Năm 1945, sau khi triều Nguyễn cáo chung, toàn bộ các thư tịch, tài liệu châu bản, mộc bản đã trải qua nhiều lần di dời. Do đó, một phần đã bị mất mát hư hỏng, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt ở Huế đã làm mai một nhiều. Nhận thấy việc mộc bản và các thư tịch có nguy cơ bị hủy hoại, nếu không di chuyển sớm sẽ có nguy cơ mất hoàn toàn. Đến năm 1959, một ban dự thảo quyết định di chuyển khối mộc bản đồ sộ ra khỏi Huế. Địa điểm được lựa chọn là thành phố Đà Lạt – nơi có điều kiện lý tưởng về khí hậu, địa hình.
Năm 1960, trước tình hình chiến sự căng thẳng và để tránh những sự xung đột có thể xảy ra gần vĩ tuyến 17, cùng với Châu bản, Địa bạ… Mộc bản triều Nguyễn ở Cố đô Huế đã được chuyển vào Đà Lạt. Việc di chuyển Mộc bản triều Nguyễn và các thùng tài liệu lưu trữ từ Huế về Đà Lạt bằng xe lửa được thi hành một cách kín đáo và mau lẹ. Để có thể vận chuyển tài liệu lưu trữ từ Viện Bảo thàng Huế ra ga xe lửa phải sử dụng xe của quân đội Việt Nam Cộng hòa (quân khu II) và quân nhân để bốc dỡ cho nhanh gọn (4 chiếc G.M.C và 24 quân nhân).
Ngày 27/6/1960, toàn bộ Mộc bản và 69 thùng tài liệu được xếp lên 3 toa xe lửa, mỗi toa với trọng tải 25 tấn, đều có mui, đóng cửa kín, có cặp chì. Ngày 28/6/1960, chuyến tàu đặc biệt trên được khởi hành và về tới Đà Lạt vào ngày 2/7/1960. Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã cử 18 quân nhân đi hộ tống bảo vệ số tài liệu quý hiếm này. Công việc vận chuyển được hoàn tất vào ngày 5/7/1960. Ngày 18/7/1960 việc kiểm đếm, giao nhận tại Đà Lạt mới hoàn thành.
Theo biên bản giao nhận ngày 15/6/1960 giữa Viện Bảo tàng Huế và Ủy ban phụ trách chuyên chở các cổ thư và tài liệu có tính lịch sử, số lượng Mộc bản giao nhận lập tại Huế là 15.045 tấm. Nhưng theo bản xác nhận sau khi kiểm đếm ngày 18/6/1960 có ông Phạm Như Phiên, đặc phái viên Bộ Quốc gia Giáo dục tại Đà Lạt xác nhận ngày 18/7/1960, số Mộc bản tăng thêm 800 tấm (có thể do đánh máy sai). Tổng cộng số Mộc bản hiện có lúc đó là 15.845 tấm, bó thành 2.085 bó.
Sau khi chuyển đợt 1 tài liệu Mộc bản và các tài liệu lưu trữ từ Huế về Đà Lạt với số lượng như trên, phái đoàn gồm ông: Phạm Như Phiên, Nguyễn Gia Phương, Nguyễn Văn Thu có kiến nghị phải thực hiện việc kiểm kê, phân loại, dán nhãn hiệu số Mộc bản hiện còn ở Huế trước khi gửi về Đà Lạt ngay trong năm 1960.
Ngày 22/12/1960, đợt 2 của quá trình di chuyển số Mộc bản và tài liệu lưu trữ còn lại được thực hiện. Theo công văn “mật” “khẩn” số 85 ngày 15/12/1960 của Chi nhánh Văn khố Đà Lạt gửi Đại úy Chỉ huy trưởng cơ quan Quân sự Đà Lạt đã yêu cầu phương tiện vận chuyển bằng hỏa xa và tăng cường 5 xe quân sự và 10 binh sĩ để phục vụ việc vận chuyển Mộc bản từ Huế về Đà Lạt.
Số lượng Mộc bản vận chuyển trong đợt 2 có 3.909 bó Mộc bản (trong đó có 52 bó mục, mối), 528 quyển Châu bản, từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại (riêng triều Minh Mạng không có quyển nào) và 6 tập Châu bản không đóng thành quyển.
Theo bản thống kê ngày 1/8/1964 về những tài liệu từ huế gửi vào Chi nhánh Văn khố Đà Lạt thì được biết đợt thứ 3 vận chuyển tài liệu vào ngày 14/6/1961, tuy nhiên chưa tìm thấy tài liệu đầy đủ nói về vấn đề này.
Năm 1961, chính quyền Việt Nam cộng hòa do Ngô Đình Diệm đứng đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng, các cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra, đỉnh điểm là cuộc đảo chính ngày 01/11/1963, chấm dứt sự tồn tại của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong thời gian này và những năm tiếp theo dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, tài liệu Châu bản, Mộc bản và các tài liệu lưu trữ khác không được quan tâm đúng mức. Theo biên bản bàn giao ngày 20/7/1964, số lượng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn là 5.967 bó và châu bản là 636 tập, tất cả đều đang được bảo quản tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt thuộc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia (sau đổi thành Nha Văn khố Quốc gia).
Năm 1968, tình trạng tài liệu lưu trữ bắt đầu bị hư hỏng do điều kiện bảo quản không tốt (kho tàng bị phân tán, dột nát, tài liệu bị ẩm ướt). Tài liệu Mộc bản phải để phân tán tại 3 nơi: 24 Yersin, số 3 Trần Hưng Đạo và 14 Yersin (Trụ sở Tòa thị chính Đà Lạt). Tình trạng kho tàng, trong công văn số 60/VKTV ngày 25/10/1968 của Chi nhánh Văn khố Đà Lạt có ghi rõ: Trụ sở Chi nhánh Văn khố Đà Lạt hiện nay là ngôi nhà số 24 Yersin Đà Lạt, một biệt thự cũ, mái ngón một phần vì lâu ngày quá, một phần vì biến cố Mậu Thân bị đạn thủng 2 nơi, nay bị dột nhiều nơi; hệ thống nước quá cũ nên khi nước mạnh bị chảy ra ngoài, nhất là về đêm, cửa kiếng bị vỡ và hư hỏng khóa; máng xối hư hỏng, nhiều chỗ bị thiếu, mất đèn điện (toàn đèn ống) lâu ngày bị hư; sàn gỗ nhiều nơi bị mục… Số lượng tài liệu Châu bản và Mộc bản bắt đầu có nhiều biến động. Số Mộc bản triều Nguyễn là 5.967 bó, số Châu bản là 633 tập (mất 3 tập), hầu hết đều trong tình trạng ẩm mốc.
Năm 1974, tình trạng kho ngày càng tồi tệ, tài liệu lưu trữ bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là tài liệu Mộc bản. Tại Công văn số 14/VKTV ngày 8/3/1974 của Chi nhánh Đà Lạt gửi Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia về tình trạng kho lưu trữ Mộc bản tại trụ sở Ngân hàng Quốc gia 14 Yersin cũ ghi rõ: sở dĩ muốn mượn những căn nhà tiền chế là vì: “để có chỗ dời những tấm Mộc bản lưu trữ tại tầng hầm của Ngân hàng Quốc gia 14 Yersin Đà Lạt vì tàng trữ ở đó nhiều hơi ẩm và trụ sở ấy từ ngày bị đặt chất nổ hư hại đến nay coi như bỏ phế, lối đi gần như bị gạch ngói đổ nát lấp đi, nước nhỉ từ lòng đất thấm ra và không có phương pháp nào cho thoát ra ngoài được…, e rằng lâu ngày thì sợ hư mất số Mộc bản ở dưới thấp”.
Mãi 5 tháng sau, từ ngày phát hiện ra tình trạng bảo quản tồi tệ của tài liệu Mộc bản, vào ngày 10/8/1974, Nha Văn khố Quốc gia mới có Công văn số 368-VKQG/KT gửi Chi nhánh Văn khố Đà Lạt về việc di chuyển Mộc bản và Châu bản có ghi: đã có những chỉ thị sau:
- Rời bàn giấy ông Chủ sự tầng dưới lên tầng xếp chỗ Mộc bản;
- Rời các vật liệu linh tinh của ông gác dan (bảo vệ) ra phía ngoài hiên sau để có chỗ xếp thêm Mộc bản;
- Di chuyển một số Mộc bản hiện để ở hầm Tòa Thị chính cũ về sắp xếp tại tầng trệt Chi nhánh;
- Liên lạc với Tòa Thị chính để, nếu có thể, xin cấp 1 phòng tại trụ sở Tòa này, hầu có chỗ di chuyển hết số Mộc bản còn lại ở hầm Tòa Thị chính cũ;
- Chuẩn bị di chuyển một số Châu bản về Sài Gòn để chụp vi phim.
Tại Công văn này, Nha Văn khố Quốc gia đã yêu cầu Chi nhánh Văn khố Đà Lạt báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các chỉ trên.
Sau 3 tháng kể từ khi có công văn nhắc nhở của Nha Văn khố Quốc gia, tài liệu Mộc bản đã bắt đầu bị hư hỏng thì Chi nhánh Văn khố Đà Lạt mới có Công văn 70/VKTV ngày 20/11/1974 gửi Đại tá Tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Thị xã Đà Lạt xin sử dụng nhà chứa xe của Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, mục đích là để lưu trữ Mộc bản “vì một số Mộc bản đã bị hư do mối xông và ẩm ướt”.
Tại Công văn số 931/CCD/KYT ngày 12/12/1974 của Ty Công chánh Thị xã Đà Lạt gửi Chi nhánh Văn khố Quốc gia về việc di chuyển Mộc bản, đã nêu rõ tình trạng bảo quản quá tồi tệ với Mộc bản: “Sau khi xem xét hầm chứa Mộc bản, Ty tôi nhận thấy hầm bị ngập nước cao 0,45m. Với khối nước ngập tại hầm này cần phải có máy bơm rút ra ngoài khô ráo mới có thể vào khuân vác di chuyển Mộc bản đưa ra ngoài“.
Và tại Công văn số 75/VKTV ngày 17/12/1974 của Chi nhánh Văn khố Đà Lạt gửi Trung tâm cấp thủy Đà Lạt cũng xác nhận: “Hầm chứa Mộc bản bị ngập nước cao 0,45m. Việc vận chuyển Mộc bản chỉ có thể thực hiện được sau khi nước được rút khỏi hầm”.
Ngày 18/01/1975 tại Công văn số 4/VKTV của Chi nhánh Văn khố Đà Lạt gửi Nha Văn khố Quốc gia về việc di chuyển Mộc bản cho biết Ty Công chính và Trung tâm cấp thủy Đà Lạt không đảm trách được việc rút nước tại hầm chứa Mộc bản vì không có dụng cụ thích nghi và đề nghị một tư nhân có bơm máy nước đảm trách việc này, số tiền chi phí là 80.000 USD.
Nhu vậy, gần 1 năm sau khi tài liệu Mộc bản bị ngập nước, những biện pháp nhằm đưa tài liệu Mộc bản ra khỏi tình trạng tồi tệ vẫn chưa được thực hiện. Trước thực trạng Mộc bản bị ngập nước gần nửa mét kéo dài cả năm trời, tài liệu Châu bản bị ẩm mốc, ngày 28/5/1974 Phụ tá đặc trách văn hóa gửi công văn cho Tổng trưởng Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh niên xin di chuyển Châu bản và Mộc bản về Thư viện Quốc gia để chụp vi phim và bảo trì cẩn mật hơn. Trong công văn này đã đánh giá: Châu bản và Mộc bản hiện cất giữ tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt là một tài liệu duy nhất của Quốc gia cũng như quốc tế…, vì công ích và tầm quan trọng của tài liệu, đề nghị cho chuyên chở các tài liệu trên về Sài Gòn càng sớm càng tốt”.
Đến đầu năm 1975, trước tình hình chiến sự nổ ra tại miền Trung – Tây Nguyên trong Phiếu trình Hỏa tốc số 006-VKQG-PT ngày 20/3/1975 của Nha Văn khố Quốc gia gửi Tổng Tổng Thơ ký Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh niên về việc di chuyển toàn bộ Châu bản triều Nguyễn từ Đà Lạt về Sài Gòn ghi rõ: “Thi hành chỉ thị của Thượng cấp, ông Chủ sự Phòng Hành chính và 2 nhân văn Văn khố Quốc gia sẽ đi công tác tại Đà Lạt bằng Hàng không Việt Nam sáng sớm ngày 21/3/1975 để di chuyển toàn bộ Châu bản triều Nguyễn từ Đà Lạt về Sài Gòn. Công tác chuẩn bị sẽ hoàn tất trước 12 giờ trưa cùng ngày…, và đề nghị cho trưng dụng một chuyến máy bay đặc biệt của Hàng không Việt Nam để di chuyển toàn bộ Châu bản nêu trên, nội trong ngày 21/3/1975”.
Tại Công văn Hỏa tốc số 213/VKQG/KT ngày 21/03/1975 của Nha Văn khố Quốc gia gửi Giám đốc Nha Tao tác và Tiếp vận, Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh niên về việc xin cung cấp phương tiện vận chuyển Châu bản và tài liệu văn khố từ phi trường về Nha, trong đó có đề nghị: cho phương tiện vận chuyển và lao công để vận chuyển số lượng Châu bản và tài liệu văn khố từ phi trường Tân Sơn Nhất về Sở Lưu trữ công văn… xe và lao công có mặt tại phi trường ngay khi máy bay hạ cánh. Ngày và giờ máy bay hạ cánh sẽ cho biết sau.
Việc chuyển tài liệu Châu bản về Sài Gòn được chuẩn bị rất chu đáo và cẩn trọng. Ngày 22/03/1975, Giám đốc Nha Văn khố Quốc gia có Tiêu lệnh cho nhân viên trực đặc biệt tại Nha Trang về công tác chuẩn bị đón nhận tài liệu văn khố di chuyển từ Đà Lạt về Sài gòn. Tại Tiêu lệnh này ghi rõ: Khi nhận được tin có máy bay đặc biệt, phải yêu cầu giới chức thông tin chi tiết về loại máy bay; trọng tải bao nhiêu tấn, ngày giờ khởi hành từ Sài Gòn; địa điểm hạ cánh tại Đà Lạt (Liên Khương hay Cam Ly); yêu cầu giới chức liên lạc với Tòa Thị chính Đà Lạt để báo cho Chi nhánh Văn khố Đà Lạt cho xe chở tài liệu lên phi trường và yểm trợ về an ninh. Khi nhận được tin về ngày giờ máy bay về tới Sài Gòn, thông báo ngay cho Giám đốc tại Nha hoặc tư gia; thông báo cho Nha Tạo tác và Tiếp vận cho xe vận tải và lao công lên phi trường; yêu cầu xin phép đặc biệt để xe vào đậu sát máy bay; thông báo Sở Lưu trữ công văn chuẩn bị đón nhận tài liệu; thông báo cho Thư viện Quốc gia mở cửa cho xe vào tận sát Sở Lưu trữ công văn.
Vào cuối tháng 3/1975, tại Công văn Thượng khẩn số 229-VKQG/KT ngày 26/03/1975 của Giám đốc Nha Văn khố Quốc gia gửi Linh mục Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt co ghi: Thiếm Nha được chỉ thị của Thượng cấp di tản tài liệu văn khố hiện lưu trữ tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt về Sài Gòn. Đây là bộ tài liệi cổ nhất và quý giá nhất hiện còn giữ được của Việt Nam, việc lưu giữ an toàn là nhu cầu tối thiểu cần thiết…, và đề nghị Viện trưởng vui lòng yểm trợ nhân lực và phương tiện để đóng thùng cái tài liệu nói trên.
Việc di chuyển tài liệi Châu bản và một số tài liệu lưu trữ khác từ Đà Lạt về Sài Gòn đã được thực hiện vào ngày 27 và 28/03/1975. Tại Phiếu trình Hỏa tốc số 242-VKQG/HC ngày 29/03/1975 của Nha Văn khố Quốc gia gửi Tổng trưởng Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh niên về việc di chuyển tài liệu văn khố từ Đà Lạt về Sài Gòn có báo cáo sơ bộ kết quả di chuyển tài liệu lưu trữ từ Đà Lạt về Sài Gòn. Ngày 27 và 28/03/1975, mỗi ngày có một chuyến bay thuê bao chở tài liệu văn khố, mỗi chuyến 72 bao, tổng cộng khoảng 5 tấn cho cả 2 chuyến…. Số tài liệu chuyển về Sài Gòn có toàn bộ số Châu bản triều Nguyễn và các tài liệu khác.
Sau khi di chuyển toàn bộ tài liệu Châu bản về Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuẩn bị xúc tiến việc chuyển tài liệu Mộc bản từ Đà Lạt về Sài Gòn cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1975. Trong Phiếu trình Hỏa tốc số 011-VKQG/PT ngày 31/03/1975 của Nha Văn khố Quốc gia gửi Tổng trưởng Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh niênn về việc di chuyển Mộc bản từ Đà Lạt về Sài Gòn có ghi rõ: Phần lớn các tài liệu này đều không được trọn bộ vì bị hư hại, tổn thất nhiều trong biến cố 1945 – 1946 tại Huế. Ngoài giá trị về nội dung văn hóa, Mộc bản còn có giá trị chứng tích văn minh Việt Nam. Việc bảo tồn những chứng tích đó rất hữu ích… Trọng lượng tổng cộng của khối Mộc bản khoảng 135 tấn…, để nghị cho quyết định di chuyển hay không di chuyển Mộc bản về Sài Gòn.
Tuy nhiên, việc di chuyển tài liệu Mộc bản từ Đà Lạt về Sài Gòn đã không thực hiện được do tình hình chiến sự, đường hàng không, đường bộ đều bị tắc nghẽn. Đà Lạt trong tình trạng hỗn loạn.
Sau năm 1975, Mộc bản triều Nguyễn do Sở Lưu trữ Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý. Từ năm 1976, Mộc bản được giao cho Cục Lưu trữ Nhà nước (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước).
Đến năm 1988, toàn bộ số mộc bản còn lại (khoảng hơn 32.000 bản đã mất mát, và bị đem làm củi khoảng trên 20.000 bản) được chuyển về Biệt điện Trần Lệ Xuân (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) tại số 2 Yết Kiêu – Phường 5 – Thành phố Đà Lạt.
Từ năm 1976 đến tháng 8 năm 2006, Mộc bản triều Nguyễn được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia II quản lý. Từ trước đến nay, Mộc bản triều Nguyễn luôn luôn được bảo vệ và bảo quản rất cẩn mật. Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ và các ban ngành liên quan rất quan tâm chỉ đạo thực hiện các khâu nghiệp vụ nhằm phát huy có hiệu quả giá trị của khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản Mộc bản. Mộc bản đã được in dập ra giấy dó, phân loại, chỉnh lý khoa học bản dập. Ngoài ra Mộc bản cũng đã số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng bản dập.
Để phát huy giá trị tài liệu, năm 2004, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho phép Trung tâm Lưu trữ quốc gia II biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan để giới thiệu tổng quan nội dung khối tài liệu quý hiếm này.
Từ tháng 8 năm 2006 đến nay, Mộc bản triều Nguyễn được giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV quản lý và tổ chức sử dụng. Năm 2007, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã làm hồ sơ trình UNESCO và ngày 30-7-2009, mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO chính thức đưa vào “Chương trình Ký ức thế giới“. Ðây là di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới“… Ðầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư hơn 50 tỷ đồng để nâng cấp khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (số 5 Yết Kiêu, phường 5, Ðà Lạt) và sau một năm thi công trùng tu, dịp cuối năm 2008, khu biệt điện tráng lệ này đã trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4, thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Năm 2008, được sự đồng ý của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã sửa chữa, bổ sung, biên soạn lại và tái bản cuốn sách trên dưới dạng sách điện tử để tăng cường phát huy giá trị của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.
Đối với bản gốc Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã chỉnh lý khoa học toàn bộ, với số lượng 34.619 tấm bản gỗ khắc chữ Hán – Nôm ngược. Đã xây dựng phần mềm quản lý và phục vụ khai thác bản gốc Mộc bản. Đồng thời, thường xuyên làm vệ sinh tài liệu Mộc bản, đặc biệt là đối với những tài liệu bị rêu mốc bám dày (do có thời gian dài, dưới thời chính quyền Sài Gòn bị ngâm dưới hầm ngập nước).
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch