MỘT NGUỒN TÀI LIỆU QUÝ CẦN PHẢI ĐƯỢC ĐẦU TƯ BẢO QUẢN, GIỚI THIỆU VÀ KHAI THÁC HIỆU QUẢ

PGS. TS Ngô Minh Oanh

Lịch sử nhân loại như một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại. Trên dòng chảy đó là sự thay thế liên tục các triều đại và các nhà cầm quyền. Nhìn tổng thể thì các triều đại sau, tiến bộ hơn sẽ thay thế các triều đại trước. Các triều đại và cá nhân các nhà cầm quyền rồi sẽ bị lịch sử quên lãng nếu như họ không để lại cho nền văn hóa nhân loại những giá trị văn hóa có ích, phục vụ cho con người và xã hội. Các triều đại đi qua luôn để lại những di sản của mình cho quá khứ, tuy nhiên để đánh giá giá trị những di sản đó lại do những người đương thời định đoạt. Trong những biến động xã hội trên thế giới và ở nước ta, có những lúc chúng ta coi tất cả những di sản của quá khứ đều là những gì đều phải phá bỏ, có lúc này, lúc khác chúng ta đã đánh đồng những thứ rác rưỡi của quá khứ với những di sản văn hóa tiến bộ thực sự cần được bảo vệ. Không phải ngẫu nhiên mà Lênin, sau cách mạng tháng Mười Nga đã lấy tiêu chí “thái độ đối với những di sản quá khứ” để đánh giá những người cộng sản. Lênin đã khuyến cáo những người cộng sản và chính quyền Xôviết cần phải có một thái độ khách quan đối với những gì do chế độ cũ để lại như vấn đề “quyền tự quyết của các dân tộc”, vấn đề sử dụng “chuyên gia tư sản”, thái độ với những tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình văn hóa và nguồn tư liệu, sách báo… của chế độ cũ để lại. Ở Việt Nam chúng ta, sau giải phóng miền Nam, không phải không có một số ý kiến đánh giá chưa toàn diện về nguồn tài liệu, các ấn phẩm, sách báo… do chế độ cũ để lại, nhưng căn bản chúng ta đã làm tốt việc lưu giữ những sản phẩm văn hóa quý, có ích cho xã hội làm nguồn tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho hoạt động khoa học, quản lý. Một trong những tài sản quý giá đó là những nguồn tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Trung ương II tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Với 55 phông và khối phòng tài liệu; 13.938 mét giá tài liệu, tư liệu; 4.396 đĩa và 597 cuộn băng ghi âm và hơn 70.000 phim, ảnh, microfilm… đủ nói lên quy mô và giá trị của nguồn tư liệu tại đây. Trong cái quy mô và đồ sộ của nguồn tư liệu đó tại Trung tâm lưu trữ II, thì chiếm phần lớn số lượng là tài liệu thuộc Phông Thống đốc Nam Kỳ. Đây là một nguồn tài liệu có quy mô và giá trị lớn cần phải được đầu tư bảo quản, giới thiệu và khai thác một cách có hiệu quả.

Thứ nhất, là nguồn tài liệu được hình thành trong một khoảng thời gian dài gần một thế kỷ (1859 – 1945) kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ cho đến năm 1945. Đây là một khoảng thời gian với nhiều biến động và thay đổi kinh tế, xã hội, văn hóa của Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Tính hệ thống và liên tục của nguồn tư liệu sẽ cho phép nghiên cứu và nhận thức một cách đầy đủ các vấn đề xuyên suốt gần một thế kỷ, khoảng thời gian thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Thứ hai, về quy mô của nguồn tư liệu Phông Thống đốc Nam Kỳ là chiếm một tỷ lệ khá lớn so với các nguồn tư liệu lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Số lượng tài liệu chiếm 2. 435,5 mét gồm các tài liệu hành chính, bản đồ, ảnh… Đây là những tài liệu gốc – tài liệu bậc 1 rất có giá trị. Số lượng lớn tài liệu tỷ lệ thuận với những thông tin chứa đựng trong đó sẽ là một tài sản vô giá khi nghiên cứu về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa nước ta thời Pháp thuộc.

Thứ ba, về mức độ bao quát của nguồn tư liệu ở trên tất cả các lĩnh vực. Các nội dung của nguồn tư liệu từ mục A cho đến mục V chứa đựng các nội dung rất phong phú từ các văn bản pháp quy, công văn trao đổi, tổ chức chính quyền trung ương, địa phương, nhân sự đến chính trị, tư pháp, giáo dục – khoa học – nghệ thuật, y tế, cứu tế xã hội, tài chánh, thuế và lưu trữ, thư viện. nguồn tư liệu không chỉ bao quát nhiều lĩnh vực mà còn chi tiết đến từng sự kiện, ngày tháng, hoàn cảnh và nhiều chi tiết cụ thể khác.    

Thứ tư, các nội dung đề cập của nguồn tư liệu không chỉ các nội dung thuộc Nam Kỳ mà còn chứa đựng những tư liệu của cả Việt Nam và khu vực Đông Dương. Như vậy với phạm vi thông tin rộng, bao quát cả khu vực Đông Dương sẽ là một thuận lợi lớn trong công tra cứu.

Việc giữ lại được một nguồn tài liệu trên và hiện đang được quản lý bởi một cơ quan lưu trữ chuyên nghiệp là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên để tiếp tục bảo vệ, giới thiệu và khai thác nguồn tư liệu này một cách có hiệu quả, thiết nghĩ cần phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa.

– Mặc dù được bảo quản bằng các kỹ thuật mới nhưng với thời gian đã trải qua, nguồn tư liệu này chắc chắn phải bị xuống cấp như giòn, rách, ố, mục và mờ chữ vì vậy các biện pháp để ngăn chặn xuống cấp nguồn tư liệu này là rất cần thiết và cấp bách. Bên cạnh việc giử gìn nguồn tư liệu gốc quý, cũng cần phải có phương án chuyển sang các cách lưu trữ khác để những thông tin không bị mất mát.

– Cùng với việc bảo vệ nguồn tư liệu cần phải đi đôi với việc giới thiệu, phổ biến rộng rãi những thông tin về nội dung của Phông tài liệu này với công chúng, có thể chuyển ngữ một phần những tư liệu quan trọng làm cho việc sử dụng được thuận lợi hơn thì việc khai thác nguồn tư liệu của Phông này ngày cành hiệu quả hơn.

– Trong điều kiện hiện nay việc thực hiện được những kỳ vọng nói trên cũng không phải dễ dàng, nhất là nguồn tài chính đáp ứng công việc đó. Vì thế với những yêu cầu cấp bách của việc bảo quản nguồn tư liệu quý này, rất cần sự công nhận của quốc tế về giá trị của nguồn tư liệu, từ đó có thể kêu gọi những nguồn tài trợ cho việc bảo quản, gới thiệu, khai thác và phát huy hiệu quả sử dụng đáp ứng  nhu cầu nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *