Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với Hội đàm Paris trong những ngày đầu

Sau tết Mậu thân năm 1968, Hoa Kỳ buộc phải nghiêm chỉnh chọn hướng đàm phán nhằm kết thúc cuộc gấy chiến tại Việt Nam. Trong những lần tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, hai bên đề cập đến nhiều vấn đề trong đó có bàn đến khía cạnh chọn đại diện cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự Hội đàm Paris. Hoa kỳ đã chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với tư cách pháp nhân được tham gia đàm phán bốn bên. Ngay từ đầu chính quyền Thiệu đã phản đối đặt học ngang hàng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên chiếc bàn tròn Paris.  Nhưng cuối cùng dưới sức ép của Hoa Kỳ, chính quyền Thiệu phải chấp nhận như một sự công nhận tư cách đại diện nhân dân miền Nam Việt Nam của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Cho tới giữa năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tham gia một số phiên họp và làm tốt vai trò đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của mình, rồi nhường lại vai trò đó cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời năm 1960 là đại diện của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Mặt trận là cơ quan đại diện hợp pháp để thực hiện các hoạt động ngoại giao với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cũng vì thế, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam có quyền đại diện nhân dân miền Nam trong công cuộc đấu tranh ngoại giao ở bàn đàm phán Paris.

Trước những sức ép thất bại liên tiếp ở chiến trường miền Nam mà đặc biệt là sự kiện chấn động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, cộng với phong trào ủng hộ Mặt trận Giải phóng và quân dân miền Nam của nhân dân thế giới ngày càng lan rộng, Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara phải từ chức, Tổng thống Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc vô điều kiện 90% lãnh thổ miền Bắc Việt Nam và quyết định không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Mặc dù Johnson tỏ rõ thái độ xuống thang chiến tranh bằng tuyên bố ngày 31-3-1968 nhưng vẫn cố trì hoãn để tìm kiếm một giải pháp khác. Trước “mánh khóe” của Hoa Kỳ, ngày 3-5-1968, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát đi tuyên bố về vấn đề hội đàm. Trong đó, cực lực lên án thái độ không nghiêm chỉnh của Hoa Kỳ; đồng thời ấn định rõ ngày giờ và địa điểm cho phiên họp đầu tiên, khai mạc hội nghị đàm phán hòa bình về Việt Nam.

Không còn lý do trì hoãn, cùng ngày 3-5-1968, Tổng thống Johnson tuyên bố chấp nhận đi đến bàn đàm phán tại Paris để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam thông qua thương lượng: “chúng ta hy vọng, cuộc đàm phán này là một động thái quan trọng đi đến giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Nam Á”[1].

Một ngày trước khi Hội nghi Paris chính thức khai mạc, ngày 12-5-1968, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nguyễn Hữu Thọ, gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường của Mặt trận đối với việc giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam:

“Trong những giờ phút hết sức sôi nổi và oanh liệt này của sự nghiệp giải phóng dân tộc, miền Nam xin hứa với Hồ Chủ tịch và 17 triệu đồng bào ruột thịt miền Bắc rằng:

Chừng nào đế quốc Mỹ chưa chấm dứt chiến tranh xâm lược miền Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định lấy vận mạng của mình thì nhân dân miền Nam và các lực lượng võ trang yêu nước của mình đoàn kết triệu người như một, nắm chắc tay súng và quyết tâm chiến đấu đến cùng. Có như vậy mới xứng đáng với lời khen của Hồ Chủ tịch, không có gì quý hơn độc lập tự do, không có sức mạnh bạo tàn nào, không có thế lực phản động nào, không có thủ đoạn xảo quyệt nào có thể lay chuyển được ý chí quyết chiến, quyết thắng và ngăn cản được nhân dân Nam Việt Nam tiến lên để thắng lợi cuối cùng.

Cả miền Nam quyết tiến lên, liên tục tấn công và nổi dậy và tiến công đánh bọn giặc Mỹ xâm lược, đập tan ngụy quyền và ngụy quân, giành lấy thắng lợi hoàn toàn. Cả miền Nam quyết tiến lên hoàn thành một cách đầy đủ nhiệm vụ trọng đại của dân tộc và nghĩa vụ quốc tế vẻ vang thái bình. Miền Nam Việt Nam nhất định được giải phóng, miền Bắc một lòng, toàn dân ta quyết định thắng đế quốc Mỹ. Tổ quốc Việt Nam nhất định được thống nhất”[2].

Ngày 13-5-1968, đại diện Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu cuộc gặp chính thức khai mạc Hội nghị Paris về kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong phiên họp chính thức thứ nhất của vòng đàm phán hai bên, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố rõ ràng 4 quan điểm của mình về vấn đề kết thúc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau một tháng bắt đầu đàm phán, tình hình không khả quan, Mỹ vẫn lật lọng và càng thể hiện thái độ mở đàm phán như một lá bài che dấu mưu đồ khác ở miền Nam. Mặc dù chưa phải là thành phần của bàn đàm phán, nhưng Mặt trận Giải phóng luôn theo dõi sát diễn biến của hội đàm Paris một tháng qua. Thái độ của Hoa Kỳ khiến cho Mặt trận phải lên tiếng tố cáo để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân miền Nam. Ngày 10-6-1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phát đi tuyên bố ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định lần nữa lập trường của Mặt trận và nêu cao quyết tâm chiến đấu của Mặt trận vì độc lập tự do của miền Nam:

“Trong cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ tại Paris, đại diện Mỹ lặp đi lặp lại những luận điệu hết sức xằng bậy, che đậy âm mưu và hành động xâm lược của Mỹ, xuyên tạc trắng trợn cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam, trốn tránh việc xác định Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thấy cần nói lên sự căm phẫn của toàn thể nhân dân miền Nam đối với lập trường xâm lược ngoan cố của Mỹ và kiên quyết bác bỏ những luận điệu xằng bậy của chúng.

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam tiến hành chiến tranh phá hoại chống miền Bắc. Nhân dân cả nước Việt Nam có nghĩa vụ thiêng liêng và quyền chính đáng kề vai sát cánh cùng nhau hợp lực chống kẻ thù chung. Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, nhân dân miền Nam Việt Nam dựa vào sức mình là chính, có quyền nhận sự giúp đỡ về mọi mặt của đồng bào miền Bắc ruột thịt. Mỹ xâm lược miền Nam, Mỹ phải chấm dứt xâm lược. Mỹ ném bom miền Bắc, xâm phạm độc lập và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ phải chấm dứt các hành động chiến tranh đó mà không được đòi bất cứ điều kiện gì. Mỹ càng không được dùng luận điệu “có đi có lại” để đòi nhân dân Việt Nam ngừng chiến đấu chống quân xâm lược.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam là một bộ phận khăng khít của sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới, được cả loài người tiến bộ trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ đồng tình ủng hộ và giúp đỡ.

Nhân dân miền Nam Việt Nam nhiệt liệt cảm ơn sự ủng hộ mạnh mẽ và giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa và bạn bè khắp năm châu đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của mình.

Từ trước đến nay cũng như từ nay về sau, nhân dân miền Nam Việt Nam giành cho mình quyền kêu gọi và nhận sự giúp đỡ về mọi mặt của bạn bè trên thế giới, kể cả sự giúp đỡ về võ khí và quân tình nguyện.

Nhân dân miền Nam Việt Nam đang thắng lớn. Mỹ đang thua to. Ngụy quyền Thiệu Kỳ thúi nát đang sụp đổ. Không một cố gắng tuyệt vọng nào, không một âm mưu quỷ quyệt nào có thể cứu vãn Mỹ – ngụy khỏi thất bại hoàn toàn.

Nhân dân miền Nam Việt Nam rất tha thiết với hòa bình, nhưng phải là hòa bình trong độc lập và tự do. Mỹ phải chấm dứt xâm lược, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình theo Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Chừng nào Mỹ còn xâm lược miền Nam Việt Nam, nhân dân miền Nam còn chiến đấu, quyết giành kỳ được các quyền dân tộc thiêng liêng của mình.

Nhân dân và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ủng hộ hoàn toàn lập trường đúng đắn, sáng ngời chính nghĩa của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nêu trong các bài phát biểu của Bộ trưởng Xuân Thủy tại cuộc nói chuyện ở Paris. Lập trường đó phản ánh nguyện vọng và quyền lợi thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nghiêm khắc lên án thái độ ngoan cố, quanh co của Mỹ, kiên quyết đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thay mặt đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng gởi đến 17 triệu đồng bào miền Bắc và kiều bào ở nước ngoài lòng cảm kích sâu sắc về những cố gắng và hy sinh đầy tình nghĩa ruột rà của đồng bào để góp phần to lớn vào sự nghiệp thiêng liêng giải phóng miền Nam.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ tuyên bố của chính phủ Vương quốc Campuchia và của người đại diện Néo Lào Haksat, phản đối Mỹ đưa vấn đề Campuchia và Lào trong cuộc nói chuyện chính thức giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, và nguyện vọng tích cực góp phần tăng cường khối đoàn kết nhân dân Đông Dương chống bọn xâm lược Mỹ và tay sai.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi toàn quân, toàn dân miền Nam không ngừng nâng cao quyết tâm chiến đấu và tinh thần cảnh giác, thừa thắng dũng mãnh xông lên, liên tục tấn công và nổi dậy đều khắp, giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp vẻ vang giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình châu Á và thế giới.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các chính phủ, các đoàn thể, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ hãy ủng hộ và giúp đỡ tích cực mạnh mẽ hơn nữa về mọi mặt sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam”[3].

 tuyen bo

Tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 10-6-1968

Trong khi đó, trên bàn đàm phán, hai bên cũng bắt đầu đề cập đến việc phải có sự tham dự của một lực lượng đại diện trực tiếp cho nhân dân miền Nam và chính quyền Sài Gòn để giải quyết vấn đề miền Nam một cách thiết thực hơn. Ngày 19-8-1968, trong phiên họp không chính thức giữa Phó Trưởng phái đoàn ngoại giao Mỹ là Cryrus Vance và Phó Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hà Thiệu Lâu, phía Mỹ đề nghị cần có sự tham gia của chính quyền Sài Gòn và đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 21-10-1968, Bộ trưởng Xuân Thủy thông cáo quyết định của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc chấp thuận đàm phán bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Ngày 31-10-1968, hai bên thống nhất: Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc vô điều kiện và sẽ mở Hội nghị chính thức bốn bên đầu tiên tại Paris ngày 2-11-1968, mặc dù lúc này chính quyền Sài Gòn vẫn một mực phản đổi việc mở hội nghị bốn bên, không chịu ngồi vào bàn đàm phán và cũng không chấp nhận sự hiện diện của Mặt trận Giải phóng tại hội đàm Paris.

Để thể hiện thiện chí hòa bình và những lập trường không thể thay đổi trong đàm phán mà Mặt trận sắp tham dự với tư cách là một trong bốn thành phần chính thức của Hội nghị đại diện cho quyền lợi của nhân dân miền Nam, ngày 3-11-1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra tuyên bố về giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam, với 5 điểm:

Bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được đăng tải trên báo như sau:

“Trong bản tuyên bố này, Mặt trận Giải phóng cho biết: lập trường và giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam Việt Nam như sau:

1-Miền Nam Việt Nam quyết chiến đấu để thực hiện quyền thiêng liêng của mình độc lập dân chủ hòa bình trung lập và phồn thịnh tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc.

2-Đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ, quân chư hầu và các phương tiện chiến tranh của chúng ra khỏi miền Nam Việt Nam, hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

3-Công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam phải do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo cương lĩnh chính trị của Mặt trận Giải phóng, không có sự can thiệp của nước ngoài, thành lập chánh phủ liên hiệp dân tộc rộng rãi, tổ chức tổng tuyển cử tự do ở miền Nam Việt Nam.

4-Việc thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam ở hai miền giải quyết từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa hai miền, không có sự can thiệp của nước ngoài.

5-Miền Nam Việt Nam thực hiện chánh sách ngoại giao hòa bình trung lập, không liên minh quân sự với nước ngoài với bất cứ hình thái nào, đặt quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên cơ sở liên minh bằng cách chung sống hòa bình, thiết lập quan hệ láng giềng tốt với Vương quốc Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập cho quyền trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong biên giới hiện tại và trên cơ sở tôn trọng Hiệp nghị Genève 1962 về Lào.

Ngoài ra, trong bản tuyên bố này Mặt trận Giải phóng cũng cho biết: sau khi đã bàn bạc và nhất trí với Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình, Mặt trận Giải phóng chấp nhận hội nghị bốn bên gồm Hà nội, Mặt trận Giải phóng, Mỹ và chính quyền Sài Gòn… và việc đại diện của chính quyền Sài Gòn có mặt tại hội nghị nói trên không có nghĩa là Mặt trận Giải phóng thừa nhận chính quyền đó”[4].

Vấp phải sự cự tuyệt của Nguyễn Văn Thiệu, phiên họp đầu tiên của Hội nghị bốn bên dịch tới ngày 6-11-1968, trước đó hai ngày, phái đoàn Mặt trận Giải phóng do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn từ Moscow (Liên Xô) đến Paris để chuẩn bị cho phiên họp bốn bên. Tuy nhiên, Hội nghị bốn bên vẫn không thể khai diễn vì sự bất đồng giữa chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ chưa được giải quyết. Mãi tới 7-12-1968, dưới sức ép nhiều phía, và cũng không thể không ngồi vào bàn đàm phán, Nguyễn Văn Thiệu cử phái đoàn do Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn, dưới sự cố vấn trực tiếp của Nguyễn Cao Kỳ, đi Paris tham dự hội nghị.

Ngày 18-1-1969, Hội nghị bốn bên bắt đầu, bà Nguyễn Thị Bình đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đọc diễn văn khai mạc, lên án thái độ trì hoãn, nhập nhằng của phía Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn:

“Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chân thành cảm ơn Chính phủ Pháp đã tạo các điều kiện dễ dàng cho Hội nghị 4 bên về Việt Nam.

Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn nhân dân Pháp và bạn bè trên thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh cứu quốc của nhân dân Việt Nam, ủng hộ lập trường của chúng tôi trong việc tìm ra một giải pháp chính trị đúng đắn cho vấn đề Việt Nam.

Trước khi đi vào bàn các vấn đề thủ tục của hội nghị về Việt Nam, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thấy cần nói rõ mấy ý như sau:

Trước những thất bại ở hai miền Nam Bắc Việt Nam, chính phủ Mỹ buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhận một cuộc hội nghị bắt đầu vào ngày 6-11-1968 tại Paris gồm đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đại biểu của Mỹ và đại biểu của chính quyền Sài Gòn, để tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam.

Trong tuyên bố ngày 3-11-1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã bày tỏ thái độ thiện chí chấp nhận hội nghị 4 bên về Việt Nam và nêu ra lập trường 5 điểm vạch rõ con đường đứng đắn giải quyết vấn đề Việt Nam, phù hợp với quyền dân tộc cơ bản của nhân dân miền Nam Việt Nam và nguyên tắc cơ bản của hiệp định Genève 1954 về Việt nam.

Và ngày 4-11-1968, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã đến Paris sẵn sàng bước vào bàn hội nghị, từ đó đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thỏa thuận với đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra nhiều đề nghị hợp tình, hợp lý để cho hội nghị 4 bên có thể sớm bắt đầu.

Ngược lại, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không chịu họp đúng vào ngày 6-11-1968, lại còn đưa luận điệu sai trái về hội nghị 2 bên, gây khó khăn trong vấn đề thủ tục, khiến cho phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục đến hôm nay mới khai mạc được.

Với luận điệu hai phái, Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn phủ nhận và hạ thấp vai trò đại diện chân chính của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, duy trì chính quyền tay sai Sài Gòn, che dấu hành động xâm lược Mỹ. Song những luận điệu và âm mưu đó không thể thay đổi được sự thật. Sự thật đó là Mỹ từ bên kia đại dương đến xâm lược Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn là công cụ của Mỹ.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, người tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mặt trận là người đại diện thực sự cho nguyện vọng chính đáng của nhân dân miền Nam Việt Nam. Đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đến dự cuộc hội nghị nầy với tư cách một đoàn độc lập và bình đẵng với các đoàn khác, có đủ thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề liên quan đến miền Nam Việt Nam.

Chính quyền Sài Gòn Thiệu – Kỳ – Hương hiện như mọi người biết do Mỹ lập ra, đang điên cuồng chống lại nguyện vọng hòa bình và độc lập của nhân dân, tàn sát đồng bào, chúng đang bị các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam phản đối kịch liệt và đòi lật đổ. Sự có mặt của chính quyền Sài Gòn này không có nghĩa là Mặt trận thừa nhận chính quyền đó.

Một lần nữa, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam bày tỏ thái độ nghiêm chỉnh của mình mong muốn tìm một giải pháp chính trị, đem lại hòa bình và độc lập thật sự cho đất nước. Chúng tôi cực lực lên án những hành động quanh co làm trì hoãn cuộc hội nghị của chính quyền Mỹ và Sài Gòn vừa qua. Chúng tôi đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải có thái độ đứng đắn trong hội nghị, để hội nghị có thể tiến triến giải quyết đứng đắn vấn đề Việt Nam.

Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thấy hội nghị toàn thể 4 đoàn cần phải họp sớm để đi vào các vấn đề thực chất nhằm tìm một giải pháp chính trị đứng đắn cho vấn đề Việt Nam. Chúng tôi cho rằng những vấn đề thủ tục như hình thức bàn hội nghị, tiếng nói chính thức, tiếng dùng để làm việc tại hội nghị, thứ tự phát biểu trong các phiên họp, được sử dụng máy ghi âm trong phòng, đã được thỏa thuận trong phiên họp đầu tiên nầy, sẽ áp dụng vào hội nghị 4 đoàn, và chúng tôi đề nghị luôn hội nghị toàn thể 4 đoàn sẽ bắt đầu vào những ngày đầu của tuần tới”[5].

Ngày 25-1-1969, Hội nghị bốn bên về Việt Nam chính thức phiên họp đầu tiên. Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Nguyễn Bửu Kiếm làm trưởng đã khẳng định trước Hội nghị rằng Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến dự hội nghị bốn bên này với tư cách là một bên độc lập, bình đẳng với các bên khác, để nói chuyện nghiêm chỉnh nhằm tìm một giải pháp chính trị đúng đắn cho vấn đề miền Nam Việt Nam.

Như vậy, sau gần 8 năm tìm mọi cách phủ nhận sự tồn tại và vai trò đại diện chân chính của Mặt trận Giải phóng, cuối cùng Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải thừa nhận và chấp nhận đàm phán với Mặt trận để giải quyết vấn đề chiến tranh ở miền Nam. Đến đây, trên mặt trận ngoại giao, Mặt trận Giải phóng đã có một bước phát triển nhảy vọt, đó là chuyển dần từ “ngoại giao nhân dân” sang “ngoại giao nhà nước”, buộc Mỹ phải ngồi nói chuyện chính thức và trực tiếp với Mặt trận Giải phóng. Mặt trận Giải phóng lúc này đã khẳng định vai trò lãnh đạo của mình ở miền Nam, đại diện hợp pháp và chân chính cho nhân dân miền Nam, phía đối phương không còn lý do nào để phủ nhận vai trò ấy.

Trong khi đó tại Sài Gòn, ngày 25-3-1969, Tổng thống chính quyền Sài Gòn “đề nghị mật đàm với Mặt trận Giải phóng miền Nam”[6] và “sẵn sàng tham dự những cuộc nói chuyện riêng tư tại Ba Lê” [7]. Lý giải sự thay đổi thái độ của Nguyễn Văn Thiệu, Đài BBC bình: “nhiều người tin rằng sau cùng chính phủ Saigon đã phải nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, có lẽ là những áp lực gián tiếp, chắc Mỹ đã gây những áp lực về mặt quân sự bằng cách quyết định sắp rút quân ra khỏi Việt Nam” [8]. Dư luận ở Sài Gòn cũng quá bất ngờ với tuyên bố của Nguyễn Văn Thiệu:

“Tại Saigon khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mới công bố rằng sẵn sàng họp kín với Mặt trận Giải phóng, thì phản ứng đầu tiên tựa hồ như một sự ngạc nhiên kinh hoàng. Mới cách đây vài tháng miền Nam đã có sự cãi cọ kịch liệt với Hoa Kỳ, chỉ vì Hoa Kỳ nhận cho Mặt trận Giải phóng được dự vào các cuộc hội đàm ở Ba Lê. Nhưng một sự bàng hoàng lúc ban đầu qua rồi, thì nhiều nhà quan sát nhận định rằng ông Thiệu chỉ biểu dương sự tự tín vì quả thật đã chẳng nhượng bộ gì, ông ta vẫn chống ý kiến lập một chính phủ liên hiệp sau này, khi chiến cuộc kết liễu. Nhiều lần Tổng thống Thiệu tuyên bố rằng miền Nam sẽ không bỏ cuộc hội đàm Ba Lê và đến nay khả dĩ có việc hội đàm kín và riêng với Mặt trận, thì giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ vẫn có tin đồn họ cũng gặp gỡ kín và tư. Nếu quả thật rồi ra có hai cuộc hội đàm kín riêng biệt như vậy, thì ý tưởng mà nhiều người vẫn có từ trước tới nay sẽ thành sự thật, là ý tưởng cho một cuộc hội đàm chính thức ở Ba Lê có thể sẽ chỉ là để chấp thuận những gì đã thỏa hiệp được rồi tại nơi khác” [9].

Mặc dầu về mặt chính thức và công khai, phía Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn phải thừa nhận sự có mặt của Mặt trận Giải phóng tại các cuộc thảo luận của Hội nghị Paris. Nhưng họ vẫn không công nhận Mặt trận là đại diện riêng biệt của nhân dân miền Nam, và cho rằng “Mặt trận là công cụ xâm lược của miền Bắc”. Vì vậy, trong những phiên họp tiếp theo, tại bàn Hội nghị, phía Hoa Kỳ lúc nào cũng đánh đồng Đoàn đại biểu Mặt trận Giải phóng với Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một đi ngược với quan điểm lập trường của Mặt trận là một đoàn tham dự Hội nghị độc lập. Để khẳng định vai trò đại diện nhân dân miền Nam của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và sự độc lập của phái đoàn tại bàn đàm phán, tại phiên họp thứ 16 (8-5-1969), ông Trần Bửu Kiếm trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tuyên bố “giải pháp hòa bình 10 điểm”:

“1.Tôn trọng các quyền dân tộc, độc lập, thống nhứt và toàn vẹn lãnh thổ như đã được quy định trong Hiệp nghị Genève 1954 về Việt Nam.

2.Quân đội Mỹ và quân đội nước ngoài thuộc phe Mỹ phải rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, hủy bỏ các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

3.Vấn đề các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên ở Việt Nam cùng giải quyết.

4.Nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình, tự quyết định chế độ chính trị của miền Nam bằng tổng tuyển cử tự do, bầu quốc hội lập hiến, thành lập chính phủ liên hiệp.

5.Tất cả các lực lượng, phe phái chính trị sẽ lập ra một chính phủ liên hiệp lâm thời, chính phủ này có nhiệm vụ:

a.Thi hành các hiệp nghị được ký kết về việc rút quân Mỹ.

b.Thực hiện việc hòa hợp dân tộc, đoàn kết rộng rãi mọi từng lớp nhân dân và các đường lối chính trị.

c.Tổ chức tổng tuyển cử trên toàn miền Nam để thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

6.Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập, công nhận chủ quyền và biên giới của Campuchia và Lào.

Lập quan hệ ngoại giao cả với Mỹ, nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của mọi quốc gia không kèm theo điều kiện chính trị ràng buộc.

7.Việc thống nhứt nước Việt Nam sẽ thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình. Trong khi chờ đợi việc thống nhứt, hai miền lập lại quan hệ bình thường, giới tuyến quân sự giữa hai miền ở vĩ tuyến 17 chỉ có tính cách tạm thời.

8.Trong khi chờ đợi thực hiện hòa bình thống nhứt nước Việt Nam, hai miền không được tham gia liên minh quân sự với nước nào.

9.Hai bên sẽ thương lượng về việc trao đổi tù bình.

10.Các bên sẽ thỏa thuận về một sự giám sát quốc tế đối với việc rút quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam”[10].

Giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận Giải phóng là một đòn ngoại giao quan trọng, hợp tình hợp lý về vấn đề hòa bình và tương lai của miền Nam Việt Nam, thể hiện một cách đầy đủ tinh thần hòa hợp dân tộc, chính sách đại đoàn kết; không những đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam mà còn đảm bảo một nền hòa bình lâu dài ở Việt Nam, tạo cơ hội cho Mỹ chấm dứt trong danh dự cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trải qua 20 phiên họp tính tới tháng 6 năm 1969, lập trường và quan điểm của Mặt trận Giải phóng trước sau như một. Trong khi Mặt trận kiên trì theo đuổi lập trường buộc Mỹ phải rời khỏi miền Nam Việt Nam, phát triển miền Nam trong hòa bình bền vững với một chế độ chính trị độc lập, cuộc đàm phán Paris vẫn tiếp tục rơi vào bế tắc, ở miền Nam Việt Nam đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng, có tác động tích cực cho tiến trình hội đàm tại Paris.

Chín năm sau khi thành lập Mặt trận, phong trào giải phóng miền Nam đạt được những thắng lợi to lớn, từ những thắng lợi trên mặt trận quân sự đến việc mở rộng vùng giải phóng và thiết lập hệ thống chính quyền giải phóng cơ sở, tới tháng 6 năm 1969, điều kiện và tiền đề cho việc thành lập một chính phủ trung ương đã hội đủ. Ngày 6-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam thống nhất khai sinh chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và long trọng tuyên bố thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một sự chuyển biến của Mặt trận từ thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng đến một một chính quyền cách mạng thực sự ở miền Nam Việt Nam. Và nó cũng đánh dấu một sự trưởng thành của Mặt trận và từ đây vai trò của Mặt trận sẽ trở về là một tổ chức chính trị – xã hội trong hoạt động của chính quyền của chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tại hội đàm Paris, 10-6-1969, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát ký quyết định số 07/QĐ/CT thành lập phái đoàn tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam, theo đó điều 1 ghi rõ “Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam trở thành đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam”[11].

Kể từ đây, đại diện cho nhân dân miền Nam Việt Nam tại bàn Hội nghị Paris để tranh đấu cho quyền lợi của miền Nam là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mặt trận tiếp tục thực hiện đường lối như Cương lĩnh chính trị đã đề ra, tiếp tục thực hiện vai trò đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự ủng hộ của bè bạn năm châu, tranh đấu vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc Việt Nam.

Vũ Văn Tâm – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

Chú giải

[1] Hồ sơ 865, ĐIICH, TTLTII.

[2] Thư của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 12-5-1968, hồ sơ 857, ĐIICH, TTLTII.

[3] Tuyên bố của Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 10-6-1968, hồ sơ 857, ĐIICH, TTLTII.

[4] Phiếu trình Tổng thống VNCH số 5322 của Công cán ủy viên về Trích bản tin VNTTX/Hanoi-MTGP ngày 4-11-68, hồ sơ 4771, PTTg, TTLTII.

[5] Diễn văn của bà Nguyễn Thị Bình tại buổi họp khai mạc ngày 18-1-1968, hồ sơ 970, ĐIICH, TTLTII.

[6] Hồ sơ 945, ĐIICH, TTLTII.

[7] Hồ sơ 945, ĐIICH, TTLTII.

[8] Bản kiểm thính đài BBC, hồ sơ 945, ĐIICH, TTLTII.

[9] Bản kiểm thính đài BBC, hồ sơ 945, ĐIICH, TTLTII.

[10] Bản kiểm thính tin tức đài Hà Nội của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa, hồ sơ 1016, ĐIICH, TTLTII.

[11] Quyết định số 07/QĐ/CT ngày 10-6-1969 của Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hồ sơ 967, ĐIICH, TTLTII.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *