Phàm đã làm công tác nghiên cứu lịch sử và đã có một công trình khoa học đầu tay là luận án sử học, ai mà không từng trở thành độc giả quen thuộc của một trung tâm lưu trữ quốc gia và những địa chỉ lưu trữ tài liệu khác của các ngành, địa phương. Chính vì thế mà ai cũng có thể nhận thấy sự cần thiết của việc sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia trong nghiên cứu sử học. Nhưng mấy vấn đề sau đây chưa chắc đã chính xác 100%, có thể chưa thiết thực, thậm chí không được chấp nhận. Vậy thì bàn thêm.
- Những công trình nghiên cứu lịch sử từ tài liệu lưu trữ
Trước hết là các công trình nghiên cứu lịch sử trong đào tạo bậc sau đại học ở các đại học Việt Nam (Luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ sử học); hiện có nhiều viện và trường đại học có đào tạo các chuyên ngành lịch sử (Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) bậc Cao học và Nghiên cứu sinh.
Đa phần các luận án tiến sĩ về lịch sử là những công trình khoa học lấy nguồn tài liệu chủ yếu và trước hết từ cơ quan lưu trữ. Điều đó được khẳng định bởi tính khách quan của chính tài liệu lưu trữ – tài liệu lưu trữ sản sinh trong quá trình lịch sử, là sản phẩm của lịch sử; tài liệu lưu trữ cũng chính là bản chất của sự kiện và vấn đề lịch sử, là chất liệu và cơ sở thực tế của quá trình phục hồi bức tranh quá khứ…
Luận án tiến sĩ sử học Lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862 – 1930)[1] của Lê Hữu Phước cũng như các luận án khác về nhà tù Côn Đảo (của Trịnh Công Lý, Nguyễn Đình Thống, Bùi Văn Toản…) đã sử dụng nguồn tài liệu chính từ Trung tâm lưu trữ quốc gia II.
Luận án tiến sĩ sử học Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong giai đoàn 1969-1972: Chống phá bình định nông thôn ở Nam bộ[2] của Hà Minh Hồng sử dụng 120 tài liệu lưu trữ chủ yếu từ Trung tâm lưu trữ quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh (phông An ninh điều hợp) và Phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 (Ban Thông tin tư liệu) (Tổng số danh mục 160 tài liệu tham khảo).
Luận án tiến sĩ sử học Hoạt động và vai trò của Ban Thống nhất Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)[3] của Phan Thị Xuân Yến sử dụng 189 tài liệu lưu trữ chủ yếu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Tổng số danh mục 224 tài liệu tham khảo)
Luận án tiến sĩ sử học luận án “Chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1963”[4] của Nguyễn Xuân Hoài sử dụng 130 tài liệu lưu trữ của Trung tâm lưu trữ quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh. (Tổng số danh mục 174 tài liệu tham khảo).
Luận án Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ từ năm 1930 đến năm 1945[5] của Phạm Thị Huệ sử dụng 149 tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh và 40 tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp (Tổng số danh mục 290 tài liệu tham khảo)
Luận án Quá trình giải quyết vấn đề ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long (1992-2008)[6] của Trần Đăng Kế có danh mục 180 tài liệu tham khảo, trong đó sử dụng chủ yếu nguồn tài liệu gốc là các báo cáo tại các tỉnh đồng bằng song Cửu Long (chưa được bảo quản theo quy định lưu trữ, chưa có mã số phông lưu trữ tỉnh).
Luận án Quá trình phát triển kinh tế trang trại gia đình tại tỉnh Bình Phước giai đoạn 1986-2006[7] của Trần Hán Biên có danh mục hơn 200 tài liệu tham khảo, trong đó sử dụng tư liệu từ các báo cáo điều tra tại địa phương như là tài liệu gốc, mặc dù các nguồn tài liệu này chưa được bảo quản theo chế độ lưu trữ.
Một số luận văn thạc sĩ sử học, nhất là chuyên ngành lịch sử Việt Nam nghiên cứu thời kỳ cận đại cũng sử dụng khá nhiều và hiệu quả nguồn tài liệu lưu trữ ở các Trung tâm lưu trữ quốc gia và Lưu trữ các địa phương.
Nhiều đề tài NCKH cấp Bộ và tương đương ở Việt Nam cũng được hoàn thành và có giá trị khoa học cao khi khai thác và sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ. Đề tài Lịch sử trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975)[8] do PGS-TS Nguyễn Tấn Phát làm chủ nhiệm có 90% trong tổng số 247 tài liệu tham khảo là Trung tâm lưu trữ III, lưu trữ Bộ giáo dục. Ngoài số tài liệu lưu trữ được liệt kê, công trình này còn khai thác nhiều nguồn tư liệu lưu trữ khác của các cá nhân nhân chứng
Một số công trình cấp Nhà nước về sử học hoặc có nội dung sử học cũng không thể không có hàm lượng khoa học cao từ chất liệu tài liệu lưu trữ các loại, các cấp. Đề tài Lịch sử Nam bộ kháng chiến[9] là công trình cấp nhà nước do tập thể biên soạn chủ yếu là những người trong cuộc – nhân chứng lịch sử, do đó nguồn tư liệu cá nhân có giá trị bậc 1 khá phong phú. Danh mục tài liệu tham khảo trong hai tập chính (Tập 1 kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954; tập II kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975) gồm hàng trăm đầu tư liệu trong đó có 20% nguồn tài liệu lưu trữ từ Trung tâm lưu trữ quốc gia I, II, III, IV và các cơ quan lưu trữ bộ, ngành khác, còn lại là nguồn tài liệu các công trình địa phương, bộ ngành đã sử dụng tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu và xuất bản.
Một số công trình, ấn phẩm liên quan đến sử học nói riêng, khoa học xã hội và nhân văn nói chung đều đã khai thác tốt nguồn tài liệu lưu trữ. Sách Phi công Mỹ ở Việt Nam[10] của tác giả Đặng Vương Hưng cũng như sách Những lá thư thời chiến Việt Nam (Tuyển tập)[11] của ông sử dụng nguồn sử liệu thực tế sản sinh trong thời chiến tranh với hàng ngàn câu chuyện, hàng vạn bức thư. Đó là nguồn sử liệu được tập hợp do công sức của cá nhân và ý thức của mỗi người dân lưu giữ trong dân – nguồn tài liệu lưu trữ nhân dân rất phong phú. Toàn bộ ấn phẩm có thể coi như là bản công bố tư liệu, sử liệu đích thực của nhân dân, đang hiện hữu trong nhân dân vậy.
Các công trình sử học có sử dụng các nguồn tài liệu lưu trữ và các loại tài liệu lưu trữ khác nhau, nhưng đều đem lại giá trị khoa học cao, đóng góp nhiều tư liệu khoa học – sử liệu mới, luận điểm khoa học mới. Mức độ và hàm lượng khoa học tùy thuộc nhiều vào khả năng khai thác sử dụng tư liệu của tác giả – nhà khoa học, song “có bột mới gột nên hồ”, khoa học và chân thực, khách quan chính là từ trong chất liệu nội dung các văn bản tài liệu gốc được lưu giữ bảo quản trong các trung tâm lưu trữ.
Song cũng còn một thực trạng nghiên cứu sử học không sử dụng tài liệu lưu trữ, mặc dù có thống kê tài liệu lưu trữ nhưng thực ra chỉ là “ngụy tạo” để đối phó mà thôi.
- Tình trạng “ngược”, “nghịch” trong nghiên cứu đào tạo
Sách Cẩm nang sau đại học của trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh ghi: Đào tạo trình độ thạc sĩ là “giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng nghiên cứu độc lập, sang tạo và có khả năng phát hiện, phân tích và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo”; còn đào tạo trình độ tiến sĩ là “đào tạo những nhà khoa học có trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa khoa học, công nghệ và hướng dẫn nghiên cứu khoa học”[12]. Mục tiêu đào tạo ấy ở Đại học khoa học cơ bản/Đại học nghiên cứu như ĐH KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh được coi là đại diện cho mục tiêu đào tạo của nhiều đại học, viện đại học khác, trước hết là cho các chuyên ngành lịch sử, vì nơi đây có đủ các chuyên ngành lịch sử như nhiều trường, viện khác trong cả nước (Mục tiêu đào tạo bậc sau đại học của ĐH KHXH&NV Hà Nội có khác hơn nhưng cũng hàm chứa nội dung cơ bản này).
Thực tế đào tạo bậc sau đại học các chuyên ngành lịch sử được thể hiện kết quả như trên đây từ khá sớm và vẫn được duy trì cho tới nay. Song quá trình ấy cũng lẫn lộn nhiều hiện trạng “ngược”, “nghịch” đáng báo động.
Một số luận văn thạc sĩ của một số ngành lịch sử chỉ sử dụng nguồn tài liệu là các bộ Toàn tập (Hồ Chí Minh Toàn tập, Văn kiện Đảng Toàn tập…) và một số ít tài liệu lưu tại địa phương chưa được tổ chức thành tài liệu lưu trữ.
Đa số các luận văn cao học lịch sử chỉ nghiên cứu về thời kỳ từ khi có Đảng (1930) đến nay, nhất là từ sau cách mạng tháng Tám đến nay, thời kỳ cổ – trung đại đều không được quan tâm. Các ngành đào tạo Lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới cũng có tình trạng thiên lệch đó – chỉ nghiên cứu thời đương đại. Điều quan trọng là các đề tài lịch sử về thời kỳ cận hiện đại lại đều rơi vào tình trạng hiện đại hóa lịch sử, chính trị hóa lịch sử.
Đặc biệt là ngành Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam chỉ tập trung thời hiện đại, thậm chí chỉ dồn về thời kỳ đương đại từ sau 1975 đến nay, nhất là dồn cục vào thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay). Hầu hết các luận văn của chuyên ngành này (ở cả nước) tên đề tài đều có cụm từ “Đảng lãnh đạo công tác xóa đói giảm nghèo”, “Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo”, “Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội”… Tình trạng đó còn dẫn đến tình trạng tương đồng bố cục, tương đồng lập luận, tương đồng nguồn tài liệu sử dụng.
Nguồn tài liệu sử dụng trong các “công trình khoa học” ấy thường có chung một số văn kiện Đảng Trung ương và Đảng bộ địa phương đã được xuất bản, một số báo cáo chuyên đề của địa phương… Số tài liệu lưu trữ (dù là lưu trữ địa phương) cũng rất ít thấy trong danh mục tài liệu tham khảo; việc trích dẫn nặng về nghị quyết Đảng.
Tình trạng luận án tiến sĩ cũng xảy ra những “hiện tượng lạ”: Danh mục tài liệu tham khảo luận án tiến sĩ có liệt kê vài chục đầu tài liệu lưu trữ sao chép từ luận văn luận án, nhưng nghiên cứu sinh không hề đặt chân đến cơ quan lưu trữ. Đương nhiên không chỉ sao chép danh mục tài liệu tham khảo, mà còn sao chép nhiều trích dẫn, lập luận; như thế nếu có “nguồn tài liệu lưu trữ” trong luận án đó, thì cũng chỉ là “đạo văn” thuần túy mà thôi.
Lại có những luận án tiến sĩ lịch sử hoàn thành trong 2 năm (kể từ khi làm thủ tục xét hồ sơ đến khi trúng tuyển và học, nghiên cứu, bảo vệ cấp đơn vị chuyên môn, bảo vệ cấp cơ sở đào tạo). Việc nghiên cứu lịch sử để có một luận án có sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ cho thấy không thể “đi tắt đón đầu” như thế được; không có quy chế đào tạo tiến sĩ dưới 3 năm như thế.
Việc chọn đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh hay học viên cao học cũng phản ảnh một thực trạng: ai cũng muốn chọn đề tài hay nhưng trước hết phải dễ; ai cũng thích đề tài có sẵn tư liệu, nhất là tư liệu tại chỗ, không phải mất công tìm kiếm, không khó khăn trong việc xử lý; ai cũng đặt điều kiện “an toàn” và “đảm bảo” một luận án tiến sĩ trong tầm tay. Thực tế là họ muốn chọn đề tài theo kiểu “ăn sẵn”, mà không hề dám đón nhận những đề tài hay vì đó thường là khó về tư liệu, nhạy cảm hoặc mới về đối tượng nghiên cứu và cách tiếp cận. Dũng khí của người nghiên cứu trẻ (dù có người đã lớn tuổi) hầu như rất thấp, do đó cũng thiếu tố chất cần và đủ cho việc tiếp xúc với nguồn sử liệu gốc từ các trung tâm lưu trữ.
- Mấy đề xuất về sử dụng tài liệu lưu trữ trong đào tạo ngành Sử
Như trên đã thấy qua các công trình/ấn phẩm lịch sử, thực tế nguồn tài liệu gốc – bậc 1 – tài liệu lưu trữ hiện nay đang tồn tại ở 3 dạng/hiện trạng như sau:
Tài liệu đã và đang lưu giữ, bảo quản theo luật định trong các cơ quan lưu trữ quốc gia (4 Trung tâm lưu trữ). Ở đây chủ yếu là tài liệu thời cận hiện đại, trong đó chủ yếu là trước năm 1975; nguồn tài liệu từ sau năm 1975 đến nay về cơ bản chưa được lưu trữ (Chẳng hạn đã hơn 30 năm theo quy định tài liệu đưa vào lưu trữ, nhưng nguồn tài liệu lưu trữ giai đoạn 1975-1985 còn chưa hiện diện trong các Trung tâm lưu trữ quốc gia)
Tài liệu đã và đang lưu giữ, bảo quản trong các cơ quan lưu trữ địa phương (các Chi cục lưu trữ và Lưu trữ tỉnh/thành). Ở đây chủ yếu sao lưu từ các trung tâm lưu trữ quốc gia những tài liệu liên quan đến địa phương; một số tài liệu đương thời của địa phương được đưa vào lưu trữ nhưng chủ yếu là đưa vào kho lưu trữ. Các phông lưu trữ địa phương còn gần như “rộng rãi”, tài liệu địa phương thời kỳ 1975-1985 hầu như “rỗng”…
Tài liệu lưu trữ cá nhân – lưu trữ nhân dân: chủ yếu tài liệu sản sinh trong khoảng nửa thế kỷ gần đây, phản ánh phong phú tất cả các vấn đề lịch sử đương đại dưới góc nhìn cá nhân con người trong xã hội. Loại tài liệu này chưa có thống kê, chưa được bảo quản đúng, chưa được khai thác tốt và đang trong tình trạng dễ thất thoát nhất. Một vài công ty tư nhân được lập ra để làm nhiệm vụ lưu trữ nhân dân[13] chỉ như muối bỏ bể, không thể quản lý và bảo quản khai thác hết được.
Trong tình hình tài liệu lưu trữ như vậy rõ ràng cần chú trọng cả 3 nguồn tài liệu lưu trữ. Chắc chắn Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực và kinh phí cho nguồn a) và b); nhưng nguồn c) không phải không cần Nhà nước.
Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ bàn đến việc sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu sử học khi đào tạo bậc sau đại học ở Việt Nam ngày nay. Với mục tiêu nâng cao giá trị khoa học cho các công trình nghiên cứu sử học, thiết tưởng nghĩ đến một số vấn đề đề xuất như sau để các cơ quan đào tạo tham khảo khi đưa ra quy chế đào tạo sau đại học các chuyên ngành lịch sử.
Luận án tiến sĩ phải sử dụng trong nội dung ít nhất 50% tài liệu lưu trữ từ các Trung tâm lưu trữ. Nội dung này cần được thể hiện qua các yêu cầu cụ thể đối với nghiên cứu sinh phải thực sự làm việc trong các cơ quan lưu trữ, trong đó phải có Trung tâm lưu trữ quốc gia; trong luận án phải đảm bảo 3 tiêu chí như là 3 điều kiện để được bảo vệ cấp đơn vị chuyên môn – cùng với điều kiện về hai bài báo vậy, cụ thể là:
– Có ít nhất 60% tài liệu gốc/bậc 1 trong danh mục tài liệu tham khảo
– Có 60% trích dẫn từ các tài liệu lưu trữ được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo
– Có cam đoan sử dụng tài liệu lưu trữ theo đúng quy định của luật định và có xác nhận của các trung tâm lưu trữ.
- Luận văn Thạc sĩ phải sử dụng trong nội dung ít nhất 30% tài liệu lưu trữ. Nội dung này đặt ra cho học viên cao học phải đến làm việc tại cơ quan lưu trữ, phải “biết mặt” tài liệu lưu trữ và sử dụng có mức độ trong tập sự nghiên cứu sử học, thể hiện trong luận văn phải là:
– Có ít nhất 30% tài liệu gốc/bậc 1 trong danh mục tài liệu tham khảo có xác nhận của các trung tâm lưu trữ
– Có 30% trích dẫn từ các tài liệu lưu trữ được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo.
- Đề tài NCKH cấp cơ sở và cấp Bộ phải có 50% tài liệu lưu trữ. Nội dung này đặt ra cho người nghiên cứu lịch sử, nhất là những chủ nhiệm đề tài thường là đã có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên, phải coi trọng việc sử dụng khai thác tài liệu lưu trữ, phải phối hợp với cơ quan lưu trữ trong nghiên cứu, thậm chí cần có thành viên nghiên cứu từ cơ quan lưu trữ; trong kết quả/sản phẩm nghiên cứu cần có 2 tiêu chí đánh giá nghiệm thu là:
– Có ít nhất 50% tài liệu gốc/bậc 1 trong danh mục tài liệu tham khảo có xác nhận của các trung tâm lưu trữ
– Có 30% trích dẫn từ các tài liệu lưu trữ được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo
- Các Trung tâm lưu trữ phải thực sự “Mở cửa” tài liệu lưu trữ phù hợp với từng loại đề tài và cần có dịch vụ sử dụng tài liệu lưu trữ. Đây không chỉ là sự “tương thích” với các yêu cầu nghiên cứu trên đây, mà còn là đáp ứng đúng cơ chế thị trường trong nghiên cứu khoa học ngày nay. Cụ thể là:
– Mở cửa – không giới hạn sử dụng tư liệu lưu trữ đối với các đề tài nghiên cứu là luận án tiến sĩ và tương đương trở lên; đối với các đề tài nhạy cảm loại này phải được bảo vệ theo chế độ hạn chế/kín và phải có ý kiến của cơ quan lưu trữ mới được công bố, trong đó có hình thức công tại cơ quan lưu trữ.
– Mở cửa theo dịch vụ sử dụng tài liệu lưu trữ đối với các đề tài nghiên cứu còn lại; chế độ bảo vệ và công bố khoa học loại này không theo chế độ hạn chế, nhưng phải có hình thức công bố tại cơ quan lưu trữ.
– Dịch vụ sử dụng tài liệu lưu trữ gồm một số hoạt động phục vụ nghiên cứu như tra cứu tài liệu, lập danh mục tài liệu, sao chụp tài liệu, tham quan/khảo sát/hiển thị tài liệu… theo quy định hiện hành và cơ chế thị trường.
Việc đề xuất tuy chỉ có giá trị tham khảo nhưng phản ảnh một hiện trạng cần được thay đổi hoặc những mong muốn có thiện chí thực tế. Người nghiên cứu lịch sử luôn coi trọng giá trị nguồn sử liệu, càng coi trọng công tác tổ chức bảo quản, khai thác sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ; dó đó cần rất những ý kiến trao đổi để ngày càng nâng cao giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu lịch sử.
Sử dụng tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu sử học là tất yếu và bắt buộc trong đào tạo sau đại học các chuyên ngành lịch sử. Tuy đã có nhiều kết quả tốt trong giới nghiên cứu với nhiều công trình khoa học có giá trị sử liệu cao; nhưng thực tế cũng còn nhiều chuyên ngành chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định. Những đề xuất thiết thực trên đây cần được quy chế hóa, định chế hóa, tiêu chí đánh giá khoa học… mới có thể thay đổi được một “thói quen” đã ăn sâu vào đời sống nghiên cứu hàng chục năm nay.
PGS. TS. Hà Minh Hồng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH KHXH&NV, Cẩm nang sau đại học, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010
- Đặng Vương Hưng, Phi công Mỹ ở Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân H.2015
- Đặng Vương Hưng. Những lá thư thời chiến Việt Nam (Tuyển tập). Nxb Công an nhân dân. H.2015
- Hà Minh Hồng, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong giai đoàn 1969-1972: Chống phá bình định nông thôn ở Nam bộ, Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Đại học KHXH&NV-ĐHQG Tp. HCM, 1997
- Lê Hữu Phước, Lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862 – 1930), Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, 1992
- Lịch sử Nam bộ kháng chiến. Tập 1 (1945-1954), Tập II (1954-1975), Nxb CTQG H.2010
- Lịch sử trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975), Đề tài NCKH trọng điểm cấp Bộ GD&ĐT, 2006-2008, Mã số B 2006-37-04-TĐ
- Nguyễn Xuân Hoài, Chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1963, Luận án Tiến sĩ lịch sử. Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM, 2011
- Phạm thị Huệ, Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ từ năm 1930 đến năm 1945, Luận án Tiến sĩ lịch sử, Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM 2011
- Phan Thị Xuân Yến, Hoạt động và vai trò của Ban Thống nhất Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975,. Luận án Tiến sĩ lịch sử, Đại học KHXH&NV-ĐHQG Tp.HCM, 2006
- Trần Đăng Kế, Qúa trình giải quyết vấn đề ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long (1992-2008), Luận án Tiến sĩ lịch sử, Đại học KHXH&NV-ĐHQG Tp. HCM, 2014
- Trần Hán Biên, Quá trình phát triển kinh tế trang trại gia đình tại tỉnh Bình Phước giai đoạn 1986-2006, Luận án Tiến sĩ lịch sử, Đại học KHXH&NV-ĐHQG Tp.HCM, 2010.
[1] Lê Hữu Phước, Lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862 – 1930), Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh 1992
[2] Hà Minh Hồng, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong giai đoàn 1969-1972: Chống phá bình định nông thôn ở Nam bộ. Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử. Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM 1997
[3] Phan Thị Xuân Yến, Hoạt động và vai trò của Ban Thống nhất Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Luận án Tiến sĩ lịch sử. Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM 2006
[4] Nguyễn Xuân Hoài, Chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1963, Luận án Tiến sĩ lịch sử. Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM 2011
[5] Phạm thị Huệ, Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ từ năm 1930 đến năm 1945. Luận án Tiến sĩ lịch sử. Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM 2011
[6] Trần Đăng Kế, Qúa trình giải quyết vấn đề ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long (1992-2008). Luận án Tiến sĩ lịch sử. Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM 2014
[7] Trần Hán Biên, Quá trình phát triển kinh tế trang trại gia đình tại tỉnh Bình Phước giai đoạn 1986-2006. Luận án Tiến sĩ lịch sử. Đại học KHXH&NV-ĐHQG TpHCM 2010
[8] Lịch sử trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975). Đề tài NCKH trọng điểm cấp Bộ GD&ĐT, 2006-2008, Mã số B 2006-37-04-TĐ
[9] Lịch sử Nam bộ kháng chiến. Tập 1 (1945-1954), Tập II (1954-1975). Nxb CTQG H.2010
[10] Đặng Vương Hưng, Phi công Mỹ ở Việt Nam. Nxb Công an nhân dân H.2015
[11] Đặng Vương Hưng. Những lá thư thời chiến Việt Nam (Tuyển tập). Nxb Công an nhân dân. H.2015
[12] Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH KHXH&NV, Cẩm nang sau đại học. Thành phố Hồ Chí Minh, 2010 tr 10-18
[13] Đó là các công ty: Công ty TNHH khoa học công nghệ lưu trữ Sài Gòn, địa chỉ 114 Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần lưu trữ Sài Gòn, địa chỉ 555 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch