Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, chúng tôi trân trọng giới thiệu về tấm gương điển hình của phong trào thi đua yêu nước của dân tộc ta vào giữa thế kỷ XX – chị Nguyễn Thị Chiên, tấm gương của chị, hình ảnh chị và tinh thần yêu nước của chị như là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Anh hùng Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 trong một gia đình cố nông ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bố mẹ mất sớm, cuộc sống rất thiếu thốn, từ nhỏ, chị đã phải đi ở. Cách mạng Tháng Tám thành công, chị trở về nhà làm ăn, được tuyên truyền giác ngộ cách mạng, hiểu rõ nguồn gốc sự cực khổ của người nghèo và người dân mất nước, chị đã hăng hái tham gia vào công cuộc kháng chiến ở quê hương.
Là người nhanh nhẹn và có chí khí, chị đã tham gia vào hoạt động du kích trong phong trào cách mạng ở địa phương, ngoài việc rải truyền đơn, thành lập và mở rộng hoạt động du kích, để rèn luyện tinh thần gan dạ, không chỉ hoạt động ban ngày, các chị còn hoạt động du kích ban đêm, làm quen dần với các loại vũ khí, từ dao, kiếm rồi đến súng, đạn, lựu đạn, mìn…các chị còn cùng anh em nam giới tham gia quấy rối và phá hủy các đồn bốt của địch.
Anh hùng Nguyễn Thị Chiên(1)
Với thành tích trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952, tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến, xây dựng và chỉ huy Đội du kích, tham gia đánh địch chống càn, phá tề, diệt và bắt nhiều địch, Nguyễn Thị Chiên đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1952, Nguyễn Thị Chiên vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội Toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ Nhất tổ chức tại Việt Bắc (từ 30/4 đến 6/5/1952). Tại Đại hội này, chị đã báo cáo tường thuật thành tích chiến đấu của mình.(2)
Các anh hùng chiến sĩ thi đua nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất năm 1952, tại Việt Bắc.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh LIII, SLT 397
Năm 16 tuổi, chị làm giao thông viên cho đoàn thể phụ nữ xã, rồi sang đoàn thể du kích thôn, vào đoàn thanh niên, rồi sung vào du kích xã. Là một người rất chăm chỉ, chịu khó, chị được các chị em tín nhiệm, bầu làm Tiểu đội phó rồi làm Tiểu đội trưởng. Với những thành tích trong hoạt động cách mạng và được sự bồi dưỡng, giúp đỡ của chi bộ địa phương, chị được vinh dự kết nạp vào Đảng, ở độ tuổi còn rất trẻ khi mới 18 tuổi.
Tích cực tham gia hoạt động du kích cùng các phong trào cách mạng ở địa phương, là người có tài tổ chức và lãnh đạo, chị đã lập nhiều thành tích trong việc gây dựng cơ sở, tranh thủ nhân dân xây dựng lực lượng, dìu dắt dân quân du kích, đoàn kết các ngành, các giới để tích cực kháng chiến và thực hiện những chính sách của Chính phủ trong hoàn cảnh địch càn quét và kiểm soát hết sức gắt gao và được bầu làm Trung đội phó, sau làm Trung đội trưởng Trung đội nữ du kích xã. Vừa hoạt động vừa trưởng thành, là một chỉ huy kiên quyết và linh hoạt, chị đã xây dựng và đưa đơn vị mình lập nhiều chiến công trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của chiến trường địch hậu.
Chị đã từng bị địch bắt và dùng cực hình để tra tấn nhưng chị không hề xưng khai. Tháng 4/1950, trong lần được giao nhiệm vụ dẫn đồng chí Bí thư sang Huyện họp, chẳng may trên đường đi, gặp địch, nhưng chị đã nhanh chóng báo hiệu cho đồng chí của mình biết và kịp thời thoát khỏi vòng vây của địch, chị bị bắt, bị tra tấn dã man, bị đánh đập nhiều trận, bị tra hỏi nhưng chị nhất định không khai, không khuất phục giặc. Báo cáo trước Đại hội Đại hội Toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ Nhất, chị cho biết: “Chúng tra tấn tôi hai giờ đồng hồ. Chúng hỏi tôi đồng chí Bí thư đâu. Tôi chỉ một mực nói rằng không biết, chỉ nhận có làm Trung đội trưởng đội nữ du kích xã. Chúng tra tấn tôi rất dã man, chúng đánh tôi nhiều trận, chúng dùng kìm, kẹp, chổi, đổ nước vào mồm tôi. Chúng lại dọa bắn tôi. Chúng bảo tôi là chúng đem tôi đi bắn và dụ dỗ tôi khai. Tôi đã định tâm, khi bị bắn chết thì hô “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đảng Cộng Sản Đông Dương thành công muôn năm”. Chúng đem tôi ra bờ sông, trói tôi, rồi dìm tôi xuống sông… Chúng bắn chỉ thiên một phát đạn để dọa tôi, nhưng tôi vẫn bình tĩnh, không khai gì hết…Lúc ấy tôi không nghĩ đến đời riêng của tôi.
Chúng thấy tôi không nói gì, chúng lại đưa tôi về. Chúng tra tấn nữa, không ăn thua, chúng lại giam tôi vào một cái buồng. Một mình tôi bâng khuâng ở trong cái buồng. Chân tôi bị cùm vào cái cùm lim…
Bọn giặc giam tôi một ít lâu, chúng không tìm được tài liệu gì. Chúng đành phải thả tôi ra, rồi bắt tôi ba ngày một lần phải lên trình diện và phải báo cáo cho chúng biết những kho thóc, muối của Chính phủ và những chỗ cán bộ ta trú ẩn.”
Đó không chỉ là sự thể hiện bản lĩnh của người nữ du kích gan dạ, kiên trung bất khuất không hề khai báo đầu hàng, chị tiêu biểu cho tinh thần bất khuất trước quân thù, tinh thần hy sinh tính mạng để bảo vệ dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, không nản trước sự uy hiếp của giặc.
Khi được thả, chị tiếp tục hoạt động du kích và gây dựng cơ sở du kích, luyện tập đánh du kích, rèn luyện du kích chiến, quấy rối địch… Chị nói: “tôi tìm đến nhà các chị em. Lúc đầu tôi chưa nói đến công tác vội, tôi cố động viên tinh thần các chị em. Thấy chị nào hăng hái tôi mới giao công tác. Tôi bố trí từng tổ nhỏ 5, 3 người một. Các tổ lúc đầu không biết nhau. Về sau tôi có họp các trưởng tổ để cho các chị em tin tưởng hơn. Tôi tổ chức được tất cả 375 người trong xã tôi. Tôi thảo luận với các chị em rồi ấn định nhiệm vụ cho các chị em là ngày ngày viên tiêu canh gác. Nếu thấy bóng địch tiến về xã thì báo hiệu giây chuyền để cho thanh niên lẩn tránh, khỏi bị giặc bắt. Về sau, tôi lại đề nghị với Ban Chỉ huy cho tôi tổ chức một trung đội du kích. Các đồng chí lúc đầu ngần ngừ, nhưng thấy tôi quyết tâm nên các đồng chí đồng ý. Tôi tập hợp được hơn 100 chị em có tinh thần, rồi tôi huấn luyện chị em về cách đánh du kích, đánh mìn và lựu đạn. Sau khi có đội du kích thì công tác chạy hơn. Việc viên tiêu canh gác làm được chủ đạo. Ngoài ra, chúng tôi lại đào được 51 chiếc hầm bí mật, trong số đó có 3 chiếc hầm tiếp tân. Nhiều đoàn thể đã đến nhờ họp ở hầm đó. Tháng Giêng năm 1951 tôi tổ chức một kỳ học tập về phê bình và tự phê bình cho các chị em, trong thời gian 15 đêm.” Cùng với đó, chị còn tham gia tăng gia sản xuất, thuế nông nghiệp…
Từ năm 1951, khi Đảng, Chính phủ phát động phong trào thi đua sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ, chị cùng các chị em du kích đã hang hái tham gia và đạt nhiều kết quả. Tháng 10/1951, trong trận phục kích đánh địch trên đường 39, Trung đội du kích của chị phối hợp với bộ đội địa phương đã xông lên hoàn thành nhiệm vụ, địch giơ tay xin hàng, trung đội địch bị chết 2, bị thương 7, ta bắt sống nhiều tên địch và thu toàn bộ vũ khí địch. Riêng chị Chiên đã bắn bị thương một số và bắt sống 3 tên.
Trong một trận phục kích địch cuối năm 1951, Quân báo báo tin địch có gần 50 tên tiến về phía trung đội du kích của chị, chị cùng anh em đã bố trí chờ giặc đến, chị kể: “Vào khoảng 8 giờ địch đến 1 xã ở trên xã tôi, đốt phá. Chúng cho một toán về xã tôi trước để dò xét tình hình. Toán này có 4 tên, 2 Tây và 2 ngụy binh. Bọn này vào làng sục sạo một lúc rồi trở ra, lọt vào chỗ chúng tôi bố trí. Anh trung đội trưởng phát hỏa. Anh bắn một băng si-ten, địch lúng túng. Anh em xông lên bắt sống 3 tên, còn một tên quan hai chạy thoát. Nó cầm một khẩu trung liên, cứ cắm đầu chạy về làng trên chỗ chúng đang tập trung. Nó chạy qua trước mặt tôi. Tôi có một minhg nấp trong bụi, tay không. Thấy thằng Tây chạy về, tôi nghĩ bụng, nếu để nó chạy về thì bọn chúng ở trên biết rõ ta có phục kích chúng sẽ đề phòng cẩn thận, khó mà đánh được chúng đông như thế. Lúc này, ở làng trên lửa cháy ngùn ngụt, tiếng súng, tiếng nứa nổ lép bép. Tôi không nghĩ ngợi lâu nữa. Tôi nhảy ở bụi ra, lấy hết sức đuổi theo thằng Tây. Trong khi chạy, tôi đã tính toán thế nào cũng phải giật lấy khẩu súng ở trong tay thằng quan hai. Nhưng lại tính phải làm sao tránh đụng độ để nó đập vào mình vì nó to hơn, nó đập thì mình ngã. Tôi hăng máu, chạy vụt theo thằng quan hai, đuổi kịp nó, tôi giật lấy khẩu súng nó cắp vào nách rồi lui thật nhanh ra đằng sau và giơ súng chỉ vào mặt nó quát “giơ tay lên” súng của nó là kiểu súng “tuyn” mới, tôi chưa được dùng bao giờ, nhưng cũng giơ lên dọa bắn, thằng quan hai hoảng hốt giơ tay hàng. Liền ngay lúc đó, 2 đồng chí du kích ở dưới chạy lên, lấy giây trói nó lại dẫn đi.”
Tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, mưu trí, lanh lợi của chị còn được thể hiện trong nhiều trận đánh du kích, phục kích địch.
Đầu năm 1952, trung đội du kích của chị được giao nhiệm vụ đánh vào một bốt An Bồi, với vai trò quân báo, thương binh và thu dọn chiến trường, chị cùng trung đội du kích đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao, trận này ta bắt sống 52 tên, giết 3 tên, bắn bị thương 7 tên, thu được 1 moc-chi-ê, 2 trung liên, 3 tiểu liên, nhiều súng trường, đạn dược, quân trang quân dụng. Kiểm điểm trận đánh, Ban Chỉ huy khen chị đã chiến đấu gan dạ, bình tĩnh, đã đưa được thương binh ra ngoài trong khi địch bắn rát, đã khám phá được súng đạn của địch và được khen thưởng.
Lý giải cho những thành tích của mình, trước Đại hội, chị nói: “Sở dĩ tôi lập được những thành tích trên là vì: Đảng đã giáo dục tôi, các đồng chí trong Chi bộ đã dìu dắt tôi, bảo ban tôi, giúp đỡ tôi, chính quyền nâng đỡ tôi, khuyến khích tôi. Tôi lại luôn luôn học tập được lời dạy bảo của Bác. Trong công tác tôi luôn luôn nhớ lời Bác. Tôi lại được quần chúng nhân dân tín nhiệm, tin cậy ở tôi và luôn luôn phê bình tôi.
Tôi xin nhớ ơn Đảng, Chính phủ, Mặt trận nhân dân. Tôi nhớ ơn Bác. Tôi hứa sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng chống bọn giặc cướp nước và sẽ dìu dắt các chị em đồng đội thi đua hăng hái, lập nhiều công để cũng thành chiến sĩ như tôi”.
Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu đã nhiệt liệt chào mừng thành tích chị. Tại Đại hội, chị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một khẩu súng lục của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Cháu Chiên ước mong được một khẩu súng lục để chiến đấu, Bác thay mặt Chính phủ và đoàn thể sẽ cho cháu một khẩu súng lục”. Đây là một phần thưởng cao quý không phải chiến sĩ nào cũng đạt được, điều này đã thỏa mong ước cháy bỏng của chị trong suốt quá trình hoạt động du kích.
Kết thúc Đại hội, nữ chiến sĩ du kích Nguyễn Thị Chiên đã được bầu là Anh hùng Quân đội. Ngày 10/8/1952, Chủ tịch Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 107/QĐ tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc cho chị cùng 6 chiến sĩ thi đua của các ngành. Trở thành Anh hùng đã là một kỳ tích, một niềm vinh dự và tự hào lớn lao đối với chị, nhưng vinh dự, tự hào hơn theo chị, chị đã được gặp Bác Hồ.
Thật vậy, nữ anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh – Nguyễn Thị Chiên, là tấm gương tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống bất khuất của các thế hệ cha anh chống giặc ngoại xâm và giữ nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chị được phong Anh hùng tại Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất tổ chức tại Việt Bắc năm 1952, khi chỉ mới 22 tuổi đời, chị xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam, về tinh thần thi đua yêu nước, đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chú thích:
- Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc Phòng: http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut
- Những thông tin bài viết được trích dẫn trong Hồ sơ lưu trữ lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, ML 2, Hồ sơ 467: Báo cáo tường thuật thành tích của nữ chiến sĩ du kích Nguyễn Thị Chiên, tờ 148 – 167.
- Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 467, Biên bản Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952.
Nguồn: archives.gov.vn
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch