Lịch trình hành chính Côn Đảo (thế kỷ XVII – nay)

LỊCH TRÌNH HÀNH CHÍNH CÔN ĐẢO (THẾ KỶ XVIII – NAY)

Hà Kim Phương

 Côn Đảo – quần đảo có vị trí thuận lợi, giàu tiềm năng, sớm bị các thế lực thực dân phương Tây dòm ngó. Sử sách triều Nguyễn còn ghi chép, vào năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem quân đi đánh giặc Man An Liệt – là thuyền buôn của thực dân Anh, ở đảo Côn Lôn[1]. Tuy nhiên, sau đó, thực dân Anh tiếp tục cho quân chiếm đóng đảo. Đến năm 1765, thực dân Pháp đuổi quân Anh khỏi đảo và đặt tên cho đảo là Poulo Condore[2].

Trong khi đó, dù xác lập chủ quyền của Đại Việt đối với Côn Đảo từ thế kỷ XVII, song trong điều kiện chiến tranh xảy ra liên miên, các chúa Nguyễn ít có điều kiện quan tâm phát triển quần đảo này. Sử liệu cho biết, không kể việc sai người khai thác các hạng đại mội, hải ba, đồn ngư (cá heo) lục quý ngư, hải sâm, thì phải đến cuối thể XVIII, những thiết chế hành chính đầu tiên của nhà Nguyễn mới được thiết lập trên đảo. Cụ thể, vào năm 1773, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, trên đường đào tẩu, đã đưa hoàng tộc cùng với 100 gia đình tùy tướng, gia nhân tới Côn Đảo lập ra 3 làng là An Hải, An Hội, Cỏ Ống và chính thức đặt tên cho quần đảo là Côn Lôn hay Côn Nôn[3], đặt dưới sự quản hạt của tỉnh Hà Tiên. Năm 1802, sau khi lên ngôi vua, Gia Long tiến hành thay đổi địa giới hành chính vùng đất phương Nam, gọi chung là Gia Định thành. Năm 1803, ông chia Gia Định thành làm 4 dinh: Phiên trấn dinh, Trấn biên dinh, Trấn Định dinh, Hoằng Trấn dinh. Sau đó, Hoằng Trấn dinh được đổi thành Vĩnh Trấn dinh, rồi Vĩnh Thanh trấn và sau cùng được thành Vĩnh Long trấn gồm 4 phủ, 8 huyện, 47 tổng, 408 xã thôn. Theo sự phân chia này, quần đảo Côn Lôn với 3 làng được giao cho trấn Vĩnh Long quản hạt. Năm 1832, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, chia vùng đất phía Nam thành 6 tỉnh:  Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Theo đó, quần đảo Côn Lôn tiếp tục là một đơn vị hành chính của tỉnh Vĩnh Long. Địa giới như trên được giữ nguyên cho đến khi thực dân Pháp hoàn thành xâm lược Việt Nam.

Năm 1861, sau khi chiếm được thành Gia Định, lo sợ quần đảo án ngữ vùng biển Đông Nam Việt Nam bị các nước thực dân khác dòm ngó như các thế kỷ trước, Bonard – Thuỷ sư Đô đốc Pháp, hạ lệnh cho thông báo hạm Norzagaray chiếm đóng Côn Đảo. Ngày 28-11-1861, tại đảo, Lespès Sebastien Nicolas Joachim – trung uý hải quân Pháp đọc “Tuyên cáo xâm lược”, chính thức đặt ách cai trị thực dân đối với Côn Đảo. Ngày 14-1-1862, thực dân Pháp đưa một số nhân viên ra đảo dựng trạm hải đăng, nhằm khẳng định quyền thống trị của Pháp ở đây. Sau đó, bằng việc ký kết Hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862, ép triều đình nhà Nguyễn nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và quần đảo Côn Lôn, thực dân Pháp hợp pháp hóa việc chiếm đóng Côn Đảo.

Trong hai thập niên đầu, do tập trung cho việc thiết lập nhà tù, chính quyền thực dân giữ Côn Đảo trực thuộc sự quản hạt của tỉnh Vĩnh Long như dưới thời kỳ nhà Nguyễn. Đến ngày 16-5-1882, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh xác lập quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam kỳ. Nhưng âm mưu, biến nơi đây thành nhà lao khổng lồ, giam giữ những người yêu nước Việt Nam, chính quyền thực dân đặt Côn Lôn dưới sự quản lý về mọi mặt của Giám đốc đề lao – do đó còn được gọi là chế độ Giám đốc quần đảo và đề lao. Đồng thời, thực thi chính sách ngăn cấm mọi hoạt động sinh sống của cộng đồng dân cư trên đảo. Chính sách này được cụ thể hóa bằng Nghị định ngày 17-5-1916 của Toàn quyền Đông Dương. Trong đó quy định, Giám đốc đề lao có mọi quyền hành, vừa là người điều hành mọi hoạt động của nhà lao, vừa quản lý về hành chánh, hành pháp và tư pháp; cấm tất cả người dân bản xứ cũng như người Âu sinh sống tại đảo[4]. Thực thi chính sách trên, từ năm 1930, thực dân Pháp cho di cư toàn bộ thường dân trên đảo về Bà Rịa. Đến năm 1936, Côn Đảo hoàn toàn vắng bóng người dân, chỉ còn gia đình binh lính, nhân viên của chính quyền thực dân và tù nhân.

Năm 1949, sau khi trao trả quyền “độc lập” cho chính phù bù nhìn Quốc gia Việt Nam, chế độ quản lý Côn Đảo của chính quyền thực dân có sự thay đổi. Bên cạnh việc duy trì hệ thống đề lao Côn Đảo, chính quyền thực dân thiết lập Côn Đảo thành tiểu khu biệt lập đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư lệnh Hải quân. Nhưng vẫn giữ nguyễn chế độ quản lý Giám đốc quần đảo và đề lao.

Chế độ cai quản này kéo dài cho đến năm 1954, sau khi Hiệp định Genève về đỉnh chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, thực dân Pháp buộc phải rút quân về nước, miền Nam Việt Nam, bao gồm cả Côn Đảo tạm thời đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tháng 11-1954, Ngô Đình Diệm phái Bạch Văn Bốn – thiếu tá Hải quân ra tiếp quản đảo từ tay người Pháp, đặt Côn Đảo dưới chế độ cai trị quân sự, với cấp quản lý là Tiểu khu biệt lập Côn Đảo.

Năm 1955, sau khi đã cũng cố được địa vị ở miền Nam Việt Nam, cũng như các địa phương khác ở miền Nam, tại Côn Đảo, chính quyền Diệm chuyển chế độ cai trị quân sự sang chế độ quản lý hành chính. Ngày 20-8-1955, Tư lệnh Đệ nhất quân khu Quốc gia Việt Nam gửi công văn cho Tòa đại biểu chính phủ Nam phần yêu cầu “giao ngay lại cho hành chánh vấn đề phòng thủ và bảo vệ đồng bảo trên lãnh thổ ấy (Côn Đảo – tg)[5]Ngày 15-10-1955, hoàn thành việc chuyên giao về mặt quản lý ở Côn Đảo. Tiểu khu biệt lập Côn Đảo được đổi tên thành Chi khu dân chính Côn Đảo, nằm quản hạt của Tòa đại biểu chính phủ Nam phần và phụ thuộc ngân sách của Bộ Nội vụ Quốc gia Việt Nam. Về quân sự, Côn Đảo trực thuộc Tiểu khu đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn[6]. Việc phòng thủ, bảo vệ đảo theo đó cũng được chuyển từ hải quân qua lực lượng Bảo an. Ngày 3-10-1955, Nha Giám đốc Bảo an Nam Việt gửi 64 Bảo an ra đồn trú tại Côn Lôn thay cho quân đội Quốc gia Việt Nam[7].

Mặc dù gọi là chế độ quản lý hành chính, song về căn bản chế độ cai trị của chế độ Diệm ở Côn Đào không khác thời kỳ Pháp thuộc. Chính quyền Diệm vẫn duy trì chế độ Giám đốc quần đảo và đề lao. Hồ Chí Thiện – Đại úy Bảo an được cử thay Bạch Văn Bốn – thiếu tá Hải quân, làm Giám đốc quần đảo và đề lao.

Tuy nhiên, sau khi lực lượng Bảo an đến đã xảy ra tranh chấp quyền lực giữa Bảo an và đội ngũ giám thị nhà tù Côn Đảo. Vì vậy, đầu năm 1956, vừa để phù hợp kế hoạch phòng thủ vùng biển, chính quyền Diệm cho thiết lập căn cứ hải quân trên đảo và giao Côn Đảo trở lại cho lực lượng hải quân chiếm giữ. Về mặt hành chánh sẽ có một sĩ quan Hải quân đại diện cho quý tòa; Về mặt quân sự, hải quân sẽ đảm nhận sự an ninh trật tự và sự phòng thủ của đảo”[8].

Cuối năm 1956, sau khi truất phế Bảo Đại, thiết lập chế độ Việt Nam cộng hòa, Ngô Đình Diệm thực hiện cải tổ toàn bộ hệ thống hành chính ở miền Nam Việt Nam. Ngày 22-10-1956, Diệm ban hành Sắc lệnh số 143-NV, thay đổi địa giới, tên gọi các tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Theo sắc lệnh này, Côn Đảo trước là một quận biệt lập, nay trở thành tỉnh với tên gọi Côn Sơn, tỉnh lỵ đặt tại Côn Sơn, với đơn vị hành chính duy nhất là cấp tỉnh, mà không có đơn vị cấp quận hay xã[9]. Ngày 27-12-1956, Diệm ban hành Nghị định bổ nhiệm Bạch Văn Bốn, giữ chức vụ Tỉnh trưởng Côn Sơn.

Bộ máy hành chánh gồm Tòa hành chánh tỉnh, 15 ty sở và Ban Quản đốc Trung tâm cải huấn.

Tòa hành chánh tỉnh gồm: Văn phòng, Phòng Quân vụ và an ninh, Phòng Hành chánh, Phòng Chánh trị sự vụ

Đến năm 1959, tổ chức Tòa hành chánh tỉnh có sự thay đổi, cùng với việc tăng các phòng chuyên môn, còn kiêm nhiệm luôn việc quản lý Trại cải huấn và Trung tâm Huấn chính. Ngày 19-8-1959, Tỉnh trưởng Côn Sơn ban hành Quyết định số 105-CS/VP quy định tổ chức Tòa hành chính tỉnh Côn Sơn với các phòng như sau:

  1. Văn phòng tỉnh trưởng kiêm Giám đốc Trại cải huấn và Quản đốc Trung tâm Huấn chính.
  2. Phòng Nhân viên
  3. Phòng Hành chánh tổng quát
  4. Phòng Tái chánh và Kinh tế
  5. Phòng Quân vụ
  6. Phòng Cải huấn và Huấn chính
  7. Phòng Nội an[10].

Các ty gồm: Công chánh, Kiến thiết, Cảnh sát Quốc gia, Đặc vụ ngân khố, Bưu điện, Thông tin, Thanh niên, Y tế, Tiểu học, Mục súc, Canh nông, Thuế vụ, Thủy vận, Khí tượng, Hữu hạn phi trường[11].

Mặc dù là đơn vị cấp tỉnh nhưng tỉnh Côn Sơn hầu như không có dân cư,. Tổng số người trên đảo là 5.000 người, trong đó 1.500 là binh lính, nhân viên chính quyền và gia đình, còn lại phần lớn là tù nhân của chế độ Diệm. Vì vậy, về bầu cử, chính quyền Diệm xếp tỉnh Côn Sơn chung đơn vị với tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa – Vũng Tàu và Hoàng Sa). Và tỉnh này cũng không có ngân sách riêng mà được cấp từ ngân sách của Bộ Nội vụ Việt Nam cộng hòa. [12]

Về mặt quân sự, Diệm tổ chức Côn Sơn thành Biệt khu Côn Sơn đặt trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Biệt khu Côn Sơn được chia thành 3 chi khu: Chi khu A khu vực thị xã Côn Sơn; Chi khu B từ Cỏ Ống đến Bãi Cạnh; Chi khu C từ Bến Đầm đến Ông Đụng. Lực lượng gồm Tỉnh đoàn Bảo an quân số hơn 200 lính, 1 trung đội biệt kích và hơn 100 quân lưu động, đặt dưới sự chỉ huy của Tiểu khu trưởng do Tỉnh trưởng Côn Sơn kiêm nhiệm[13].

Bước qua năm 1961, sau cuộc Đồng Khởi của quân dân miền Nam, tình hình chiến trường có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi, điều đó buộc Mỹ – Diệm phải có sự thay đổi chiến thuật quân sự. Và do đó, tổ chức vùng quân sự của Việt Nam Cộng hòa cũng có sự thay đổi cho phù hợp. Tổ chức lãnh thổ quân sự theo từng Quân khu bị bãi bỏ, thay vào đó là sự phân chia lãnh thổ quân sự thành các Vùng Chiến Thuật.

Ngày 13-4-1961, Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 98/QP quyết định bãi bỏ các Quân khu và phân chia quốc gia thành 3 Vùng chiến thuật và một Biệt khu Thủ đô. Theo sắc lệnh nào, về mặt quân sự, Côn Đảo vẫn là một Biệt khu biệt lập trực thuộc Bộ Hải quân.

Tiếp đó, ngày 26-11-1962, Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 213/QP sửa đổi Sắc lệnh số 98/QP ngày 13/4/1961 chia miền Nam Việt Nam thành 4 Vùng Chiến Thuật và 1 Biệt khu Thủ đô.

Ranh giới các Vùng chIến Thuật cũng được ấn định như sau:

1- Vùng I Chiến Thuật gồm 4 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín;

2- Vùng II Chiến Thuật gồm có 6 tỉnh: Quảng Ngãi, Kontum, Pleiku, Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn;

3- Vùng III Chiến Thuật gồm có 16 tỉnh: Darlak, Quảng Đức, Tuyên Đức, Khánh Hoà, Phước Long, Lâm Đồng, Ninh thuận, Bình Thuận, Bình Long, Phước Thành, Long Khánh, Bình Tuy, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Phước Tuy;

4- Vùng IV Chiến Thuật gồm có 14 tỉnh: Long An, Kiến Tường, Định Tường, Kiến Phong, Kiến Hoà, Vĩnh Long, An Giang, Vĩnh Bình, Phong Dinh, Kiên Giang, Chương Thiện, Ba Xuyên, An Xuyên và Côn Sơn.

5- Biệt khu Thủ Đô gồm có Sài Gòn và tỉnh Gia Định[14].

 Về phương diện hành chính, nhận thấy sự cồng kềnh của bộ máy hành chính tỉnh Côn Sơn, sau năm 1960, chính quyền Diệm cho nghiên cứu lập kế hoạch thay đổi cơ cấu hành chính tỉnh Côn Sơn. Trên cơ sở đánh giá:

Về phương diện hành chính, cơ quan chánh quyền chỉ có tánh cách tiêu biểu không đạt được mục tiêu phục vụ cho lợi ích của đại đa số quần chúng… Chi phí chung về hành chánh hàng năm lên đến 40 triệu đồng, chỉ có chi mà không có thu[15].

Về phương diện quân sự và an ninh, đối với nội địa Việt Nam, Côn Sơn là một vị trí quan yếu, là một bàn đạp chiến lược…[16]

Về chánh trị, dầu cải biến thế nào, nó (Côn Sơn – tg) cũng là nơi dùng để giam giữ tội nhơn nguy hiểm[17].

Về kinh tế, tỉnh Côn Sơn khó trở thành một thương cảng phồn thịnh… Vì thiếu những điều kiện thuận tiện để phát triển về thương mại, canh nông, chăn nuôi,… Dân cư đa số tà tội nhơn, phần còn lại là thành phần nặng về tiêu thụ mà không sản xuấ[18]t.

Năm 1961, văn phòng Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn đề nghị cải tổ hành chính Côn Sơn theo ba phương án:

Một là, thiết lập Côn Sơn theo chế độ “Quản đốc quần đảo và đề lao. Giải pháp này giản dị, ít tốn kém hơn, nhưng không hợp thời và sẽ gây ảnh hưởng bất lợi về chánh trị, vì đã được áp dụng dưới thời Pháp thuộc. Hơn nữa, chánh phủ phải thực hiện cái gì để minh xác chủ quyền quốc gia và nhằm đạt những mục tiêu lợi ích và tiến bộ trong tương la”i[19].

Hai là, đổi thành chi khu biệt lập hỗn hợp hành chánh quân sự[20]. Giải pháp khó thực hiện do yếu tố địa lý và không phù hợp với pháp lý.

Ba là, đổi lại thành quận. Xét về địa lý, “thị xã Vũng Tàu ở nhằm vị trí rất thuận tợi cho việc liên lạc với Côn Sơn bằng đường bể và đường hàng không,… Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc đặt một quận hành chánh trực thuộc một thị xã xét không hợp lý. Như vậy, ngoài tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa – Vũng Tàu) không có tỉnh nào thuận tiên hơn”. Việc cải đổi Côn Sơn thành quận sẽ: “giảm bớt chi tiêu; chú trọng về mặt chiến lược quân sự (án ngữ, quan phòng, kiểm soát) và về mặt an ninh; đặt vấn đề cải huấn đúng mức; giản dị vấn đề hành chánh, vì có tính cách tiêu biểu”[21].

Ngày 1-11-1963, trong khi các phương án trên vẫn còn trong quá trình nghiên cứu, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, nên tổ chức hành chính của tỉnh Côn Sơn vẫn được giữ nguyên. Đến năm 1964, sau khi lên nắm quyền, Nguyễn Khánh với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quân nhân cách mạng, quyết định cải tổ lại hành chính tỉnh Côn Sơn. Ông ta cho giải thể tổ chức hành chánh cấp tỉnh, thành lập Cơ sở hành chánh Côn Sơn đặt trực thuộc thị xã Vũng Tàu.

Ngày 24-4-1965, chính quyền Sài Gòn tách Côn Sơn thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc Bộ Nội vụ và chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chính. Năm 1967, sau khi nền đệ nhị cộng hòa do Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống được thiết lập, chính quyền Sài Gòn thành lập Đặc khu hành chánh Côn Sơn trực thuộc Vùng III Chiến thuật. Nhưng về quân sự, Đặc khu Côn Sơn được đặt trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô (Sài Gòn – Gia Định)[22]. Đến năm 1972, chính quyền Sài Gòn lại thiết lập Côn Sơn thành đơn vị hành chính cấp quận đặt trực thuộc tỉnh Gia Định[23]. Tổ chức hành chính này được giữa nguyên cho đến năm 1975.

Ngày 30-4-1975, xe tăng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, hoàn thành thắng lợi cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn đất nước. Trong không khí tổng tiến công của cả nước, ngày 1-5-1975, quần chúng nhân dân và các tù nhân tại nhà tù Côn Đảo đứng lên giải phóng đảo. Tháng 9 năm 1976, sau khi hoàn thành thống nhất về mặt nhà nước, chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành giải thể cơ cấu hành chính cũ, để thành lập huyện Côn Đảo, thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1 năm 1977, chính phủ Việt Nam chuyển huyện Côn Đảo đặt thuộc tỉnh Hậu Giang. Đến tháng 5 năm 1979, Côn Đảo trở thành một quận trực thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Tháng 8 năm 1991, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo giải thể, Côn Đảo trở thành một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, và giữ nguyên cho đến ngày nay. Theo đó, Côn Đảo là một huyện hành chính một cấp (không có các cấp phụ thuộc như xã, phường hay thị trấn). Tính đến năm 2010, dân số Côn Đảo khoảng 6.000 người, được tổ chức thành 10 khu dân cư.

Nhìn chung, quá trình hình thành và phát triển của Côn Đảo trải qua nhiều lần thay đổi về tổ chức và địa giới hành chính. Không nói tới thời kỳ khai phá và xác lập chủ quyền của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, trên tổng thể có thể chia quá trình phát triển lịch sử Côn Đảo thành hai phân đoạn rõ nét. Đó là hơn một thế kỷ, Côn Đảo được mệnh danh là “địa ngục trần gian” dưới sự cai trị của thực dân, đế quốc. Mặc dù các chính quyền thực dân, đế quốc nhiều lần có sự thay đổi về tổ chức bộ máy hành chính, nhưng thực chất Côn Đảo trong thời kỳ này là một nhà tù khổng lồ – nơi đọa đầy cán bộ, chiến sĩ và quần chúng yêu nước, mà không có cộng đồng dân cư sinh sống. Giai đoạn thứ hai là thời kỳ từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, nhân dân Côn Đảo nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Để đến nay, Côn Đảo trở thành một trong những địa phương giàu tiềm năng, điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhất của Việt Nam, với vẻ đẹp trầm mặc, pha trộn vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên với dấu ấn lịch sử bi hùng của bao thế hệ người Việt bị đọa đày trong các nhà tù của thực dân, đế quốc.

[1] Đại Nam thực lục

[2] Tài liệu về tỉnh Côn Sơn, hồ sơ 1892, phông ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[3] Tài liệu về tỉnh Côn Sơn, hồ sơ 1892, phông ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[4] Pénitencier de Poulo Condore. Hs số III60/N41(1) phông Thống Đốc Nam kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II

[5] Công văn số 31348/TM/DNQK/3 ngày 20-8-1955, hồ sơ D7-368, Tòa Đại biểu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[6] Sự vụ văn thư số 39222/TM/DNQK/3 ngày 24-10-1955 của Đệ nhất quân khu Quốc gia Việt Nam, , hồ sơ D7-368, Tòa Đại biểu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[7] Công vụ lệnh số 37/BA/NV/NV/CVL ngày 30-10-1955 của Nha Giám đốc Bảo an Nam Việt, hồ sơ D72-384, Tòa Đại biểu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[8] Công văn số 171/TTM/HQ/VP ngày 25-5-1956 của Bộ Tham mưu Hải quân VNCH, hồ sơ D7-365, Tòa Đại biểu, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

[9] Sắc lệnh số 143-NV ngày 22-10-1956 v/v thay đổi địa giới và tên dọi Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Nam Việt, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[10] Quyết định số 105-CS/VP ngày 18-9-1959 về tổ chức Tòa Hành chánh tỉnh Côn Sơn, hồ sơ 1892, phông ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[11] Tài liệu về tỉnh Côn Sơn, hồ sơ 1892, phông ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[12] Tài liệu về tỉnh Côn Sơn, hồ sơ 1892, phông ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[13] Hồ sơ về kế hoạch phòng thủ tỉnh Côn Sơn, hồ sơ 6656, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[14] Sắc lệnh số 98/QP ngày 26-11-1962, hồ sơ 4764, PTTg

[15] Tờ trình v/v cải biến tỉnh Côn Sơn của Văn phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[16] Tờ trình v/v cải biến tỉnh Côn Sơn của Văn phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[17] Tờ trình v/v cải biến tỉnh Côn Sơn của Văn phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[18] Tờ trình v/v cải biến tỉnh Côn Sơn của Văn phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[19] Tờ trình v/v cải biến tỉnh Côn Sơn của Văn phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[20] Tờ trình v/v cải biến tỉnh Côn Sơn của Văn phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[21] Tờ trình v/v cải biến tỉnh Côn Sơn của Văn phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, hồ sơ 1892, ĐICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[22] Trung tâm tình báo hỗn hợp Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH, Địa dư tổng quát Việt Nam Cộng hòa, năm 1968

[23] Tài liệu tổng hợp tổ chức hành chánh, chính trị, dân số tỉnh Gia Định năm 1972, hồ sơ số 5988, ĐIICH, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *