Nguyễn Văn Thiệu trong “Nước Cờ” tàn của Hoa Kỳ

 

Nếu các năm 1973-1974, các phe nhóm đối lập có thể dựa vào hai lý do để phát động lật đổ Nguyễn Văn Thiệu. Một là,Thiệu là quân phiệt, hiếu chiến, không chịu thành lập chính phủ ba thành phần tiến tới giải pháp hoà giải dân tộc mang lại hoà bình ở miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Hai là, sự tham nhũng của Thiệu và đội ngũ tướng tá chóp bu. Đại diện cho những người theo quan điểm thứ nhất có nhóm tự xưng là “thành phần thứ ba” do tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Và đại diện cho quan điểm thứ hai là các chính trị gia, các tướng lĩnh thất sủng tập hợp chung quanh linh mục Trần Hữu Thanh gọi là “Phong trào nhân dân chống tham nhũng”.

Vào nửa cuối năm 1974, các nhóm này đã phát động một phong trào yêu cầu tổ chức “trưng cầu dân ý”, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức với sự tham dự của đông đảo dân biểu và nghị sĩ Quốc hội chính quyền Sài Gòn.

Ngày 08-9-1974, tại Huế, phong trào nhân dân chống tham nhũng ra bản Cáo trạng số 1 tố cáo Nguyễn Văn Thiệu và quan chức Sài Gòn tham nhũng đã khiến Thiệu phải đăng đàn biện minh vào ngày 01-10-1974 và hứa tổ chức một cuộc “trưng cầu dân ý”.

Song, bài phát biểu của Thiệu càng làm cho các dân biểu tức tối. Ngay lập tức, ngày 02-10-1974, một nhóm dân biểu Hạ viện chính quyền Sài Gòn trong lực lượng của phong trào nhân dân chống tham nhũng lên tiếng phản đối trước các ký giả về bài biện minh bản Cáo trạng số 1 ngày 01-10-1974 của Nguyễn Văn Thiệu.

Ngày 03-10-1974, các dân biểu Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, nghị sĩ Hà Thế Ruyệt và cựu nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm không ngần ngại cho phổ biến trước báo chí bản tài liệu nhan đề “Chúng tôi đòi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức”, lên tiếng tố cáo Thiệu với lời lẽ gay gắt:

“Sau 10 năm nắm chính quyền, ông Nguyễn Văn Thiệu đã đưa đất nước vào tình trạng kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự càng ngày càng bi đát;

Ông Nguyễn Văn Thiệu đã tỏ ra bất lực trong vấn đề giải quyết chiến tranh. Ông và chánh phủ của ông không biểu hiện được nguyện vọng của dân để đối thoại hữu hiệu với phía bên kia hầu chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình, cứu nguy nạn đói vì thất nghiệp đang hoành hành tại miền Trung;

Chánh phủ của ông Thiệu do cuộc “độc diễn gian lận năm 1971” tạo ra, không đại diện cho ai ngoài gia đình và bè phái của ông; nay muốn tồn tại chỉ còn biết dựa vào thế lực của ngoại bang và biện pháp bắt bớ đàn áp dân chúng, v.v.;

Nếu có một nền tư pháp độc lập, có thể ông Thiệu sẽ bị tử hình qua bằng chứng trong bản Cáo trạng số 1″.

Từ đó, đi đến kết luận:

“Còn ông Nguyễn Văn Thiệu là còn tham nhũng, còn độc tài, nhân dân còn đói khổ, chiến tranh còn tiếp diễn và dân tộc sẽ diệt vong;

Nên chúng tôi nhân danh những người Việt Nam muốn chấm dứt chiến tranh, tạo lập hoà bình và thực hiện hoà giải hoà hợp đồng thanh đòi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức để nhân dân Việt Nam được tự do thực hiện quyền dân tộc tự quyết thành lập một chánh quyền có bản chất tự do trong sạch, thực hiện bằng được hoà giải hoà hợp trên căn bản Hiệp định Ba Lê ngày 27-01-1973″[1].

Âm thầm hơn các dân biểu, nghị sĩ là tập hợp một số tướng tá quân đội Sài Gòn dưới trướng của tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng Nguyễn Khánh. Tuy nhiên, trong thời điểm dư luận phương Tây còn hình dung ra một chút “ánh sáng cuối đường hầm” cho tương lai của chính quyền Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu vẫn luôn tìm được chỗ dựa vững chắc từ những lời cam kết cứng rắn của các Tổng thống Mỹ. Nên vào năm 1974, trong cuộc phỏng vấn báo chí về khả năng ra tranh cử tổng thống lần ba, Thiệu vẫn còn rất tự tin trả lời rằng chưa suy nghĩ đến vấn đề đó (vẫn tin rằng mình tiếp tục được Mỹ tin dùng mà không cần phải lo đến việc bầu cử- BT).

Nhưng từ ngày Phước Long thất thủ, áp lực ngày càng đè nặng lên Nguyễn Văn Thiệu, cũng như người bạn đồng liêu của Thiệu ở nửa bên kia bán cầu. Dư luận đòi Nguyễn Văn Thiệu phải rời bỏ chiếc ghế không còn nằm trong phạm vi miền Nam Việt Nam, mà bắt đầu xuất hiện nhiều trên báo, đài phương Tây.

Bước vào tháng 3-1975, tình hình chiến sự ở miền Nam Việt Nam trở nên hết sức sôi động với cán cân nghiêng về Quân Giải phóng, càng khiến cho dư luận thế giới, nhất là dư luận Mỹ lo âu và mong mỏi tìm kiếm một giải pháp thương lượng đi đến hoà bình ở Việt Nam. Chính trong thời điểm đó, phái đoàn Quốc hội Mỹ – những người vừa trở về từ Sài Gòn, đã “đánh” một đòn nặng nề vào sinh mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu và những cam kết của Tổng thống Pho đối với miền Nam Việt Nam. Trong một cuộc họp báo, các thành viên phái đoàn lên tiếng phê bình chính sách của Tổng thống Pho tại Nam Việt Nam là sai lầm và không úp mở khẳng định một giải pháp thương lượng chỉ có thể có nếu Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra đi.

Trong khi ở Nhà Trắng, Tổng thống Pho còn chưa tìm ra giải pháp nào bảo vệ Thiệu trước Quốc hội Mỹ, thì tin các tỉnh miền Nam Việt Nam lần lượt nằm trong tay Quân Giải phóng, khiến ông ta gần như buông xuôi. Được dịp báo chí không ngớt bình luận về thái độ của Tổng thống Pho cũng như khả năng ra đi của ông Thiệu.

Ở Sài Gòn, các phe nhóm cũng nhân cơ hội muốn lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, song vẫn chưa nhận được tín hiệu “xanh” từ Nhà Trắng nên vẫn nằm trong thế chuẩn bị lực lượng. Ngày 07-4-1975, tuần báo “Time”[2] sau khi tường thuật về cuộc họp mặt của một số nhân vật dưới sự chủ trì của Nguyễn Cao Kỳ, đã bình luận về các khả năng trên chính trường Sài Gòn:

“Diễn biến đáng chú ý nhất là cuộc họp mặt của các nhân vật chống cộng do cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ khoản đãi. Trong số các quan khách, người ta ghi nhận sự hiện diện của bác sĩ Trần Văn Đỗ và Linh mục Trần Hữu Thành. Hành động đầu tiên của nhóm này là áp lực Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhường quyền lại cho một chính phủ mới có căn bản rộng rãi hơn. Tổng thống đã phản ứng một cách nhanh chóng bằng cách bắt giữ một số phần tử chống đối, trong số có hai người tham dự cuộc họp nói trên cùng nhiều ký giả và một số chánh khách có khuynh hướng ủng hộ tướng Kỳ. Sự bắt bớ này rõ ràng là nhằm uy hiếp phe đối lập và chứng tỏ rằng Tổng thống Thiệu vẫn còn nắm quyền và ông có ý định ở lại.

Một ngày sau các cuộc bắt bớ nói trên, tướng Kỳ và cha Thành mở một cuộc họp báo loan báo sự thành lập một “Ủy ban hành động để cứu nước”. Những người ủng hộ Ủy ban này không tán đồng việc lật đổ Tổng thống Thiệu. Dường như họ tin rằng một cuộc đảo chánh chỉ làm cho dân chúng bớt tin tưởng nơi chính phủ thôi. Việc thành lập Ủy ban hành động để cứu nước và việc bắt bớ các phần tử đối lập hữu phái đã khiến phát sinh nhiều tin đồn về một cuộc đảo chánh tại Sài Gòn. Nhưng phe chống đối chỉ có một cơ hội mong manh để lật đổ Tổng thống Thiệu. Một mặt, Ủy ban hành động chưa kết hợp được với lực lượng đối lập không cộng sản tại Sài Gòn, phe Phật giáo. Ngoài ra, cả tướng Kỳ lẫn đại tướng Dương Văn Minh xem ra không đủ sức hậu thuẫn riêng để thay thế Tổng thống Thiệu. Hơn nữa, nếu chính phủ thành công trong việc chặn đứng cộng sản tại quân khu III, phần lớn áp lực đối với Tổng thống Thiệu sẽ tan biến”[3].

Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau bài báo trên, ngày 09-4-1975, Quân Giải phóng tấn công Xuân Lộc khiến cho hy vọng của Nguyễn Văn Thiệu trở nên mong manh. Và đến ngày 16-4-1975, khi “lá chắn Phan Rang” thất thủ và “cửa thép Xuân Lộc” đang bị uy hiếp mạnh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu buộc phải mở rộng nội các cho thêm một số nhân vật đối lập nhằm xoa dịu dư luận, đồng thời tăng cường khả năng chiến đấu cho quân đội Sài Gòn hòng cứu vãn tình thế.

Song, những thay đổi của Nguyễn Văn Thiệu đã trở nên quá muộn, ngày 21-4-1975, Xuân Lộc thất thủ, đặt Sài Gòn vào thế lâm nguy. Tình thế đó, buộc những người cầm đầu Nhà Trắng đi đến quyết định có sự thay đổi ở miền Nam Việt Nam, để tìm kiếm một giải pháp thương lượng với phía bên kia.

Buổi tối cùng ngày, cay đắng với quyết định của tổng phống Pho, Thiệu lớn tiếng “chửi rủa” Mỹ:

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức và theo Điều 55 Hiến pháp VNCH, Phó Tổng thống Trần Văn Hương sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống sau khi tuyên thệ nhận chức trước sự chứng kiến của Chủ tịch tối cao Pháp viện và Lưỡng viện quốc hội.

Trong bài nói chuyện trước đông đảo thành phần lập pháp, tư pháp và hành pháp tại phòng Khánh tiết Dinh Độc Lập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ trích thái độ chủ bại của Hoa Kỳ…, không giữ đúng các lời cam kết viện trợ quân sự và kinh tế dồi dào cho VNCH…

Ngoài ra, dư luận Hoa Kỳ cũng như Quốc hội Mỹ cho rằng việc tại chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cản trở các cuộc thương thuyết với phía bên kia, đã khiến cho ông phải đưa ra quyết định từ chức.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bày tỏ rằng, sự ra đi của ông có thể khiến cho VC trở lại thương thuyết cũng như Hoa Kỳ sẽ viện trợ tức khắc và dồi dào cho VNCH nhằm bình ổn tình hình quân sự…  nếu không thì việc tại chức của ông chỉ được xem như một lý cớ để Hoa Kỳ phủi tay, rút lui, bất chấp sự công bằng và nhân đạo thì điều đó hãy để cho lịch sử phê phán.

Vì những vụ pháo kích và tấn công của VC, Hoa Kỳ vẫn làm ngơ và ông coi đó như một thái độ vô nhân đạo…

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho hay việc ông đưa quyết định từ chức không sớm mà cũng không muộn quá vì nó đúng vào lúc Quốc hội Mỹ đưa vấn đề viện trợ hay không viện trợ 722 triệu Mỹ kim theo đề nghị của Tổng thống Giêrôn Pho để quân viện bổ túc cho VNCH”[4].

Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, vẫn chưa từ bỏ âm mưu đối với Việt Nam, Tổng thống Pho tiếp tục tìm kiếm những giải pháp nhằm “níu kéo” những khả năng cuối cùng hòng rút ra khỏi cuộc chiến trên thế mạnh. Nhưng kế hoạch của ông ta đã không đạt được kết quả như mong muốn. Sau gần 2 tháng thần tốc, 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi vẻ vang chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

HN

[1]. Phiếu trình của Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia chính quyền Sài Gòn ngày 03-10-1974 về phản ứng của một số dân biểu đối lập về bài nói chuyện của tổng thống chính quyền Sài Gòn ngày 01-10-1974, phông PTTg, hồ sơ 18515.

[2]. Tên của một tuần báo nước Mỹ (BT).

[3]. Những bài báo ngoại quốc đáng lưu ý ghi nhận từ ngày 30-3-1975 đến 05-4-1975 của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn, phông PTTg, hồ sơ số 3810.

[4]. Bản tin Việt tấn xã, số 8789, thứ Ba ngày 22-4-1975 về việc Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức, phông PTTg, hồ sơ số 3791.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *