Tài liệu Nha Kinh lược Bắc kỳ cung cấp nhiều thông tin giá trị về những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử và các phong trào khởi nghĩa chống Pháp lúc bấy giờ.
Sau khi chiếm được toàn bộ Nam kỳ, Thực dân Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu tiến ra miền Bắc. Trước sự tấn công mạnh mẽ của Thực dân Pháp, lúc đó triều đình nhà Nguyễn lại quá suy yếu nên các tỉnh Bắc kỳ lần lượt rơi vào tay thực dân. Năm 1884, quân Pháp được tiếp viện dồi dào đã chiếm được nhiều tỉnh giàu có của Bắc kỳ. Tháng 5/1884, hiệp ước Thiên Tân được ký, đại diện Pháp buộc quân Thanh phải rút về nước, đồng thời triều Nguyễn phải chấp nhận một số điều kiện trong hiệp ước Harmand và ký hiệp ước Patenôtre. Với hiệp ước này, việc thiết lập quyền bảo hộ ở Việt Nam của Pháp không còn bị ngăn cản. Từ đây, triều đình nhà Nguyễn gần như phải phụ thuộc vào Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.
Để trực tiếp cai quản xứ Bắc Kỳ cách xa Kinh đô Huế, dưới sự đồng ý của Tổng trú sứ Trung – Bắc kỳ Paul Bert, vua Đồng Khánh đã ra chỉ dụ thành lập Nha Kinh lược Bắc Kỳ vào ngày 3/6/1886. Đến ngày 20/6/1886, dụ thành lập này được Tổng trú sứ Trung – Bắc Kỳ Paul Bert ra đạo lệnh chuẩn y1.
Như vậy, Nha Kinh lược Bắc kỳ là cơ quan hành chính nhà nước phong kiến cao nhất ở Bắc kỳ, được thay mặt vua trực tiếp điều hành và giải quyết mọi việc ở Bắc kỳ. Tuy nói rằng Kinh lược sứ “được toàn quyền áp dụng mọi biện pháp mà ông ta cho là cần thiết và phù hợp”2 nhưng thực tế Nha Kinh lược không được quyền sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng như của đại diện Pháp. Vì vậy, đến khi trực tiếp điều hành bộ máy cai trị ở Bắc kỳ, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương P.Doumer thấy Nha Kinh lược không còn cần thiết. Ngày 26/7/1897, vua Thành Thái xuống dụ giải thể Nha Kinh lược Bắc kỳ. Ngày 13/9/1897, dụ giải thể Nha Kinh lược Bắc kỳ đã được Toàn quyền Pháp P.Doumer chính thức thông qua.
Trải qua 11 năm hoạt động, Nha Kinh lược Bắc kỳ đã hình thành được một khối tài liệu lớn gồm 3525 tập. Tài liệu được viết chủ yếu bằng chữ Hán Nôm và một số thư từ được dịch từ tiếng Pháp sang chữ Nôm, phản ánh tương đối đầy đủ các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Bắc kỳ những năm cuối thế kỷ XIX. Để phân biệt với những khối tài liệu khác, tài liệu này được gọi theo tên cơ quan hành chính là Phông Nha Kinh lược Bắc kỳ. Trước năm 1975, tài liệu được bảo quản ở kho Lưu trữ Nhà nước Trung ương (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I), một phần được bảo quản ở Nha Văn khố thuộc Thư viện Quốc gia Sài Gòn. Năm 1975, tài liệu ở Nha Văn khố – Thư viện Quốc gia Sài Gòn được đưa ra Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I để đảm bảo tính toàn diện của tài liệu.
Nha Kinh lược được thiết lập nhằm thay mặt triều đình Huế quản lý và điều hành hệ thống hành chính ở Bắc kỳ từ cấp tỉnh trở xuống (tỉnh, huyện, phủ, tổng, xã). Việc quản lý này thông qua hệ thống các văn bản hành chính của triều đình phong kiến và chính quyền thực dân. Nha có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết những văn bản của Toàn quyền, Thống sứ, Công sứ, Triều đình, Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát … gửi đến và ngược lại. Trong suốt quá trình hoạt động của Nha Kinh lược từ năm 1886 – 1897 đã ban hành và tiếp nhận một khối công văn đồ sộ về khối lượng, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức.
Với chức năng và nhiệm vụ quản lý, mọi hoạt động ở Bắc kỳ đều do Nha Kinh lược điều hành. Tuy nhiên, với những vấn đề vượt quá quyền hạn của nha thì Kinh lược sứ làm công văn gửi cho Thống sứ Bắc kỳ, Toàn quyền Đông Dương và Triều đình. Công văn trả lời của chính quyền Pháp và Triều đình không gửi trực tiếp về địa phương để thi hành mà tất cả đều thông qua Nha Kinh lược. Nha có trách nhiệm soạn thảo công văn mới theo nội dung được trả lời để tư di lại cho chính quyền địa phương thực hiện. Tóm lại, Nha Kinh lược như một cơ quan trung gian để giải quyết công việc hành chính ở Bắc kỳ lúc bấy giờ. Vì vậy, toàn bộ tình hình, hoạt động, sự kiện ở Bắc kỳ đều được thể hiện trong nội dung của hai chiều công văn đi và đến do Nha Kinh lược quản lý. Điều đó có nghĩa mọi tình hình chính trị, quân sự, an ninh, các hoạt động giáo dục, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, xã hội cho đến đơn từ, án kiện … đều được phản ánh chân thực trong tài liệu Nha Kinh lược Bắc kỳ. Vì vậy, nghiên cứu Phông Nha Kinh lược Bắc kỳ là điều cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.
Về thể loại, do sự song song tồn tại hai hệ thống chính quyền phong kiến và thực dân, vì vậy tài liệu vừa có văn bản hành chính thời phong kiến, vừa có văn bản hành chính mới. Văn bản hành chính của chính quyền phong kiến như: chỉ, dụ, tấu, tư, tư di, tư trình, trình, trát, sức, bẩm…; văn bản hành chính của chính quyền thực dân như: nghị định, báo cáo, hiệp định…. Điều này cho thấy sự phong phú và đa dạng trong loại hình văn bản hành chính của Phông Nha Kinh lược Bắc kỳ.
Về nội dung, tài liệu đã phản ánh sâu sắc bộ máy hành chính nước ta những năm cuối thế kỷ XIX. Đó là một đất nước song song tồn tại hai bộ máy hành chính của chế độ phong kiến và chính quyền thực dân; trong đó chính quyền phong kiến đã đánh mất vai trò thống trị của mình, thay vào đấy là quyền lực được tập trung vào chính quyền thực dân.
Bên cạnh đó, khối tài liệu đã tái hiện được bức tranh về đời sống của những người dân miền Bắc trước sự “bảo hộ” của Thực dân Pháp và chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Qua đó, chúng ta hiểu hơn nỗi thống khổ, cùng cực của người dân trong chế độ phong kiến nửa thực dân.
Tài liệu cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin về sự thay đổi trong giáo dục, thi cử khi chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây du nhập. Sự thay đổi này đã dần hoàn thiện hệ thống giáo dục nước ta thời thuộc địa.
Đồng thời, tài liệu Nha Kinh lược Bắc kỳ còn cung cấp nhiều thông tin giá trị về những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử và các phong trào khởi nghĩa chống Pháp lúc bấy giờ. Một loạt công văn có nội dung về tình hình hoạt động của phong trào và thủ lĩnh hưởng ứng chiếu Cần Vương trao đổi giữa các cấp chính quyền đã đem lại những thông tin chính xác, chi tiết, cụ thể về tinh thần dân tộc thời thuộc Pháp. Bên cạnh đó, thơ văn ký thác tâm sự và thư từ trao đổi của thủ lĩnh các nghĩa quân cũng là tư liệu rất quan trọng giúp chúng ta có thêm cơ sở đánh giá, nhận định về giai đoạn lịch sử này.
Đặc biệt, thông qua tài liệu Nha Kinh lược Bắc kỳ, chúng ta không chỉ có những thông tin về bộ máy hành chính, những thay đổi trong giáo dục, thi cử, các phong trào đấu tranh và tinh thần yêu nước thời thuộc Pháp mà tài liệu còn để lại nhiều thông tin giá trị khác. Từ tình hình kinh tế, tô thuế, ruộng đất đến thiên tai, lũ lụt; từ việc tách nhập, lập mới các đơn vị hành chính cho đến vấn đề dân số, an ninh; từ việc quân sự về binh lương đồn bốt cho đến các hoạt động của phong trào khởi nghĩa; thậm chí những vấn đề văn hóa về tôn giáo, tín ngưỡng, phong thần hay cả việc hình luật như đơn tư, án kiện v.v. đều được tái hiện chi tiết, chân thực qua những văn bản hành chính này. Vì vậy có thể khẳng định Phông Nha Kinh lược Bắc kỳ là một bức tranh toàn cảnh xã hội miền Bắc những năm cuối thế kỷ XIX.
Nhìn chung, tài liệu Hán Nôm Nha Kinh lược Bắc kỳ đã đem lại cho chúng ta những giá trị nhất định trên nhiều phương diện. Về mặt nội dung, tài liệu đã tái hiện được bức tranh toàn cảnh xã hội miền Bắc nước ta lúc bấy giờ. Hệ thống công văn này cung cấp thêm thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quân sự và những chính sách mới thời kỳ thuộc địa. Về mặt văn bản, tài liệu cho chúng ta thấy được sự phong phú, đa dạng của các loại hình văn bản hành chính khi tồn tại cả hai chính quyền phong kiến và thực dân. Hơn hết, đây là tài liệu gốc phản ánh khách quan, toàn diện một giai đoạn đoạn lịch sử đầy biến động với những thông tin tín thực. Thông qua sử liệu này, các nhà nghiên cứu có thêm thông tin bổ ích phục vụ công trình nghiên cứu. Vì vậy, giới thiệu Phông Nha Kinh lược Bắc kỳ hy vọng mang đến đông đảo độc giả những hướng tiếp cận mới đối với nguồn sử liệu giá trị này.
Nguyễn Thu Hường – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Chú giải:
1,2 Phông RST, Hồ sơ 4797, tờ 3
Nguồn: archives.gov.vn
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch