vn
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch