VÙNG ĐẤT BÌNH PHƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN 1858-1945
Ngày 2-2-1859, sau hơn 5 tháng bị sa lầy ở Đà Nẵng, Trung tướng Hải quân Pháp Rigault De Genouilly đưa hai phần ba quân số và 8 trong 14 chiến thuyền tại mặt trận Đà Nẵng, tiến vào Nam, âm mưu đánh chiếm Nam kỳ. Ngày 11-2-1859, quân Pháp tiến đến cửa biển Cần Giờ. Ngày 17-2-1859, sau khi hạ hết các pháo đài bảo vệ của triều đình nhà Nguyễn trên hai bờ sông, quân Pháp có mặt trước thành Gia Định. Sáng sớm cùng ngày, tướng Pháp De Genouilly cho đại bác trên các chiến thuyền bắn yểm trợ một cánh quân đổ bộ vào công phía Đông và nhanh chóng chiếm được thành Gia Định. Mặc dù chiếm được thành Gia Định, nhưng liên tục bị uy hiếp bởi phong trào kháng pháp của các nghĩa quân yêu nước, ngày 8-3-1859, quân Pháp buộc phải đốt thành Gia Định và rút về Đà Nẵng.
Trong khi đó, chủ trương cố thủ để hòa, vua Tự Đức chia Nam kỳ thành ba quận: quận Định Biên 2 tỉnh Gia Định và Biên Hòa; quân Long Tường 2 tỉnh Vĩnh Long và Định Tường; quận An Hà 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên. Mỗi quận được giao cho một quan Tổng đốc cai quản. Tổ chức hành chính cấp dưới cơ bản không thay đổi.
Cuối năm 1860, sau khi hòa ước Bắc Kinh với triều đình Mãn Thanh Trung Quốc được ký kết, Hoàng đế Napoléon đệ tam cử Đề đốc Léonard Charner thống lĩnh quân đội Pháp ở Viễn Đông nhằm thúc đẩy nhanh quá trình xâm lược Nam kỳ. Ngày 24-2-1861, tướng Charner ra lệnh đánh chiếm đại đồn Chí Hòa. Cũng như trận thành Gia Định, với tư tưởng “chủ hòa”, sau nhiều ngày cố thủ, quan quân nhà Nguyễn rút khỏi Gia Định chạy về Biên Hòa. Thừa thắng, quân Pháp đánh lan rộng ra các khu vực xung quanh, chiếm được Thuận Kiều, Trảng Bàng và Tây Ninh thuộc tỉnh Biên Hòa. Tháng 4-1861, quân Pháp chiếm được Định Tường – một tỉnh đông dân và giàu có nhất Nam kỳ thời điểm đó. Cuối năm 1861, tướng Bonard thay Charner, chỉ huy quân đội Pháp ở Việt Nam, chia quân làm 3 đạo, tiến đánh tỉnh Biên Hòa bằng cả hai đường thủy, bộ. Trong đó, một đạo gồm hai chiến thuyền Persévérent và Du Chayle có pháo hạm yểm trợ, vượt sông Sài Gòn tấn chiếm huyện Bình An, phủ Phước Long. Tại đây, quan quân nhà Nguyễn do quan Trấn thủ Tổng lý Văn Đức Đại chỉ huy đã chống cự quyết liệt. Nhưng trước sức mạnh quân sự hơn hẳn của quân viễn chinh Pháp, sau nhiều ngày cầm cự, Tổng lý Văn Đức Đại buộc phải rút quân về thành Biên Hòa. Quân Pháp tiếp tục truy bức, đồng thời đưa quân đánh chiếm thành Bà Rịa. Đến ngày 14-2-1861, toàn tỉnh Biên Hòa đã lọt vào tay Pháp.
Trái ngược với tư tưởng chủ hòa, do dự của triều đình nhà Nguyễn, ngay từ những ngày đầu, tại hầu hết các tỉnh Nam kỳ, nhân dân vùng lên đánh giặc, tạo thành phong trào kháng Pháp mạnh mẽ. Đến đầu năm 1862, phong trào kháng Pháp của nhân dân Nam kỳ đã buộc thực dân Pháp phải rút khỏi một loạt cứ điểm trọng yếu ở Gò Công, Chợ Gạo, Cái Bè,… Nghĩa quân cũng đã giành lại được nhiều vùng đất đai rộng lớn xung quanh Sài Gòn. Tại tỉnh Biên Hòa, mặc dù chiếm được các thành Biên Hòa, Bà Rịa nhưng không thể mở rộng địa bàn chiếm đóng. Đi đến đâu, quân Pháp cũng vấp phải sự kháng cự mãnh liệt, nhất là trong các vùng cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hớn Quản, Bù Đốp, Bà Rá,….
Trong khi ở khắp Nam kỳ, quân Pháp nằm trong tình trạng “tiến thoái, lưỡng nan”, ngày 5-6-1862, triều đình nhà Nguyễn ký “Hiệp ước hòa bình và hữu nghị”, nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Định Tưởng, Biên Hòa) làm thuộc địa của Pháp. Hợp pháp hóa được việc chiếm đóng, người Pháp nhanh chóng bắt tay vào thiết lập bộ máy cai trị thực dân tại các tỉnh miền Đông Nam kỳ.
Trong những năm đầu, một phần do sự bất hợp tác của quan lại triều đình An Nam, một phần phải đối phó với phong trào kháng chiến của nhân dân Nam kỳ, thực dân Pháp thiết lập chế độ võ quan cai trị, cho lập các đồn có đội binh yểm trợ để kiềm soát dân chúng và mở rộng địa bàn chiếm đóng. Ở các tỉnh, theo phân chia địa giới các phủ, huyện của triều đình nhà Nguyễn, thực dân Pháp chia thành từng khu vực và giao cho sĩ quan Pháp cai trị, gọi là “Quản đốc bổn quốc sự vụ” (Directeur des Affaires Indigènes), thay thế cho quan tri huyện, tri phủ người Việt.
Qua năm 1864, Đô đốc De la Grandière được cử làm Thống đốc Nam kỳ, chia miền Đông Nam bộ làm 7 khu vực chỉ huy (commandement), gồm: Bà Rịa, Biên Hòa, Cần Giuộc, Mỹ Tho, Sài Gòn – Chợ Lớn, Tân An – Gò Công và Tây Ninh. Ngày 9-11-1864, Đô đốc De la Grandière chuyển chế độ hành chánh Nam kỳ từ quân sự sang dân sự bằng việc thiết lập tòa “Thượng thơ” (Direction de L’Intérieur) cai quản 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ và thiết lập các Sở Tham biện (Inspection) do các quan chức người Pháp cai trị. Năm 1865, chính quyền thực dân chia toàn Nam kỳ thành 13 tham biện. Riêng tỉnh Biên Hòa được chia thành các tham biện Biên Hòa, Thủ Dầu Một (địa bàn tỉnh Bình Dương và Bình Phước ngày nay), Long Thành, Bà Rịa.
Năm 1867, sau khi chiếm được lục tỉnh Nam kỳ, chính quyền thực dân chia Nam kỳ làm 7 “địa hạt” (arrondissement). Mỗi địa hạt lại được chia thành nhiều “tham biện” (Inspection) do một quan Tham biện người Pháp cai trị. Năm 1867, toàn Nam kỳ có 24 tham biện[1]. Tham biện Thủ Dầu Một được đổi thành Tham biện Bình An thuộc hạt Biên Hòa, gồm Châu thành Thủ Dầu Một và huyện Bình An (Bình Phước ngày nay). Qua năm 1868, thực dân Pháp tăng số tham biện lên 27 đơn vị, tham biện Thủ Dầu Một được tái lập lại.
Những thập niên cuối thế kỷ XIX, cùng với công cuộc bình định, thực dân Pháp ngày càng hoàn thiện hơn bộ máy cai trị tại Nam kỳ. Năm 1876, Thống đốc Nam kỳ quyết định chia vùng đất Nam kỳ thành 4 Khu hành chính, do các Trưởng khu hành chính (Administrateur de la circonscription) đứng đầu. Bên dưới, chính quyền thực dân vẫn duy trì các các Sở Tham biện đặt dưới sự cai trị của quan Tham biện Vụ bản địa. Theo đó, Bình Phước nằm trong địa bàn tham biện Thủ Dầu Một, khu vực hành chính Sài Gòn.
Tuy thiết lập được bộ máy hành chính ở bên trên từ rất sớm, nhưng trong các thập niên cuối của thế kỷ XIX, thực dân Pháp luôn phải đối phó với phong trào kháng chiến mạnh mẽ của quân dân Nam kỳ, nên việc thiết lập bộ máy cai trị ở nông thôn miền Nam diễn ra rất chậm chạp. Tại Thủ Dầu Một, phải đến năm 1869, Léonard – thanh tra hành chánh người Pháp, mới thiết lập được một làng tự trị tại huyện Bình An, lấy tên là làng Phú Cường (hiện thuộc địa phận tỉnh Bình Dương), lấy đó làm bàn đạp mở rộng phạm vi chiếm đóng tới các vùng đất cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền biên viễn phía Tây, như: Hớn Quản, Bù Đốp, Bà Rá,…. Nhưng sau hơn 20 năm, với hàng loạt cuộc hành quân đàn áp, thực dân Pháp cũng chỉ bình định được những khu vực nằm không quá xa Sài Gòn. Trên địa bàn Bình Phước, năm 1892, thực dân Pháp mới mở rộng địa bàn chiếm đóng xuống vùng Chơn Thành ngày nay và thiếp lập được bộ máy cai trị tại 6 tổng và 50 buôn làng. Sau đó, thực dân Pháp liên tục tổ chức nhiều cuộc hành quân bình định quanh lưu vực sông Bé. Song đi đến đâu, quân Pháp cũng gặp sự kháng cự mạnh mẽ và thái độ bất hợp tác của đồng bào các dân tộc địa phương.
Cùng với công cuộc bình định, chế độ cai trị của chính quyền thực dân Pháp ở Nam kỳ và Bình Phước nói riêng cũng dần được hoàn thiện. Ngày 20-12-1899, chính quyền thực dân Pháp ban hành nghị định đổi các Sở Tham biên thành tỉnh, người đứng đầu tỉnh gọi là Quan cai trị – Chủ tỉnh (Administrateur – Chef de Province). Lúc này, toàn xứ Nam Kỳ được chia làm 22 tỉnh. Vùng miền Đông Nam bộ gồm 4 tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa.
Vùng đất Bình Phước nằm trong địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, có hai lỵ sở là Chơn Thành và Hớn Quản. Lỵ sở Hớn Quản do một tham tá dân sự phụ trách, cai quản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 6 tổng:
Tổng Minh Ngai gồm 8 làng: An Loc, Binh Ninh, Binh Phu, Binh Quoi, Binh Tay, Ca-la-on, Phu Lo, Phu Mieng.
Tổng Cuntu-an gồm 2 làng.
Tổng Than An gồm các làng: Nha Bich, Nha Voi, Va Tuoi, Viet-ron, Xa-len.
Tổng Quan Loi: Dong Phat, Dong Tuu, Lam Tranh, Lich Loc, Loc Son, Loc Ke, Luong Ma, Van Hiem, Xa Trach.
Tổng Loi Minh 8 làng: My Loc, Loc Ninh, Lop Hung, Thai Binh, Gia Loc, My Thanh, Xa Cau, Bao Nui.
Tổng Phuoc Le 9 làng: Binh Thanh, Xa-prum, Xa-phec, Xa-dap, Xa-cay, Xa-cuoi, Xa-breat.
Tong Thanh-gin 5 làng: Nha Bich, Nha-nhoi, Vat-tuot, Viet-ron, Xa-ben[2].
Qua đầu thế kỷ XX, sau khi trồng thử nghiệm thành công cây cao su ở vườn Ông Yệm, giới tư bản Pháp đổ sô vào Đông Dương thành lập các đồn điền cao su. Tại địa bàn Bình Phước, ngay những năm đầu thế kỷ XX, cây cao su được đưa đến trồng ở Xa Trạch, Hớn Quản (năm 1909) và nhanh chóng phát triển thành các đồn điền lớn như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch,…. Cùng với quá trình phát triển của các đồn điền cao su, thực dân Pháp ngày càng mở rộng địa bàn khai khẩn thuộc địa vào sâu trong địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Phước. Nhưng cũng như thời kỳ trước, phong trào kháng Pháp của đội ngũ công nhân đồn điền cao su, cùng đồng bào các dân tộc S’Tiêng, M’nông, Mạ, Châu Ro,… ở Bình Phước liên tiếp nổ ra, khiến công cuộc khai khẩn thuộc địa của tư bản Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1924, Gatille chỉ huy một đội quân Pháp chiếm được vùng Bù Đốp, công cuộc bình định của thực dân Pháp ở Bình Phước mới cơ bản hoàn thành. Nhưng năm 1925, phong trào kháng pháp của nghĩa quân đồng bào các dân tộc thiểu số lại bùng lên, giết chết Gatille, khiến công cuộc khai khẩn thuộc địa của thực dân Pháp ở đây bị trệ. Để đàn áp phong trào, năm 1925, thực dân Pháp cho xây nhà tù dưới chân núi Bà Rá để giam cầm nhân dân yêu nước. Đồng thời, tổ chức hàng loạt cuộc hành quân đàn áp, phong trào mới tạm lắng.
Sau đó, thực hiện chính sách chia để trị, nhằm dễ bề kiểm soát đồng bào các dân tộc thiểu số, chính quyền thực dân tổ chức đơn vị hành chính riêng cho người Việt và người dân tộc thiểu số. Năm 1925, trên địa bàn Bình Phước ngoài lỵ sở Chơn Thành, chính quyền thực dân thiết lập 2 tổng của người Việt: tổng Hớn Quản (làng Việt) có 7 làng và tổng Bù Đốp (làng Việt) 1 làng; 2 tổng cho người dân tộc thiểu số: tổng Hớn Quản (làng Mọi) với 36 làng và tổng Bù Đốp (làng Mọi) 8 làng[3].
Tổ chức bộ máy chính quyền cũng được thiết lập hết sức chặt chẽ. Đứng đầu Nam kỳ là Thống đốc – một người Pháp, do Tổng thống Pháp bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Toàn quyền Đông Pháp và Tổng trưởng Thuộc địa. Về quyền hạn, Thống đốc Nam kỳ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Toàn quyền Đông Dương về lĩnh vực hành chính tổng quát và trật tự công cộng. Phụ tá cho Thống đốc là Thanh tra Chính trị và Hành chính (Inspecteur des Affaires politiques et administratives), giữ vai trò liên lạc và kiểm soát các tỉnh. Hàng năm, Thanh tra Chính trị và Hành chính phải thực hiện thanh tra các tỉnh một lần để phúc trình lên Thống đốc.
Đối với hành chính địa phương, thực dân pháp thiết lập các chức:
Chủ tỉnh – một viên quan người Pháp đã được đào tạo tại trường Thuộc địa Pháp, chịu trách nhiệm về các mặt hành chính, tài chính, tư pháp, quân sự ở địa phương trước Thống đốc Nam kỳ.
Chủ quận – một viên quan hành chính người Việt, ngạch huyện, phủ hoặc đốc phủ sứ, đại diện chính quyền thực dân tại địa hạt quản lý.
Chánh, phó tổng là đại diện dân sự liên lạc với nhà chức trách Pháp trong tỉnh.
Ban Hội tề làng gồm: Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ hay Thủ bộ, Hương thân, Xã trưởng hay Thôn trưởng, Hương hào, Chánh lục bộ – là những điền chủ, người làng giàu có, viên chức hồi hưu,… có trách nhiệm thu thuế, điền lính, coi việc giao thông, đê đập, rượu và nha phiến lậu,…
Riêng tại địa bàn Bình Phước, bên cạnh hệ thống chính quyền chung ở vùng người Kinh, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị có những nét riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, thay vì phân cấp thành quận – tổng – làng với các chức vị tương ứng (quận trưởng – chánh tổng – hội tề làng), chính quyền thực dân điều một Đại diện hành chính là người Pháp tới cai trị cả một vùng (gồm nhiều tổng). Như năm 1927, Gerber – đại diện hành chính người Pháp, đã cai trị một vùng đất rộng lớn bao gồm địa bàn Bù Đốp, Bà Rá,… trong hơn 20 năm. Ở bên dưới, chính quyền thực dân mua chuộc tầng lớp trên trong xã hội các tộc người thiểu số, dùng thành phần này làm tay sai, kiểm soát đồng bào.
Sự phân cấp hành chính này được duy trì đến ngày 9-3-1945, phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp, thiết lập chế độ cai trị phát xít ở Việt Nam. Ở Nam kỳ, các quan cai trị cấp cao của Pháp bị thay thế bởi người Nhật. Chức Thống đốc Nam kỳ được chuyển từ Hoeffel qua tay của quan Nhật – Minoda.
Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, Nguyễn Văn Sâm được Bảo Đại sung chức Khâm sai Nam bộ, lên đường ra kinh kỳ nhậm chức. Ngày 19-8-1945, Minoda giao quyền cai trị Nam bộ cho chính phủ Bảo Đại. Ngày 22-8-1945, Nguyễn Văn Sâm về đến Sài Gòn, nhưng chưa kịp thực thi chức trách thì chính quyền tay sai sụp đổ.
Ngày 25-8-1945, nhân dân Bình Phước cùng với cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, thực hiện thắng lợi Cách mạng tháng Tắm năm 1945, đập tan xiềng xích của hơn 80 năm dưới ách đô hộ thực dân Pháp. Ngay sau đó, cũng như các địa phước khác, chính quyền cách mạng Bình Phước được lập ra ở các đồn điền như Thuận Lợi, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch và tại thị trấn Hớn Quản.
Song chưa từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng chiếm trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tháng 10-1945, quân Pháp tập trung quan đánh chiếm Thủ Dầu Một. Tháng 12-1945, quân Pháp đánh xuống vùng cao su Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp. Đến tháng 2-1946, hầu hết địa bàn Bình Phước đã bị thực dân Pháp chiếm lại. Chính quyền cách mạng buộc phải rút về hoạt động trong các vùng rừng núi giáp biên giới. Sau đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ chi huy Mặt trận miền Đông về lập các căn cứ kháng chiến, trên địa bàn Bình Phước hình thành các căn cứ đứng chân của Khu 7 và của lực lượng địa phương, như chiến khu Thuận Lợi, căn cứ Truông Ba Trường,…. Từ các căn cứ, lực lượng cách mạng lãnh đạo nhân dân Bình Phước anh dũng chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
Về phía chính quyền thực dân, đến năm 1949, liên tiếp bị thua trên chiến trường và dưới sức ép của Mỹ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp ước Élysée (8-3-1949), trao quyền tự trị cho cái gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng. Về Việt Nam nhiếp chính, Bảo Đại chia quốc gia Việt Nam làm ba phần: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt và một vùng gọi là Hoàng triều cương thổ. Trong đó miền Nam Việt Nam bao gồm toàn bộ vùng Nam Việt, cao nguyên miền Nam và một phần Trung Việt[4], do một Thủ hiến đứng đầu. Tuy nhiên, tổ chức hành chính địa phương vẫn được duy trì như cũ và giữ nguyên cho đến năm 1954.
[1] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.36
[2] Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bình Dương, Thủ Dầu Một – Bình Dương đất lành chim đậu, Nxb Văn Nghệ Tp.HCM, 1999, tr. 72.
[3] Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bình Dương, Thủ Dầu Một – Bình Dương đất lành chim đậu, Nxb Văn Nghệ Tp.HCM, 1999, tr. 72.
[4] Sắc lệnh số 61 – QP ngày 2/6/1952.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch