Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Nhưng chưa chấp nhận bại trận, Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống chính quyền Sài Gòn vẫn nuôi tham vọng độc chiếm miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Từ trước khi Hiệp định được ký kết, chính quyền Thiệu đã lên kế hoạch và tiến hành phá hoại một cách trắng trợn, có hệ thống.
Đến cuối năm 1974, trước thái độ ngoan cố của chính quyền Thiệu, Bộ Tư lệnh Miền phát lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến lên “kiên quyết trừng trị bọn Mỹ – Thiệu ngoan cố và hiếu chiến, kiên quyết đập tan hệ thống đồn bót của địch, mở rộng vùng giải phóng, giành quyền làm chủ về tay nhân dân”.
Phát động toàn quân, toàn dân:
“Hãy vượt mọi gian khổ khó khăn, đạp lên đầu thù xốc tới giành thắng lợi.
Hãy đánh mạnh, đánh liên tục, đánh tiêu diệt gọn quân địch, đánh cho chúng tan rã về tinh thần tư tưởng, suy sụp về tổ chức, đạt yêu cầu cao của mùa khô….
Toàn thể các đồng chí hãy anh dũng tiến lên!”[1]
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Miền, các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam đẩy mạnh tiến công tạo thành một phong trào tiến công, nổi dậy mạnh mẽ khắp miền Nam. Đến tháng 12-1974, các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng tiến lên đập tan hệ thống đồn bốt quân đội Sài Gòn ở cấp cơ sở. Riêng tại Phước Long, một địa bàn không xa Sài Gòn, được Quân Giải phóng chọn làm chiến trường kiểm nghiệm sự bảo đảm cam kết tái can thiệp vào Việt Nam bằng hoạt động quân sự của Hoa Kỳ, cũng như phản ứng của chính quyền Thiệu. Ngày 13-12-1974, Quân Giải phóng mở màn tiến công giải phóng Phước Long bằng việc đánh chiếm và làm chủ quận lỵ và chi khu Đức Phong và hoàn toàn giải phóng tỉnh Phước Long vào sáng ngày 06-01-1975.
Việc giải phóng hoàn toàn Phước Long đã mở ra thời cơ lớn cho Quân Giải phóng tiến hành cuộc Tổng tiến công Xuân 1975. Tháng 02-1975, Quân Giải phóng mở chiến dịch Tây Nguyên tiến công giải phóng vùng cao nguyên Quân khu 2 của chính quyền Sài Gòn. Ngày 10-3-1975, chiến dịch mở màn với chiến thắng chớp nhoáng sau 33 giờ tiến công thị xã Buôn Mê Thuật của Quân Giải phóng.
Quá “choáng váng”, ngày 14-3-1975, Thiệu ra lệnh rút bỏ Tây Nguyên, nhằm giữ vùng duyên hải miền Trung. Song càng làm cho quân đội Sài Gòn ở miền Trung tan rã mau chóng.
Ngày 20-3-1975, để biện minh cho quyết định của mình, Nguyễn Văn Thiệu diễn thuyết trình bày lý do rút khỏi Kontum, Pleiku và cho đó là sự rút lui chiến thuật. Nhưng bản tường trình ngày 10-4-1975 của Lò Văn Bảo – Trung tá, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phú Bổn cho thấy, quyết định của Nguyễn Văn Thiệu đã tạo ra phản ứng dây chuyền. Khi đoàn quân từ Kontum, Pleiku rút chạy đến đâu đều kéo theo sự tháo chạy của lực lượng quân đội Sài Gòn.
Đến ngày 25-3-1975, Quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ 6 tỉnh cao nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung.
Nhằm ngăn chặn sự thất thủ triền miền, các ngày 24, 25 và 26-3-1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu hết ban hành công điện khẩn đến nhật lệnh kêu gọi, ra lệnh quân đội Sài Gòn “tử thủ” các tỉnh còn lại, song vẫn không cứu vãn được thế thua.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Ford bàng hoàng trước sự thất thủ mau lẹ của quân đội Sài Gòn, lập tức phái tướng Weyand – Tổng Tham mưu trưởng Liên quan Mỹ, trực tiếp sang thị sát chiến trường miền Nam Việt Nam. Đến Sài Gòn vào tối ngày 25-03-1975, qua ngày 26-03-1975, Weyand lập tức có cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và giới lãnh đạo chính quyền Sài Gòn. Sáng 26-03-1975, gặp tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chiều cùng ngày họp với Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ và Trần Thiện Khiêm – thủ tướng chính quyền Sài Gòn. Những ngày kế tiếp, Weyand gặp gỡ các tướng lĩnh chỉ huy chiến trường của chính quyền Sài Gòn, gồm Nguyễn Văn Toàn – Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn III, Phạm Văn Phú – Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn II, Nguyễn Khoa Nam – Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn IV, nhằm trực tiếp nắm tình hình chiến sự.
Ngày 2-4-1975, sau khi hoàn thành thị sát, tướng Weyand tổ chức cuộc họp hỗn hợp Mỹ – chính quyền Thiệu ngay tại Sài Gòn nhằm thống nhất kế hoạch phòng thủ. Tham gia cuộc họp về phía Mỹ, ngoài tướng Weyand còn có Đại sứ G. Martin, Eric Von Marbob, tướng Homer D. Smith, George Carver và Theodore Shackley. Phía chính quyền Sài Gòn có Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống; Phó Tổng thống; Trần Thiện Khiêm – Thủ tướng Chính phủ; Cao Văn Viên – đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn; Tổng trưởng Kế hoạch; Trung tướng phụ tá đặc biệt về quân sự và an ninh tại Phủ Tổng thống; Trung tướng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiếp vận[2]. Kết thúc cuộc họp, chính quyền Sài Gòn bắt tay ngay vào thiết lập tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang, qua Xuân Lộc đến Tây Ninh với hai “tử điểm” là Phan Rang và Xuân Lộc.
Cùng ngày, tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger, trong một cuộc họp báo cũng công bố kế hoạch thiết lập phòng tuyến cố thủ của Mỹ – Thiệu tại miền Nam Việt Nam và cho đó là một cuộc “trắc nghiệm mới”[3] với thời hạn trong vòng 30 ngày.
Ở Sài Gòn, tối ngày 2-4-1975, Cao Văn Viên – Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng ra Nhật lệnh kêu gọi quân đội Sài Gòn cố thủ chiến tuyến.
Ngày 04-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu, nhằm củng cố tinh thần binh lính, đã lớn tiếng đổ lỗi sự thất thủ triền miên vừa qua là do Mỹ không chịu viện trợ, chứ không phải sự yếu kém của quân đội Sài Gòn. Thiệu không ngại ngần nói rằng: “phân nửa viện trợ thì quân đội Việt Nam cộng hoà chỉ có thể giữ phân nửa lãnh thổ mà thôi”[4].
Ngày 6-4-1975, sau thời gian gấp rút chuẩn bị dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Hoa Kỳ, phòng tuyến cố thủ Phan Rang của chính quyền Sài Gòn được hình thành với lực lượng gồm:
- Trung đoàn 5 (Sư đoàn 2) và Liên đoàn 31 biệt động quân bố trí dọc hai bên đường số 1 ở Bắc Phan Rang 20 km, lấy đường hẻm Du Long làm trận địa phòng ngự. Tiểu đoàn pháo binh của Liên đoàn biệt động 31 gồm 4 khẩu 155 mm và 8 khẩu 105 mm bố trí phía sau.
- Trung đoàn 4 (Sư đoàn 2) giữ đường 20 phía Nam đèo Ngoạn Mục.
- Lữ đoàn 2 dù (đuợc điều từ Sài Gòn) giữ sân bay Thành Sơn.
- Tiểu đoàn pháo của Lữ dù 2 bố trí trong thị xã.
- Chi đoàn thiết giáp thuộc sư đoàn 2 làm dự bị.
- Bốn tiểu đoàn bảo an của chi khu Ninh Thuận giữ các chốt Suối Đá, Ba Râu, Hội Diên, Cà Đú, Đới Sơn và ngã tư Ga Tháp Chàm.
- Lực lượng còn lại của Sư đoàn 6 không quân gồm hơn 150 máy bay các loại đóng tại sân bay Thành Sơn[5].
Ngày 8-4-1975, với vị trí là cụm phòng thủ trung tâm trong số ba cụm Tây Ninh – Xuân Lộc – Phan Rang, chính quyền Sài Gòn bố trí tại Xuân Lộc binh lực mạnh nhất có trong tay gồm:
– Sư đoàn bộ binh 18 với ba trung đoàn 43, 48 và 52.
– Lữ đoàn 5 tăng thiết giáp.
– Bốn tiểu đoàn bảo an 340, 342, 343, 367.
– Hai tiểu đoàn pháo binh 181 và 182 với 42 khẩu pháo các loại trong đó có hai khẩu M107 175mm.
– Hai liên đoàn dân vệ[6].
Với việc tập trung binh lực lớn quân đội Sài Gòn, người Mỹ đặt những hy vọng cuối cùng nhằm tìm kiếm giải pháp rút ra khỏi cuộc chiến trên thế mạnh vào phòng tuyến cố thủ ở Phan Rang, Xuân Lộc.
Ở nước Mỹ, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam, đã hình thành hai khuynh hướng về giải pháp rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Khuynh hướng thứ nhất xuất hiện từ phía các chính khách, các nghị sĩ và ngày càng tỏ ra thu hút được sự quan tâm của dư luận Mỹ, là người Mỹ phải từ bỏ ngay lập tức sự can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Khuynh hướng thứ hai của những người cầm đầu Nhà Trắng, là người Mỹ tiếp tục duy trì sự can thiệp quân sự tại miền Nam Việt Nam cho đến khi đạt được giải pháp rút lui trên thế mạnh. Nhưng dù có viện trợ Mỹ, quân đội Sài Gòn vẫn thất bại mau chóng. Chỉ trong tháng 3-1975, quân đội Sài Gòn đã hoàn toàn thất thủ Quân khu I và Quân khu II, khiến những người lãnh đạo Nhà Trắng lưỡng lự trong quyết sách về Việt Nam. Vì vậy, người Mỹ sử dụng phòng tuyến cố thủ nhằm “trắc nghiệm” khả năng của quân đội Sài Gòn, để từ đó có những quyết sách hữu hiệu cho vấn đề Việt Nam.
Ngày 9-4-1975, cuộc “trắc nghiệm” của Mỹ bắt đầu diễn ra. Quân giải phóng tiến đánh Xuân Lộc. Ngày 14-4-1975, trong khi chiến trường Xuân Lộc diễn ra giằng co, Quân giải phóng bắt đầu đột phá tuyến phòng thủ Du Long, chính thức mở trận tiến công phá vỡ phòng tuyến Phan Rang. Chỉ sau hai ngày tiến công, Quân giải phóng đã phá tan phòng tuyến Phan Rang. 9 giờ 30 phút sáng ngày 16-4-1975, Quân giải phóng chiếm dinh tỉnh trưởng, bắt sống Nguyễn Văn Tư – Đại tá, Tỉnh trưởng Ninh Thuận; 10 giờ bắt sống Nguyễn Vĩnh Nghi – Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 và Phạm Ngọc Sang – Chuẩn tướng, chỉ huy Sư đoàn 6 không quân chính quyền Sài Gòn. Chính thức đập tan “lá chắn Phan Rang”, làm tiêu tan mọi hy vọng của Mỹ – Thiệu.
Trước khi phòng tuyến Phan Rang bị vỡ, ngày 14-4-1975, chính quyền Sài Gòn quyết định tổ chức hệ thống cố thủ ngay trong thủ đô. Một mặt, tiếp tục tổ chức đợt hai của chiến dịch Lê Văn Duyệt đánh vào các cơ sở của Quân Giải phóng tại Sài Gòn – Gia Định và vùng phụ cận. Đồng thời, cải tổ Biệt khu Thủ đô thành 5 liên khu, mỗi liên khu có một bộ chỉ huy chiến thuật do một đại tá chỉ huy. Bên dưới hình thành hệ thống cố thủ đến tận khóm, ấp với các khóm chiến đấu, khu phố chiến đấu, v.v., tạo thành hệ thống cố thủ liên hoàn. Tại Dinh Độc Lập, dưới áp lực của Mỹ và các phe nhóm đối lập, đồng thời nhằm củng cố thêm tinh thần chiến đấu cho quân đội Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cải tổ nội các. Ngày 15-4-1975, nội các mới do Nguyễn Bá Cẩn làm thủ tướng, được gọi là Nội các chiến đấu chính thức trình diện Tổng thống chính quyền Sài Gòn, với lời bảo đảm sẽ sát cánh cùng Thiệu tử thủ tới cùng, song cũng không thể làm gì hơn. Nguy cơ Quân Giải phóng tấn công Sài Gòn ngày một tới gần.
Ngày 21-4-1975, Tổng thống Pho ép Thiệu phải từ chức, nhường ghế cho Trần Văn Hương, hòng hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ vì đó mà chấp nhận những yêu cầu đòi viện trợ quân sự cho chế độ Sài Gòn của ông. Nhưng diễn biến trên chiến trường đã khiến các kế hoạch của Mỹ trở nên quá muộn màng. Trước giờ Thiệu đọc diễn văn từ chức, Quân Giải phóng đã chọc thủng “cánh cửa thép Xuân Lộc” để tiến vào Sài Gòn. Cay đắng với quyết định của tổng phống Pho, trong bài diễn văn từ chức, Thiệu lớn tiếng “chửi rủa” Mỹ.
Ngày 23-4-1975, khi cuộc trắc nghiệm cuối cùng thất bại, Tổng thống Pho tuyên bố “chiến tranh Việt Nam được coi như chấm dứt đối với Hoa Kỳ”[7].
Hà Kim Phương
[1]. Động viên lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, hồ sơ 18598, phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hoà.
[2] Báo Quật Cường ngày 3-4-1975, phông ĐIICH, hồ sơ 5251
[3] Báo Độc Lập ngày 2-4-1975, phông ĐIICH, hồ sơ 5251
[4]. Phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu ngày 04-4-1975, phông PTTg, hồ sơ số 31559.
[5] Dương Hảo, Một chương bi thảm. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1980; Hồi ức của chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang. Dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt. Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003.
[6] Dương Hảo, Một chương bi thảm. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1980; Hồi ức của chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang. Dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt. Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003.
[7] Theo tin viễn ấn ngoại quốc ngày 25-4-1975, phông PTTg, hồ sơ 3791.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch