Lịch sử Bình Phước qua các thời kỳ: kỳ 4 – Vùng đất Bình Phước trong giai đoạn từ 1975 đến nay

VÙNG ĐẤT BÌNH PHƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 1975 ĐẾN NAY

Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam đã viết nên trang sử vẻ vang, đánh bại đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, giành độc lập cho dân tộc, non sống được hoàn toàn thống nhất. Sau 21 năm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, nhân dân Bình Phước hân hoan đón chào kỷ nguyên mới, cùng cả nước tiến lên xây dựng xã hội mới.

Là tỉnh đầu tiên ở miền Nam Việt Nam được giải phóng nên nhiệm vụ cách mạng đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Bình Phước những ngày đầu giải phóng có nhiều khó khăn và phức tạp hơn các địa phương khác. Trong chiến tranh, Bình Phước là chiến trường chiến lược, nơi diễn ra sự giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Do đó, sau ngày giải phóng, Bình Phước gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Hầu hết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở kinh tế – xã hội bị tàn phá, sản xuất đình đốn, nhân dân đứng trước nguy cơ xảy ra nạn đói. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Đảng bộ và quân dân Bình Phước, bên cạnh việc tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, phải khẩn trương thiết lập chính quyền cách mạng, mau chóng ổn định trật tự trị an, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho nhân dân.

Đầu tháng 4-1975, quan triệt chính sách mười điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy ban quân quản các cấp ở Bình Phước được thành lập, khẩn trương thực hiện tiếp quản các cơ sở kinh tế – xã hội của chế độ cũ. Đồng thời, thực hiện mọi biện pháp, tập trung lương thực, kịp thời cứu đói cho nhân dân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), cũng như nhiều địa phương khác, đồng thời với việc tổ chức cho hàng nghìn sĩ quan, binh sĩ và công chức chế độ Sài Gòn ra trình diện, Đảng bộ và nhân dân Bình Phước nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất. Đồng thời, tích cực tiếp nhận và hỗ trợ cho hàng nghìn đồng bào từ Thành phố Hồ Chí Minh lên xây dựng kinh tế mới. Kết quả, bằng sự nỗ lực vượt bậc, sau hơn một năm giải phóng, hoạt động kinh tế – xã hội Bình Phước đi vào ổn định, đời sống nhân dân cơ bản được đảm bảo.

Ngày 25-4-1976, với niềm tự hào của nhân dân một nước độc lập, tự do, quân dân Bình Phước hồ hởi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7-1976, Quốc hội khóa VI họp phiên đầu tiên nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước. Quốc hội quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thiết lập bộ máy chính quyền ba cấp ở địa phương và thực hiện sát nhập một số tỉnh trong cả nước để tiến tới sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Theo đó, ngày 2-7-1976 tại kỳ họp thứ nhất khóa VI, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập tỉnh Sông Bé trên cơ sở sát nhập tỉnh Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Phước và 3 xã thuộc huyện Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Về địa giới, tỉnh Sông Bé là một trong những tỉnh lớn nhất nước, với diện tích trên 9.000 km2, phía bắc giáp biên giới với nước bạn Campuchia; phía đông và đông bắc giáp Đắc Lắc và Lâm Đồng; phía đông nam giáp Đồng Nai; phía nam và tây nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh; phía tây giáp tỉnh Tây Ninh.

Khi mới thành lập, tỉnh Sông Bé có 14 huyện, nguyên là các huyện của tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước cũ: Tân Uyên, Lái Thiêu, Dĩ An, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đốp, Đồng Xoài, Bù Đăng, Phước Bình, Phú Giáo. Năm 1977, thực hiện quyết định của Chính phủ về hợp nhất: 3 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành thành huyện Bình Long; 3 huyện Bù Đốp, Phước Bình, Bù Đăng thành huyện Phước Long và 2 huyện Đồng Xoài và Phú Giáo thành huyện Đồng Phú, đơn vị hành chính tỉnh Sông Bé được thu gọn còn 9 huyện, thị.

Ngay sau khi hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, thực hiện quyết định của Quốc hội, tỉnh Sông Bé triển khai kiện toàn bộ máy hành chính và tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân ba cấp. Song song với kiện toàn bộ máy, nhân dân Sông Bé – Bình Phước tiếp tục tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh. Đồng thời bắt tay ngay vào công cuộc cải tạo xã hội, tiến tới xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo mô hình quản lý tập trung bao cấp. Trong những năm 1977-1979, khi công cuộc xây dựng xã hội bước đầu đi vào ổn định, nhân dân Bình Phước một lần nữa đối diện với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do tập đoàn Ponpot – Iêng Xary gây ra. Cùng thời điểm, ủng hộ chủ trương xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, địa phương gách vác thêm trách nhiệm đón nhận, bố trí và hỗ trợ hàng vạn đồng bào từ Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên, Thành phố Hồ Chí Minh lên xây dựng kinh tế mới ở vùng Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp,…. Để phù hợp với tình hình, tháng 3-1978, Chính phủ quyết định tái lập huyện Lộc Ninh từ việc tách một số xã của huyện Bình Long (trước thuộc huyện Lộc Ninh) và các xã trước thuộc huyện Bù Đốp ra khỏi Phước Long.

Về mặt kinh tế – xã hội, sau một thời gian áp dụng, cơ chế quản lý tập trung bao cấp tỏ ra kém hiệu quả và ngày càng bộc lộ nhiều sai lầm. Sông Bé – Bình Phước cũng như nhiều địa phương khác của đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Sản xuất đình trệ, nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa cho sinh hoạt khan hiếm; đồng tiền mất giá, nạn đầu cơ, tích trữ và buôn lậu xảy ra ở nhiều nơi; đời sống nhân dân có sự đảo lộn, mâu thuẫn trong xã hội nảy sinh, niềm tin của một bộ phận không nhỏ quần chúng vào Đảng giảm sút.

Trước thực trạng đó, tháng 12-1986, Đại hội toàn quốc của Đảng được triệu tập. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đã đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Trong giai đoạn 1986-1996, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân Sông Bé – Bình Phước cùng với đồng bào cả nước nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa đất nước và địa phương thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng. Đến giữa năm 1996, bộ mặt kinh tế – xã hội của tỉnh có sự khởi sắc, đời sống nhân dân không những được đảm bảo, mà đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Tháng 7-1996, Đại hội lần thứ VIII của Đảng được triệu tập, đã xác định đưa đất nước chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phù hợp với nhiệm vụ mới, ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Phước được tái lập gồm 5 huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé là: Đồng Phú, Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long và Bù Đăng. Tỉnh lỵ đặt ở thị trấn Đồng Xoài (huyện Đồng Phú). Đến ngày 1-9-1999, Chính phủ ban hành Nghị định 90/1999/NĐ-CP thành lập thị xã Đồng Xoài.

Sau 10 năm thực hiện đường lối công nghiệp hóa – hiện đại hóa, dước sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân Bình Phước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt khá; văn hóa, xã hội có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; cở sở hạ tầng phát triển hiện đại, bộ mặt nông thôn từng bước có sự đổi thay.

Cùng với nhịp điệu phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức đơn vị hành chính của tỉnh cũng có một số thay đổi theo hướng xây dựng vùng chuyên canh và chuyên môn hóa. Ngày 20-2-2003 Chính phủ Ban hành nghị định số 17/2003 NĐ-CP thành lập huyện Chơn Thành và Bù Đốp.

Huyện Chơn Thành gồm 7 xã Minh Long, Minh Thành, Tân Quan, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng và thị trấn Chơn Thành. Ngày 16-5-2005, theo Nghị định số 60/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 của Chính phủ, huyện Chơn Thành có thêm một xã mới được thành lập là xã Thành Tâm (tách ra từ thị trấn Chơn Thành). Ngày 10-4-2009, Chính phủ tiếp tục cho thành lập xã Quang Minh thuộc huyện Chơn Thành trên cơ sở tách xã Tân Quan của huyện Hớn Quản.

Huyện Bù Đốp có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thi trấn và 6 xã, trong đó có Thị trấn Thanh Bình, và các xã Hưng Phước, Phước Thiện, Tân Thành, Tân Tiến, Thanh Hòa, Thiện Hưng.

Năm 2009, Thủ tước Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35-NQ-CP thành lập tại Bình Phước hai huyện Hớn Quản và Bù Gia Mập.

Theo đó, huyện Hớn Quản có diện tích tự nhiên 66.379,77 ha, dân số 95.681 nhân khẩu, gồm 13 Tân Khai, Tân Quan, Tân Hưng, Tân Lợi, Tân Hiệp, Thanh Bình, Thanh An, Phước An, An Phú, An Khương, Minh Tâm, Minh Đức, Đồng Nơ.

Huyện Bù Gia Mập diện tích 173.612,94 ha, gồm 18 xã: Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Bình Thắng, Đức Hạnh, Phú Văn, Phú Nghĩa, Đa Kia, Phước Minh, Bình Tân, Bình Sơn, Long Bình, Phước Tân, Long Hưng, Bù Nho, Long Hà, Phú Riềng, Phú Trung và xã Long Tân.

Đến nay, tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên 6.855,99km2, với 10 đơn vị hành chính gồm các huyện: Đồng Phú, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng, Hớn Quản, Chơn Thành và  3 thị xã: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, được chia thành 92 xã, 5 thị trấn và 14 phường[1]. Về vị trí địa lý, Bình Phước được xem là “khu đệm” nối liền phía bắc và đông bắc Sài Gòn với vùng núi cực nam Trung bộ và nam Tây Nguyên, nối tiếp với vùng biên giới Campuchia. Phía đông giáp tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng; phía nam giáp tỉnh Đồng Nai và Bình Dương; phía tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía bắc và tây bắc giáp nước bạn Campuchia với đường biên giới dài 240km nằm trên 12 xã của huyện Lộc Ninh và huyện Phước Long.

Như vậy, qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ vùng đất hoang vu với bạt ngàn núi rừng ở miền biên viễn phía Tây của Tổ quốc, các cộng đồng dân cư Bình Phước đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh, xây dựng nơi đây thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam.

[1] Niên giám Thống kê tỉnh Bình Phước năm 2011, Nxb…. Năm 2012, tr.17.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *