Họ là những giáo sĩ nhận nhiệm vụ truyền bá Phúc âm và những bác sĩ hải quân theo chân đoàn quân viễn chinh tới miền Viễn Đông.
Nghiên cứu của bác sĩ Gaide trong Tập san Đô thành hiếu cổ cho chúng ta biết rằng những bác sĩ đầu tiên của Nam triều là các nhà truyền giáo. Cha Langlois hành nghề y tại Huế vào khoảng cuối thế kỷ 17. Sau thời gian lưu trú tại Xiêm La và Lào, nơi ông cho xây dựng bệnh viện và chăm sóc nhiều bệnh nhân, ông được mời về triều đình Huế. Cả người giàu và người nghèo đều đến nhờ ông chữa bệnh. Chúa Nguyễn cấp cho ông một mảnh đất rộng để xây dựng bệnh viện. Đó là khởi nguồn của công tác trợ giúp y tế của Pháp tại Việt Nam. Rời nước Pháp vào năm 1660, cha Langlois qua đời năm 1700 tại một trong các nhà tù ở Huế.
Sau cha Langlois, là cha Vachet, người không giúp việc cho triều đình nhưng buộc phải tới Huế để điều trị cho anh (em) trai của một vị thượng thư. Cha Vachet thấy bên cạnh bệnh nhân toàn bộ ngự y và các thầy lang người Hoa nổi tiếng nhất trong nước. Dù rất uyên bác và tài năng, những thầy lang này không thể chữa lành cho người bệnh khi đó đang bị ung thư vú trái kèm biến chứng áp xe. Cha Vachet đề nghị làm phẫu thuật nhưng bị từ chối vì một thầy lang người Hoa hứa hẹn chữa khỏi bệnh trong vòng 25 ngày không cần phẫu thuật.
Ngoài thành Huế, các giáo sĩ người Pháp và các nước phương Tây, cư trú tại các tỉnh Trung Kỳ và Nam Kỳ cũng hành nghề y. Cha Bartholomen da Costa được bổ nhiệm là ngự y của Hiền Vương vào năm 1648. Thời bấy giờ, còn có một người Pháp khác là Maurillon hành nghề y và bán thuốc tại Hội An.
Sau khi cha Vachet qua đời, cha Koffler được gọi vào triều, nơi ông thực sự có uy quyền. Dưới đây là vài dòng ông miêu tả lần đầu diện kiến chúa Nguyễn trong một bức thư gửi cộng sự: “Chúa sẵn lòng lắng nghe tôi; ngài đứng dậy, cầm tay tôi và dẫn tôi vào căn phòng bên cạnh để giới thiệu tôi với phi tần được sủng ái nhất của ngài. Tôi không dám nhắc lại lời ngài từng nói về kiến thức y học của tôi, nhưng ngay lúc đó và cả sau này nữa, ngài đều cho tôi những cử chỉ ân cần, ngài tự mình lấy mũ khỏi đầu tôi, cho phép tôi để đầu trần khi gặp ngài, gỡ bím tóc đuôi sam của tôi và công khai chỉ định tôi làm ngự y của ngài”. Sau lệnh trục xuất giáo sĩ năm 1750, Koffler không chỉ tiếp tục làm ngự y trong cung mà còn có thể bảo vệ giáo đường của mình tại kinh thành nhờ sự bảo trợ của một đại quan. Nhưng may mắn này không kéo dài lâu. Trước sự can gián của quần thần, chúa Nguyễn ra lệnh bắt giữ giáo sĩ và xua đuổi họ một lần nữa. Ốm đau và kiệt sức vì mệt mỏi, Koffler nhận mọi đối xử tàn tệ bởi vì ông không chuyên tâm hành nghề y như mệnh lệnh mà còn tham gia truyền bá Phúc âm. Buộc phải rời nước Nam, ông qua đời tại Bồ Đào Nha năm 1755.
Nhiều nhà truyền giáo đủ mọi quốc tịch đã kế tục sự nghiệp của họ tại Nam triều nhưng không ai trong số đó gây được ảnh hưởng lớn như những người tiền nhiệm. Thật vậy, trong thế kỷ 18, giáo sĩ là những người duy nhất hành nghề y tại Nam triều. Hai trong số họ, cha Vachet và cha Koffler, một người Pháp và một người Ba Lan, đã gây dựng sự nghiệp y học thực thụ và là những người đầu tiên đặt nền móng cho công tác trợ giúp y tế tại Nam triều bằng việc xây dựng bệnh viện, trại tế bần, trại trẻ mồ côi ở Huế rồi đến các tỉnh khác.
Từ thế kỷ 19, các bác sĩ chuyên nghiệp đã thay thế các nhà truyền giáo.
Năm 1820, bác sĩ hải quân Treillard đang lưu trú tại Đà Nẵng được vua Gia Long vời vào triều để chăm sóc cho một trong các công chúa. Thuyền trưởng chỉ huy con tàu của bác sĩ Treillard kể lại thời gian họ ở kinh thành: “Suốt thời gian chúng tôi ở lại kinh thành, bác sĩ Treillard đến khám bệnh cho công chúa hai ngày một lần; thậm chí, ông còn bí mật thăm khám chứng khó ở nghiêm trọng của Hoàng đế và giữ tôi ở lại kinh thành lâu hơn mong muốn, dù vậy, hợp đồng vẫn chưa được thông qua và tôi buộc phải chờ đợi cho đến khi nhà vua hồi phục”. Quả thực, theo truyền thống cung đình, bệnh tình của nhà vua không được công khai để tránh các âm mưu chính trị.
Dưới triều Minh Mạng, một bác sĩ hải quân khác là Despiau phụng sự cho triều đình. Trong thời gian này, bệnh đậu mùa đang hoành hành trong dân chúng. Lo ngại trước tình trạng này và bất lực trong việc chống lại bệnh tật khi không có sự hỗ trợ của y học phương tây, vua Minh Mạng quyết định cử Despiau sang Macao để tìm vắc xin. Đó là nguồn gốc vắc xin ở Việt Nam.
Trong vòng hơn 50 năm, từ 1825 đến 1880, không bác sĩ người Âu nào được đưa vào triều. Chỉ có các bác sĩ người An Nam, thành viên Viện Thái y phụ trách cơ quan y tế của Hoàng cung và chăm sóc sức khỏe cho quan lại. Đó là thời kỳ quan hệ Pháp – Nam trở nên căng thẳng, sau đó nước Pháp thiết lập chế độ bảo hộ tại vương quốc An Nam.
Bùi Thị Hệ – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Chú thích:
- Theo Hồ Đắc Di, Des médecins français à la Cour d’Annam aux grands maîtres de Paris, Nhà in Viễn Đông, 1942, tr.4-8
Nguồn: archives.gov.vn
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch