Lịch sử hình thành Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (P3)

TỪ GIA ĐỊNH ĐẾN SÀI GÒN

Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 300 năm tuổi, về hành chính, kiến trúc xây là thành phố trẻ so với nhiều thành phố khác của cả nước. Song với ưu thế là “cầu nối’ giữa các vùng đất ven biển với nhau, liên kết giữa Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa, giữa Đông Nam Á với những vùng đất xa xôi trong Thái Bình Dương, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành nơi hội tụ của nhiều lớp cư dân và cũng sớm trở thành trung tâm của vùng Nam bộ với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Đó là quá trình các cộng đồng cư dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (gồm cư dân bản địa và lưu dân) khái phá vùng đất Nam bộ hoang sơ, biến nó thành trung tâm văn hóa – kinh tế – chính trị của cả nước như hiện nay.

*

Ngày 2-2-1859, sau khi bị sa lầy ở Đà Nẵng trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam, tướng Rigault de Genouilly kéo quân đánh Gia Định. Do tư tưởng chủ hòa của vua quan nhà Nguyễn, quân Pháp nhanh chóng chiếm được Nam bộ. Về hành chính, ban đầu thực dân Pháp thực hiện chế độ quân quản, đến năm 1864, Đô đốc De la Grandière thay đổi chế độ, chia miền Đông Nam bộ làm 7 khu vực chỉ huy: Bà Rịa, Biên Hòa, Cần Giuộc, Mỹ Tho, Sài Gòn – Chợ Lớn, Tân An – Gò Công và Tây Ninh. Ngày 9-11-1864, Đô đốc De la Grandière chuyển chế độ hành chánh Nam kỳ từ quân sự sang dân sự bằng việc thiết lập tòa “Thượng thơ” (Direction de L’Intérieur) cai quản 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ và thiết lập các Sở Tham biện (Inspection) do các quan chức người Pháp cai trị. Đến năm 1865, có các Tham biện: Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Guộc, Tây Ninh, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Cai Lậy, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh, Bà Rịa.

Năm 1867, chính quyền thực dân chia Nam kỳ làm 7 tỉnh với 24 Sở Tham biện. Theo đó tỉnh Gia Định chính thức đuợc đổi là tỉnh Sài Gòn với 7 Sở Tham biện([1]). Vùng đất thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nằm trong địa hạt của Tham biện Sài Gòn (gồm châu thành Sài Gòn và 2 huyện: Bình Dương, Bình Long) và Sở Tham biện Chợ Lớn (châu thành Chợ Lớn và huyện Tân Long). Từ đây, chính quyền thực dân thiết lập Sài Gòn thành thủ phủ của toàn xứ Nam Kỳ. Ngày 8-1-1877, Tổng thống Pháp Mac Mahon ban hành nghị định tổ chức Hội đồng thành phố Sài Gòn gồm 1 Du Maire đứng đầu có 2 trợ lý và 20 thành viên hội đồng([2]). Và ngày 20-10-1879, về tổ chức Hội đồng thành phố Chợ Lợn gồm một chủ tịch người Pháp do Thống đốc chỉ định. Ngày 16-5-1885, thực dân Pháp ban hành nghị định đổi tên Tham biện Sài Gòn thành tham biện Gia Định.

Ngày 20-12-1899, chính quyền thực dân Pháp ban hành nghị định đổi các Sở Tham biên thành tỉnh, người đứng đầu tỉnh gọi là Quan cai trị – Chủ tỉnh (Administrateur – Chef de Province). Lúc này, toàn xứ Nam Kỳ được chia làm 22 tỉnh, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện này nằm trong địa phận của tỉnh Gia Định và tỉnh Chợ Lớn. Năm 1931, bằng 2 sắc lệnh ngày 27-4 và 14-12, Toàn quyền Đông Dương sát nhập Sài Gòn với Chợ Lợn và gọi là “Địa phương xã Sài Gòn – Chợ Lớn”([3]). Ngày 11-5-1944, chính quyền thực dân tách một phần tỉnh Chợ Lớn và một phần tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh mới gọi là tỉnh Tân Bình. Ngày 19-12-1941, Toàn quyền Đông Dương xóa bỏ hai Hội đồng thành phố của Sài Gòn và Chợ Lớn để thay thế bằng một Hội đồng quản trị chung([4]).Về tổ chức chính quyền, xứ Nam Kỳ do Thống đốc Nam kỳ cai trị, giúp việc có Thanh tra Hành chánh và Chánh trị. Bên dưới có Tỉnh trưởng – Quận trưởng – Cai tổng, Ban Hội tề.

Cùng với quá trình củng cố hệ thống hành chính, văn hóa Tây âu cũng bắt đầu du nhập vào Sài Gòn. Đến đầu những năm 1880 cả Sài Gòn – Chợ Lớn có khoảng 10 vạn dân và dần mang dáng dấp của một thành phố Tây phương. Người đường thời tả về thành phố như sau:

“Dưới sông tàu lửa đậu liền,

Từ đồn Giao Thuỷ sấp lên Bà Nghè,

Giao thông các nước bộn bề,

Có tàu Đông Việt, có ghe Bắc Kỳ.

Bán buôn vật nọ hàng kia,

Lao xao thương khách xiết gì là đông.

Chiếc qua chiếc lại đầy sông,

Mù mù khói toả, đùng đùng máy kêu. . .”

Hay:

 “Chẳng phiền hao tốn của công,

Mở đường ngang dọc, đào sông vắn dài.

Đàng thì đã rộng lại ngay,

Trên đầu che mát có cây hai hàng.

Mỗi sông có bắc cầu ngang,

Đá xây bốn phía, sắt ràng hai bên.

Mỗi đàng tối có thấp đèn,

Dưới sông trên bộ sáng liền như nhau.”

Và Sài Gòn được ví như “hòn ngọc Viễn Đông”(La Perle de l’Extrême Orient, The Pearl of the Far East) hay “Ba Lê ở Phương Đông” (Paris dans l’Orient, Paris in the Orient). Địa giới này được giữ nguyên cho đến năm 1949, khi thực dân Pháp thiết lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 25-8-1945, cùng với khí thể của cả nước, nhân dân Gia Định – Chợ Lớn khởi nghĩa giành chính quyền thắng. Ngay sau đó, chính quyền cách mạng các cấp được thiết lập. Song chưa đi vào hoạt động ổn định thì đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng chiếm trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Năm 1949, Pháp trao trả quyền tự quyết cho chính quyền tay sai ở Việt Nam – gọi là Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng. Sài Gòn trở thành “thủ đô” của Việt Nam quốc gia. Ngày 30-6-1951, chính quyền bù nhìn Trần Văn Hữu ban hành sắc lệnh 311-cab/SG về việc sát nhập vùng Sài Gòn – Chợ Lớn làm một đơn vị hành chính gọi là Quận xã Sài Gòn – Chợ Lớn (Préfecture de Saigon – Cholon”([5]).

Năm 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng cơ hội, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước thiết chính quyền tay sai thân Mỹ, thực hiện hất cẳng thực dân Pháp, tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam, làm con đê ngăn chặn làn sóng đỏ của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ. Năm 1956, sau khi tiêu diệt lực lượng giáo phái, hoàn thành hất cẳng thực dân Pháp, Ngô Đình Diệm tổ chức truất phế Bảo Đại, thiết lập chính thể cộng hòa ở miền Nam Việt Nam – gọi là Việt Nam Cộng hòa do Diệm làm tổng thống. Chính thể này tồn tại đến ngày 30-4-1975, thì bị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bại hoàn toàn.

Ngay sau đó, ngày 22/10/1956, Ngô Đình Diệm với tư cách Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 143-NV phân chia địa phần miền Nam Việt Nam thành 22 tỉnh và lấy Sài Gòn làm thủ đô gọi là Đô thành Sài Gòn([6]).Tiếp đó, ngày 27-3-1959, Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định số 110-NV chia địa phận đô thành Sài Gòn làm 8 quận([7]) và 45 phường([8]). Bên cạnh việc thành lập đô thành Sài Gòn, chính quyền Diệm vẫn giữ nguyên địa giới tỉnh Gia Định và sáp nhập Chợ Lớn với Long An gọi thành tỉnh Long An.

BẢNG ĐỐI CHIẾU ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH MIỀN NAM VIỆT NAM

(1859-1956)([9])

LỤC TỈNH NAM KỲ (1859)
Gia Định Biên Hòa Định Tường Vĩnh Long An Giang Hà Tiên
NAM KỲ THỜI PHÁP THUỘC
Gia Định

Chợ Lớn

Tân An

Tây Ninh

Gò Công

Tân Bình

Biên Hòa

Bà Rịa

Thủ Dầu Một

Cap-Saint Jacques

Mỹ Tho Vĩnh Long

Bến Tre

Trà Vinh

Châu Đốc

Long Xuyên

Sa Đéc

Sốc Trăng

Cần Thơ

Hà Tiên

Rạch Giá

Bặc Liêu

 

MIỀN NAM DƯỚI THỜI NGÔ ĐÌNH DIỆM
Gia Định

Long An

Tây Ninh

Côn Sơn

Biên Hòa

Long Khánh

Phước Long

Bình Long

Phước Thành

Phước Tuy

Bình Dương

Bình Tuy

Định Tường

Kiến Tường

Vĩnh Long

Vĩnh Bình

Kiến Hòa

An Giang

Ba Xuyên

Phong Dinh

Kiến Phong

Kiên Giang

An Xuyên

 

Năm 1967, Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền ở miền Nam Việt Nam, về mặt hành chính đã chia miền Nam Việt Nam thành 44 tỉnh. Về mặt quân sự, chia miền Nam thành 4 khu chiến thuật, bên dưới là các khu chiến thuật, các biệt khu, dưới cấp tỉnh – quận là tiểu khu – chi khu và các yếu điểm.

Đối với đô thành Sài Gòn, tháng 1-1967, chính quyền Sài Gòn lập thêm Quận 9 và đến 1-7-1969, ban hành Sắc lệnh số 073-SL/NV, thành lập thêm hai quận mới là Quận 10 và Quận 11. Quận 10 gồm các phường của Quận 3 tách ra là phường Chí Hòa, phường Phan Thanh Giản, phường Nguyễn Tri Phương và phường Minh Mạng. Quận 11 gồm các phường Cầu Tre, Bình Thới, Phú Thọ Hòa của Quận 6 và phường Phú Thọ của Quận 5 tách ra([10]).Về mặt hành chính, đô thành Sài Gòn gồm Hội đồng thành phố do một đô trưởng đứng đầu. Bên dưới có các quận – phường – khóm.

Về mặt quân sự, chính quyền Sài Gòn chia miền Nam Việt Nam thành 4 vùng chiến thuật: I, II, III, IV. Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định đặt trực thuộc Biệt khu Thủ Đô thuộc địa hạt quản lý của Vùng 3 Chiến thuật. Đồng thời, cho sát nhập địa giới hành chính của Côn Sơn (Côn Đảo) vào đô thành Sài Gòn và đặt dưới sự kiểm soát của Biệt khu Thủ đô về mặt quân sự. Địa giới hành chính này được giữ nguyên cho đến ngày chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ (30-4-1975).

Như vậy, tính đến trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (20-4-1975), địa bàn thành phố hiện nay bao gồm toàn bộ 11 quận của đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định, quận Củ Chi của Hậu Nghĩa và Phú Hòa của tỉnh Bình Dương. Trong đó, Sài Gòn luôn là nơi được chọn làm thủ phủ của các thế lực thực dân và đến quốc ở miền Nam Việt Nam.

[1] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.34

[2] Hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 1.

[3] Hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 40

[4] Hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 41

[5] Hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 33.

[6] Hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 43

[7] Hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 49

[8] Nghị định số 504-BNV/HC/NĐ ngày 22/4/1959, hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 51-57

[9] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.38

[10] Hồ sơ v/v thành lập, sát nhập, ấn định ranh giới quận, phường, khóm của đô thành Sài Gon năm 1887-1974, hồ sơ số 31.942, phông Phủ Thủ tướng VNCH, TT LTQG II, tờ số 21-22

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *