Một vài ý kiến về:
CÔNG TÁC TRƯNG BÀY, TRIỂN LÃM TÀI LIỆU
TẠI TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA II
Nguyễn Xuân Hoài – Hà Kim Phương
- KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRƯNG BÀY, TRIỂN LÃM TẠI TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA II
Hơn 35 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (Trung tâm II) đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Nhưng những kết quả trong lĩnh vực trưng bày, triển lãm cũng như công tác công bố tài liệu vẫn còn ở giai đoạn đầu hình thành. Trở lại những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong điều kiện tài liệu còn đang “tích đống”, tập thể Trung tâm II kịp thời cung cấp hàng trăm trang tài liệu có giá trị phục vụ cuộc trưng bày tài liệu lưu trữ do Cục Lưu trữ tổ chức tại Hà Nội. Những năm sau đó, tập trung giải quyết nhiệm vụ cấp bách của ngành đặt ra, cán bộ Trung tâm II như những con ong cần mẫn, tập trung giải phóng hàng chục ngàn mét giá tài liệu trong tình trạng “tính đống”. Vì vậy, hoạt động trưng bày, triển lãm cũng như công tác công bố tài liệu tại Trung tâm II tạm thời xếp lại.
Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, kết quả của hơn 20 năm thực hiện chỉnh lý, cán bộ Trung tâm II đã tạo ra hàng trăm ngàn hồ sơ tài liệu được sắp xếp khoa học với công cụ tra cứu thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khai thác và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ. Từ đó, với nhận thức sâu sắc, đem giá trị tài liệu lưu trữ vào phục vụ các nhu cầu phát triển của đất nước và xã hội, trong điều kiện chưa có phòng, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ làm công tác trưng bày – triển lãm còn thiếu, song Trung tâm II đã chủ động phối hợp mở cửa thành công nhiều phòng trưng bày tài liệu lưu trữ nhân những ngày kỷ niệm của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Như hợp tác với Bảo tàng Cách mạng Hà Nội, Bảo tàng cách mạng Hồ Chí Minh và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mở cửa phòng trưng bày “Nam Bộ kháng chiến”; “25 năm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Tháng 4/2006, dưới sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm chủ trì mở cửa phòng trưng bày tài liệu Mộc bản tại Kho 2 Đà Lạt phục vụ Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia của các địa phương trong cả nước. Trong ngày khai trương, phòng trưng bày đã đón khoảng 300 đại biểu từ khắp các tỉnh thành trong toàn quốc đến tham quan và thu hút sự quan tâm của hàng ngàn lượt khách tham quan trong suốt thời gian mở cửa.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05 về tăng cường phát huy giá trị tài liệu, đã mở ra thời kỳ phát triển mới trong công tác công bố tài liệu nói chung và hoạt động trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ nói riêng. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 05, Trung tâm II thành lập bộ phận chuyên trách phụ trách công tác công bố, giới thiệu tài liệu trực thuộc Phòng Tổ chức Sử dụng tài liệu. Song song với xây dựng đội ngũ cán bộ, Trung tâm II chú trọng đưa công tác công bố cũng như hoạt động trưng bày, triển lãm tài liệu trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2007, Trung tâm II phối hợp cùng Hội trường Thống Nhất Tp. HCM tổ chức mở cửa phòng trưng bày tài liệu lưu trữ chuyên đề “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập” từ ngày 26-4 đến ngày 30-8 năm 2007, thu hút 241.667 lượt người đến tham quan.
Từ năm 2008, nhận được sự quan tâm của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước bằng việc phê duyệt đề án phát huy giá trị tài liệu đến năm 2014, Trung tâm II đẩy mạnh triển khai công tác trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ. Trong điều kiện chưa có không gian và trang thiết bị trưng bày, Trung tâm II chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, liên tiếp thực hiện thành công nhiều cuộc trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ.
Năm 2008, nhân kỷ niệm 40 cuộc Tổng tiến công và nội dậy Tết Mậu Thân 1968, Trung tâm II phối hợp tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ chuyên đề “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và Mũi đánh chiếm dinh Độc Lập”. Tại phòng trưng bày, Trung tâm giới thiệu đến các nhà nghiên cứu, các học giả và công chúng 66 đầu tài liệu, tư liệu, hình ảnh với gần 500 trang tài liệu của các cơ quan quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn trước năm 1975; cùng nhiều hiện vật liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam. Cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút sự quan tâm của 329.909 lượt công chúng và các nhà nghiên cứu.
Năm 2009, kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (1959-2009), Trung tâm II phối hợp với Hội trường Thống Nhất Tp. Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Đường Hồ Chí Minh qua tài liệu lưu trữ” mở cửa từ ngày 22/4 đến ngày 30/9/2009. Phòng trưng bày với 1.201 đầu tài liệu, tư liệu và hình ảnh, đã góp phần tái hiện khái quát về con đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Trong hơn 5 tháng mở cửa (22/4-30/5/2009), phòng trưng bày đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học, giới nghiên cứu lịch sử; cùng sự ghi nhận của các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ nguyên là bộ đội Trường Sơn và thu hút được sự quan tâm của 325.115 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Năm 2010, nhằm đẩy mạnh công tác công bố tài liệu, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm II tách bộ phận công bố, giới thiệu tài liệu khỏi Phòng Tổ chức Sử dụng tài liệu để thành lập Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu. Sự tăng cường về đội ngũ cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tạo điều kiện cho công tác công bố giới thiệu tài liệu cũng như hoạt động trưng bày, triển lãm có sự phát triển theo chiều sâu. Công tác công bố, giới thiệu tài liệu không dừng lại ở việc xuất bản ấn phẩm hay tổ chức trưng bày tài liệu mang tính chất thời điểm, mà được xây dựng thành kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Riêng hoạt động trưng bày, triển lãm tài liệu, trong các năm qua, Trung tâm II đã kịp thời giới thiệu đến công chúng, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hàng ngàn trang tài liệu có giá trị, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2010, Trung tâm II phối hợp với Hội trường Thống Nhất Tp. Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ chuyên đề “Từ Hiệp định Paris đến mùa xuân đại thắng”, giới thiệu đến khách tham quan hơn 2.000 trang tài liệu – là những văn bản được Mỹ – chính quyền Sài Gòn xếp vào loại mật và tối mật phản ánh đầy đủ giai đoạn 1973-1975 trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; cùng hơn 100 ảnh và nhiều đầu sách có nội dung liên quan đến đề tài. Phòng trưng bày đã đón tiếp hàng trăm đại biểu là các tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử và các cơ quan báo, đài địa phương và trung ương tại Tp. HCM đến tham dự lễ khai mạc và đón tiếp 458.575 lượt lượt khách tham quan trong thời gian mở cửa.
Năm 2013, trong thời điểm vấn đề biển Đông đang là điểm nóng chính trị của khu vực, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm II phối hợp với Bảo tàng Khánh hòa, Bảo tàng Côn Đảo tổ chức trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa – Trường Sa qua các thư tịch cổ”. Tại phòng trưng bày, Trung tâm II đã giới thiệu đến công chúng nhiều tài liệu có giá trị, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhìn chung, đẩy mạnh việc đưa giá trị tài liệu vào phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, cùng các nhu cầu của xã hội, trong hơn 35 năm, bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, Trung tâm II đã chủ động thực hiện công tác công bố, đặc biệt là hoạt động trưng bày, triển lãm tài liệu. Kết quả, dưới sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm II đã đưa hàng ngàn trang tài liệu ra trưng bày rộng rãi, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho công chúng, các học giả trong và ngoài nước tiếp cận các nguồn tài liệu vốn được coi là tài sản mật của quốc gia, thuộc dạng hạn chế khai thác, sử dụng.
- MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng đến nay, công tác công bố tài liệu, đặc biệt là hoạt động trưng bày, triển lãm tài liệu tại Trung tâm II mới ở giai đoạn đầu hình thành. Công tác phát huy giá trị tài liệu nói chung, hoạt động trưng bày, triển lãm nói riêng chưa phát huy hết tiềm năng giá trị tài liệu do Trung tâm II quản lý; chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu của xã hội; hoạt động trưng bày, triển lãm tài liệu vẫn mang tính bị động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan.
Nguyên nhân trực tiếp của những vấn đề trên xuất phát từ thực tế hiện nay Trung tâm II chưa xây dựng được không gian trưng bày. Nên để có thể tổ chức được một cuộc trưng bày, Trung tâm II luôn phải chủ động tìm kiếm đơn vị phối hợp. Do đó, phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch, cũng như nhiệm vụ chính trị của đơn vị bạn. Thực tế, từ năm 2011, Trung tâm II đã không thể đưa công tác trưng bày, triển lãm tài liệu vào việc xây dựng kế hoạch hàng năm do thể không tìm kiếm được đơn vị phối hợp. Thực trạng trên dẫn đến việc đội ngũ cán bộ chuyên trách cho công tác trưng bày, triển lãm tài liệu chưa được kiện toàn. Trong những năm gần đây, Trung tâm II đã thực hiện thành công nhiều cuộc trưng bày, nhưng đội ngũ cán bộ vẫn chưa được đào tạo bài bản. Đến nay, toàn bộ cán bộ, viên chức thực hiện công tác trưng bày, triển lãm đều tốt nghiệp các ngành lịch sử và ngoại ngữ, chưa qua đào tạo về công tác trưng bày.
Đây cũng là vấn đề chung của toàn ngành lưu trữ hiện nay, mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về giá trị tài liệu và việc phát huy giá trị tài liệu. Một chẳng đường dài, không chỉ cán bộ làm lưu trữ mà ngay cả công chúng và những nhà nghiên cứu vẫn quan niệm, tài liệu lưu trữ là tài sản thuộc dạng quý hiếm và bảo mật của quốc gia phải được “bảo vệ tuyệt đối an toàn”, hạn chế sử dụng rộng dãi. Tư duy đó đã tạo ra một thời kỳ dài, công tác công bố bị đặt bên lê của nghiệp vụ lưu trữ, từ đó dẫn tới sự thiếu chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển kế tiếp. Điều này biểu hiện khá rõ trong việc hình thành và ban hành các văn bản quy phạm, cũng như xây dựng kế hoạch, phê duyệt kinh phí cho các khâu nghiệp vụ của công tác lưu trữ. Nếu như hầu hết các khâu nghiệp vụ của công tác lưu trữ, từ thu thập, chỉnh lý, bảo quản, phục vụ độc giả đến bảo hiểm tài liệu đều đã có các văn bản quy phạm, văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết. Hay như, ngân sách sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để xây dựng kho lưu trữ, để phục vụ công tác bảo quản, chỉnh lý tài liệu,…. Thì dương như đối với công tác công bố tài liệu, những vấn đề trên lại khá “tiết kiệm”. Đến nay, hâu như chưa có trung tâm lưu trữ nào (cả ở địa phương và cấp quốc gia) có không gian riêng để giành cho trưng bày, triển lãm tài liệu.
III. ĐỀ XUẤT
Nhìn chung, từ năm 2007, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05 về tăng cương bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, “nhận thức mới” về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đã trở nên sâu rộng trong toàn ngành, cũng như ngoài xã hội. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, công bố tài liệu đã trở thành một khâu ngang hàng với các khâu nghiệp vụ khác của công tác lưu trữ. Song, ở mức độ nhất định, vẫn tồn tại những nhận thức chưa đầy đủ về công tác phát huy giá trị tài liệu – cho rằng nếu đem hết tài liệu ra công bố sẽ làm cạn kiệt nguồn tài liệu hoặc tài liệu lưu trữ cũng chỉ có giá trị tham khảo;… từ đó xem nhẹ nhiệm vụ phát huy giá trị tài liệu và công tác công bố tài liệu. Do đó, việc nâng cao và đổi mới toàn diện “nhận thức mới” về giá trị của tài liệu và việc phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ vẫn là vấn đề cấp thiết và phải được cụ thể hóa bằng các hành động cụ thể. Trước hết đó là việc:
Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ mật và giải mật tài liệu; các văn bản hướng dẫn về công tác công bố, giới thiệu tài liệu; thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp đối với việc công bố tài liệu;….
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ. Trong đó cần tập trung hình thành mô hình tòa nhà lưu trữ mở, thực sự trở thành nơi hội tụ của các nhà nghiên cứu, giới khoa học; nơi giải trí tri thức của công chúng trong và ngoài nước.
Đối với công tác trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là phải có không gian và trang thiết bị cần thiết, gắn liền với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Nhìn chung, để ngày càng phát huy hơn nữa giá trị tài liệu lưu trữ trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, việc giải quyết những khó khăn trên đây là một trong những yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự tăng cường quản lý, quan tâm của các cấp ngành; sự đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho công tác trưng bày, triển lãm tài liệu cũng như công tác công bố nói chung.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch