Để tiếp cận những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp và những quần thể di tích hùng vĩ ở Đông Dương, người Pháp đã thiết lập những cung đường và đưa vào sử dụng những phương tiện mang lại cho họ nhiều trải nghiệm đầy xúc cảm, trong đó độc đáo nhất phải kể đến tour thủy phi cơ Sài Gòn – Angkor và tour đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt.
Tour thủy phi cơ Sài Gòn – Angkor
Ngày 10 tháng 4 năm 1929, chiếc thủy phi cơ của Hãng Hàng không Pháp cất cánh từ bờ sông Sài Gòn và hạ cánh xuống Phnom-pênh chỉ sau 2 giờ. Chuyến bay tiếp theo đưa du khách từ Phnom-pênh đến khu vực phía Nam quần thể di tích Angkor-Wat kéo dài 1 giờ 45 phút. Tổng thời gian di chuyển bằng thủy phi cơ từ Sài Gòn đến khu di tích vĩ đại của thành quốc Khơ-me là 3 giờ 45 phút.
Bến thủy phi cơ của Hãng Hàng không Pháp trên sông Sài Gòn (nguồn: Tạp chí Viễn Á, số 35, 5/1929)
Đây là tuyến du lịch hàng không đầu tiên của Đông Dương, được báo chí đương thời đánh giá là một “bước nhảy ngoạn mục”. “Lợi dụng các điều kiện khí quyển, khi vướng vào mây, thủy phi cơ sẽ bay rất cao, còn khi bầu trời trong xanh, máy bay là là trên mặt đất và mặt nước, khi đó nó trở thành một chiếc xe hơi với những bánh xe không chạm đất, trải rộng bên dưới nó là toàn bộ địa hình của xứ sở mà nó bay qua, chiếc thủy phi cơ lướt nhẹ như chú chim khổng lồ, mang lại cho những hành khách mà nó chuyên chở cảm giác được tận hưởng độ cao với đủ các cung bậc cảm xúc”.
Thủy phi cơ đến từ Sài Gòn bay qua phế tích Angkor-Wat trước khi hạ cánh trên biển (nguồn: Tạp chí Viễn Á, số 35, 5/1929).
Thủy phi cơ là phương tiện đặc biệt phù hợp với khu vực Nam Kỳ và Campuchia do hệ thống kênh rạch và sông ngòi dày đặc, với dòng sông Mekong rộng lớn ôm chặt mặt đất bằng hàng ngàn cánh tay và dễ dàng tìm thấy một hồ nước làm nơi hạ cánh.
“Bay trên bầu trời Angkor ở độ cao cả ngàn mét; quan sát dưới chân mình – trong một bức tranh thu nhỏ và tổng hợp – những phế tích hùng vĩ được bao bọc trong những nếp uốn của rừng già ngàn năm tuổi; ngắm nhìn những mái vòm từ lòng đất vươn mình lớn dậy và phía trên đó là những cầu thang, đền đài, hành lang lớn nhỏ; phân biệt rõ hơn mỗi chi tiết kiến trúc, mỗi công trình trang nhã, mỗi đường nét điêu khắc, mỗi tảng đá hoen dấu thời gian, mỗi khối cuộn…trong cái nhìn xuống đến chóng mặt; ngồi trên mặt nước tĩnh lặng – đang bắn ra quanh ta những tia sáng lấp lánh giữa khung cảnh đẹp hơn bất kỳ nơi nào, cũng tức là ta đang dồn nén vào một vài giây phút ngắn ngủi và tiếc nuối khi chưa được trải nghiệm cho thỏa, vô số những xúc cảm mà không thứ gì khác có thể mang lại được”[1].
Toàn cảnh Angkor-Vat (nguồn: Tạp chí Viễn Á, số 35, 5/1929)
Hiện nay, tuy không thể ngồi thủy phi cơ để tham quan Angkor như hồi đầu thế kỷ XX, du khách vẫn có thể tận hưởng trải nghiệm này ở một số địa danh nổi tiếng của Việt Nam như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Huế với dịch vụ thủy phi cơ của Hãng Hàng không Hải Âu[2].
Thủy phi cơ tại bãi đỗ trên đảo Tuần Châu (nguồn: thuyphicovinhhalong.com)
Tour đường sắt răng cưa Đà Lạt
Từ cuối thế kỷ XIX, Phủ Toàn quyền đã tiến hành khảo sát vùng núi cao ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ nhằm tìm kiếm những địa điểm phù hợp phục vụ việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng cho người Pháp ở thuộc địa, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức. Khu nghỉ dưỡng Đà Lạt là một dự án trọng điểm, được đầu tư để trở thành thủ đô mùa hè của Đông Dương.
Để tiếp cận khu nghỉ dưỡng, người Pháp đã tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt nối vào tuyến đường sắt Đông Dương để kết nối Sài Gòn và Nha Trang với vùng cao nguyên. Do địa hình hiểm trở, nhiều đoạn trên hành trình phải lắp đặt thêm đường sắt răng cưa để leo dốc. Đây là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Đông Dương, thậm chí cả Viễn Đông thời bấy giờ (trừ Nhật Bản)[3].
Tuyến đường hoàn thành cuối năm 1932 với tổng chiều dài 84km. Đoạn đầu dài 40km xây dựng xong năm 1914; đoạn 2 dài 20km khởi công năm 1925 và đi vào hoạt động năm 1928; đoạn cuối dài 26km với 3 đường hầm trong đó có một đường hầm dài 700m và nhiều cây số lắp đặt đường sắt răng cưa[4]. Đường sắt đi qua các ga chính: Tân Mỹ, Sông Pha (Krongpha), Cà Bơ (Kabeu), Eo Gió (Bellevue), Dran, Trạm Hành (Arbre-Broyé), Cầu Đất, Đa Thọ và kết thúc tại ga Đà Lạt[5].
Đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt đã kết nối khu nghỉ dưỡng với vùng duyên hải Nam Trung Kỳ và các đô thị phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn, thúc đẩy phát triển du lịch ở thành phố cao nguyên. “Để đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, du khách có thể ngồi xe lửa. Rời Sài Gòn ấm áp vào chiều tối, anh ta sẽ nhận thấy sự mát mẻ của vùng cao nguyên vào sáng sớm, khi đầu máy xe lửa răng cưa uốn lượn giữa những đám mây chưa bị thổi bay bởi làn gió sớm mai và anh ta hít hà bầu không khí giờ đã nhẹ nhàng hơn, mang đến bên anh cả mùi nhựa cây miền sơn cước”[6].
Ga Đà Lạt, ảnh chụp năm 1948, nguồn: ANOM
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, tuyến đường sắt leo núi Tháp Chàm – Đà Lạt đã hư hại nghiêm trọng và đang được nghiên cứu, phục dựng. Hy vọng vào một ngày không xa, tuyến đường sẽ được khôi phục nguyên trạng, đưa du khách băng đèo vượt núi chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp vùng cao nguyên
Nguồn: https://archives.org.vn/
[1] Xem thêm về tuyến thủy phi cơ Sài Gòn – Angkor trong sách “Nước Nam một thuở” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Omega Plus hợp tác ấn hành, NXB Mỹ thuật, 2023, tr.136-140.
[2] https://www.seaplanes.vn/
[3] L’Éveil économique de l’Indochine, 20/8/1922.
[4] Les Annales coloniales, 08/12/1932. Các số liệu dẫn theo bài báo, có chỗ không thống nhất, chúng tôi chưa tìm được tài liệu gốc để kiểm chứng.
[5] https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/duong-sat-langbian-qua-tai-lieu-luu-tru.htm
[6] Le Petit Parisien, 13/6/1936.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch