TS. Nguyễn Đình Thống
- Một trong những công trình sớm khai thác có hệ thống và sử dụng hiệu quả nguồn hồ sơ lưu trữ là đề tài Nhà tù Côn Đảo (1862 – 1930), luận án Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử (chuyên ngành Lịch sử Việt Nam) của Lê Hữu Phước, bảo vệ năm 1993 tại cơ sở đào tạo Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ. Luận án trình bày về chính sách cai trị và thiết chế cai trị của thực dân Pháp ở Nhà tù Côn Đảo và những hoạt động đấu tranh bi tráng của những nhà yêu nước của dân tộc tại nhà tù này, từ khi thiết lập Nhà tù Côn Đảo đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Ngoài các công báo của chính quyền thuộc địa, nguồn tư liệu lưu trữ chủ yếu được tập trung khai thác và sử dụng là hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. Luận án khai thác và sử dụng 25 hồ sơ, bao gồm 56 mục tài liệu về các qui chế, nghị định, công văn, báo cáo, tường trình, thư từ trao đổi giữa bộ máy cai quản nhà tù với chính quyền thuộc địa Nam kỳ, Đông Dương và các hồ sơ hành chính, tư pháp khác.
Luận án đã được Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh in năm 2006, là nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho những người quan tâm nghiên cứu về đề tài này.
- Đấu tranh chính trị của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Côn Đảo 1957 – 1975 là đề tài luận án Phó Tiến sĩ Khoa học lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Đình Thống, bảo vệ năm 1994 tại cơ sở đào tạo Viện Mác – Lênin (trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương). Luận án trình bày những nét đặc thù của Nhà tù Côn Đảo thời Mỹ – Việt Nam Cộng hòa và cuộc đấu tranh chính trị mà trọng tâm là phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị trong thời kỳ này.
Không kể nguồn tài liệu khai thác từ các nhân chứng, luận án khai thác hệ thống hồ sơ lưu trữ tại Cục hồ sơ Bộ Nội vụ (A27b – nay thuộc Bộ Công an) hơn 200 hồ sơ vụ việc trong tù, hồ sơ cá nhân của người tù, hoạt động của các lực lượng cảnh sát đặc biệt, hoạt động tình báo, mật báo trong tù…, bao gồm những báo cáo, tờ trình, công điện giao dịch giữa Trung tâm cải huấn Côn Sơn, Ty Cảnh sát Quốc gia Côn Sơn và Nha Tổng Quản đốc các trung tâm Cải huấn, Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia.
Phần trình bày về hệ thống nhà tù, bộ máy quản trị và chế độ cai trị được khai thác từ hồ sơ lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh, từ 27 hộp hồ sơ, tổng cộng 67 danh mục tài liệu, bao gồm báo cáo, tờ trình của Tỉnh trưởng Côn Sơn, Quản đốc Trung tâm huấn chính (sau đổi là Trung tâm Cải huấn Côn Sơn) và các công văn, điện văn chỉ đạo của Nha Tổng Quản đốc các trung tâm Cải huấn, Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia.
Phần nội dung chính của luận án đã được in trong sách “Nhà tù Côn Đảo 1955 – 1975” do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Nxb. Chính trị Quốc gia thực hiện năm 1996, sau đó được tổ chức biên soạn và xuất bản trong bộ sách “Nhà tù Côn Đảo 1862 – 1975”, là một công trình nghiên cứu có hệ thống từ khi thực dân Pháp thiết lập Nhà tù Côn Đảo cho đến ngày cáo chung của chủ nghĩa thực dân tại nhà tù này, là nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho những người quan tâm nghiên cứu về đề tài này.
- Nhà tù Côn Đảo 1930 – 1945, luận án Tiến sỹ khoa học lịch sử của Trịnh Công Lý (chuyên ngành Lịch sử Việt Nam), bảo vệ năm 2005 tại cơ sở đào tạo Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ, trình bày về lịch sử Nhà tù Côn Đảo trong một giai đoạn lịch sử từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền ở Côn Đảo và đón tù chính trị Côn Đảo về đất liền tham gia kháng chiến.
Luận án kế thừa các công trình nghiên cứu trước đó, khai thác tài liệu từ các nhân chứng qua các hồi ký của thế hệ tù chính trị được đón về Sóc Trăng tháng 9-1945 và khai thác nguồn tài liệu lưu trữ từ Trung tâm lưu trữ Nhà nước II gồm 60 hồ sơ, bao gồm các báo cáo của Giám đốc quẩn đảo và Nhà tù Côn Đảo gửi Thống đốc Nam kỳ về tình hình hàng tháng, hàng năm và các vụ việc xảy ra trong nhà tù này.
Hiện tại luận án chưa được in thành sách phục vụ việc tham khảo rộng rãi.
- Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930 – 1945 – nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ, Luận án Tiến sỹ khoa học lịch sử (chuyên ngành Lịch sử Việt Nam), của Phạm Thị Huệ, bảo vệ năm 2011 tại Trường ĐHKHXHNV Tp. Hồ Chí Minh. Nguồn tài liệu chủ yếu sử dụng trong luận án được khai thác từ Trung tâm lưu trữ Nhà nước II thành phố Hồ Chí Minh. Trong số 179 hồ sơ lưu trữ được sử dụng trong luận án, có 30 hồ sơ chuyên đề về Nhà tù Côn Đảo, đề cập chi tiết các chuyến tù chính trị lưu đày ra Côn Đảo từ năm 1939 đến 1944, cùng số liệu tù nhân hiện hữu tại nhà tù theo tháng năm, số lượng tù nhân chết tại nhà tù này do chế độ đày ải và đàn áp khốc liệt sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (1940).
Luận án đã được in thành sách (cùng tên) do Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội thực hiện năm 2013, là tài tài liệu tham khảo đáng tin cậy không chỉ về Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ mà còn phục vụ thiết thực cho việc nghiên cứu về Nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1939 – 1945 với những nguồn sử liệu trung thực và kiến giải xác đáng.
- Quá trình tổ chức và rèn luyện lực lượng đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng ở Nhà tù Côn Đảo 1957 – 1975, đề tài Luận án Tiến sỹ khoa học lịch sử của Bùi Văn Toản, bảo vệ năm 2012 tại Trường ĐHKHXHNV Tp. Hồ Chí Minh. Luận án sử dụng 75 mục tài liệu khai thác từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, gồm các nghị định của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, các công văn, báo cáo, phúc trình hàng tháng, hàng năm, Báo cáo Nguyệt kỳ của Tỉnh trưởng Côn Sơn, của Biệt khu Côn Sơn, báo cáo của Phủ Đặc ủy Chiêu hồi, và các thư từ trao đổi giữa Tỉnh trưởng Côn Sơn, của Biệt khu Côn Sơn với Ủy ban Hành pháp Trung ương, Văn phòng Phủ Thủ tướng, Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn và các hồ sơ hành chính, tư pháp khác.
Ngoài ra còn có 132 tài liệu lưu trữ khai thác tại Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa – Vũng Tàu (nguồn tài liệu này được đưa từ Côn Đảo về) và 14 tài liệu sao chép từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (được khai thác từ Cục hồ sơ Bộ Nội vụ).
Nguồn tài liệu khai thác từ Trung tâm lưu trữ Nhà nước II thể hiện trong luận án góp phần làm rõ âm mưu thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với lực lượng tù chính trị Côn Đảo.
Hiện tại luận án chưa được in thành sách phục vụ việc tham khảo rộng rãi.
- Một số nhận xét
Trong vòng 20 năm trở lại đây, đề tài Nhà tù Côn Đảo được giới sử học đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Đó là một phần lịch sử của dân tộc ta, lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam khi những người yêu nước và cách mạng sa cơ, rơi vào tay giặc, chấp nhận cuộc chiến đấu trên một mặt trận mới – mặt trận nhà tù trong tương quan không cân sức, trong lao tù, còng xiềng, xà lim, chuồng cọp và chế độ đày ải khủng bố dã man. Những chiến sĩ cách mạng tiên phong trong tù đã biến nhà tù thành mặt trận đấu tranh, thành trường học cách mạng để rèn luyện lực lượng, chiến thắng mọi thủ đoạn của kẻ thù.
Việc nghiên cứu lịch sử Nhà tù Côn Đảo cũng như các nhà tù dưới chế độ thực dân – đế quốc đã bổ sung, làm phong phú cho lịch sử của dân tộc ta, suốt chiều dài thế kỷ XIX – XX, trong hành trình giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hồ sơ lưu trữ là nguồn tài liệu quan trọng, không thể thiếu được trong các công trình nghiên cứu khoa học.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ tin cậy của các nhà nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu nghiêm túc đều coi trọng nguồn sử liệu này, và hồ sơ lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chiếm tỷ lệ quan trọng trong các công trình nghiên cứu, là căn cứ để các nhà khoa học đưa ra những luận giải có tính thuyết phục.
Không chỉ hệ thống tư liệu về Nhà tù Côn Đảo, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh còn lưu trữ hệ thống hồ sơ tư liệu về các nhà tù ở miền Nam, trong đó có các nhà tù lớn như Phú Lợi, Phú Quốc, Tân Hiệp, Thủ Đức, Chí Hòa,… mà nhiều công trình nghiên cứu về các nhà tù này chưa chú trọng khai thác.
Hiện tại, Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đang chủ trì đề tài nghiên cứu về Công tác xây dựng Đảng trong các nhà tù Mỹ – Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1975). Nguồn tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đối tượng cần được đặc biệt quan tâm nghiên cứu và khai thác.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Hữu Phước (2006) Nhà tù Côn Đảo (1862-1930), Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Đình Thống – Nguyễn Linh – Hồ Sĩ Hành (2013), Nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Đình Thống (2013), Côn Đảo từ góc nhìn lịch sử, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
- Trịnh Công Lý (2003) Nhà tù Côn Đảo 1930-1945 luận án Tiến sỹ khoa học lịch sử của (chuyên ngành Lịch sử Việt Nam), lưu tại cơ sở đào tạo Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ.
- Phạm Thị Huệ (2013) “Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930-1945 – nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ”, Nxb CTQG Hà Nội.
- Bùi Văn Toản (2012), Quá trình tổ chức và rèn luyện lực lượng đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng ở Nhà tù Côn Đảo 1957-1975, Luận án Tiến sỹ khoa học lịch sử, lưu tại cơ sở đào tạo Trường ĐHKHXHNV TPHCM.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch