Cái tên Việt Nam đã ghi danh trên bản đồ thế giới từ lâu. Song, mấy ai hay tên đất nước đã được hun đúc qua bao nhiêu thế hệ và từ bao giờ hai tiếng Việt Nam đã trở thành quốc hiệu.
Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra các sách chính văn, chính sử của vương triều Nguyễn. Đó là những tài liệu gốc, độc bản, có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh chân thực đời sống văn hoá xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; là khối tài liệu mà trong những năm gần đây thế giới đã biết đến nhiều và hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Trong quá trình khảo sát khối tài liệu Mộc bản, chúng tôi đã tìm thấy nhiều tài liệu có giá trị liên quan đến quốc hiệu và danh nhân của Việt Nam, từ khởi thủy cho đến thời nhà Nguyễn.
Lịch sử đã chứng minh rằng, thể chế nhà nước có thể thay đổi dẫn đến sự thay đổi về quốc hiệu và mỗi khi đất nước gặp nguy nan sẽ xuất hiện những nhân tài đứng lên gánh vác việc giang sơn. Nhưng tất cả không nằm ngoài một chân lý như câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Tìm hiểu về vấn đề này để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử dân tộc, cũng là để thấy được khát vọng cũng như ý thức tự lực, tự cường của cha ông trong quá trình dựng và giữ nước – đó là niềm tự hào chung của toàn dân tộc.
Suốt mấy ngàn năm lịch sử, đất nước ta đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời cuộc, nhưng vẫn đứng vững bên bờ Biển Đông tự hào và kiêu hãnh. Cái tên Việt Nam đã ghi danh trên bản đồ thế giới từ lâu. Song, mấy ai hay tên đất nước đã được hun đúc qua bao nhiêu thế hệ và từ bao giờ hai tiếng Việt Nam đã trở thành quốc hiệu? Trong tiến trình phát triển, đất nước ta đã có nhiều tên gọi khác nhau và được các sử quan nhà Nguyễn khắc lại trong tài liệu Mộc bản còn lưu giữ đến ngày nay.
Trong Mộc bản sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyển 1, mặt khắc 1, có nhắc đến quốc hiệu Xích Quỷ. Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là Đức Thủy tổ khai sinh mở nước của dân tộc Việt Nam. Vốn là con thứ của Đế Minh (cháu ba đời của Thần Nông) tên là Lộc Tục, được cha phong cho làm vua phương Nam, lên ngôi vào năm 2879 TCN, lấy tên gọi là Kinh Dương Vương lập ra nước Xích Quỷ (tên một vì sao Sắc đỏ trong số 28 vì sao sáng trên bầu trời). Vua lấy con gái của Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Tuy hiện nay các nhà nghiên cứu lịch sử còn hoài nghi về sự tồn tại của nước Xích Quỷ và liệu đây có chính xác là quốc hiệu đầu tiên của nước ta hay không? Nhưng một thực tế là ở Bắc Ninh vẫn còn lăng mộ được cho là mộ của Kinh Dương Vương và hàng ngàn năm nay cứ đến ngày giỗ 18/01 âm lịch, nhân dân xa gần lại trở về thắp hương tưởng nhớ như một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bản gốc và bản dập Mộc bản ghi chép về việc vua Kinh Dương Vương cho đặt tên nước là Xích Quỷ |
Kế tiếp là nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng. Khác với nước Xích Quỷ, Văn Lang được xem là nhà nước sơ khai và cũng là quốc hiệu đầu tiên của nước ta. Cùng với những câu chuyện trong truyền thuyết và những hiện vật khảo cổ nằm sâu trong lòng đất được xác định thuộc thời đại Hùng Vương. Ở mặt khắc 3, quyển 1, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và sách “Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập” quyển 1, mặt khắc 1 ghi chép về thời đại Hùng Vương và bộ máy nhà nước Văn Lang. Hùng Vương đời thứ nhất là con trưởng của Lạc Long Quân đi theo mẹ lên núi, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang, chia đất nước thành 15 bộ, gọi tướng văn là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ đạo. Nhà nước Văn Lang truyền được qua 18 đời, đều gọi là Vua Hùng.
Sự nghiệp của các vua Hùng được Thục Phán – An Dương Vương kế tục và đổi quốc hiệu là Âu Lạc, sách “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục” quyển 1, mặt khắc 8. Tại quyển 1, mặt khắc 2 Mộc bản sách “Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập” chép “Năm 257 TCN, An Dương Vương đổi quốc hiệu là Âu Lạc và cho đắp thành rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc ở Cổ Loa gọi là Loa thành”.
Hiện nay, có một số nhà nghiên cứu dựa theo tài liệu Sử ký của Tư Mã Thiên cho rằng thời gian tồn tại của nước Âu Lạc là từ năm 208 – 179 TCN. Nhưng, dù thời gian có sớm hơn để nước Âu Lạc tồn tại 50 năm hay muộn hơn chỉ 30 năm, thì đối với dân tộc Việt Nam vua An Dương Vương cũng có công trong việc đánh tan quân xâm lược nhà Tần, cho đắp thành Cổ Loa theo dấu chân Rùa vàng với kiến trúc độc đáo hình xoắn ốc (di chỉ Cổ Loa vẫn hiện hữu, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Đông Bắc). Đặc biệt, chế ra một loại nỏ bắn rất hiệu quả có tên“Linh quang kim trảo thần nỏ” và đi vào truyền thuyết với tên gọi “nỏ thần”.
Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc tuy chỉ là tự xưng, còn rất sơ khai và có nhiều yếu tố chỉ dựa trên tưởng tượng mà hợp thành truyền thuyết nhưng ngay trong đó đã thể hiện ý thức tự lực, tự cường chống lại ngoại xâm, ghi dấu những khát khao của cha ông trong thuở đầu dựng nước.
Sau khi An Dương Vương thất bại trước cuộc xâm lược của Triệu Đà, nước ta rơi vào tay phong kiến phương Bắc. Hơn1000 năm Bắc thuộc nhưng các triều đại phong kiến Trung Hoa không thể đồng hoá được dân tộc ta, đã có nhiều cuộckhởi nghĩa như phong trào của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đặc biệt năm 542 lịch sử dân tộc bước sang một trang mới vớisự kiện Lý Bôn còn gọi là Lý Bí lãnh đạo quân Giao Châu đánh bại Thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương. Mùa xuân năm 544, ông lên ngôi xưng là Nam Việt Đế, đổi quốc hiệu mới là Vạn Xuân, định đô ở cửa sông Tô Lịch. Một nhà nước độc lập hiên ngang sánh vai với triều đình phương Bắc, khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt ở phương Nam. Hai chữ Vạn Xuân đã bộc lộ khát vọng về nền độc lập bền vững muôn đời ấy. Mộc bản chép: “Lý Bôn là người có danh vọng, có tài văn lẫn võ. Năm 544, Lý Bôn khởi binh chống nhà Lương, được các bậc hào kiệt hưởng ứng. Vua tự xưng là Nam Việt Đế, vua đặt tên nước là Vạn Xuân, với ý mong cho xã tắc lâu dài đến muôn đời”.
Quốc hiệu chính thức tiếp theo của đất nước ta là Đại Cồ Việt. Theo sách “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”, quyển 1, mặt khắc 1 và sách “Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập”, quyển 1, mặt khắc 19 chép về thân thế, sự nghiệp trị vì của Đinh Tiên Hoàng đế và đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt. Ngài vốn tên là Đinh Bộ Lĩnh, con của nha tướng Đinh Công Trứ (nha tướng của Dương Đình Nghệ), người ở động Hoa Lư (Ninh Bình). Từ nhỏ đã có chí khác thường, có khả năng chỉ huy được tôn làm vua nhỏ, thường lấy bông lau làm cờ bầy trận giả. Lớn lên tập hợp nhân dân gây dựng cơ đồ,đánh Nam dẹp Bắc, dẹp được loạn 12 sứ quân đưa giang sơn thu về một mối, lên ngôi xưng là Vạn Thắng Minh Hoàng Đế vào năm 968.
Ngày nay tại đền thờ vua Đinh ở Hoa Lư còn hai câu đối:
Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An
Ấy là sự ví sánh nước Đại Cồ Việt với nước Tống thời Khai Bảo thịnh trị, kinh đô Hoa Lư với kinh đô Trường An của nhà Hán. Quốc hiệu Đại Cồ Việt tồn tại 86 năm qua các thời nhà Đinh, Tiền Lê và đầu thời nhà Lý đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình phát triển của lịch sử đân tộc.
Năm 1054, vua Lý Thánh Tông đổi tên nước thành Đại Việt với mục đích lập danh ngang với nước thiên triều là Đại Tống (sách “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”, quyển 3, mặt khắc 20). Hoài bão ấy được củng cố với chiến thắng tại phòng tuyến sông Như Nguyệt và bản tuyên ngôn độc lập bất hủ khẳng định chủ quyền của dân tộc:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
Đến năm 1077, dưới thời vua Lý Anh Tông, Đại Việt trở thành danh xưng chính thức của nước ta đối với các tiểu quốc lân bang như Chiêm Thành, Chân Lạp…Sau 215 năm tồn tại, cơ ngơi nhà Lý rơi vào tay nhà Trần qua một cuộc chuyển giao quyền lực “êm ả”. Nhà Trần trị vì đất nước vẫn giữ quốc hiệu Đại Việt, với hào khí “Đông A” trên dưới một lòng, vua tôi hòa mục đã chặn đứng vó ngựa trường chinh của đế quốc Nguyên – Mông, khiến cho hai chữ Đại Việt trở thành niềm tự hào chung của toàn dân tộc.
Năm 1400, nhà Hồ thay nhà Trần, Hồ Quý Ly lên ngôi lên ngôi đặt quốc hiệu là Đại Ngu, định đô ở Thanh Hóa (theo sách “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”, quyển 11, mặt khắc 36). Giải thích một cách đơn giản chữ “Ngu” có nghĩa là yên vui. Cùng với sự suy vong của nhà Hồ, quốc hiệu Đại Ngu đã tồn tại trong lịch sử dân tộc 7 năm.
Năm 1428, sau khi đánh bại quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi ở điện Kính Thiên, vua đặt niên hiệu là Thuận Thiên và lấy lại quốc hiệu cũ là Đại Việt. Sách “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”, quyển 13, mặt khắc 1, chép: “Vua là người tuấn tú, tiếng nói như tiếng chuông lớn, đi như rồng, bước như hổ…”
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long lập ra nhà Nguyễn. Sau đó Vua cử Chánh sứ Lê Quang Định sang nhà Thanh xin phong vương và đổi tên nước thành Nam Việt, nhưng nhà Thanh sợ trùng với nước của Triệu Đà nên đổi lại thành Việt Nam.
|
Mộc bản và bản dập sách “Đại Nam thực lục” ghi chép về việc vua Gia Long đổi quốc hiệu Việt Nam năm 1804 |
Đến năm 1804, vua Gia Long xuống chiếu chính thức cho đổi quốc hiệu là Việt Nam. Vua ban chiếu: “Ðế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm, nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam, đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”. Lại hạ chiếu báo các nước Xiêm La, Lữ Tống và các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng, khiến đều biết cả (theo Mộc bản sách “Đại Nam thực lục”, quyển 23, mặt khắc 12, 13)
Có thể nói, dưới triều Nguyễn Việt Nam được coi là quốc hiệu của nước ta, dù trong quá trình tồn tại vua Minh Mạngcó đổi thành Đại Nam vào năm 1838.
Qua hàng ngàn năm lịch sử, đất nước ta từng có nhiều tên gọi như: Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc thời An Dương Vương, Vạn Xuân thời Tiền Lý, Đại Cồ Việt thời Đinh – Tiền Lê, Đại Việt thời Lý – Trần – Lê, Đại Ngu thời nhà Hồ, và sự ra đời của quốc hiệu Việt Nam thời nhà Nguyễn là một dấu mốc lịch sử quan trọng, để rồi từ đó hai tiếng Việt Nam đã trở thành tên gọi quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt của mỗi người dân đất Việt hôm nay.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu tới độc giả Danh nhân Việt Nam tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.
Trần Minh – Mai Duyên (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Nguồn: archives.gov.vn
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch